Đường hầm

Tôi đi trên con đường ở một vùng núi non hẻo lánh. Trời đang mùa thu, cây cối khô héo và bầu trời ảm đạm. Trên sườn núi xa xa, có phủ một lớp tuyết mỏng. Đường đi ướt át lầy lội. Nước đọng thành vũng ở một vài nơi; có lẽ do tuyết tan. Khi thả tôi ra người ta trả lại bộ đồ tôi mặc lúc trước khi bị bắt. Tước bỏ huy hiệu và chức vụ, tôi vẫn còn đôi ủng, cái mũ kết, và nhất là cái áo khoác trây di khá tốt. Cái “náp sắc” khoác vai trong đó có vài thứ đồ dùng cần thiết và một ít tiền lẻ (tôi ngạc nhiên là người ta không tịch thu) khiến tôi giống một chàng trai trẻ du hành theo kiểu nghèo hơn là một quân nhân.

Trước mặt tôi là một đường hầm tối thăm thẳm. Không biết chỗ này ở đâu, tên làng là gì,  và từ bao giờ người ta xây được một cái đường hầm bê tông kiên cố như thế. Cứ nghĩ mình phải đi xuyên qua đường hầm tối tăm này đã khiến tôi cảm thấy ớn lạnh ở xương sống, nhưng tôi không thể không đi. Sau lưng tôi là chặng đường hoang vắng, không hàng quán nhà cửa. Tôi cũng đã đói lắm rồi, cần tìm chỗ ăn và tạm trú qua đêm. Tôi không thể quay lại nên đành phải đi tới. Vắng vẻ đến nỗi không có cả tiếng chim hay tiếng côn trùng. Bước chân tôi khua vang như tiếng trống.

Cộp! cộp! cộp!

Tiếng chân tôi gõ đều trong im vắng. Thình lình, có tiếng chó tru từ xa. Từ trong bóng tối lao ra một con chó thật hung dữ. Con chó này không phải loại chó thường mà là loại chó được dùng để ra trận. Nó có mặc một cái áo nịt. Phủ xuống hai bên sườn của nó là túi dụng cụ chứa chất nổ dùng để chống chiến xa. Ánh sáng nhá nhem của cái đèn đỏ gắn ở đầu đường hầm chiếu xuống làm con chó ánh lên một màu đỏ như nhuộm máu. Con chó rất hung dữ. Bộ răng nanh của nó khiến nó giống quỷ hơn là giống chó nhà người ta nuôi và rất yêu mến. Nó gầm gừ, dường như muốn xé xác tôi ra thành những mảnh vụn. Tôi không có gì để tự vệ nếu cần phải đánh nhau với con chó; vì vậy tôi chỉ thủ thế, không cử động đột ngột khiến nó nghĩ là tôi tấn công. Tôi nhẹ nhàng bước lui, từ từ rời xa nó, có nghĩa là dấn bước sâu hơn vào đường hầm. Rất may, con chó không đuổi theo mà ngồi trấn ở ngay đầu đường hầm như ngăn chận không cho tôi trở ra.

Càng đi đường hầm càng tối, tiếng chân tôi càng vang to, át hẳn tiếng tim đập của tôi. Tôi muốn tìm đường về nhà, về quê hương, nhưng chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà. Đường vào địa ngục có lẽ cũng chỉ hoang vu đến như thế này thôi.

Bùm! Bùm! Bùm! Tiếng gót giày của tôi nện trên nền đường bê tông. Mười bước. Hai chục bước. Rồi trăm bước. Đường hầm dài như vô tận. Càng đi càng thấy lạnh, có lẽ do thiếu ánh sáng lâu năm. Cũng có thể là do âm hồn lẩn khuất đâu đây. Hơi thở tôi biến thành đám khói mờ trước mặt. Hơi nước đọng cả lên mi mắt tôi. Tôi đi như người mù cứ hướng phía trước mặt mà bước.

Rồi tôi cũng ra khỏi đường hầm. Trước mặt tôi là một vũng sáng lờ mờ. Mặt trời đã bắt đầu khuất bóng chỉ còn lại ánh sáng chạng vạng. Thứ ánh sáng của hai vùng âm dương giao nhau.

