Tưởng niệm nhà văn Võ Hồng (1921 – 2013)

Tôi nhận được e-mail của nhà văn NLU báo tin nhà văn Võ Hồng qua đời rất sớm. Có thể nói nhà văn Võ Hồng là một trong số rất hiếm nhà văn được yêu chuộng bởi nhiều độc giả trước và sau năm 1975. Tôi biết là sẽ được đọc tin này trên hầu hết các báo mạng và blog Việt ngữ nên không nghĩ đến chuyện viết vài lời tưởng niệm. Tôi không có cơ duyên quen biết ông hay gia đình ông, tuy nhiên một bạn văn khác lại bảo, bà đã đọc Võ Hồng, nên viết theo cảm nhận của người đọc. Để tưởng niệm ông.

Thú thật tôi không phải là người đọc có đẳng cấp. Tôi yêu văn học nhưng không là nhà văn, tôi không kiếm sống bằng nghề văn, vì thế cái đọc của tôi cũng chỉ lõm bõm bạ đâu đọc đấy, cái gì vớ được thì đọc. Hôm trước chị Gió O rủ viết về chủ đề Võ Phiến nên tôi được dịp đọc nhiều tác phẩm của Võ Phiến. Tuy nhiên trước khi tôi được biết về nhà văn Võ Phiến tôi đã biết tiếng nhà văn Võ Hồng. Ở đây tôi xin thanh minh là tôi không dám so sánh về sự nổi tiếng của hai nhà văn lớn, tôi biết tiếng nhà văn Võ Hồng có lẽ là nhờ sự đa dạng của chủ đề ông chọn để khai thác trong đó có tình gia đình. Tôi cũng không có cơ hội đọc nhiều tác phẩm của ông. Hầu hết những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn của Võ Hồng được đăng tải trên trang mạng http://www.vohong.de/. Tôi tự bảo là sẽ vào trang này, đọc cho bằng hết những tác phẩm này để học viết văn, nhưng tôi vì cuộc sống đòi hỏi, và cũng vì mới bước vào làng văn chương nhìn đâu cũng thấy toàn hoa thơm cỏ lạ nên la cà mãi vẫn chưa đọc được mấy tác phẩm của ông. Truyện đầu tiên của Võ Hồng tôi đọc và nhớ mãi đến giờ là Trận Đòn Hòa Giải. Quyển này tôi nhớ được in theo lối khổ nhỏ khoảng một phần hai trang giấy 8×11, giấy mỏng, trông giống như một tập thơ.

Lần đầu tiên tôi đọc Trận Đòn Hòa Giải, tôi khóc. Mấy mươi năm sau, đầu hai thứ tóc đọc lại tôi vẫn khóc. Tôi không nhớ tôi đọc quyển này mấy lần, có thể nói ít nhất là ba lần. Lần nào cũng cảm động, mỗi lần đọc lại nhận ra một cái gì đó trong lòng mình.

Nhân vật kể chuyện (narrator) trong Trận Đòn Hòa Giải là một thiếu nữ tên Hằng. Cô có hai đứa em. Em trai kế tên Hào. Em gái út tên Thủy. Cả ba đều còn đang tuổi đi học. Cô chị là học sinh Trung học. Cô em út là học sinh Tiểu học. Mẹ mất sớm, bố gà trống nuôi con.

Những lần đọc đầu tiên tôi cám cảnh những đứa trẻ mồ côi. Tôi hình dung cô bé út nhõng nhẽo đáng yêu. Rồi tôi thấy xót xa cho ông thầy giáo mồ côi vợ. Sau đó tôi tưởng tượng đến nỗi bơ vơ của cô gái lớn đến tuổi trưởng thành không có mẹ để tâm sự hay trao đổi những thắc mắc trong sự thay đổi của thể xác. Bây giờ đọc lại tôi thấy truyện bắt người đọc nhìn lại lòng mình, nhìn lại cách cư xử của mình với người chung quanh. Có những suy nghĩ hành động của mình lúc ấy mình thấy là mình đúng mình phải nhưng về sau càng nghĩ thì càng thấy vướng víu. Không hẳn là sai nhưng mà có cái gì đó không hay, không đúng, không rộng lượng hay cao thượng. Thấy cái ghen tị, thấy cái nghĩ xấu của mình dành cho người thân, thấy cái mình bắt trẻ con phải hiểu và hành động như người lớn. Và trời ạ, cái đánh đòn, cứ nghĩ mình đánh con là mình dạy con là muốn cho con nên người. Thật ra, có phải mình dùng đòn để đạt kết quả mình muốn cho nhanh chóng, trong giây phút, để con không quấy rầy mình, để cuộc sống của mình được dễ dàng trong tạm bợ.

Tôi không được cái diễm phúc làm học trò của nhà văn. Nhưng truyện của ông, chỉ một truyện tôi đọc trong rất nhiều truyện ông viết, là một bài học cho tôi. Mấy mươi năm sau đọc lại tôi vẫn chảy nước mắt, có khi vì hối lỗi với con mình.

Văn của ông bao giờ cũng có vẻ nhân hậu. Đọc ông tôi luôn nhìn thấy sự phải trái của cuộc đời. Cám ơn ông. Ông yên nghĩ nhé.