Làng Có Cối Xay Nước

Trời xuân nắng vàng rực, khá ấm. Men theo con đường mòn, lần theo tiếng nước chảy róc rách, quẹo phải quẹo trái đôi ba lần tôi lạc vào một ngôi làng nhỏ bên suối. Con suối khá rộng, trong suốt, và có rất nhiều rong lả lơi theo dòng nước chảy mạnh. Bắc ngang con suối là chiếc cầu gỗ, đơn sơ nhưng chắc chắn. Bên kia cầu có dăm ba căn nhà, mái rạ, vách gỗ, nhỏ nhắn nhưng cứng cáp và sạch sẽ. Chung quanh nhà, dọc theo bờ suối, hay ở những hòn đảo nhỏ giữa dòng suối, chỗ nào cũng có hoa nhiều màu rực rỡ. Đỗ quyên màu tím và hồng, diên vỹ nước màu vàng, babybreath màu trắng li ti nở khắp nơi. Suối rộng, có chỗ cạn chỗ sâu. Ở những chỗ sâu, được dựng lên nhiều guồng bánh xe, chạy bằng sức nước chảy. Bánh xe quay kéo theo cỗ máy bên trong, dùng để xay lúa, thóc, làm thành gạo, hay bột. Người ta gọi đơn giản là cối xay nước.

Tôi đi thong thả, qua chưa hết cầu, bên kia bờ có một đám trẻ em đang nô đùa, chạy dọc theo dòng suối. Khi tôi đến gần cuối cầu thì các em cũng vừa chạy đến. Mỗi trẻ em cúi người hái vài đóa hoa mọc ven đường đến đặt vào một phiến đá gần bên cầu. Một chú bé dường như quên đã chạy xa rồi quay trở lại hái một đóa hoa vàng đặt lên tảng đá rồi lại chạy theo các bạn. Phiến đá này ở phía trên một mô đất cao. Chân cầu chỗ tôi đứng thấp hơn phiến đá một chút. Bước chân mạnh của các em làm rung nhẹ đoạn cầu nơi tôi đang đứng. Thấy tôi các em chào “Thưa anh!” Các em vẫn còn ăn mặc theo kiểu người sơn cước, vải thô màu sậm dệt bằng tay, chân đi dép cỏ hay giày vải. Da các em rám nắng hồng hào khỏe mạnh.

Ông cụ ngồi sửa bánh xe cối xay nước trước nhà. Tôi chào.

“Chào cụ ạ!” Ông cụ mải mê làm việc chẳng nghe. Tôi lập lại, giọng to hơn. Lần này ông ngẩng đầu lên.

“Chào cháu!”

Ông đội mũ rơm còn mới, có cột dây màu đỏ. Da cụ đen xạm, nét rắn rỏi. Cụ mặc áo vải màu xanh nhạt gần giống như màu vải quần jean nhưng đây là loại vải dệt bằng tay. Râu và chân mày cụ bạc trắng như những ông tiên trong tranh. Dọc theo con suối có độ chục căn nhà, nhà nào cũng có cối xay nước.

Tôi lân la gợi chuyện.

“Làng này tên gì vậy cụ?”

Ông chậm rãi trả lời.

“Làng không có tên.” Ngừng giây lát, ông nói tiếp:

“Chúng tôi chỉ đơn giản gọi là ‘làng.’ Nhưng người sống ở ngoài làng, gọi chúng tôi là ‘Làng Có Cối Xay Nước.’ ”

Tôi nhìn chung quanh rồi nhìn vào bên trong nhà. Từ ngoài cửa nhìn vào, giữa nắng, bên trong nhà tối om. Gần bên cửa, treo lủng lẳng trên kèo nhà là một cái đèn dầu. Tôi hỏi:

“Người trong làng đều sống gần nhau cả, phải không thưa cụ?”

“Chúng tôi sống rải rác khắp nơi.”

Ông cụ trả lời nhưng vẫn chăm chỉ làm việc. Từ cổ tay đến hết bắp tay nhưng chưa đến khủyu tay ông có mặc một lớp vải màu sậm, như một loại găng tay, để chống trầy xước khi cụ sửa cỗ bánh xe gỗ của cối xay nước. Xem chừng ông không mấy hứng thú đưa chuyện, tuy thế tôi hỏi đến đâu thì cụ trả lời đến đấy. Thấy cái đèn dầu gần cửa ra vào, tôi hỏi:

“Làng mình không có điện, thưa cụ?”

