Hiện tượng văn chương nữ giới miền Nam (trước 1975)

TQBT61 bìa trước TQBT61 bìa sau

Xin giới thiệu với các bạn quyển Thư Quán Bản Thảo số 61 tháng 10 năm 2014. Quyển tạp chí văn học dày hơn ba trăm trang, với nội dung rất phong phú và đặc biệt. Phong phú ở chỗ nó bao gồm những tài liệu mà ngày nay không còn thấy ở thị trường sách vở. Đặc biệt ở chỗ nó chú trọng về sự xuất hiện như một hiện tượng của các nhà văn nữ nổi tiếng ở VN trước năm 75. Phong phú còn ở chỗ không chỉ chú trọng đến các nhà văn nữ đã nổi tiếng mà còn nhắc nhở đến một vì sao đơn lẻ chưa tỏa sáng. Đặc biệt ở chỗ bên cạnh các nhà văn đã và đang nổi tiếng còn có những cây bút mới, bên cạnh những người viết ngày xưa trong bối cảnh thuần túy Việt Nam là những người viết dùng bối cảnh nước ngoài với những nhân vật có tên trúc trắc của người xứ khác. Continue reading Hiện tượng văn chương nữ giới miền Nam (trước 1975)

Sách mới nhận được

Xin giới thiệu ba quyển sách tôi mới nhận được.

Tân Văn 80

Tưởng Niệm Phùng Thăng

Đọc Nhịp Thở của Luân Hoán

Bìa in đẹp, bạn thấy rồi. Nội dung rất tuyệt. Tân Văn 80 có rất nhiều bài vở độc đáo. Thư chủ bút rất tình cảm. Biên khảo có bài Nguyễn Phi Khanh của Lý Anh thật hấp dẫn, Mối tình của Rousseau ở Chambéry của Võ Quang Yến. Tình yêu của nữ văn sĩ Pháp George Sand của Vương Trung Hiếu. Truyện ngắn có Nhan Sắc của Nguyễn thị Thảo An, Vườn Xưa của Mặc Bích, còn nhiều bài rất hay. Cám ơn Tân Văn.

Quyển Thư Quán Bản Thảo số Tưởng Niệm Phùng Thăng nhìn sơ qua thấy rất phong phú, dày công sưu tập, và có nhiều người viết nổi danh cộng tác. Xin kể các bạn nghe sau khi đọc xong. Thành thật cảm ơn nhà văn Trần Hoài Thư.

Quyển Đọc Nhịp Thở Luân Hoán bao gồm 47 tác giả (16 nữ, 31 nam) viết về tác phẩm và tác giả Luân Hoán. Nhà thơ này tôi đã có hân hạnh giới thiệu tác phẩm Thanh Thi của ông. Chỉ nhìn danh sách 47 tác giả cũng đoán được sự hào hứng của người được đọc 47 bài phê bình văn học. Xin hứa sẽ kể bạn nghe sau khi đọc xong. Cám ơn nhà thơ Luân Hoán.

Blog và Tôi – p. 2

Blog và Tôi – Nguyễn thị Hải Hà

Bài đã đăng ở Thư Quán Bản Thảo số 57. Bạn đọc có thể đọc toàn tạp chí TQBT 57 pdf ở blog Phay Văn và Gió O.

Năm 2009 Hoàng Anh, bạn học thời Trung học với tôi mở blog trên yahoo. Để đọc blog và xem ảnh trên yahoo tôi cũng mở blog yahoo. Cùng bị rủ rê với tôi có “ông già hưu trí” và một người bạn học khác lấy tên Hoalan. Anh bạn này ghép tên của bà xã với tên anh và từ đó tôi bắt đầu viết blog bằng tiếng Việt. Ông già hưu trí trong một dịp về thăm Việt Nam và quen với Hoàng Anh. Khi trở lại Pháp Hoàng Anh ông vẫn giữ liên lạc bằng thư từ. Lúc ấy tôi không biết, ông già hưu trí đã viết rất nhiều, đã có sách xuất bản, và có cả một trang riêng đăng truyện của ông. Còn tôi chỉ viết blog lèng èng.

