Hôm trước tôi tự hỏi thơ là gì. Trả lời câu hỏi này chắc phải viết như một thứ “chuyện dài còn tiếp.” Có người bạn hỏi, nói về thơ bằng Anh ngữ, làm sao để nhận ra đó là một bài thơ, và khi đọc thơ có thấy cảm xúc, cảm động như đọc thơ Việt không.
Thơ Anh ngữ cũng như thơ Việt, có nhiều loại, thơ có vần và thơ tự do. Tôi lập lại là tôi không chuyên về thơ, (cũng chẳng chuyên về cái gì cả, ngoài tám chuyện bâng quơ), chưa hề làm thơ, hễ thắc mắc cái gì đó không ai giải thích cho thì tự tìm hiểu qua sách vở. Người thắc mắc thơ là gì, như tôi, thì chưa hề làm thơ. Người làm thơ mấy chục năm, in ra cả chục tác phẩm thơ thì chẳng bao giờ cần phải thắc mắc thơ là gì.
Hôm trước tôi xem phim “Anonymous.” Cuốn phim này chất vấn liệu có phải Shakespeare là tác giả của 37 vở kịch thơ và 154 bài sonnets như người ta vẫn tin tưởng từ trước đến nay hay không. Lý do người ta nghi ngờ Shakespeare là vì người ta không tìm thấy dấu tích, bản thảo có chữ viết của Shakespeare cũng như hồ sơ ghi lại mức độ học vấn của ông. Các tác giả đồng thời với ông đều có nhiều hồ sơ để lại. Cuốn phim đưa ra giả thuyết là có một vị Bá tước (Earl of Oxford) là người thật sự viết những vở kịch này. Sở dĩ Bá tước phải mượn tên của Shakespeare là vì thời bấy giờ quan chức của triều đình không được hạ mình làm việc kiếm tiền lãnh lương như dân chúng. Thêm vào đó, các vở kịch này gói ghém nhiều điều không tốt về nhà cầm quyền nên họ sợ bị tổn hại thanh danh cũng như tính mạng. Khi vị Bá tước Oxford đưa quyển thơ Romeo và Juliet cho đoàn kịch của Shakespeare trình diễn, ông nhấn mạnh với người đại diện cho ông là toàn vở kịch thơ được viết theo thể “iambic pentameter.” Nói cho đơn giản “iambic pentameter” là một thể thơ mỗi câu có năm nhịp. Mỗi nhịp luân phiên có một âm đơn, theo sau là âm kép có dấu nhấn ở một trong hai âm. Như đã nói ở phần trên, Shakespeare có 154 bài sonnets. Sonnet là một bài thơ có mười bốn câu, mỗi câu có mười chữ. Ngoài ra thơ Anh ngữ còn có một số thể loại khác như haiku (mượn từ thơ Nhật) . Tôi hỏi google có bao nhiêu loại thơ Anh ngữ. Câu trả lời là có hơn năm mươi loại thơ, kể cả thơ tự do.
Bạn hỏi, thơ Anh ngữ có gợi cảm xúc ở người đọc hay không, thì điều đó tùy người đọc. Người thích đọc thơ và giàu tình cảm sẽ cảm thấy rung động ở một số bài thơ. Tôi đọc bài thơ Dog’s Death của John Updike lần nào cũng chảy nước mắt. Bài thơ nói về một con chó, chẳng biết bị đạp hay xe tông, bị nội thương mà chủ không biết. Chủ dạy con chó đi tiểu lên tờ giấy, mỗi lần như vậy là được khen, giỏi. Khi con chó bỏ ăn nằm liệt, chủ tưởng là nó đau vì chích ngừa. Đến chừng sau khi nó chết mới biết nó bị dập gan. Trên đường đi đến sở thú y, trong cơn đau đớn tột cùng nó cắn bàn tay chủ rồi chết. Chủ về nhà mường tượng ra bóng hình con chó, tờ báo cho chó đi tiểu vẫn còn đó. Khi chủ chơi đùa với chó thì máu của chó chảy ra ngập dưới da. Tôi không chắc mấy ông bợm nhậu thịt chó đọc bài thơ này sẽ thấy cảm động. Vì vậy kết luận thơ Anh ngữ đọc có cảm động hay không thì xin trả lời là tùy bài và tùy người đọc.
