Đây là một trong ba đoản khúc về mùa xuân của Antonio Vivaldi. Bài 1 theo điệu Allegro do Anne Akiko Meyers, David Lockington trình diễn với giàn nhạc English Chamber Orchestra. Wikipedia có toàn bộ bốn mùa bản nhạc The Four Seasons (Bốn Mùa) do ban nhạc Air Force của Hoa Kỳ trình diễn.
Vivaldi: Violin Concerto in E, Op. 8/1, RV 269, “The Four Seasons” Spring – 1. Allegro
Kèm theo bản nhạc là bài thơ trích từ Wikipedia. Bản dịch của Amand D’Angour từ tiếng Pháp sang tiếng Anh, xuất bản năm 2019.
Allegro Springtime is upon us. The birds celebrate her return with festive song, and murmuring streams are softly caressed by the breezes. Thunderstorms, those heralds of Spring, roar, casting their dark mantle over heaven, Then they die away to silence, and the birds take up their charming songs once more.
Nhịp nhanh và trong sáng Mùa xuân đến với chúng ta Loài chim đón mừng nàng trở lại với bài hát rộn ràng và những dòng suối reo lời thì thầm vỗ về bằng những làn gió thoảng. Bão tố, đến cùng với mùa Xuân, gầm thét trải màu tăm tối trên bầu trời rồi chìm dần vào yên lặng loài chim lại réo rắt với những bài hát đáng yêu của chúng.
Đang đi bộ từ xa thấy có một đôi chim vịt đậu trên cây cao. Quen nhìn thấy vịt lội dưới nước, chuyện nhìn thấy vịt đậu trên ngọn cây cao vẫn còn là hình ảnh lạ. Chụp đại, tưởng là Mallard duck nhưng về nhà xem ảnh bằng computer thấy là wood ducks.
Số ba
Quạ mùa xuân
Mùa xuân, quạ tỏ tình với nhau nghe ngọt ngào như những lời thì thầm, tình tự của mùa xuân. Giọng của bọn chúng không chát chúa như những âm thanh mà người ta thường cho rằng điềm báo tai họa.
Không có gì đặc biệt để viết. Thấy hôm nay là ngày có nhiều số hai và số ba nên đăng vài tấm ảnh có số hai và số ba.
Và số không.
Tưởng tượng con rùa giống số không. Một số không có cái đuôi.
Không chắc chắn nhưng đoán đây là hoa của cây phong đỏ (red maple)Trời ấm mấy con rùa bắt đầu phơi nắngMấy nụ hoa thủy tiên hôm trước hôm nay đã nở trọn vẹn. Loại hoa này rất lâu tàn
Ngày 20 tháng Ba là ngày xuân phân. Vào lúc 5:24 pm là lúc ngày và đêm dài bằng nhau. Ở đây, ngày đầu năm không là Tết. Ngày Tết không là ngày xuân. Ngay cả ngày đầu xuân cũng không thấy mùa xuân rõ rệt. Mặc dù cảnh vật vẫn còn rất trơ trụi một màu nâu ảm đạm, trời ấm dần, nhiệt độ trong ngày lên đến hơn 50 độ F, nắng tràn đầy, vài ba đóa hoa nở chỗ này chỗ kia, chim hót ở góc nọ góc này, bấy nhiêu cũng đủ làm người đi bộ cảm thấy dễ chịu hơn.
Suốt dọc đường đi gần bốn miles mỗi lượt tôi thấy nhiều cặp ngỗng Canada và vịt Mallard, tuy vậy chưa thấy con nào nằm ổ. Không biết vì còn sớm hay vì mùa xuân năm ngoái, người ta sửa đường, máy to, xe lớn chạy rần rần làm bọn ngỗng và chim sợ hãi không làm tổ dọc đường trail nữa. Năm ngoái ngỗng đẻ trứng sát bờ kênh bị người ta hốt hết trứng, thấy ngỗng mái nằm ấp không trứng thật tội nghiệp.
the fowls putting themselves in the earth a day of spring – Rankô
ngỗng vịt và chim nước hiện diện trên mặt đất này một ngày của mùa xuân
Lại thêm một lần nữa mùa xuân trở về. Mùa xuân mưa nhiều. Dạo trước đi rừng Watchung, lá mùa thu rụng ủ lâu ngày dưới tuyết, gặp mưa biến thành bùn ngập đến mắt cá. Thấy bùn là biết mùa xuân. Sau này đi dọc bờ kênh, đường được sửa chữa sạch sẽ, bỗng nhớ bùn ở rừng Watchung.
at every gate spring has begun from the mud on the clogs – Issa
ở mỗi cánh cổng mùa xuân bắt đầu từ bùn dính trên giày
o0o
a day of spring in the garden sparrows bathing in the sand – Onitsura
một ngày mùa xuân trong vườn chim sẻ tắm mình trong cát
Những chữ in nghiêng là bản dịch của Nguyễn Thị Hải Hà. Dịch đại khái, tạm tạm để hiểu thôi, không hay mà cũng không dám chắc là dịch đúng. Thí dụ như chữ clogs làm tôi nghĩ đến loại guốc gỗ, người Nhật dùng để lộ ngón chân (họ mang vớ/tất). Trong khi người Mỹ có loại clogs (bắt chước người Hòa Lan/Hà Lan) có thể làm bằng gỗ nhưng sau này người ta dùng da thuộc, hoặc là da giả làm bằng nhựa. Loại này bít mũi, che ngón chân, không có dây giày, ấm hơn. Putting themselves in the earth thật chẳng biết dịch sao cho suông, bởi vì người Việt không có kiểu nói tự đặt chúng nó lên mặt đất. Kệ nha các bạn. Đọc chơi cho vui thôi. Người Mỹ họ nói rằng, khi không có chuyện gì tử tế để nói thì nói chuyện thời tiết.
Bức tranh Công Chúa Thứ Ba (Onna) và Con mèo. Tranh cuộn vẽ trên lụa của Hokusai.
Bức tranh bên trên miêu tả một đoạn văn trong chương 34, Wakana: Jo, trích trong truyện dài Truyện Hoàng Đế Genji – The Tale of Genji. Tùy theo dịch giả, có sách dịch Wakana Jo là Spring Shoots, hay New Herbs. Wikipedia tiếng Việt dịch là Cỏ non, phần 1. Bức tranh này được nhìn thấy trong quyển Hokusai của Tim Clark.
Truyện Hoàng Đế Genji của tác giả Shikibu Murasaki tương truyền là tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Genji là con của Hoàng Đế Kiritsubo với một người phi tần tuy nhan sắc tuyệt trần nhưng lại là con nhà dân dã. Genji có một vẻ ngoài xinh đẹp phi thường, toàn thân ông như tỏa ra một thứ ánh sáng diệu kỳ nên còn được gọi là Quang Nguyên Thị. Bên cạnh vẻ ngoài tuấn tú, Genji lại rất thông minh nhạy cảm, kiếm cung đều giỏi, nên rất được mọi người, nhất là phái nữ, yêu mến.