Ở yahoo blog tôi viết bằng tiếng Việt. Từ lúc bắt đầu viết tiếng Việt, tôi không còn thích viết tiếng Anh nữa. Dù tôi tiến bộ rất nhiều trong việc viết tiếng Anh nhưng tôi e rằng người ta đọc tôi viết tiếng Anh sẽ thấy những ngượng nghịu vấp váp như ông Mỹ viết tiếng Việt. Và sự thật, tôi chỉ có thể bày tỏ ý nghĩ của mình một cách tự tin bằng tiếng Việt. Tôi không thể viết bằng ngôn ngữ khác khi tôi cứ tự “second guess” chính mình. Viết tiếng Việt được vài năm, khả năng viết tiếng Việt của tôi không biết có tăng hay không nhưng khả năng viết tiếng Anh của tôi suy giảm hơn phân nửa.

Hoàng Anh mở blog đăng vài tấm hình của nàng rồi bỏ blog. Hoalan viết được vài blog cũng bỏ. Yahoo blog đóng cửa, chuyển sang yahoo 360 plus, lại đóng cửa. Ông già hưu trí cũng bỏ blog chỉ có một mình tôi là bị mắc lưỡi câu. Tôi chọn WordPress vì chẳng có ai quen ngoại trừ ông Trần Hoài Thư mà ông cũng không phải là người năng hoạt động trên blog. Tôi muốn giữ được sự vô danh vì khi mình mang một thứ persona rồi sẽ khó mà bộc lộ tư tưởng một cách tự do. Thật cũng lạ khi một mặt tôi cần sự vô danh còn một mặt tôi lại muốn tham gia cộng đồng văn học. Có cách nào để mình giữ được cái vô danh mà vẫn được nhiều người đọc mình và được giới văn học biết đến và chấp nhận mình?

Nếu hỏi tôi rằng tại sao tôi viết blog. Trước khi bàn chuyện viết tôi muốn nói sơ qua chuyện đọc blog. Tôi thích đọc những blog mang tính cá nhân. Tôi thích cách viết, quan điểm, ý nghĩ riêng tư, và muốn biết đời sống cũng như cách sống của người viết blog. Tôi lang thang dạo blog đọc rất nhiều blog vô danh hễ thấy hợp ý là tôi thêm vào reader để tiếp tục đọc. Tôi thích đọc blog của những người rất trẻ vì họ viết rất tự nhiên và tôi nhận ra nhiều sự thật của xã hội. Và hấp dẫn tôi nhất vẫn là những ý nghĩ chân thật, chân thật đến trần trụi. Tôi luôn luôn tự hỏi người đang ở trước mặt tôi, trên xe lửa, trong chợ, ngoài công viên, nghĩ gì ngay trong cái giây phút chớp nhoáng ấy? Blog, nhất là những blog rất ngắn có thể cho người ta cái ánh lóe của tư tưởng một giây phút nhất thời.

Ngày còn trẻ tôi có người bạn. Tường cận thị nặng, qua cặp mắt kính dày, đôi mắt của anh như lồi ra. Anh có bệnh tâm lý hay não bộ thần kinh gì đó mà tay anh luôn run rẩy và rịn mồ hôi, thỉnh thoảng anh cứ rút khăn tay ra lau tay. Tôi thường hay hỏi Tường, anh nghĩ gì, để phá vỡ sự im lặng. Anh luôn luôn trả lời, không nghĩ gì cả. Anh bảo là trong đầu của anh luôn luôn là khoảng trống.

Tại sao lại có thể như thế được nhỉ? Trong đầu tôi luôn luôn là trăm ngàn ý nghĩ, chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện vui chuyện buồn, chuyện năm xưa chuyện hôm qua, chuyện hôm nay và những dự tính ngày mai. Làm thế nào để người ta không nghĩ gì hết?

Lang quân của tôi có lần hỏi tôi khi người ta ngồi Thiền thì người ta nghĩ gì? Tôi nhớ một quyển sách về Thiền của một anh người Hòa Lan sang Nhật tu trong Thiền viện ba năm để học Thiền bảo rằng người ta tập không suy nghĩ gì cả trong lúc ngồi Thiền. Bước đầu để đạt đến chỗ không suy nghĩ gì cả người ta tập trung tư tưởng vào Công án Thiền. Đạt đến mức không suy nghĩ gì cả chắc khó hơn là nói cho hết ý nghĩ luôn luôn quay cuồng trong đầu của một người bình thường như tôi.