Tuy không phải là người nhát gan, nhưng phải nói là từ lúc bước vào đường hầm tôi luôn luôn thủ thế, bước chân chậm rãi vì dè dặt. Tôi luôn luôn liếc nhìn ở hai bên và thỉnh thoảng quay về phía sau lưng nghe ngóng. Tôi linh cảm là có một điều gì đó sẽ xảy ra.

Rồi tôi nghe, từ sau lưng, trong bóng tối thăm thẳm của đường hầm. Ban đầu nhỏ sau lớn dần. Tiếng bước chân. Độc hành, giống như tôi. Khi tôi ngừng lại lắng nghe thì tiếng bước chân im bặt. Mình chỉ tưởng tượng thôi. Tự nhiên sao mình lại đâm ra nhát cáy như thế này. Tôi tiếp tục bước đi xa đường hầm. Tiếng chân lại vọng ra, như đang bước theo tôi. Tôi dừng lại. Tiếng bước chân nhanh hơn, rõ hơn. Từ trong bóng tối bước ra một người. Bóng người rõ dần. Tôi giật mình, thảng thốt.

“Noguchi!”

Anh lính, binh nhì, đang bước mạnh dạn, thấy tôi vội vàng buông súng, đứng nghiêm. Chào.

“Xin chào. Đại úy!”

Giọng anh ta sang sảng như vẫn còn đang ở trong hàng ngũ quân đội.

“Cậu đã…”

“Thưa Đại úy, em đã… Có phải em đã chết trong khi chiến đấu hay không?”

Noguchi bước đến gần tôi. Tôi sợ hãi lùi lại. Noguchi đứng đó, hình hài nguyên vẹn nhưng da anh ta trắng bệch, đôi mắt là hai hố đen ngòm, dáng vẻ của một xác chết biết đi. Tôi lùi thêm hai ba bước. Noguchi lại bước tới. Giọng của anh ta đầy vẻ uất ức.

“Em không thể tin là em thật sự đã chết. Em đã được giải ngũ và về đến nhà. Em ăn bánh nếp mẹ em làm dành riêng cho em. Em nhớ rõ ràng như thế.”

Anh ta bước tới, nói như hét. Tôi lại bước lùi xa hơn, bị dí vào chân tường của đường hầm. Khi không còn thể lùi được nữa, tôi cố lấy giọng bình tĩnh nói chuyện với Noguchi.

“Cậu đã kể tôi nghe chuyện này. Cậu bị bắn, và cậu ngất xỉu. Trong lúc tôi đang săn sóc vết thương cho cậu thì cậu tỉnh dậy rồi cậu kể chuyện được ăn bánh của mẹ làm.”

Vẫn trong tư thế đứng nghiêm, Noguchi hơi nghiêng nửa thân người phía trên về hướng của tôi, chăm chú lắng nghe.

“Đó chỉ là giấc mơ cậu thấy trong lúc bị bất tỉnh. Câu chuyện nằm mơ của cậu sống động quá gây ấn tượng thật mạnh nên tôi không thể nào quên. Nhưng chỉ năm phút sau đó cậu trút hơi thở cuối cùng.”

Noguchi đứng thẳng người, trong tư thế báo cáo, dõng dạc nói:

“Em hiểu rồi. Đại úy! Nhưng bố mẹ em vẫn không chịu tin là em đã chết.” Nói dứt câu cậu binh nhì mím môi như muốn khóc.

Tôi nghẹn ngào, không nói nên lời. Các sớ thịt trên mặt tôi co giật mạnh. Noguchi nhấc nhẹ súng lên, hai tay ôm súng vào ngực, hướng về phía núi xa xa, bước thẫn thờ về phía bên phải của anh ta, hai hố đen ở vùng mắt có ánh sáng lấp lánh.

Phía trước tầm nhìn của Noguchi, có ánh đèn thấp thoáng, chắc là của một làng sơn cước nào đó. Quay lại đối diện với tôi, tay chỉ về hướng ánh đèn, vẻ mặt thiểu não, giọng Noguchi thiết tha:

“Chỗ ấy là nhà em. Bố mẹ em ở nơi ấy vẫn hằng tin và mong chờ em về.”