Bức tranh vẽ một thiếu nữ đứng sau rèm, tay nắm sợi dây giữ con mèo nhỏ đang vụt chạy. Bụi hoa trắng đang nở rộ dưới góc phải của bức tranh cho biết thời tiết đang mùa xuân. Bức tranh đơn giản, nhưng con mèo nhỏ bé kia là nguyên nhân dẫn đến một thâm cung bí sử rất ly kỳ.
Ngày xuân, nhân dịp sinh nhật thứ bốn mươi của hoàng đế Genji, lễ hội xuân được tổ chức linh đình, bốn mươi tấm thảm tatami trải ra, trên đó trưng bày bốn mươi lẳng hoa và trái cây tươi, rượu trà và yến tiệc. Một buổi tranh tài đá bóng được tổ chức giúp vui hoàng thượng Genji, lúc này đã về hưu. Tuy tuổi đã bốn mươi nhưng ngài vẫn rất tuấn tú như thuở đôi mươi. Genji vừa mới cưới thêm thứ phi, Onna San no Miya, thường được gọi là Công Chúa Ba (con thứ ba của hoàng đế Suzaku người cũng đã về hưu). Công chúa Ba còn rất trẻ, tuổi chừng mười ba hay mười lăm. Cùng xem buổi bóng đá có Kashiwagi, vị quan cai quản đoàn quân bảo vệ cửa thành bên phải, tuổi chừng hai mươi lăm. Vị quan này cũng rất điển trai, tuy không nổi tiếng đẹp như Genji nhưng chắc chắn là trẻ hơn hoàng đế. Kashiwagi là con cả của Tō no Chūjō, quan Tể Tướng và là bạn thân của Genji. Kashiwagi cưới công chúa Hai, chị của công chúa Ba, do đó là anh em cột chèo với Genji. Chuyện cung đình, quan hệ khá rối rắm. Người ta gã vợ gã chồng cho những người thuộc dòng dõi vua chúa và quan lớn, để bảo vệ địa vị và gây thêm vây cánh vì thế họ hàng gia đình gã cưới lẫn nhau. Có chỗ nói Kashiwagi là cháu gọi Genji bằng cậu. Không tìm được chỗ ngồi thuận tiện để xem, Kashiwagi cùng với một vị quan khác, ngồi trên bậc thềm lầu Tây, cung điện của công chúa Ba.
Cuộc đấu bóng đang độ gay go, thì có tiếng xôn xao ở trong lầu. Con mèo Kara Neko, còn gọi là mèo Trung quốc, của công chúa Ba, vì còn lạ với chỗ mới nên rất sợ hãi. Nó lại bị một con mèo khác to lớn hơn rượt đuổi nên vụt chạy ra hàng hiên. Con mèo có sợi dây cột ở cổ khi chạy vướng vào tấm rèm cửa và kéo rèm sang một bên. Do đó Kashiwagi nhìn thấy một cô gái trẻ đứng sau rèm.
Sau tấm rèm là một bức màn. Giữa tấm rèm và bức màn có một thiếu nữ mặc kimono lộng lẫy. Ở chỗ đó, ai cũng có thể nhìn thấy nàng dễ dàng. Chiếc áo lụa dài quét đất nàng mặc có nhiều lớp, từ màu sậm đến màu nhạt – màu hoa hạnh hồng đậm trên nền lụa có thêu hình những đóa hoa đào. Mái tóc nàng, đen nhánh và thật dầy, được chăm sóc cẩn thận, thả dài phủ xuống nền nhà cả hai tấc. Dáng người mảnh mai, thon thả, cái váy kimono cũng rất dài, mái tóc đen thả sau lưng dựa vào chiếc áo kimono càng làm dáng dấp nàng thêm quý phái và thanh thoát. Tuy vậy, trời dần sụp tối, Kashiwagi thất vọng vì không thể nhìn thấy rõ ràng hơn bóng người trong phòng. Các cô hầu của nàng có lẽ đang say mê xem các chàng trai trẻ đá bóng nên chẳng ai buồn chú ý đến những cánh hoa đào đang rơi, bởi vì các cô cũng chẳng chú ý là họ đã bị người ta nhìn thấy. Ánh nhìn và cử chỉ của nàng lúc quay người để nhìn con mèo đang miu mao, đầy vẻ khả ái và ngây thơ của một cô gái trẻ. [1]
Thứ phi Onna vì còn quá trẻ nên chưa theo đúng nề nếp. Thông thường, theo đúng tục lệ, Onna phải đứng sau cả bức màn để không bị nhìn thấy. Để được xem trận đấu bóng rõ hơn nàng chỉ đứng sau tấm rèm. Và nhan sắc, vẻ quí phái, đầy nét ngây thơ của Onna làm Kashiwagi mang bệnh tương tư.
Kashiwagi dùng nhiều cách để gặp Onna, thậm chí mượn cả con mèo của nàng để có cớ gặp nàng. Kashiwagi mua chuộc người hầu gái thân tín nhất để được đưa vào phòng riêng của Onna. Chàng nấp sau bức màn phía trước giường và chiếm đoạt nàng. Cuối cùng, Onna có thai với Kashiwagi nhưng ngoại trừ đôi tình nhân trẻ, ai cũng tưởng đứa con là của Genji. Điều này được xem là quả báo cho Genji vì vị vua này đã từng chiếm đoạt mẹ kế vốn là thứ phi của vua cha, Lady Fujitsubo, và có được đứa con trai tên Reizei, về sau cũng lên làm hoàng đế.
Con mèo xuất hiện khá nhiều trong văn chương và nghệ thuật Nhật Bản, từ thế kỷ thứ 11 trong Truyện về Hoàng Đế Genji đến thời hiện tại trong truyện của Haruki Murakami. Trong haiku của Yaso và Issa. Từ cổ tích hoang đường đến kịch kabukai (The Cat Stone). Trong tranh của Hokusai và các bức biếm họa khắc trên gỗ của Utagawa Kuniyoshi. Công chúa Onna San no Miya và con mèo là đề tài cho vô số họa sĩ tranh gỗ trong đó có Hiroshige, Yōshū (Hashimoto) Chikanobu, Kuniyoshi, Suzuki Harunobu chỉ là một vài thí dụ.
Mấy ai ngờ con mèo nhỏ bé của công chúa thứ ba, Onna San no Miya lại là nguyên nhân dẫn đến một chuyện tình say đắm, táo bạo, và ly kỳ trong thâm cung bí sử của Nhật Bản.