Tôi thích nói về những ý nghĩ bâng quơ của tôi, những chuyện thượng vàng hạ cám mình nói mình nghe, niềm vui, nỗi buồn, lo âu trong cuộc sống, nói lén sếp, nói cho hả cơn giận chồng, than thở chuyện con. Tôi thích ghi chép lại những giấc mơ chẳng biết để làm gì. Tôi thích những tấm ảnh tôi chụp lại cuộc sống ở quanh tôi. Một cách để tôi nhắc nhở mình hạnh phúc của mình là mình có tay chân mắt mũi đầu óc vẫn còn dùng được.

Sáng nay 29 tháng Bảy năm 2013 tôi đọc được những giòng này của Diệu An: “Thỉnh thoảng mình muốn viết một lá thư tay kể lể những chuyện anh ơi anh à, hôm nay trời mưa to lắm, em đứng trú dưới một tán cây, đinh ninh rằng làm sao mà ướt được cho đến khi em chợt nhớ ra rằng trong trăm cái dại, cái dại trời mưa mà trú gốc cây là cái dại đáng cho chết. Em bèn chui xuống núp dưới cái cầu tuột trẻ con thì cái cầu tuột ấy nó đục lủng lổ chổ, bao nhiêu nước mưa và cát nó ào lên đầu em hết. Rồi thì em chợt nhận ra đôi dép của em, em để quên nó ngay giữa đường, tới lúc nhận ra thì nó đã chèm nhẹp rồi.” Tôi thấy những đoạn văn như thế rất đáng yêu, hồn nhiên, và rất thật. Tôi không thể nào viết được như thế. Khi đã qua tuổi yêu người ta không thể viết hay về tình yêu, cũng như qua khỏi tuổi đam mê tình dục người ta khó mà viết hay về tình dục.

Ngày 25 tháng Năm 2013, tôi đi lạc vào nhà của Khoa, đọc được đoạn văn này: “Chuyện là vậy đó. Trong truyện, tôi còn viết cả một bài hát. Tôi hát cho 5 người nghe. Đứa nào cũng bảo lời thì hay, mà điệu thì ngang phè phè. Tôi đã cố sửa, mà vẫn không sao hay hơn được. Thôi thì cứ để đấy, tối buồn buồn đánh đàn như đánh cái bàn và hát cho dân tôi nghe. Dân tôi thì cũng nhân đây giới thiệu với các bạn. Có tất cả là ba thằng. Một thằng mặt ngu, một thằng chém gió và một thằng im lặng. Thằng mặt ngu thì ngu nhất, cái gì cũng hỏi. Thằng chém gió thì biết thì ít mà nói phét thì nhiều. Thằng im lặng thì biết tuốt, mà ít nói lắm. Lâu lâu thấy hai thằng kia ngu quá mới chịu nhảy ra phát biểu. Ba thằng này tạo thành con người tôi.” Cậu quan sát bản thân cậu tinh tế quá chắc cậu phải là nhà văn, hay ít nhất là có ước muốn trở thành nhà văn.

Đó là hai thí dụ vì sao tôi thích đọc blog. Tôi còn nhiều thí dụ nữa nhưng nhớ đâu nhắc đấy. Luôn luôn tôi định bụng lúc nào có thì giờ sẽ viết một bài về những đặc tính của từng blog tôi vào đọc thường xuyên.

Tôi vẫn nghĩ, phải có khuynh hướng thích viết, thèm viết, có cái gì đó thôi thúc cần phải viết người ta mới viết. Nhất là viết mà có rất ít người đọc và những người đọc thường chỉ là bạn bè chứ không phải là người trong giới văn học.