Ông cụ ngước lên nhìn một thoáng lại cúi xuống với cái bánh xe, hí hoáy cột dây bện.

“Chúng tôi không cần những thứ ấy.” Ông nói chậm rãi từng câu, như nói một mình.

“Người ta dễ bị quyến rũ bởi những cái tiện lợi. Họ nghĩ rằng, ‘càng tiện nghi càng tốt,’ thế rồi họ đâm ra bỏ rơi những thứ thật sự quí giá.

Tôi nhìn ông chăm chú, không tránh khỏi thắc mắc:

“Thế cụ làm thế nào để tạo ra ánh sáng?”

“Chúng tôi dùng nến, dùng dầu thô, dầu mù u, dầu hạt cải.”

“Ban đêm như thế sẽ tối tăm lắm, phải không cụ?”

“Ban đêm thì phải tối thôi. Chúng ta sẽ khó chịu lắm nếu ban đêm sáng như ban ngày. Tôi không thích ban đêm nhiều ánh sáng quá vì tôi sẽ không nhìn thấy trời sao.”

Tôi thầm nghĩ ông cụ xem chừng lãng mạn gớm, nhưng ông cũng có lý. Thời bây giờ, ban đêm ở thành phố đèn sáng choang. Người ta làm nghiên cứu bảo rằng ở những nơi ban đêm có nhiều đèn, tỉ lệ người bị bệnh ung thư rất cao. Trong khi ông cụ nói tôi nhìn ra xa, thấy đồng ruộng xanh tăm tắp.

“Cụ ơi, cháu thấy làng mình có ruộng nhưng sao không thấy máy cày máy gặt?”

“Chúng tôi không cần dùng những thứ ấy. Chúng tôi có bò và ngựa.”

“Thế cụ dùng nhiên liệu gì?”

“Chúng tôi dùng củi. Để nấu ăn và sưởi ấm.”

Ông cụ nói giọng thân thiện, trầm ấm, nhưng vẫn chăm chỉ làm việc, thỉnh thoảng mới ngước nhìn lên.

“Chúng tôi không thấy thoải mái khi phải đốn cây còn sống, tuy nhiên cây chết ngã cũng khá nhiều. Phần lớn chúng tôi dùng những cây đã chết để làm củi. Và nếu nhốt củi làm than thì chỉ cần vài cây chết thì cũng đủ sưởi ấm như cả cánh rừng. Ngay cả phân bò cũng có thể được dùng để đốt.”

Tôi cảm thấy thật thanh nhàn khi ngồi nói chuyện với ông cụ. Chim hót ríu rít khắp nơi. Trời trong xanh, nắng ấm áp, suối chảy róc rách êm tai. Ông cụ thong thả nói tiếp:

“Chúng tôi cố gắng sống tự nhiên, như người xưa đã sống. Thời bây giờ, chúng ta quên rằng loài người là một phần của thiên nhiên. Người ta không thể sống thiếu thiên nhiên vậy mà người ta vẫn xâm phạm và phá hủy thiên nhiên. Họ cho rằng họ có thể sáng tạo ra những thứ tốt đẹp hơn, nhất là các nhà khoa học. Có thể là họ rất thông minh, nhưng đa số họ hoàn toàn không biết lắng nghe nhịp đập trái tim của thiên nhiên. Họ đã vất vả phát minh nhiều sáng kiến chỉ khiến loài người thêm bất hạnh rồi tự vỗ lưng khen mình tài giỏi. Càng tệ hại hơn là phần lớn loài người xem những sáng kiến ngu ngốc này như là phép mầu rồi tuân phục chúng. Họ không thấy rằng thiên nhiên bị giết chết và loài người tiến dần đến chỗ tự hủy diệt. Những thứ quan trọng nhất cho loài người chính là không khí sạch và nước sạch, và các loài cây cỏ để giữ cho không khí và nước trong lành. Loài người làm ô nhiễm môi trường và nó sẽ biến mất mãi mãi. Không khí bẩn và nước bẩn sẽ làm ô nhiễm tâm hồn của con người.”

Tôi lắng nghe ông cụ độc thoại, mắt nhìn cảnh đẹp chung quanh. Hoa nở đủ thứ màu sắc khắp nơi. Trông hoa tôi chợt nhớ một điều.