Nguyễn Thị Hải Hà
[1] Shikibu, Murasaki. The Tale of Genji: (Penguin Classics Deluxe Edition) (p. 620). Penguin Publishing Group. Kindle Edition. NTHH dịch từ bản tiếng Anh của Royall Tyler.
Ngày 14 tháng Ba có một cơn tuyết. Tuyết ướt bám đầy trên cây rất đẹp. Trời ấm nên cuối ngày tuyết tan hết. Nhà này (căn nhà trong ảnh) có hai cô con gái, hồi mới dọn về còn bế trên tay, vậy mà giờ đây đã bắt đầu trở thành thiếu nữ. Ảnh chụp trong lúc tuyết đang bay mịt mù.
Một chàng wood duck
Loại này thường đi có đôi, hôm 19 tháng Ba bất thình lình gặp chỉ một chàng bay sà xuống mặt kênh. Thoáng một chút lại vụt bay đi mất.
Tuy mặt trời còn cao nhưng hơi nước mù mờ khiến cho cảnh vật giống như buổi chiều.
Một nơi nào đó ở Đồng Văn hay Hà Giang tôi không còn nhớ
Lúc chụp tấm ảnh, tôi thầm nghĩ chỉ thấy mây thôi không thấy núi hay cảnh trí gì cả. Trong lòng có chút thất vọng. Nhưng mà bây giờ mới thấy, gặp dịp may trời có mây, chứ đâu dễ gì nhìn thấy mây thấp hơn chỗ mình đứng.
Sáng nay con mèo Xám đến ăn. Tôi mừng. Lâu nay không thấy nó tôi sợ nó gặp phải chuyện không hay. Xám gầy, ăn thức ăn mềm. Nó có vẻ rón rén sợ mấy con mèo khác mà sáng nay tụi nó đã bỏ đi đâu hết rồi. Tôi muốn mở cửa chụp ảnh Xám nhưng nghe tiếng tôi mở cửa bên trong nó dợm bỏ đi. Thấy vậy tôi dừng lại, nó thấy êm, ăn tiếp.
Sáng nay, trời không lạnh mấy nhưng tuyết rơi lơ phơ giống những đóa hoa trắng nhỏ, hay những sợi lông tơ của chim.
Hôm kia 12 tháng Ba 2023, nắng ấm. Hôm qua mưa.
Mùa này, chim, ngỗng, vịt, đã bắt đầu mùa đôi lứa. Một số ngỗng Canada bay đuổi nhau, tôi đoán là để tỏ tình, và chưa được ưng thuận. Một số đứng thành từng đôi ven bờ sông, bờ kênh, chuẩn bị chỗ cho ngỗng cái đẻ trứng, và ngỗng đực đứng canh phòng. Loài ngỗng Canada hay lắm. Anh chị nào chưa thành đôi thì đi theo đàn rất đông. Anh chị nào gặp đôi của mình thì tách ra riêng.
Tôi chưa hề gặp tổ vịt Mallard, nhưng bây giờ thì chúng đi từng đôi nhiều hơn trước. Cũng lạ một điều là số vịt Mallard trống lại nhiều hơn vịt mái. Hai trống một mái, hay ba trống hai mái đi chung với nhau rất thường xuyên.
Mallard ducksSandhill cranes
Thật lạ. Mùa này mà tôi vẫn gặp sandhill cranes ở cánh đồng bắp gần nhà thờ Pillar và dòng sông Millstone.
Mưa ở VN thì mát (hay là ấm) chứ mưa ở Mỹ, cho dù là mưa xuân thì cũng lạnh chết người.
Look of life The birds are out again I can feel a change upon the wind The color of the sky And the sound of the rain Coming down, down, down
Mùa xuân, vạn vật thức giấc, cuộc sống lại bắt đầu. Chim ca hót tưng bừng. Ngọn gió tưởng chừng ấm áp hơn. Màu trời cũng thay đổi. Và âm thanh của những giọt mưa xuân rơi đều đặn hiền hòa.
Những đóa thủy tiên đầu tiên dọc theo kênh đào Delaware and Raritan
Với khí hậu năm nay, ít tuyết, nên dù chỉ mới tuần lễ đầu tháng Ba, tôi vẫn ngờ đây là cơn tuyết đầu mùa xuân. Hôm trước nắng ấm, chim hót tưng bừng, đùng một cái hôm qua buổi sáng thức giấc thấy trời màu trắng dù mặt trời còn đâu đó rất xa, tôi tưởng trời có trăng, té ra không phải, tuyết phủ đầy mặt đất. Tuyết ướt bám trên mấy ngọn trúc mềm nặng quá nên chúng ngã rạp xuống mặt đất. Tuyết đầu xuân. Tuyết như thế này sợ rằng những nụ hoa đào sẽ bị lạnh, hư hết.
ngày chưa kịp sáng hẳn ngọn lá trúc nở đầy hoa tuyết trắng mùa xuân
as though this were the lot, a great deal fell, – spring snow – Issa
Mấy câu haiku này, đơn giản như vậy, mà tôi không biết dịch câu đầu ra làm sao. Hiểu đại khái như thế này.
Tưởng chừng như tất cả từ bầu trời rơi xuống rất nhiều – tuyết mùa xuân phủ trắng
Hiểu cách khác theo giải thích của Tống Mai
bỗng nhiên nơi này rơi rất nhiều (phủ đầy mặt đất) (hoa trắng như) tuyết mùa xuân
Và đây là đoạn dịch của Sóc, dịch từ tiếng Nhật. Tôi chép lại để dành.
是きりと 見えてどっさり 春の雪
tại đây ngay lúc này ngước trông trời ngợp trắng hoa tuyết mùa xuân
When we look back on these days When the stories are All that remain Will we be more Than the voices in our heads?
Rồi có những lúc ta nhìn về quá khứ, nhớ lại những ngày như hôm nay, khi tất cả chỉ còn lại là những mẩu chuyện. Chúng ta sẽ có gì hơn là tiếng nói trong trí nhớ?
Ngày nào cũng vậy, sáng, trưa, chiều tôi thường tự hỏi, mình làm gì đây. Dù rất lười biếng, tôi hầu như chẳng thích làm gì cả, nhất là làm công việc nhà, nấu ăn rửa chén giặt đồ, tôi luôn thích viết một cái gì đó. Cái gì đó giản dị thôi, ghi chép lại điều mình đã đọc, kể lại một chuyện phim hay, những chuyện xảy ra trong ngày, trên đường đi, nhìn thấy chung quanh, suy nghĩ vụn vặt. Viết trở thành thói quen như uống cà phê, uống trà, ăn vặt. Lâu lâu tình cờ lục lọi cái gì đó, thấy lại bài cũ đã viết, gặp lại những ý nghĩ của ngày xưa, đã lâu nên quên, nhìn lại những hình ảnh của ngày hôm ấy. Người ta gọi đó là kỷ niệm.
