Dù không được mừng Xuân theo kiểu Việt Nam với khí hậu ấm áp (hay mát mẻ) người Việt ở New Jersey vẫn ăn Tết. Tết Việt ở New Jersey có không khí đặc biệt với màn trình diễn văn nghệ. Giới thiệu bằng hai thứ tiếng Việt và Mỹ vì có người Mỹ tham dự. Trẻ em lên làm MC, và hát, giọng có pha cách phát âm của người ngoại quốc. Thức ăn bán cho người đến xem nhạc có bánh chưng, thịt kho, cải chua, bánh mì, bánh cuốn,… . Không đốt pháo thiệt được thì đốt pháo điện, đèn chớp chớp, nổ xẹt xẹt, tưởng tượng những cái tết năm xưa, ở Sài Gòn pháo treo từ tầng hai tầng ba xuống tới đất. Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa. Đón xuân Bính Thân tưởng niệm Tết Mậu Thân, người Việt tha hương luôn luôn bước giữa hai dòng nước, hiện tại và quá khứ.
Tuy không có phương du xuân thảo địa, và ăn tết khi trăng đã tuổi 13 của Nguyên Sa chứ chưa được như trăng rằm của Nguyễn Nhược Pháp khi nàng thiếu nữ vấn đầu soi gương theo thầy mẹ đi chùa Hương; Người New Jersey may mắn được trời cho khí hậu ấm áp lên đến 62 độ F, trong khi bữa trước còn lạnh lẽo chưa đến 40.
Ảnh từ trên xuống dưới từ trái qua phải, sân khấu với câu cộng đồng người Việt tự do, Hoa Hậu (Việt) của New Jersey (tên Julia Nguyễn) đội vương miện, mở đầu chương trình bằng những câu giới thiệu bằng tiếng Việt (dĩ nhiên rồi nhưng xin hiểu đây là một cố gắng rất đáng yêu). Sau đó là các bài hát mừng xuân, múa lân, múa nón múa quạt, múa dù. Các em bé ra hát và múa là ăn tiền nhất.
Cái màn trình diễn tám cô áo đỏ quạt vàng rất được tán thưởng, bởi vì người giới thiệu chương trình cho biết những nghệ sĩ trình diễn điệu vũ này đều là những bà mẹ đã có hai hay ba con. Thế mà vẫn rất xuân sắc, nuột nà, ẻo lã, thướt tha, mềm mại, các ông đứng thành nhóm cuối hậu trường la hét cổ võ um sùm, có người thậm chí hét lên You are beautiful. We love you. Mèn ơi, chắc mấy ông này là chồng hay người yêu của mấy cô này. 🙂
Có cả một màn trình diễn võ thuật đấu võ thật là đẹp mắt (thấy giống người Việt chẳng biết có phải Việt không). Bài hát Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy do ba thế hệ bà, mẹ, và em bé trình diễn rất cảm động. Rất tiếc tôi không chụp được ảnh. Tôi ngồi xa, mãi ở phía sau, lại mắc cỡ mỗi khi đứng dậy đi lên gần khán đài để chụp ảnh.
Nhớ hồi bốn năm trước đi xem văn nghệ Tết, gặp hai vợ chồng nhà văn Trần Hoài Thư, chị vẫn khỏe mạnh. Năm nay vắng vẻ hơn nhiều so với những năm trước. Văn nghệ nghiệp dư nhưng đây là một cố gắng thật lớn lao của người Việt. Tập dượt cả mấy tháng trời, biết bao nhiêu việc không tên nếu không có những người không tên giúp chắc là khó hoàn thành, và biết bao nhiêu tiền của đổ vào trong quần là áo lượt. Tôi tự hỏi khi lớp già chúng tôi chết hết rồi thì Tết của người Việt ở hải ngoại có còn tiếp tục không? Có lẽ sẽ còn, tôi hy vọng thế.
Tôi và ông Tám vào cửa thì nghe một người trong ban Tổ Chức nói, người già không thu tiền vé. Xin mời hai bác vào và người ta đưa cho hai cái vé. Ông chồng tôi tự nhiên để râu dài cả hai ba phân, bạc trắng. Tôi thì cũng bạc đầu (và may quá) không có râu. Thế là được lên hàng senior. Dù không phải tốn tiền xem văn nghệ tôi cảm thấy hơi buồn vì già trước tuổi. Giá mà người ta cứ bắt phải trả tiền chắc là vui hơn. 🙂
You must be logged in to post a comment.