Làm thế nào để nhận ra đó là một bài thơ, thì đa số thơ Anh ngữ cũng có vần. Thí dụ như đoạn ca từ trích trong bản nhạc Treaty của ông Leonard Cohen, như sau:
I heard the snake was baffled by his skin sin
He shed his scales to find the snake within
But born again is born without a skin
The poison enters into everything
Tôi nghe kể rằng con rắn thắc mắc về bộ da tội lỗi của nó
Nó lột da để tìm ra con rắn ở dưới bộ da
Nó được tái sinh thành một con rắn mới không có lớp da
Chất độc (của chính con rắn, phải không?) ngấm vào khắp nơi trong thân của nó.
Bạn để ý những chữ cuối câu có vần “in.” Tôi nhờ vần điệu mà nhận ra đó là bài thơ. Tôi thích bài thơ này, vì tuy đơn giản nhưng nó có nghĩa sâu xa nhờ dùng ẩn dụ của tôn giáo.
Nếu không có vần điệu thì tôi “đoán” đó là bài thơ tự do. Nói thì nói vậy, đọc quen có kinh nghiệm thì có thể nhận ra một bài thơ dù không vần. Tôi kèm theo bài thơ “Dog’s Death” để bạn nào có thì giờ thì đọc thêm. Bài thơ làm tôi cảm động bởi vì tôi rất nhạy cảm với thơ dù cả đời chưa làm được bài thơ nào.
Dog’s Death – John Updike
She must have been kicked unseen or brushed by a car.
Too young to know much, she was beginning to learn
To use the newspapers spread on the kitchen floor
And to win, wetting there, the words, “Good dog! Good dog!”
We thought her shy malaise was a shot reaction.
The autopsy disclosed a rupture in her liver.
As we teased her with play, blood was filling her skin
And her heart was learning to lie down forever.
Monday morning, as the children were noisily fed
And sent to school, she crawled beneath the youngest’s bed.
We found her twisted and limp but still alive.
In the car to the vet’s, on my lap, she tried
To bite my hand and died. I stroked her warm fur
And my wife called in a voice imperious with tears.
Though surrounded by love that would have upheld her,
Nevertheless she sank and, stiffening, disappeared.
Back home, we found that in the night her frame,
Drawing near to dissolution, had endured the shame
Of diarrhoea and had dragged across the floor
To a newspaper carelessly left there. Good dog.
Và sau đây là phần comment của em Đậu Hủ. Thấy hay quá, nên tôi mang lên đây để dành.
Nói làm thơ Anh ngữ thì đúng cái em đang học rồi, mà học mới thấy khác thơ văn phương Đông mình lắm.
Em bắt đầu học lớp Poetry trước khi bắt đầu viết thơ tiếng Anh, và càng học thì càng thấy có quá nhiều loại và quá nhiều dạng thơ, quá nhiều cách tính vần true rhyme, half rhymes, bởi vì khác với tiếng Việt, cách phát âm tiếng Anh đa dạng nên tìm vần cũng khó khăn, hầu hết đều chỉ là nửa vần, hoặc vần na ná. Bên này học thơ người ta khuyến khích tự mình đọc diễn cảm, nhìn vào gương đọc hay đọc cho cả lớp cũng được, người viết phải tự đọc người nghe mới biết nhấn ở đâu, ngắt nghỉ thế nào, hàm nghĩa ra làm sao. Nói chung rất khác ở Việt Nam. Mà ở VN thì cũng không có lớp dạy bài bản làm thơ, không có chỉ dẫn về bằng trắc lên xuống, cái này thì em hi vọng là tương lai sẽ có thêm 🙂
Thơ tự do cũng có quy luật của nó, như sonnet quy luật là iambic pentameter (thi thoảng là tetrameter) và vần cuối dòng xen kẽ, hai dòng cuối vần cho nhau hay villanelle mười chín dòng, chỉ vần hai âm và lặp câu nhưng yêu cầu mỗi lần lặp đều phải mang một nghĩa khác. Quy luật thơ tự do nằm ở ngắt nghỉ, xuống dòng, rồi còn có thể loại visual poetry, tức thơ tự do dùng cách cắt câu và sắp xếp các dòng tạo thành hình miêu tả hay tạo một cái hiệu ứng nào đó lên người đọc, rồi còn cả prose poetry, về cơ bản thì chỉ là một đoạn văn xuôi, nhưng dùng hình ảnh ẩn dụ để người ta đọc vào là biết đó là thơ.
Có lần em dịch một đoạn thơ prose poetry, nhưng không nhận ra đó là thơ mà dịch luôn thành văn xuôi nữa cơ 🙂