Bài này đặt tên nhật ký đọc 14 là có phần ăn gian. Đây là những ghi chép từ ngày hôm qua. Khi đọc tôi thường ghi chép, chịu khó gõ máy lại những đoạn văn, hay thơ, tôi chú ý. Thường là sau đó tôi quên hết. Thật may cho cái bộ óc mau quên của tôi. Nếu nhớ nhiều quá chắc dễ bị khủng hoảng trí nhớ, lộn xộn cái nọ xọ cái kia. Bây giờ già và lười, tôi không thể và cũng không muốn suy nghĩ nhiều. Tôi chỉ thích đọc những bài thơ đơn giản, và ngắn. Haiku rất là thích hợp.
Trích trong “Every Day We Get More Illegal – Juan Felipe Herrera.”
Address Book for the Firefly on the Road North #2 Quyển sổ ghi địa chỉ cho Đom đóm trên đường đi về hướng Bắc số 2. The Road North là con đường nhà thơ Basho đã du hành tôi không nhớ chính xác năm nào, chỉ nhớ mang máng là vào thế kỷ 16.
We are merely seekers wanderers moving alongside the mountains
Chúng ta chỉ là những người tìm kiếm, những người lang thang đi dọc theo sườn núi
Ko Un Says (Ko Un nói). Ko Un là nhà thơ Hàn quốc người ta đồn nhiều năm trước là tên ông nhiều lần được đề cử cho giải văn chương Nobel.
Leap (Nhảy) every human being in the village is an ever-opening story yes you must write about each one – it is the bravest gesture you must
mỗi người trong làng luôn luôn là một câu chuyện mở đầu vâng, bạn phải viết về mỗi câu chuyện ấy – đó thật là cử chỉ rất can đảm
let your hands find the water drag out from the village well everyone stands with their palms to their face they wait for you now
hãy để cho bàn tay bạn chạm vào nước múc ra từ giếng làng tất cả mọi người đều ôm mặt đứng chờ bạn ngay bây giờ
there is a line of quail leading to the meadows outside the city the persimmons are exactly the color they should be
có một đàn chim cút đứng sắp hàng dài ra tận cánh đồng bên ngoài thành phố những cây hồng đang đầy màu sắc
Address Book for the Firefly on the Road North #3 Quyển sổ ghi địa chỉ cho Đom đóm trên đường đi về hướng Bắc số 3
when we reach the family shrine made of twigs bitten cloth shrubs & dirt
khi chúng tôi đến đền thờ gia đình làm bằng vải tang câyvà đất
we bow chúng tôi cúi đầu
Address Book for the Firefly on the Road North #4 Quyển sổ ghi địa chỉ cho Đom đóm trên đường đi về hướng Bắc số 4
ancestors passed these trails their designs
tổ tiên đi qua những con đường này dấu vết họ để lại
offer kindness to the timeless trees they recognize you
dâng tặng tấm lòng tử tế cho cây cối muôn đời họ nhận biết bạn
Address Book for the Firefly on the Road North #5 Quyển sổ ghi địa chỉ cho Đom đóm trên đường đi về hướng Bắc số 5
if you climb faster than the others
nếu bạn leo nhanh hơn mọi người
you will reach the place you have dreamed of
bạn sẽ đến nơi bạn mơ ước
yet you will miss something your will miss the journey of the whole
tuy nhiên bạn sẽ mất đi vài thứ bạn sẽ mất đi cuộc hành trình
Address Book for the Firefly on the Road North #6 Quyển sổ ghi địa chỉ cho Đom đóm trên đường đi về hướng Bắc số 6
here a river – you can stop you can bath & rest
đây là con sông – bạn có thể dừng chân tắm và nghỉ ngơi
you can meditate on water & stone & the flow
bạn có thể thiền định trên nước và đá và dòng chảy
you can note the breath sound of all our lives
bạn có thể chú ý tiếng hơi thở của tất cả mọi người
Nhánh lan ông Tám trồng từ năm ngoái nở hoa liên tiếp hai năm, nhiều hoa và lâu tàn.
Sáng nay mở quyển sách mới ra của Pico Iyer. “The Half Known Life – In Search of Paradise” ở trang đầu có mấy câu:
With all your science can you tell how it is – & whence it is, that light comes into the soul?
Hai câu này, Pico Iyer bảo là của Henry David Thoreau, July 1851.
“Với tất cả khoa học, bạn có thể giải thích thế nào và khi nào, ánh sáng sẽ soi thấu tâm hồn bạn?”
Tôi mạo muội dịch tạm câu này theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, tại vì nghĩa của chữ “the light” sâu sắc quá, tôi dịch không hết nghĩa. Ánh sáng này có thể là sự sáng của tôn giáo, sự giác ngộ, sự thăng hoa, thậm chí có nghĩa là ánh sáng dẫn dắt linh hồn con người về Thiên Đàng.
Tôi chỉ đọc mấy trang rồi thôi, dù Iyer là tác giả tôi thích và đã đọc vài quyển du hành của ông. Quyển sách không khó hiểu nhưng đầu óc tôi không đủ tập trung để đọc nó. Quyển này ngày mai phải mang trả cho thư viện nên chắc dịp khác siêng hơn sẽ mượn lại.
Tôi chọn một quyển khác, mỏng hơn, nhỏ hơn. “Every Day We Get More Illegal – Juan Felipe Herrera.” Đây là quyển thơ của một tác giả tôi chưa hề đọc lần nào. Tôi tìm thấy nó ở thư viện trong lúc tìm sách về du hành của Basho. Xin chép lại một vài bài thơ tôi thích.
“I had to gain, peble by peble, seashell by seashell, the courage to listen to myself. My inner self.” Tôi phải thu thập từng chút một, từng viên cuội, từng vỏ sò, gom góp sự can đảm để nghe chính tiếng nói của tôi. Trong tâm hồn tôi.”
Open
as the leaf as the sidewalk as the tear & the iris as the casket upon visitation as the door when the twig school opens as the tongue that knows no rule as the trees unto vastness as the seed on its first day as the root twisting as the face when freedom strikes lightning freedom as the crystal upon sudden awareness as the waterfall rushing toward more openness as the walk of everything that walks as the shame lock when it breaks out of your skin
Mở ra
như chiếc lá trên lề đường như giọt nước mắt và con ngươi như quan tài lúc viếng chào như cánh cửa khi trường học bắt đầu như một người nói không biết lúc ngừng như cây mọc vào khoảng không như hạt mầm ngày đầu tiên như rễ cây quấn quít như nét mặt người khi bất ngờ nhận ra tự do, tự do như sấm sét như pha lê khi thình lình nhận ra thác nước đang mang mình vào chỗ rộng bao la, như bước chân của bất cứ những gì có thể bước, như nỗi nhục in hằn khi nó xuất hiện trên mặt chúng ta.