Blog cho người ta cái phương tiện được tự do tự xuất bản, không phải chờ được xác nhận bài có đáng đăng lên báo hay không? Người ta có thể tự do nói ý nghĩ thật của mình mà không sợ trả thù. Nghĩ thế nhưng thật ra tôi vẫn không thoát được những biên giới tư tưởng của chính tôi. Tôi không thể viết những gì vượt ra khỏi những phong tục luân lý đã vạch sẵn cho phụ nữ. Tôi vẫn ước được viết một cái gì đó thật nổi loạn, thật khùng điên, thật bạo nhưng tôi không dám. Tôi muốn viết chuyện hoang đường, hoang tưởng, để vượt ra khỏi sự giới hạn của chính bản thân tôi, khác hẳn con người thật ngày đi làm tối về nhà nấu cơm rửa chén, nhưng vẫn sợ; sợ bị hiểu lầm, chê trách và ảnh hưởng đến gia đình, làm xấu hổ chồng con. Tóm lại tôi vẫn không thể là người viết tự do như tôi muốn.

Nếu một ngày nào đó không có blog nữa thì sao? Tôi không biết. Có thể tôi vẫn sống nhưng đầy thiếu thốn về tinh thần. Tôi có nghiện blog không? Nghiện quá đi chứ, nghiện trầm trọng không chắc thuốc nào chữa được.

Hồi Tết năm nay, tháng Hai năm 2013, gia đình tôi đi Texas ăn Tết. Tôi được xếp ngủ chung với cô em chồng. Năm giờ sáng, ở NJ là giờ tôi đọc và viết blog. Năm giờ ở New Jersey là bốn giờ ở Texas. Tôi rón rén thức dậy, ngồi trên nền nhà mở computer trong bóng tối, vì sợ đánh thức cô em chồng. Sợ bị quở là làm gì mà mê computer đến như vậy. Ừ thì tôi mê tôi nghiện nhưng có làm hại ai đâu ngoại trừ hại cho bản thân tôi. Ngồi mãi nên bụng đã béo phệ ra, người trở nên bệu bã. Tôi chỉ có một giờ buổi sáng và một giờ buổi tối. Buổi sáng đầu óc còn khỏe khoắn tỉnh táo tôi viết thật nhanh một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Buổi tối về nếu không mệt thì sửa chữa lỗi chính tả. Thỉnh thoảng có được vài comment của độc giả đi lạc. Sau vài năm, hơn một ngàn bài trên blog (từ năm 2009 đến nay) nhìn lại toàn là đầu thừa đuôi thẹo những mảnh vụn của tư tưởng không đáng gọi là văn chương. Thế nhưng từ khi viết blog tôi tập quan sát mình, nhìn ngắm cây cỏ thiên nhiên, chú ý đến niềm vui nỗi buồn của người trên mạng. Bạn có nhớ một năm về trước bạn làm gì, nghĩ gì, yêu ai, ghét ai, nhìn thấy gì, ăn món gì hay không? Nếu bạn bắt đầu viết blog hôm nay thì có thể năm sau hay mười năm sau bạn có cơ hội nhìn lại cái nhìn của bạn, xét lại tư tưởng, quan điểm của bạn. Qua blog tôi có dịp trao đổi ý nghĩ với những người tôi chưa bao giờ gặp nhưng quí mến như bạn lâu năm. Nếu họ từ chối họ không là nhà văn thì với tôi họ đều là người viết. Tất cả đều là writer.

Blog và tôi – p.1

Blog và Tôi – Nguyễn thị Hải Hà

Bài đã đăng ở Thư Quán Bản Thảo số 57. Bạn đọc có thể đọc toàn tạp chí TQBT 57 pdf ở blog Phay Văn và Gió O.

@  @ @

Năm 2004, Ách Cơ con gái đầu lòng của tôi đang học lớp 9. Trường của Ách Cơ khuyến khích học sinh luyện cách viết bằng cách mở một blog và viết bất cứ cái gì học sinh muốn. Ách Cơ bị xung đột gay gắt giữa cách nuôi dạy của bố mẹ Việt, nghiêm khắc và gò bó, và môi trường văn hóa Hoa Kỳ nghiêng về sự phát triển cá nhân đòi hỏi nhiều tự do đã có chiều hướng nổi loạn. Cô nàng muốn được như bạn bè muốn có “boyfriend,” được đi “mall,” được “go out” và những chuyện tương tự.

