Ông hàng xóm

Tôi về ở căn nhà này năm 1999. Ở cuối con đường là nhà của vợ chồng ông Steve. Vợ ông có cái tên là loài chim ức nâu báo hiệu mùa xuân. Năm ấy ông khoảng chừng ở tuổi năm mươi lăm. Cao lớn và rất đẹp người, vợ ông cũng rất có nhan sắc. Sáng Chủ Nhật, vợ chồng ông thường đi nhà thờ bằng xe Mercedes. Nhà của ông to và đẹp nhất xóm. Căn nhà có vách màu đỏ mà thỉnh thoảng bạn thấy xuất hiện trong mấy tấm ảnh của tôi là nhà của ông. Dạo ấy ông có nuôi một con chó nhỏ rất đẹp, thỉnh thoảng tôi và ông Tám đi bộ con đường trước nhà vẫn thấy ông dắt chó đi dạo. Ông là cảnh sát, về hưu non, vì bị chấn thương cột sống. Vợ ông làm nghề hầu bàn. Hai con trai và một con gái cũng đẹp người và thành đạt hết.

Vợ chồng ông chăm sóc nhà cửa rất chu đáo. Sau nhà có hồ nước rất lớn, chỗ để party những ngày lễ lớn. Ông cắt cỏ, thổi tuyết bằng máy. Ông Tám không dùng máy vì máy to rất nặng, và không chịu được sức rung của máy. Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường chúng tôi chào và trò chuyện với vợ chồng ông. Bận rộn với cuộc sống, và mùa đông ít khi gặp nhau, rồi có lần nói chuyện với ông tôi thấy tay mặt của ông run rẩy không kiểm soát được. Ông cứ phải cho tay vào túi. Khi cơn bão Sandy (năm 2012) tàn phá xóm tôi, nói chuyện với bà vợ ông về chuyện cưa cây và mất điện, tôi biết thêm là ông bị bệnh Parkinson.

Tuần trước ông Tám nói chuyện với Steve, được biết ông thổi lá hay thổi tuyết gì đó, trượt ngã, cái máy đè lên lưng ông, phải vào nhà thương. Hôm qua buổi sáng đi làm tôi thấy ông lái xe ra đậu trên đường. Ông mở cửa xe và cốp xe để làm gì đó, ông đi loạng choạng run rẩy, rõ ràng sức khỏe của ông sa sút rất nhiều so với ông Steve của những năm tôi mới về.

Mười sáu năm, nghe trong mình, và thấy ở người hàng xóm, những tàn phai của cuộc đời.

14 thoughts on “Ông hàng xóm”

  1. Dù không muốn nhưng sớm muôn gì mình cũng phải đi qua đoạn đường già yếu này cả .

  2. Cuộc đời vốn dĩ ngắn ngủi bạn quá. Thật hạnh phúc cho ai còn nhận ra được tình yêu, nghệ thuật và nhận ra chính mình ở giai đoạn cuối bạn hén.

  3. “Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là con nước trôi…” (TCS- “Nghe những tàn phai”). Câu kết của BT “Mười sáu năm, nghe trong mình, và thấy ở người hàng xóm, những tàn phai của cuộc đời” thiệt buồn nhưng đó là quy luật sinh, lão, bệnh, tử của kiếp người, mấy ai tránh được?

  4. Ở bên này mà đi ra, đi vô có hàng xóm trò chuyện thân thiện là một niềm vui heng Bà Tám.

    Trong xóm DQ đang ở, đa số là các gia đình hưu trí không hà. Thỉnh thoảng đi dạo hay đi bộ quanh xóm mà thấy vài nhà im lìm, vắng người ra/vô một thời gian thì trước sau gì cũng thấy nhà đó mất đi một người. Thấy buồn buồn sao đó (tuy chẳng phải họ hàng thân thuộc gì). Rõ ràng là “bán anh em xa, mua láng giềng gần” mà héng.

Leave a comment