Noguchi nghẹn ngào. Tôi bước đến gần. Chúng tôi đứng cách nhau không đầy một sải tay. Bóng lá của cây rừng phất phơ trong gió. Tôi lạnh, không biết vì gió thu hay hơi sương. Hay hơi lạnh của tử khí bốc ra từ Noguchi. Ánh mắt cậu ta như dại hẳn đi.

“Nhưng, sự thật là cậu đã chết. Tôi rất là đau lòng dù rất vụng về tôi vẫn phải nói sự thật. Cậu đã chết trên cánh tay tôi.”

Môi Noguchi run bần bật, cố kềm tiếng nấc. Cậu quay nhìn tôi bằng một vẻ thê lương tôi không thể nào tả được. Tôi nghĩ chỉ cần tôi đưa tay ra là cậu ấy sẽ ôm chầm lấy tôi và khóc trên vai tôi. Tay ghì cây súng Noguchi nhìn về hướng làng. Mím môi. Cúi đầu. Noguchi quay người hướng vào bóng tối trong đường hầm. Bộ quân phục, phía sau lưng của Noguchi vẫn còn đẫm vết máu. Noguchi thất thểu lê bước. Tôi gọi vọng theo.

“Noguchi.”

Noguchi quay lại bồng súng chào.

Tôi ném cái náp sắc xuống đường. Giơ tay ngang vành mũ chào đáp lễ. Noguchi buông súng xuống. Sự im lặng giữa hai chúng tôi dài như hằng tiếng đồng hồ. Noguchi quay đi, tôi nghẹn ngào nuốt nước mắt. Noguchi mờ nhạt dần, khuất xa trong bóng tối.

Tiếng chân của Noguchi chưa mất hẳn thì tiếp theo là tiếng bước chân sầm sập của một đoàn quân sắp hàng như chuẩn bị lên đường ra trận. Tôi sợ hãi bước lùi mấy bước. Định thần nhìn cho kỹ đó là một đoàn quân xếp hàng ngang, mỗi hàng có sáu quân nhân, vừa đủ chật đường hầm. Tôi không biết có bao nhiêu hàng vì họ đứng khuất trong bóng tối của đường hầm. Theo mắt tôi có thể nhìn được thì toàn thể đại đội này đang sắp hàng có ít nhất là chín hàng, nghĩa là năm mươi bốn quân nhân cộng thêm người đại đội trưởng.

Đại đội trưởng cất giọng, quát to:
“Tất cả chuẩn bị. Chào Tiểu Đoàn Trưởng. Chào!”

Tất cả bồng súng lên chào. Đại đội trưởng giơ ngang thanh gươm chỉ xuống đất.

“Hạ súng! Xuống!”

Đại đội trưởng và tất cả quân nhân đều hạ súng đứng nghiêm.

“Đại đội Ba. Tất cả có mặt. Trình diện thượng cấp.”

Tôi nghẹn lời, nước mắt chực trào ra.

“Tất cả các bạn hãy nghe tôi nói!”

Tôi cố nuốt nước mắt.

“Tôi hiểu lắm. Suy nghĩ và cảm giác của các bạn. Tuy nhiên, toàn thể Đại đội Ba đã gục ngã trên chiến trường. Xin các bạn hãy tha thứ cho tôi. Tôi đã bảo toàn mạng sống của tôi. Tôi rất hổ thẹn đến độ không thể nhìn thẳng vào mắt các bạn, vì tôi đã không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ sinh mạng của các quân nhân tùy thuộc quyền chỉ huy của tôi. Tôi có thể đổ thừa vào sự phi lý của chiến tranh hay sự nhẫn tâm của quân đội. Nhưng chối bỏ, lỗi lầm, sự do dự không dám quyết định, hay quyết định không chính xác của tôi, là một hành động hèn nhát.”

Tôi hít một hơi dài, cố nén cơn đau trào ra từ trái tim. Tôi đứng nhưng thật ra tôi muốn quì xuống trước mặt những người đã chết. Xin tạ tội. Và bày tỏ lòng kính phục sự hy sinh của họ.