Với người Mỹ, ở tuổi ấy các cô các cậu tổ chức “group date” gặp nhau đi xem phim rồi đi ăn pizza hay hamburger là chuyện bình thường. Một vài cô cậu đặc biệt hơn thì đi chơi riêng gọi nhau là boyfriend girlfriend. Tôi thấy Ách Cơ thường hay “chat” trên mạng và sau khi tìm hiểu gạ gẫm tôi khám phá ra blog của Ách Cơ. Blog, ban đầu là một thứ nhật ký mở trên mạng, nhưng Ách Cơ và một số bạn dùng blog để viết Fan Fiction. Lúc ấy truyện Harry Potter rất nổi tiếng và học sinh dựa vào truyện này để khai triển thêm. Một hôm sau khi bị phạt nặng Ách Cơ viết trên blog mấy chục chữ FUCK in đậm, màu đỏ để bày tỏ cơn giận dữ. Tôi lo ngại nên theo dõi cô nàng, xem đám bạn của Ách Cơ là ai, viết gì. Tôi khám phá nhiều điều về những “bi kịch thời đại” trong cái xã hội Trung học Hoa Kỳ. Tôi tập tễnh hiểu tâm trạng của con tôi, vì sao nó luôn giận dữ, phản kháng. Tôi hiểu nhưng vì tư tưởng tôi đóng cứng trong nền văn hóa Việt Nam, chính tôi cũng phải tự đương đầu với những xung đột văn hóa trong tôi nên quan hệ mẹ con có nhiều cắng đắng. Dần dần tôi nhận ra blog là nơi con tôi “xả hơi trong nồi áp suất.” Tôi cũng nhận ra ai cũng cần có một khoảng cách cá nhân, một cái phòng riêng của tư tưởng, để nổi loạn hay để tự xoa dịu những nỗi đau riêng tư.

Ách Cơ thường cãi nhau Jimmy Ho, cha mẹ Jimmy gốc Đài Loan. Cậu bé này rất mê truyện anime và cậu thiết kế blog của cậu bằng những tranh ảnh, nền anime rất đẹp. Có một blog của một cô bé rất mực tôn sùng Jimmy. Với cô, Jimmy là thần tượng cô ca tụng “chàng” bằng những lời nồng cháy. Ách Cơ và đám bạn học thường thắc mắc con bé này là ai, tại sao nó có thể mê một thằng đáng ghét đến thế.

Ách Cơ quen trên mạng với một nhóm thiếu niên người Việt ở Boston. Một trong các cậu này có một cậu bé thích chơi game Fantasy và rất yêu bài hát “Suteki da ne.” Tôi bị bài hát thu hút nên để ý đến cậu bé Fantasy này. Tôi đoán cậu hiền lành, lãng mạn và ủy mị. Một hôm cậu kể rằng cậu bị bạn chọc phá trêu ghẹo, xô cậu xuống hồ tắm. Fantasy bị ướt, lạnh, lại mắc mưa trên đường về, và những trêu ghẹo hất hủi của các bạn làm cậu buồn bã, tự ghét mình. Cậu muốn tự tử. Tôi hết hồn khuyên can cậu (trên blog) và tự hỏi làm cách nào để có thể báo cho gia đình cậu biết để ngăn ngừa. Tôi mở blog để có thể can ngăn cậu bé. Tôi bảo với cậu bé tôi là người Việt và tôi quan tâm đến cậu. Tôi xin cậu đừng làm liều. Tôi bị hút vào cái bi kịch ấy nên theo dõi blog của cậu hằng ngày. Cậu chẳng đáp lời tôi. Cùng an ủi cậu có một cô bé người Việt, lớn hơn cậu hai tuổi. Cái bài sau đó cho thấy cậu ngưng ý định tự tử.