Đoạn bên trên thì thú thật tôi dịch đại, vì có vài đoạn tôi chỉ hiểu lờ mờ.
Đêm qua tuyết rơi. Báo New York Time đăng một mẩu tin, đây là cơn tuyết rơi lớn nhất ở thành phố New York trong năm 2023. Không biết tuyết rơi ở NY đêm qua dày bao nhiêu chứ ở New Jersey tối qua dự báo thời tiết nói rằng tuyết sẽ rơi từ 2 cho đến 4 inches. Bốn inches thì dày chừng một tấc. Sáng nay thấy mặt đất phủ tuyết chừng 2 inches.
Đặt tựa đề là tuyết đầu mùa, thật ra đây là cơn tuyết thứ nhì, nhưng cơn tuyết đầu tiên trong năm 2023 quá ít, không đáng kể. Chút nữa sẽ có mưa, chừng 39 độ F. có thể làm tuyết tan, nhưng nước sẽ đóng thành băng và rất trơn.
Những ngón tay hứng tuyếtHai cái bóng đèn bị phủ tuyết. Vách nhà hàng xóm màu vàngGiống như một người nằm võng hút ống điếu.
Ảnh chụp chung quanh nhà nhưng là của năm 2022. Tuyết của hôm nay thì cũng hơi giống giống như tuyết của năm ngoái. Trời lạnh tôi lười ra ngoài để chụp ảnh. Sáng sớm thấy bụi trúc bị tuyết đè nặng ngã rạp xuống đất nhưng bây giờ đa số đã đứng dậy được.
Mời nghe bài Winter Palace do dàn nhạc Trans-Siberian trình tấu.
Mời nghe Winter trong bộ tứ tấu khúc Four Seasons của Vivaldi
Trời khá ấm. Suốt mùa đông năm nay, ngoại trừ những ngày mưa hay bận gì đó, hầu như một tuần ông Tám và tôi đi bộ ba ngày. Có những ngày khí hậu giống như tháng Ba, chứ không phải tháng Hai. Chim hót vang trời. Những đàn starlings cả ngàn con bay vùn vụt lên xuống, đậu kín đen mặt đất. Ó bạc đầu đã bắt đầu nằm ổ gần cây cột 2 miles tính từ chỗ chúng tôi đậu xe. Cái tổ này có sẵn nhiều năm nay. Năm ngoái tôi cũng thấy cặp ó bay ra bay vào tổ này, và đã có nhiều người đến quan sát. Tổ ở bên kia sông Raritan, chúng tôi đi bên đường trail Delaware và Raritan Canal. Có một người chúng tôi thường gặp ở đường trail. Tóc ông bạc trắng nên ông Tám đặt cho cái tên Kim Mao Sư Vương lẽ ra phải gọi là Bạch Mao hay Bạch Phát mới đúng. Năm nay ông đã canh chụp ảnh ó đầu bạc từ tháng Giêng. Ông bảo cặp ó thường xuất hiện vào lúc hai giờ chiều. Nhưng cách đây vài hôm khi tôi thấy cặp ó, con mái nằm ổ, con trống bay vòng vòng, có khi đậu trên ngọn cây như canh chừng bảo vệ ó mái, thì đã thấy ông Kim Mao xuất hiện vào lúc 11 hay 12 giờ trưa. Lần gặp gần đây nhất đã thấy ông trang bị một cái ống kính chụp xa to và mới toanh. Hiệu Nikon. Ông hãnh diện bảo rằng với ống kính này ảnh chụp sẽ gần hơn gấp 125 lần. Tôi hà tiện vẫn chưa mua ống kính chụp xa.
Con ó ở Duke Farms đã đẻ hai trứng từ ngày Jan. 20 và 23 năm 2023.
Hoa Xuyên Tuyết
Snowdrop, còn gọi là Xuyên Tuyết, đã mọc rất nhiều, trông giống như những giọt tuyết hay như những bóng đèn trắng giăng đầy trên lá cỏ.
Phần trên là chuyện ngoài đường. Đoạn sau đây là chuyện ngoài sân.
Dự báo thời tiết bảo rằng sắp có tuyết những ngày sau, do đó mùa xuân vẫn còn ở khá xa. Mấy con mèo hoang vẫn còn khổ vì lạnh những ngày sắp đến. Chúng vẫn đến ăn thường xuyên, chỉ thỉnh thoảng biến mất một ngày. Con mèo Mun, lúc này với sự dạy dỗ của mèo Già, đã để cho tôi vuốt đầu, vuốt lưng, gãi cổ. Lúc được gãi ông Mun cũng kêu gù gù trong cổ biểu lộ vẻ hài lòng. Ăn xong cả Mun và Già đều chui vào cái nhà của tụi nó để giữ ấm. Có khi cho ăn mà chỉ có một con, thì con ở gần thức ăn kêu nho nhỏ, mặt hướng về chỗ con mèo kia đang núp, như bảo về ăn nhanh lên. Mun đeo theo Già như thể nó là một đứa em nhỏ, dù có lẽ Mun nhiều tuổi hơn. Lúc sau này cả Mun, Già, và Trẻ có thể ăn gần nhau mà không gầm gừ hù dọa nhau. Tôi để thức ăn cho Trẻ riêng ra. Bao giờ nó cũng ăn hết phần ăn của nó rồi mới đi. Những người bạn bé bỏng của tôi rất dễ thương.
Bây giờ đến chuyện trong nhà. Nora ho mấy bữa nay. Tôi nghĩ là nó bị vướng lông trong cổ, cố gắng nhưng vẫn chưa ho ra được. Bữa trước thấy Mun ho ra một lọn lông to tướng, còn Nora thì có bớt ho, nhưng không biết có phải đi Bác Sĩ hay không.
Hoa crocus (nghệ tây) trên đường trail D&R gần nhà thờ Pillar, Franklin New Jersey
Hôm qua trời ấm. Thường thường tháng này đang giữa mùa đông, tuyết rơi mịt mù, nhưng năm nay không có tuyết, chỉ có một lần rơi lưa thưa một lớp mỏng. Tuần trước, mấy người làm việc trong thư viện nói với nhau là năm nay ngày Groundhog Day, con groundhog không nhìn thấy bóng của nó. Có nghĩa là mùa xuân sẽ đến trước ngày chính thức mùa xuân.
Chim hót tưng bừng. Mấy con ngỗng Canada có lẽ cũng tưởng là mùa xuân về, nên đi từng cặp tìm chỗ làm tổ đẻ trứng. Mấy hôm trước thấy có con ó đầu bạc đứng trên vành ổ trên cây sycamore, nhà của nó mấy lâu nay người đi bộ thường xuyên trên đường trail này đều biết.