“Thưa cụ, lúc mới đến cháu thấy các em bé hái hoa đặt lên phiến đá. Tại sao các em làm thế?”

“Ồ, cái đó hả? Tôi nghe ông bố tôi, cụ đã qua đời, kể lại là…”

Lúc nãy tôi đã đứng lên, định tiếp tục đi thăm làng, nghe giọng ông cụ, tôi đoán là câu chuyện chắc là thú vị, nên ngồi xuống nghe tiếp.

“Hồi xưa, lâu lắm rồi, có một du khách đi ngang làng. Ông ta bệnh và chết ở bên bờ suối, ngay chỗ có phiến đá. Người làng thấy tội nghiệp nên chôn cất tử tế. Họ đặt phiến đá làm mộ bia và dâng cúng hoa. Lâu ngày điều này trở thành phong tục của làng. Không phải chỉ có trẻ em dâng hoa, ngay cả người lớn mỗi khi đi ngang cũng dâng hoa, dù lâu ngày chẳng mấy ai còn hiểu tại sao lại làm như thế.”

Ông lão xoay xoay bánh xe của cối xay nước, có vài chỗ gỗ bị hư ông thay thế bằng ống tre. Xa xa có tiếng nhạc rộn ràng. Tôi hỏi:

“Hôm nay trong làng có lễ hội gì đấy cụ?”

Ông lão lấy tay khum ở sau vành tai, cố gắng lắng nghe, rồi trả lời:

“Lễ hội gì đâu. Đám tang đấy. Chắc là cháu ngạc nhiên và cho là kỳ quái, nhưng đám tang ở đây là một ngày hội vui.”

Tôi nhìn lảng sang chỗ khác sợ bị cho là vô lễ, nhưng quả tình ông đoán trúng ý nghĩ của tôi. Ông cụ giải thích:

“Chúng ta nên sống cho đáng, làm việc chăm chỉ, sau đó tự khen mình đã làm việc tốt. Làng chúng tôi không có chùa chiền nhà thờ hay tu sĩ, vì thế dân làng cùng nhau đưa người chết lên nghĩa trang trên đồi. Dĩ nhiên nếu người chết là trẻ em thì là chuyện khác. Chúng tôi không thể xem đó là chuyện vui. Nhưng cũng may là người làng chúng tôi thường chết già, ai ra đời trước đi trước. Bà cụ qua đời hôm nay qua đời yên lành ở cái tuổi ngót nghét một trăm.”

Ông đứng dậy.

“Cháu nói nên tôi mới nhớ. Tôi phải đi dự đám tang. Cho tôi xin kiếu nhé”

Chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa, cụ quay sang mỉm cười nói với tôi:

“Nói thật với cháu, bà ấy là mối tình đầu của tôi. Nhưng bà đạp nát trái tim tôi bằng cách đi lấy người khác.”

Ông đi vào nhà, nét mặt vẫn vui tươi, vừa đi vừa ngâm nga trong cổ một điệu nhạc vui nhộn. Tôi hướng về nơi có tiếng nhạc càng lúc càng đến gần. Nghe sau lưng có tiếng nhạc tôi quay lại. Ông cụ đã thay trang phục. Phủ bên ngoài lớp áo màu xanh lam như vải jean là một cái áo khoác, gần giống như cái tạp dề của các đầu bếp hay họa sĩ, màu đỏ tươi tắn. Chân của cụ cũng mang giày bện bằng vải, chung quanh ống chân cũng cột vải. Giày cũng cùng màu với áo khoác. Trông cụ như ăn vận cho một ngày lễ hội tưng bừng.

“Cho phép cháu hỏi cụ câu này, năm nay cụ được bao nhiêu tuổi?”

“Tôi à? Tôi được một trăm lẻ ba. Tuổi này phải nói là khá thọ cho loài người. Cháu thấy đó, loài người hay than phiền là cuộc sống quá khổ ải. Toàn là nói tướng lên cho sướng mồm. Thật ra, còn sống là điều rất tốt.”

Cụ cúi xuống ngắt một nhánh hoa đỗ quyên màu hồng thắm. Tay phải của cụ đang cầm một cái lục lạc, cụ lắc leng keng, tiếng nhạc thật vui tai. Tay trái cụ phe phẩy nhánh hoa theo tiếng lục lạc.