Một hôm tôi thức giấc nửa khuya không ngủ lại được. Trăng sáng quá và mùi hương kim ngân nồng nàn làm tôi nhớ bài thơ Trăng Thiếu Phụ của Quách Thoại. Đã mấy đêm trường tôi không ngủ. Nằm thao thức nhớ mảnh trăng thu. Đã biết bao lần tôi tự nhủ. Rằng cho tôi chết giữa âm u. Tôi bỗng thèm viết nhật ký. Một thứ nhật ký không cho người quen biết của mình đọc nhưng lại muốn những người không biết mình là ai biết những suy nghĩ của mình. Tôi bắt đầu viết blog.

Tôi bắt đầu làm quen với những blogger khác và tìm ra một blogring người Việt nhưng viết bằng tiếng Anh. Tôi chưa biết là trên net có những phần mềm giúp người ta viết tiếng Việt. Tôi không biết có báo, tạp chí mạng viết bằng tiếng Việt. Chỉ một năm sau tôi đã rất thông thạo về blog, biết một ít HTML codes để thiết kế blog, biết theo dấu chân những người vào blog, biết IP của họ phát xuất từ đâu. Tôi khám phá ra cô bé tôn thờ Jimmy Ho chẳng ai khác hơn là chính cậu bé. Chàng ta làm ra cái blog mang tên con gái để có thể tự tôn sùng mình. Cứ nhìn cách thiết kế là có thể đoán là cùng một chủ nhân.

Năm 2007 tôi theo dõi cuộc biểu tình phản đối chính quyền của người Miến Điện trên blog của một cô gái Miến Điện. Nhà cô ở gần nơi người ta biểu tình và qua khe cửa sổ cô nhìn thấy và viết trên blog. Lúc ấy tất cả tivi truyền thông chính thức đều bị cấm, nhà báo ngoại quốc bị bắn chết trên đường phố.

Tôi quen với blog ông Mỹ. Ông là người Mỹ, từng đi lính ở Việt Nam, có học và biết chút ít tiếng Việt. Ông thường viết blog bằng tiếng Việt trong khi tôi là người Việt nhưng blog bằng tiếng Anh. Ông trở lại Việt Nam và sau chuyến đi ông Mỹ bày tỏ cảm tình với nước Việt người Việt rồi gửi lên báo Lao Động. Báo sửa chữa và đăng bài của ông. Từ đó ông chỉ thích viết tiếng Việt. Ông bảo rằng tiếng Việt nghe hay hơn chim hót, tiếng Việt nghe hay hơn bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Ông Mỹ có hai cô con gái Amanda và Betty (tên giả) sống ở tiểu bang khác với tiểu bang ông ở. Họ biết tin tức của nhau qua blog. Tôi không đọc Amanda nhiều. Betty là một họa sĩ. Cô thích hình xâm và trên người cô xâm rất nhiều hình ảnh. Qua blog của Betty và ông Mỹ tôi biết một chuyện rất đau buồn.

Amanda có chồng và hai con. Họ sống gần bờ sông. Mùa hè, hai vợ chồng và hai đứa con được mời đi câu cá. Nước lớn, chiếc thuyền câu có thể cập bến đón bốn người đi câu. Khi về nước ròng, xuồng câu không cập bến được nên thả bốn người ở trên cồn ở giữa sông. Chồng của Amanda rất cao lớn khỏe mạnh. Amanda cũng thế. Đứa con gái lớn biết bơi nên từ cồn bơi vào mé sông bên kia không hề hấn gì. Amanda cũng tự bơi vào. Người chồng cõng cậu con trai 11 tuổi trên vai “đi” vào vì cậu bé không biết bơi. Nước ngập đầu, người bố nín thở đi vào đuối sức, kịp đẩy cậu bé vào bờ nhưng ông ta đuối sức, chìm xuống. Amanda thấy chồng chìm trở ra tìm chồng. Cô con gái lớn kéo em lên bờ, gọi cấp cứu. Amanda cũng chìm. Hai vợ chồng chết đuối trước cặp mắt của hai đứa con.

Giới thiệu sách báo

This slideshow requires JavaScript.