Ảnh bên trên là hoa nghệ tây (crocus) đầu mùa. Hoa này nở hầu như cùng lúc với hoa xuyên tuyết (snowdrop).
hoa âm thầm hé nhụy tiếng xuân vang lừng trong bầu trời trồi lên từ kẽ đất
Hạc ít khi xuất hiện trong văn học Tây phương; tuy vậy, thường được nhắc đến trong huyền thoại và tôn giáo.
Khi Odysseus và Diomedes mang con ngựa gỗ Trojan đánh chiếm thành Troy thành công, nữ thần Athena gửi chim hạc đi khắp nơi để báo tin mừng. Hình dáng mảnh mai, bước đi khoan thai, và cái vẻ đơn độc của loài hạc luôn được khen tặng là biểu tượng cho nét quý phái, thanh lịch, và tự do; một vẻ đẹp tự nhiên của đất trời.
Thuở xưa người Ai Cập thờ thần Benu. Tiếng kêu của Benu đánh dấu sự khai thiên lập địa và một ngày nào đó, tiếng của Benu cũng sẽ báo hiệu ngày tận thế. Hình tượng hay tranh vẽ cho thấy Benu giống như con hạc. Người La Mã tin rằng hạc là biểu tượng của sự tái sinh. Ovid, nhà thơ La Mã sinh năm 43 trước Công Nguyên và mất năm 17 (hay 18), giải thích rằng Ardae, thành phố nhỏ phía Nam La Mã, bị tướng Aeneas của quân đội thành Troy, san thành bình địa. Giữa hoang tàn đổ nát có con chim màu xám tro xuất hiện. Con chim có hình dáng mảnh khảnh cổ cao và chân dài, giang cánh đôi cánh rộng ngửa cổ thoát ra một tràng âm thanh áo não. Người Anh gọi loài chim này là Ardea Cinerea có nghĩa là con hạc màu tro. Hình ảnh và tiếng kêu của chim hạc được xem là điềm lành.
Tôi từng nghĩ rằng hạc là loại chim chỉ có trong tôn giáo, huyền thoại, thi ca, và âm nhạc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy hạc tận mắt. Tôi chỉ thấy hạc qua tranh vẽ, chim hạc ngậm tràng hạt bay đi về hướng nào đó, chắc là Thiên Thai hay Bồng Lai tiên cảnh.
Không biết tôi gặp con hạc nào trước. Hạc trong cái hạc bay lên vút tận trời[1] hay hai con hạc trắng bay về, về Bồng Lai[2]. Dù sao, tôi cũng biết thêm một điều, con hạc là loại chim màu trắng. Theo tranh vẽ, hạc có mỏ dài, cổ cong, cẳng cao, trông giống như con cò.
Năm 2007, về thăm Việt Nam tôi thấy tượng chim hạc trong vài đền thờ. Hạc rất cao lớn và dưới chân là con rùa nhỏ xíu. Tôi thắc mắc. Phải chăng người mình dùng hạc, để thay thế phụng của người Trung quốc, làm biểu tượng của sự trường thọ. Tôi tự hỏi vì sao một loài chim quý ở cõi tiên lại được đặt bên cạnh rùa, một loài vật của hạ giới. Hạc và rùa có lẽ cùng hiện diện ở chùa và đền thờ rất nhiều nên ca dao Việt Nam có hai câu:
Cảm thương con hạc ở chùa Muốn bay da diết có rùa giữ chân
Tôi gặp hạc nhiều hơn trong thi ca Việt Nam. Chim hạc có màu trắng. Nhà thơ Phạm Thiên Thư nói thế.
Anh nằm gối cỏ chờ hoa Áo em bạch hạc la đà thái hư (Phạm Thiên Thư)
Tôi biết bạch hạc là hạc trắng, nhưng la đà thái hư là gì và tại sao lại la đà thái hư? Tôi không hiểu hết nhưng đọc hai câu thơ vẫn cảm thấy hay hay, ngồ ngộ, vương vấn mùi hương Phật giáo.
Tuổi đời thêm một chút, tôi gặp con hạc vàng, qua bài thơ của Thôi Hiệu. Con hạc vàng này không có thật. Có người vào một quán rượu bên sông uống rượu mà không có tiền để trả. Ông ta vẽ một con hạc màu vàng trên tường của quán rượu để trừ nợ. Sau khi ông ta đi rồi, có con hoàng hạc xuất hiện múa và hót cho khách trong quán thưởng thức. Khách đến mỗi ngày một đông hơn, chủ quán mỗi ngày một giàu hơn. Quán rượu xây thêm mấy tầng lầu lộng lẫy đặt tên Hoàng Hạc Lâu. Rồi có một ngày, hoàng hạc biến mất nhưng thi nhân vẫn tìm đến ngắm cảnh đẹp và uống rượu. Thôi Hiệu đến đề bài thơ lên vách. Lý Bạch đến sau đọc bài thơ của Thôi Hiệu ngậm ngùi than rằng vì bài thơ Hoàng Hạc Lâu quá hay nên ông không dám đề thơ. Câu thơ về con hạc vàng được thi sĩ Vũ Hoàng Chương phóng bút thành Vàng tung cánh hạc đi đi mất. Trắng một màu mây vạn vạn đời. Tuy nhiên, bài thơ lưu danh muôn thuở không phải chỉ vì phong cảnh mà vì nó nói lên nỗi lòng của người ly hương, cho dù có đứng trước rừng cây đẹp hay bãi cỏ xanh của xứ người, thì nhìn khói chiều trên sông nước lòng vẫn bâng khuâng nhớ về quê cũ.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai (Tản Đà)
Ngoài bài thơ Tống Biệt, Tản Đà cũng nhắc đến hạc trong một bài thơ khác
Trông khắp trần gian hết thú chơi Thèm trông con hạc nó lên trời. Hạc kia bay bổng tuyệt vời Hỏi thăm cung Nguyệt cho người trọ không?
Câu chuyện hoàng hạc múa hát làm vui tửu khách khiến tôi nghĩ rằng tiếng hót của con hạc phải hay. Nhà thơ Nguyễn Du so sánh tiếng đàn của Kiều với tiếng hạc qua mấy câu thơ.
Trong như tiếng hạc bay qua, Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Cổ tích của Ai Cập và La Mã đều có nói đến tiếng kêu của loài hạc. Dù hạc và tiếng kêu của hạc là điềm lành, biểu tượng của sự tái sinh, nhưng các nhà viết cổ tích của Ai Cập và La Mã đều nói rằng tiếng kêu của hạc nghe chát chúa và áo não. Bạn có bao giờ được nghe tiếng hạc? Việt Nam có một vở tuồng cải lương có tựa đề “Tiếng Hạc Trong Trăng” nói về tình yêu của một cô gái mù. Trang phục của diễn viên trong vở tuồng này thấp thoáng nét của trang phục Nhật Bản. Tên vở tuồng cải lương và câu thơ của Nguyễn Du khiến tôi tưởng tượng tiếng hạc nghe chắc phải hay, thơ mộng, và lãng mạn. Chắc chắn phải ngược lại với lời miêu tả của các nhà văn cổ tích Ai Cập và La Mã.