Đoàn đám tang đã đến rất gần. Ban nhạc đám tang thật lớn, nhiều kèn, nhiều trống, nhiều lục lạc. Tiếng kèn tuba hòa quyện với tiếng trombone nghe thật hùng hồn nhưng không thể che lấp tiếng tambourine. Sáu người khiêng một cái kiệu phủ tấm khăn kết bằng vải nhiều màu. Các cô gái trong làng đội mũ có kết hoa, áo đỏ, yếm đỏ, giày đỏ, tay cầm hoa, tay rung lục lạc, vừa đi vừa hát và nhảy múa. Trẻ em dẫn đầu đoàn người đưa tang, đi đến đâu các em rải hoa đến đó. Các chàng trai cũng ăn vận sặc sỡ, người ôm kèn, kẻ mang trống. Không ai ngờ rằng đây là một đám tang. Người trong làng Cối Xay Nước, khi sống cuộc sống đầy vẻ thanh bình. Khi chết, cái chết xem chừng cũng là một niềm vui, hạnh phúc.

Ông cụ chờ đoàn người đến gần rồi nhập cuộc. Cụ đi trước, vung vẩy hoa và lục lạc theo tiếng nhạc. Tôi đứng ngẩn người nhìn theo. Khi đám tang đi rồi tôi quay trở lại ra khỏi làng. Trước khi đi, chợt nhớ ra, tôi quay trở lại dâng một đóa hoa lên bia mộ.

Rồi tôi tỉnh giấc.

Ghi chú: “Tôi” trong bài là tên của nhân vật (hay Kurosawa) trong tập phim “Dreams of Kurosawa” (Những Giấc Mơ của Kurosawa) bao gồm nhiều đoạn phim ngắn. NTHH viết lại thành văn xuôi đoạn phim ngắn tựa đề là “The Village of Watermills” (Làng Có Cối Xay Nước). Dịch là Cối Xay Nước (Watermill) để phân biệt với cối xay gió (windmills).

16 thoughts on “Làng Có Cối Xay Nước”

  1. Cảm ơn chị Hải Hà. Chị viết rất hay. Tôi đã xem phim này, nhưng chỉ ấn tượng đoạn nói về một ông tướng, đi qua một đường hầm,nơi những người lính năm xưa của ông, đã hy sinh, nhưng đội ngũ vẫn chỉnh tề, chào ông và đòi cùng đi với ông…Tôi xin phép chị cho tôi in đoạn văn này để cho sinh viên của tôi đọc, học cách viết của chị. Chúc chị luôn vui.

    1. Trời, sao tôi hân hạnh được nhân tài chiếu cố thế này. Xin Tuấn cứ tự nhiên. Đoạn phim Tuấn nói cũng là đoạn tôi yêu thích nhất trong tập phim này, tôi save the best for last, nên sẽ viết lại phim này sau.

  2. Chị ơi, chị cho em copy về blog được không? Chị viết thành văn xuôi em đọc hiểu rõ và thích quá chị à! Em và các bạn học thời phổ thông với nhau hay nói: Thời tụi em có nhiều bạn học giỏi là nhờ cây đèn dầu… Vô tình đọc bài này của chị em thấy thấm quá…

  3. H.A ước như có một chốn như thế ở NJ, thì có một ngày nhất định phải nhờ H và Anh Đ dẫn đi tới đó nhưng tiếc thay , chỉ đọc và mơ mộng , tưởng tượng

    1. Ở Hoa Kỳ mình có gặp một lần ở Village of Waterloo còn di tích của cối xay nước. Có vào bên trong xem máy xay bột. Chắc cũng còn vài cái watermills ở chỗ khác mình muốn đi xem nhưng chưa tìm ra.

  4. Chị ơi! Lời văn chị viết rất hay và ý truyện sâu lắng , chạm vào lòng khi đọc, để lại cho em những suy tư … Đúng là ít nhiều gì mình cũng bị cuốn hút theo những đổi mời của thời hiện đại và dần dần bỏ lại sau lưng mình, những điều dường như rất đơn sơ, bình dị nhưng mang lại niềm vui trong cuộc sống..

  5. Mình thích sống ở cái làng này đó Hà ơi!

    Không có điện thì trăng sao rất tỏ,
    Như lòng người không gợn sóng phồn vinh,
    Nên tĩnh lặng như ru mình thiền định,
    Sống cuộc đời lặng lẽ vẫn tươi xinh.

    Tặng Hà đó bốn câu thơ kỷ niệm. 🌹

Leave a comment