 

Kỷ niệm 13 năm ra đời của Thư Quán Bản Thảo với chủ đề Văn Chương Blog, qui tụ những blog được nhiều người đọc và một số blog sắp nổi tiếng như blog Chuyện Bâng Quơ của bà Tám. 🙂

Xin giới thiệu quyển thơ của Dã Quỳ, Như Hoa, Thi Hạnh, và Tiểu Thảo. Dã Quỳ là một cô bạn nhỏ tôi quen trên blog không biết cô là nhà thơ đã có nhiều tác phẩm đã xuất bản hay xuất hiện trên báo chí. Dã Quỳ bảo rằng tặng tôi để đọc chơi, cô viết trên một cái note in rất đẹp rất là nhà thơ, đừng giới thiệu gì cả làm cô mắc cở lắm. Nhưng tôi rất mến cô em nhỏ này và cả Thi Hạnh tôi cũng có dịp làm quen. Tôi nghĩ rất có thể tôi đã lạc vào blog của Tiểu Thảo và Như Hoa mà không biết.  Xin trân trọng giới thiệu những dòng thơ hồn nhiên dễ thương của các nhà thơ nữ này. Các cô có tuổi hoa thật đẹp mà thời chúng tôi không được hưởng trọn vẹn.

Tôi nhận được tặng phẩm Mùa Yêu Con của Trangđài Glassey-Trầnguyễn qua nhà văn Lê Thị Huệ chủ biên của Gió O từ lâu nhưng chưa giới thiệu. Tôi thường gặp nhà thơ Trangđài Glassey-Trầnguyễn ở hầu hết các trang mạng văn chương nổi tiếng. Cô viết rất hay và rất khỏe tôi ngưỡng mộ đã lâu. Tập thơ này là những lời hớn hở của bà mẹ có con lần đầu. Yêu con, say mê con, tất cả những cảm quan nóng hổi đều dành cho con. Tập thơ được nhiều nhà văn nổi tiếng viết giới thiệu, và nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Thơ của Trangđài đáng yêu và rất đam mê.

Tân Văn kỳ này (số 74) có nhiều bài biên khảo đặc sắc về nhà thơ Nguyễn Trãi và nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Vợ Nhà Văn

Nguyệt Mai, người cộng tác với anh Trần Hoài Thư trong việc xuất bản Thư Quán Bản Thảo, báo cho tôi biết chị Yến vợ anh Thư bị stroke phải vào bệnh viện. Cuối tuần Nguyệt Mai từ Ohio đáp máy bay đến NJ để thăm chị. Tôi đưa Nguyệt Mai đến bệnh viện JFK. Anh THT đón hai đứa tôi ở phòng tiếp khách. Bình thường trông anh đã gầy gò, bây giờ trông càng xơ xác hơn. Hai mắt anh đỏ ngầu, anh bảo anh mới vừa mổ mắt xong. Tôi ái ngại. Bây giờ mà anh ngã bệnh thì thật là khốn khổ.

Chị Yến trông nét mặt vẫn tươi tỉnh dù bên trái của chị không cử động được. Nguyệt Mai ôm chầm lấy chị mắt đỏ hoe.  Chị Yến lại là người cố gắng làm chúng tôi đừng buồn. Chị kể chúng tôi nghe về bà bệnh nhân ở giường bên cạnh. Bà láng giềng đã 84 tuổi có người yêu tuổi đã 90. Bà cụ cho biết hai người yêu nhau thắm thiết như vẫn còn ở tuổi hai mươi. Một hôm ông cụ đến thăm trễ, bà cụ khóc tồ tồ như trẻ nhỏ.

Gặp chị Yến tôi thường có cảm tưởng như gặp chị của mình. Lần nào gửi báo chị cũng cho tôi món quà nho nhỏ như bánh tráng mè chị mua được của người Việt Nam. Với chúng tôi chị vui vẻ ân cần. Với chồng, chị nhỏ nhẹ, ngọt ngào và săn sóc chồng chu đáo. Người nào mà không được vợ yêu, nhìn cách chị đối xử với với anh Thư, chắc sẽ thấy tủi thân.

Có lần, vợ chồng tôi đưa anh chị THT đi Maryland. Trên đường về chúng tôi dừng lại ở trạm nghỉ ngơi. Trời đã tối  và chị có vẻ mệt nhoài dường như chỉ muốn được nằm. Anh THT bước khập khiễng vì anh bị bệnh gout. Tôi nghe chị Yến nói với anh, giọng chị yếu ớt như muỗi kêu. “Anh vịn vai em mà đi, coi chừng bị té.”