Biết hạc màu trắng, giọng hạc trong, nhưng hạc có phải là loài chim có thật hay không? Nó ra làm sao? Mấy mươi năm trong đời, tôi chỉ biết vài loại chim như chim sẻ, con cò, và một vài loại chim khác qua mấy câu ca dao
Cái cò, cái vạc, cái nông. Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò.
Nghe câu hát vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi, tôi cho rằng con vạc cũng là con hạc. Hai câu ca dao nói trên khiến tôi đoán rằng con hạc có thể là loại chim có thật, và loài chim này sống ở nông thôn như con cò chứ không phải ở Thiên Thai. Nhà thơ Nguyễn Trãi có bài thơ.
Cò nằm hạc lặn nên bầy bạn Ủ ấp cùng ta làm cái con
Mãi đến năm 2012 khi hiking trong rừng thường xuyên tôi mới biết hạc là loại chim có thật. Hạc thường tìm thức ăn ở đầm lầy, bờ sông, những nơi nước không sâu lắm. Nó không bay lên đáp xuống thoăn thoắt như các loại chim nhỏ, chỉ đủng đỉnh từng bước một và có thể đứng ở một chỗ rất lâu. Hạc thường đi kiếm ăn một mình và ở nó luôn toát ra một vẻ cô độc. Nhà thơ Nhật Bản Shiki bắt được nét cô độc của hạc trong bài haiku, bản tiếng Anh của R. H. Blyth.
Rose-mallows are blooming; The widowed heron Of the old pond. Shiki
Dâm bụt nở rộ Con hạc góa bụa Bên hồ cũ xưa (NTHH dịch)
Khi lớp lông mềm bên trong bị ướt, hạc giang cánh ra thật rộng để phơi, nhưng có đôi ba lần tôi thấy con hạc xám lật ngửa hai cánh ra trước ngực như một người áo lam đứng vòng tay ngang rốn, tôi tưởng lầm nó bị gãy cánh. Tìm trên mạng biết nó lật ngửa cánh phơi cho khô ngực tôi đỡ thắc thỏm. Chim hạc phơi cánh thì thấy rồi còn con hạc khép cánh tà của Phạm Thiên Thư ra làm sao?
Hạc xưa về khép cánh tà* Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần.
Không biết. Nhưng câu thơ bổng trầm gợi trong tôi một vẻ đẹp chỉ có trong thi ca. Tiếng hạc đọng lại thành những giọt mưa và rơi xuống. Nhẹ nhàng. Trầm ngâm. Câu thơ khiến tôi, một người không biết làm thơ, suy nghĩ. Thơ là như vậy. Những con chữ được ghép lại một cách vần điệu, âm thanh trầm bổng, chứa đựng một hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của kiều nữ. Người đọc không cần hiểu hết nghĩa của từng chữ từng câu. Chỉ cần cảm nhận được, dù một cách mơ hồ, cái đẹp của bài thơ.
Hạc tiếng Anh là crane thuộc nhóm Gruidae, người miền Bắc gọi là con sếu. Vạc tiếng Anh là heron thuộc nhóm Ardeidae còn được gọi là con diệc. Ardea Cinerea con chim màu xám tro xuất hiện ở cổ thành Ardae đổ nát của La Mã là con heron. Bạn hãy để ý cái nguồn gốc Ardea. Trước kia các nhà điểu học đã xếp vạc và hạc vào nhóm Ardeidae. Cò thuộc về nhóm Ciconiidae. Hạc, vạc, và cò có nét giống nhau ở chỗ cổ cong và cẳng cao. Hạc, vạc, và cò (stork) đều là loại chim to. Người ta tôn kính hạc có thể tại vì vóc dáng to lớn của hạc. Người xưa hay thờ những con vật có thể làm người ta sợ hãi. Khi Huy Cận viết câu thơ Lòng anh mở với quạt này, trăm con chim mộng về bay đầu giường tôi chắc chắn trăm con chim mộng này không phải là chim hạc. Nếu là hạc thì người ta phải dời cái giường ra giữa đồng mới đủ chỗ cho trăm con. Và người em nào đó nằm trên giường chắc là sợ mất vía với trăm con hạc đập cánh bay phần phật.
Ở đường trail Delaware và Raritan, dọc theo sông Millstone và Raritan, có loại vạc xám người Mỹ gọi là great blue heron để phân biệt với heron có hình dáng nhỏ hơn. Rất có thể Ardea Cinerea, trong huyền thoại La Mã, là great blue heron. Người Mỹ dùng chữ blue để miêu tả loạt màu từ xanh đậm cho tới xanh nhạt cho tới xám nhạt. Vạc trắng egret hơi nhỏ hơn loài vạc xám. Hạc và rùa thường đậu và nằm trên những gốc cây dọc bờ sông. Điêu khắc gia Việt Nam có lẽ đã mang hình ảnh này vào chùa và đền thờ qua những bức tượng.
Con hạc trắng (sếu) mãi đến bây giờ tôi cũng chỉ nhìn thấy qua phim ảnh. Ở Hokkaido có loại sếu trắng đầu đỏ nổi tiếng bay múa rất đẹp trong mùa gọi tình. Tôi chỉ được thấy tận mắt loại hạc – sandhill crane, màu xám nhạt nhỏ hơn con vạc xám -great blue heron cỡ một chín một mười, và trên má có màu đỏ. Mùa đông loại hạc này thiên di ngang New Jersey. Tôi gặp một đàn mười con đậu trên đồng cỏ khô.
Tôi cũng nhận ra một điều; tiếng hạc không hay, không êm ái du dương, như tôi tưởng tượng. Thỉnh thoảng tôi vô tình đến gần chỗ hạc đang đứng, khiến nó hoảng sợ vụt bay, để rơi lại trong thinh không một chuỗi âm thanh arck… arck… arck nghe chát chúa. Nguyễn Du bảo là trong, có lẽ là trong trẻo hay trong vắt, nhưng trong trẻo đâu có nghĩa là thanh tao dịu dàng. Bảo đảm, trong đêm, dù bạn đang ngủ nằm mơ cũng có thể bị tiếng hạc đánh thức nhưng không phải tiếng chim như trong mấy câu thơ của Phạm Thiên Thư.
Đôi uyên ương trắng bay rồi Tiếng kêu tha thiết bên trời chớm đông.