“Tôi bị kẻ địch bắt, bị cầm tù. Đời sống trong tù đã cho tôi nếm đủ đòn đau đớn, cũng gần như cái chết. Và. Bây giờ. Khi tôi nhìn các bạn tôi lại trải nghiệm lần nữa những điều đau đớn ấy.”

Nước mắt tôi trào ra và chảy xuống mũi. Tôi nói để lấp đi tiếng nấc.

“So với cái chết của các bạn nỗi đau của tôi thật quá tầm thường. Nhưng tôi thành thật nói với các bạn điều này. Tôi ước gì. Tôi đã cùng chết với các bạn. Xin hãy tin tôi khi tôi nói những lời này. Tôi thông cảm với những oán hờn của các bạn. Chết trong trận mạc là cái chết tồi tàn như cái chết của loài chó! Nhưng xin hãy nghe tôi. Chẳng có gì tốt đẹp khi các bạn trôi lang thang vô định trong cuộc sống của loài người. Tôi van xin các bạn. Hãy quay lại. Quay về với bóng tối và an nghỉ muôn đời.”

Tôi đứng thẳng người, chỉnh đốn tư thế và quân phục. Rồi tôi dõng dạc ra lệnh.

“Đại đội Ba! Đằng sau! Quay!”

“Đằng trước! Bước!”

Đoàn quân sầm sập bước vào trong đường hầm. Tiếng kèn nhạc quân hành đâu đó trổi lên. Vang vọng. Xa dần. Khuất hẳn. Tôi đứng nghiêm chào cho đến khi đoàn quân và tiếng kèn không còn nghe thấy nữa. Tôi kiệt sức, phủ phục người trên mặt đất. Cơn đói ban chiều trở lại hành hạ tôi. Đêm càng khuya trời càng lạnh. Nếu tôi không đứng dậy đi tiếp tôi sẽ nằm xuống đây muôn đời.

Con chó quỷ bây giờ lại xuất hiện. Nó nhe răng, đỏ thẫm màu máu, có lẽ nó đang đói cần ăn thịt người. Tôi không biết đây là con chó thật sống sót sau chiến tranh, hay nó chỉ là một hồn ma không siêu thoát. Tại sao nó cứ theo sủa tôi, như sủa một tên trộm cướp, một kẻ hèn nhát. Người ta bảo rằng chó sủa ma; thế nhưng bao nhiêu oan hồn không siêu thoát xuất hiện lúc nãy nó chẳng kêu lên tiếng nào, mà bây giờ nó lồng lộn chực chờ xé xác tôi.

Nguyễn thị Hải Hà viết lại thành văn xuôi đoạn phim ngắn “The Tunnel” trong tập phim Akira Kurosawa’s Dreams (Những Giấc Mơ của Akira Kurosawa). Đoạn phim youtube trên đây chỉ là phần cuối của đoạn phim. Rất tiếc là có rất nhiều đoạn giấc mơ của đạo diễn Kurosawa đã được upload lên youtube nhưng tôi không tìm được đoạn phim Tunnel đầy đủ, có vẻ như người xem không thích hay không chú ý đến đoạn phim này. Theo tôi đây là đoạn phim cảm động nhất trong tập phim.

7 thoughts on “Đường hầm”

      1. Bài viết lại chuyện phim “The tunnel” quá hay. Rất bổ ích cho những ai muốn viết kịch bản phim.
        Hình ảnh, âm thanh, áng sáng được mô tả rất chi tiết và sống động vẽ lên một bức tranh thật u tối, ảm đạm bao trùm cái cảm xúc ăn năn, hối hận. Cái đau đớn vô cùng tận của một ngưới lính trận. Cám ơn tác giả
        Nguyen Phú Hữu
        2917-07-23

  1. Xem phim mà viết lại được như vậy quả thật tuyệt. Thảo tin ở tâm linh nên tuy đọc chuyện phóng tác nhưng vẫn thấy giác quan thứ sáu của Thảo rung động mạnh.

Leave a comment