Một lần khác, anh chị chở tôi về nhà. Chị luôn luôn nhắc nhở. “Ba Thoại cẩn thận nha, ba Thoại tối có thấy đường hông?” Chị nói giọng Nam rặc ròng, ba Thoại là ba của Thoại, tên con trai của anh chị.

Chị bị stroke, anh Thư nói về những ngày tương lai với giọng âu lo. Tiền nhà thương và thuốc men. Làm sao săn sóc chị. Có lẽ ngừng xuất bản TQBT.

Hồi anh còn trẻ, độc thân, đi lính quen với cơm hàng cháo chợ hay được mấy cậu lính dưới quyền nấu cơm cho ăn. Từ khi lập gia đình thì chị quán xuyến hết. “Thậm chí chị còn không để cho anh rửa chén vì chị chê anh rửa dơ,” theo lời kể của anh. Nghề của anh là tiếp tục cái ngẩn ngơ của người làm thơ và bỏ tiền túi ra in sách báo rồi đem tặng độc giả.

Tôi vẫn thường tự hỏi cuộc sống của vợ nhà văn ra làm sao? Anna Dostoyevskaya nghĩ gì khi Dostoyevski đánh bạc thua tất cả tài sản, kể cả quần áo và đồ trang sức của bà, khi hai vợ chồng ra khỏi nước Nga để trốn nợ? Anna là phụ tá của chồng. Ngoài việc ghi chép văn bản, gìn giữ bản thảo cho chồng, Anna còn cố vấn chồng về tâm lý nhân vật nữ trong tiểu thuyết của ông. Theo Hemingway, Zelda Fitzgerald chỉ làm trở ngại sự nghiệp văn học của F. Scott Fitzgerald. Người vợ đầu tiên của Solzenytsin đã ly dị ông khi ông trở về từ quần đảo Goulag bởi vì tù nhân như Solzenytsin không được cấp giấy phép tìm việc làm. Tuy nhiên đa số vợ của các nhà văn là những người tích cực hỗ trợ cũng như nuôi dưỡng tài năng của chồng. Hỗ trợ sự nghiệp văn học của chồng có bà Tú Xương và bà Nhất Linh một mình nuôi con để chồng làm thơ, viết văn và làm cách mạng. Nuôi dưỡng tài năng của chồng có Tabitha King, lôi tác phẩm Stephen King đã ném vào sọc rác và gửi đến các nhà xuất bản. Chị Yến lái xe đưa chồng đi đến đại học Cornell hay những vùng phụ cận ngay cả cách xa nhà hằng năm hay sáu giờ lái xe vì anh Trần Hoài Thư mắt rất yếu khó lái xe vào ban đêm. Đã đôi lần hai người gặp tai nạn vì đường tuyết đóng trơn. Hằng mấy trăm dặm ruổi dong chị luôn luôn tháp tùng chồng. Hai người đều đã về hưu, tiền bạc có giới hạn nhưng chị vẫn vui vẻ gửi những quyển truyện và tạp chí để tặng độc giả ở ngoại quốc.

Có lần tôi ranh mãnh hỏi: Anh viết truyện tình mùi như thế chị có giận không. Chị cười bảo chị không giận nhưng bạn bè của chị lại cằn nhằn tại sao chị chịu được những đoạn tác giả cắn yêu người tình bầm tím chỗ này chỗ nọ. Chị bảo chị không thích những truyện anh viết về chiến tranh máu me nhưng chị thích anh viết truyện tình. Nhiều lần chị nói chị mừng là anh có một đam mê nồng nàn như vậy để vui lúc tuổi già.

Nguyệt Mai nói anh Thư sẽ ngừng xuất bản TQBT để thì giờ chăm sóc chị. Chị bảo “Sao lại ngừng, Nguyệt Mai và Hà cố gắng giúp anh tiếp tục làm TQBT nha.”

Anh bảo: “Từ đây anh phải tập làm nhiệm vụ của bà nội trợ.”