Kể ra cũng khó phân biệt con vạc và con hạc. Có người quan sát bảo rằng con vạc khi bay rụt cổ lại, còn hạc thì giương cổ ra. Tôi đã nhầm lẫn vạc với hạc. Lần đầu tiên khi gặp great blue heron tôi đã gọi nó là con hạc xám thay vì vạc xám. Bài văn này không là bài nghiên cứu khoa học về chim, nên sự phân loại chính xác giữa vạc và hạc, tôi mong là có thể bỏ qua. Con hạc trong bài này là con vạc – heron chứ không phải là con sếu – crane. Mong độc giả tha lỗi.
Dự báo thời tiết từ hôm qua cho biết nhiệt độ cao nhất hôm nay sẽ là 20 độ F. và thấp nhất sẽ là 7 độ F. Tuy vậy sáng nay lúc hơn 4 giờ, nhiệt độ kế ở ngoài hiên cho thấy là 5 độ F. và một tiếng đồng hồ sau xuống còn 2 độ F (khoảng -17 độ C.).
Gió rất mạnh. Căn nhà chuyển mình răng rắc không biết vì tiếng gỗ co giãn do sự thay đổi của nhiệt độ hay vì run rẩy theo gió đông. Mỗi lần ca cẩm về cái lạnh của gió đông, là tự nhiên tôi lại nhớ đến một câu vọng cổ trong bài Tình Anh Bán Chiếu. Cái đoạn sau khi anh bán chiếu mang đôi chiếu hoa cạp điều do chính tay anh dệt đến nhà nàng để giao thì hay tin nàng đã đi lấy chồng. Đôi chiếu thật ra được đặt để dành cho buổi tân hôn nhưng anh giao hàng quá trễ, trễ cho đám cưới mà cũng trễ cho cuộc tình thầm lặng của anh. “Ngọn gió đông ơi đừng thổi nữa. Lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi.” Cũng buồn cười cho bộ óc già nua của tôi. Không hiểu tại sao tôi lại thuộc nhiều vọng cổ đến như vậy.
gió đông thổi vi vút con mèo ăn vừa nhìn lên đồi mong chờ con mèo bạn
Buổi sáng cho mèo hoang ăn lạnh tê tái, buốt cả đầu. Con Mun ăn được chút xíu đã chui vào cái ổ mèo để tránh lạnh. Con Già to lớn hơn, lông dày hơn, ăn lâu hơn. Ăn hết thức ăn mềm, sang chén thịt gà nấu mềm, và cả thức ăn khô. Con Mun yếu chịu lạnh có lẽ vì nhỏ con, lông không dày, và cũng nhiều tuổi hơn. Nó bắt đầu xuất hiện hình như từ năm 2015. Mèo hoang thường chỉ sống độ 4 hay 5 năm. Mun uống nước rất nhiều, triệu chứng thận của nó yếu, bà Doris Lessing nói về con mèo Rufus của bà như thế.
Tuần trước đi bộ đến một cái bờ kè, nơi có cống dành cho nước kênh thoát ra sông nên khá quang đãng, ít bụi rậm. Hôm ấy nước sông bớt chảy mạnh, nước bớt đục, dễ cho chim săn bắt cá hơn. Có con vạc xám đậu gần nghe tiếng chân người vụt bay lên.
gió đông từ tiền kiếp cưỡi lưng vạc về ngàn năm sau đánh rơi chuỗi tiếng kêu
Sáng nay, tuyết rơi một lớp mỏng, đủ để phủ trắng mặt đất, và đủ để nhìn thấy dấu chân mèo. Thầm nghĩ tuyết quá ít để gọi là cơn tuyết đầu mùa nhưng dù ít dù mỏng thì nó cũng là buổi tuyết rơi đầu tiên trong năm 2023.
mèo đen ngồi thu lu trên nền tuyết trắng tinh, dường như không biết lạnh
mưa băng rơi tí tách cửa sổ nhà ai đèn vẫn sáng người thao thức trong đêm
Bây giờ, 11 giờ trưa, nắng chan hòa nắng huy hoàng, phần lớn những nơi có nắng rọi đến tuyết đều tan hết. Nắng rộn rã làm tôi có cảm tưởng trời ấm lên và có lẽ cũng vì tôi cảm thấy cơ thể bớt lạnh. Dù ở đây đã hơn bốn mươi lăm và mặc ba lần áo vừa mỏng vừa dày tôi vẫn cảm thấy lạnh. Lúc nào cũng cảm thấy rúm ró ngại ra ngoài.
Hai con mèo hoang, Già và Mun, những hôm có nắng thường nằm trên đồi trong lá khô để sưởi ấm. Tội nghiệp chúng, những hôm trời không nắng, không biết chúng làm gì cho vơi bớt cái lạnh triền miên của mùa Đông?
chùm dâu dại đỏ rực thu hết ấm nồng của mặt trời mặt kênh xám mùa đông
Năm nay, New York và New Jersey có kỷ lục đặc biệt là đã giữa mùa đông mà vẫn chưa có tuyết. Tuy vậy thỉnh thoảng mưa dai dẳng cả ngày. Những ngày không mưa tôi đi bộ. Gặp một bầy sandhill crane gồm có 9 con. Trong tấm ảnh bên dưới chỉ có 7 con, còn hai con bị khuất sau mấy cái cây ở thửa ruộng bắp xa hơn.
Sandhill cranes trên ruộng bắp
Lần gặp sandhill crane đầu tiên cũng ở ruộng bắp của nhà thờ Pillar. Hai chỗ này rất gần nhau chỉ chừng trăm bước. Lần thứ hai chúng đậu trên một ruộng cỏ khô bên kia sông, cách chỗ này chừng một cây số. Lần gặp đầu tiên, tuyết lất phất bay, phong cảnh thật thơ mộng, rất thần tiên. Hôm ấy tôi đến gần hơn.
Đây là mùa đông thứ ba tôi gặp sandhill crane. Tiếng Việt phân biệt giữa crane (hạc, sếu) và heron (vạc, diệc). Sandhill crane nhỏ hơn heron, màu xám nhạt hơn, có một khoảng bao chung quanh đôi mắt lông màu đỏ tươi. Khi loài crane này cất cánh bay lên, lông bên trong của chúng có màu vàng nhạt. Con sếu bên phải có cái gì đó giống như cái vòng màu trắng trên mỏ. Nếu là vòng nhựa rác thải của loài người thì chắc là gặp nguy thôi.
Khi tôi đến gần, bốn con bay trước, sau đó ba con cũng bay theo. Tiếng kêu của nó khác với tiếng của heron. Heron kêu nghe ark, ark. Loại crane này tiếng kêu nghe như có chữ kr phía trước, kreck, kreck.
Lần nào gặp được loài này, tôi cũng có cảm giác như mình gặp dịp may.
You must be logged in to post a comment.