Người ra đi kẻ ở lại

Tôi có sẵn một cuốn ca dao tựa đề Nam Trung Bộ. Ông Tám đi Việt Nam về mang theo mấy cuốn ca dao.Tôi vừa đọc xong cuốn ca dao dày nhất trong số sách ông đem về. Để quên ở chỗ làm nên không nhớ chính xác tựa đề chỉ nhớ đại khái dân ca ca dao tục ngữ của Vũ Ngọc Phan. Tôi chọn quyển dày thứ nhì và bắt đầu đọc hôm nay Ca Dao Trữ Tình Việt Nam của nhà xuất bản Văn Học.

Để ý, trong ca dao, nói riêng về tình đôi lứa, tôi thấy người đàn ông ra đi thì nhiều, đa số đàn bà (và con gái) ở lại. Ca dao thường phản ánh tâm trạng người phụ nữ ở lại nhà thương nhớ người ra đi. Tôi muốn tìm ca dao với chủ đề người đàn bà ra đi, đi tìm chồng, tìm người thương, hay là đi để chạy trốn, đi du ngoạn cũng được, miễn là người đi là người đàn bà. Tôi tìm được một số, không nhiều, nhưng vẫn có.

Tôi nghĩ là bạn sẽ đoán ra hai câu:

Đói lòng ăn nửa trái sim,
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.

Tuy nhiên, với hai câu này chúng ta không biết được chắc chắn, người đi là nam hay nữ.

Quyển ca dao của Vũ Ngọc Phan vì in đã lâu không xếp theo thứ tự, mặc dù có phân loại sơ sài. Quyển Ca Dao Trữ Tình xếp theo thứ tự ABC theo chữ đầu của câu. Điều này giúp người đọc khá nhiều. Tôi tìm ngay vào chữ Thuyền, Đò, Sông, v.v… nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ đọc hết quyển. Cái lợi của ca dao là dễ đọc, dễ nhớ.

Thuyền ai trôi trước,
Cho tôi lướt tới cùng.
Chiều đã về trời đất mông lung
Phải duyên thì xích lại cho đỡ nùng tiếng thương
Trời một vùng đêm dài không hạn,
Mượn gió chiều gửi bạn ngàn sông.
Thân em là gái chưa chồng,
Tơ duyên có chắc như dòng nước không?
Thuyền về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến đây chỗ rẽ của dòng
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào

Bắt đầu bằng chữ thuyền có nhiều bài ca dao, tuy nhiên những bài ca dao này vẫn không xác định người đi thuyền là người phụ nữ, thường khi nhân vật trong bài ca dao là người (có thể) ở trên bờ và hỏi người đi thuyền, chèo thuyền. Tôi chú ý bài thơ trên là ở hai câu đầu. Thuyền ai trôi trước, cho tôi lướt tới cùng. Điều này chứng tỏ là cả hai người đều đi trên sông. Tôi không chắc chắn, tuy nhiên có thể mấy câu đầu là của người đàn ông mở lời tán tỉnh. Mấy câu sau là của người con gái đáp lại lời tán tỉnh của người kia.

Ngày xưa, giao thông đường bộ chưa mấy tiện lợi. Đàn ông thì có đủ thứ lý do để ra đi, đi tìm công danh sự nghiệp, đi thi, đi làm quan ở triều đình, đi buôn bán kiếm sống, đi lính, đi khai hoang, đi làm sưu làm phu, v.v… Đường sông thì dễ đi hơn vì VN nhiều sông rạch. Người chồng đi thì người vợ ở lại.

Anh đi em ở lại nhà,
Vườn dâu em hái, mẹ già em trông

Hồi xưa là thế, chứ thời nay ca không phải dao thì là búa sửa lời là “Con thơ bóp mũi, mẹ già đuổi đi.” Nhưng cũng có lúc người đi lâu quá không về, thì người đàn bà cũng phải lên đường tìm kiếm chứ? Nếu họ không đi tìm thì lý do là gì, vẫn mẹ già con dại? Đâu phải lứa đôi nào cũng có mẹ già con dại? Giả tỉ như họ chưa phải là vợ chồng chỉ mới liếc ngó cười tủm tỉm với nhau thì chàng đi lâu quá thì nàng lập gia đình, nhưng nếu họ đã kết hôn, hay đã làm lễ hỏi, mà chàng bặt tin thì nàng có đi tìm không? Xã hội VN có cho phép người đàn bà lên đường tìm người thương một mình không?

Thuyền em bến dưới ngược lên,
Thuyền anh ở mạn sông trên mới về.
Đôi bên cửa máng song kề,
Bên ấy có chật thì về bên đây.

Bài thơ này thì cả hai người đều đi trên sông, nhưng họ chỉ mới quen nhau trên sông. Có thể nàng ở gần đâu đó hay chỉ buôn bán trên sông chứ không phải người làm cuộc du hành.

Ở mục Thuyền thì thế, mục Sông cũng chẳng khá hơn. Vẫn người phụ nữ ở lại trông ngóng người đã ra đi hay những lời ưỡm ờ người ta nói để tỏ tình. Tôi chưa đọc hết nhưng đang viết bỗng chợt nhớ hai câu (không chắc là có trong quyển Ca Dao Trữ Tình Việt Nam)

Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên chồng vợ ngàn năm em cũng chờ.

Và,

Sông sâu sào ngắn khó dò,
Muốn sang thăm bậu ngặt đò không đưa

Câu này thì thật tình không biết nhân vật trong câu thơ là nam hay nữ.