Nghe nói ở bên mình bây giờ ít khi nhìn thấy đom đóm, như thể chúng đã bị tuyệt chủng. Người ta tổ chức những cuộc du lịch sang Mã Lai để được xem đom đóm. Năm nay chỗ tôi ở không nhìn thấy đom đóm nhiều như năm trước hay năm trước nữa. Không nhiều nhưng vẫn xuất hiện. Bao giờ cũng loáng thoáng dưới bụi trúc hay đâu đó phía sau rừng, bên cạnh mấy cây dâm bụt hoa tím. Có thể vì tôi đi ngủ sớm nên không nhìn ra ngoài nhà trong đêm. Có thể vì tôi không thức giấc nửa đêm. Cũng có thể, đom đóm như những nàng tiên bé, đi chơi chỗ khác. Không hiểu sao, đom đóm luôn mang cảm giác vui nhẹ nhàng, có chút gì lãng mạn trong không khí. Làm người ta nghĩ đến chuyện thần tiên. “Đêm thơm như một dòng sữa,” hay “đêm vỗ về nuôi nấng, đêm trao ngọt ngào hương phấn.” Ngay cả chữ rêu cũng gợi lên một cảm giác đẹp, êm ái. Làm tôi nhớ câu thơ “Như chân chim muôn thuở. In mãi bậc thềm rêu.” (Thơ Phạm Thiên Thư.)
Tôi đọc tập truyện ngắn “Beauty and Sadness” của Yasunari Kawabata, tiếng là truyện ngắn, nhưng tất cả những truyện ngắn này có liên hệ với nhau, tạo thành một truyện vừa. Phần trích đoạn được trích từ truyện ngắn có tên “A Stone Garden.” Otoko, một nữ họa sĩ mai danh ẩn tích, và Keiko một cô đồ đệ trẻ và rất đẹp. Otoko không trẻ bằng nhưng có lẽ cũng là người đẹp. Hai người đến viếng một vườn trong một chùa thiền nổi tiếng ở Kyoto, Saiho-ji, còn gọi là vườn rêu (Moss Garden). Vườn này vốn là vườn được thiết kế toàn bằng đá, nhưng khí hậu ẩm làm rêu mọc lên đá. Cả vườn được bao trùm bằng một lớp rêu mịn.
Keiko mang tất cả những họa phẩm của nàng đến cho một họa sĩ tài danh, Oki, xem. Câu chuyện khai mở dần. Keiko và Otoko là đôi tình nhân. Keiko ngủ với ông họa sĩ (chừng hơn 50 tuổi) với ý muốn trả thù cho Otoko vì Otoko đã từng là người tình của ông Oki (ông có vợ). Keiko tỏ ý muốn mang thai với Oki khi Otoko thổ lộ là bà có con với Oki. Otoko tát Keiko. Cô gái trẻ giận dỗi và sau đó là đoạn văn này. Tôi dịch bạn đọc chơi vì nó có liên quan đến đom đóm.
“Keiko-” Otoko bước ra hàng hiên và đá mạnh cái lồng chứa đom đóm[i] văng vào trong vườn, dù chân của nàng không mang giày.
Tất cả đom đóm trong lồng dường như sáng ngời lên ngay lập tức. Một dòng ánh sáng trắng có nhuốm màu xanh chảy ra khỏi lồng rồi đáp nhẹ nhàng lên một vạt đất đóng rêu. Bầu trời đầy mây, và hơi ẩm của hoàng hôn bắt đầu lan tỏa nhẹ nhàng trong vườn làm cảnh vật trở nên mù mờ lunh linh, nhưng ngày của mùa hạ thường rất dài nên vẫn còn ánh sáng. Chừng như đàn đom đóm không thể nào chiếu sáng rực rỡ như thế, hay có lẽ, dòng ánh sáng chảy ra khỏi cái lồng chỉ là sự tưởng tượng của nàng, hoặc, dòng ánh sáng ấy chính là tình cảm trong lòng nàng kết tụ thành. Nàng đứng sững sờ và nhìn không chớp cái lồng đom đóm đang nằm nghiêng trên mặt thảm rêu.
Trích truyện ngắn “A Stone Garden” (Vườn Đá) trong tập “Beauty and Sadness” (Nhan sắc và Nỗi Buồn) của Yasunari Kawabata.
[i] Ở Nhật Bản, thời của Yasunari Kawabata (1899 – 1972), trong vườn có lồng bắt chứa đom đóm. Trong truyện ngắn này, vườn ở đây là một công viên lớn thuộc về phần chùa Saihoji còn gọi là Moss Garden. Tôi không biết bây giờ có còn lồng chứa đom đóm hay không. Tôi cũng không biết lồng chứa đom đóm chỉ để trang trí hay có nhiệm vụ gì khác hay không, thí dụ như thay thế đèn (?) hay người ta không thích đom đóm bay khắp nơi trong vườn, trong nhà.
You must be logged in to post a comment.