Xem lại ảnh cũ

Bây giờ ngồi xem lại mấy tấm ảnh chụp hồi năm 2019, thấy rõ ràng là tôi không biết chụp ảnh, không biết sử dụng máy ảnh. Lúc ấy tôi chỉ để máy tự động, may là cũng còn xem được ảnh chứ không bị hư hết. Bây giờ, sau một thời gian vọc máy, tôi chụp ảnh hư khá nhiều. Thấy mình có tiến bộ, vì biết ảnh hư ở chỗ nào, mức độ nào. Và có suy nghĩ nếu mình đặt máy ở mức độ này mức độ này thì có thể ảnh sẽ vừa ánh sáng hơn.

Sẵn sau khi xem lại ảnh chụp hồi tháng 8 năm 2019, ông Tám dẫn tôi sang California chơi, tiện đường ghé qua thăm một nơi mà nhà văn John Steinbeck đã làm cho trở thành nổi tiếng với tác phẩm Cannery Row, tôi đăng ảnh cũ. New Jersey đang mùa thu nhưng tôi lại muốn nhớ về nắng đẹp ở California lúc đang giữa mùa hè.

Những người có liên quan đến tác phẩm Cannery Row. Trên cao nhất là văn hào giải Nobel văn chương năm 1962, John Steinbeck. Bốn người ngồi gần là nhân vật dựa vào người thật.

Đường phố Cannery Row, dọc theo bờ biển.

Thành phố này, ngày xưa, thập niên 40 -50, là nơi đóng hộp cá mòi, sardine. Đầu tiên người ta dự định đóng hộp cá hồi, salmon, nhưng không thành, vì cá hồi ít quá. Vào những năm thế chiến thứ hai, quân đội đang cần thức ăn đóng hộp, vì thế Monterey chuyển sang đóng hộp cá mòi. Những năm ấy có luồng cá mòi đến Monterey nên sản xuất rất mạnh. Rồi không hiểu vì lưới nhiều quá nên giết hết cá con, hay vì cá mòi theo luồng nước biển đi sang nơi khác, nguồn cá mòi cạn kiệt trong vòng vài năm. Cuộc sống ở Cannery Row trở nên khó khăn. Ông Steinbeck gom sự khó khăn của người dân trong thành phố dần trở nên nghèo khó, kiệt quệ sự sống, vào trong tác phẩm Cannery Row.

Người dân Monterey tôn sùng Steinbeck như người hùng. Tên tuổi ông biến Cannery Row thành một nơi mời gọi du khách. Phải công nhận Cannery Row rất đẹp. Tôi vẫn nhớ cái vườn hoa nhỏ dọc bờ biển, cạnh nhà hàng nào đó, đẹp như một bức tranh của Monet. Cannery Row vẫn còn cái mùi cá mòi, mà Steinbeck mở đầu quyển truyện, bằng từ “mùi hôi thối nồng nặc.” Một thời lừng danh, với một số lâu đài các đại gia đến ở. Mùi cá mòi nồng nặc đã khiến các đại gia bán nhà dọn đi nơi khác. Trải bao thăng trầm, có nơi chỉ còn lại bức tường đá.

Bức tường dọc theo bờ biển Cannery Row

Đoạn văn mở đầu quyển Cannery Row của John Steinbeck

Nhà văn Steinbeck được trao giải văn học Nobel 1962 “for his realistic and imaginative writings, combining as they do sympathetic humour and keen social perception.” Ông là nhà văn hiện thực, chuyên viết về xã hội, có khuynh hướng bênh vực người nghèo khó oằn người dưới áp bức của xã hội. Vì quan điểm này, ông bị xem là thân Cộng. Quyển sách nổi tiếng nhất của ông, có lẽ, là The Grapes of Wrath. Bạn có thể dịch ra thành nhiều tựa đề, nhưng ngày xưa có người đã dịch là “Chùm Nho Uất Hận.” Xin tha lỗi vì tôi không biết tên dịch giả.

10 thoughts on “Xem lại ảnh cũ”

  1. Xem những bức ảnh của chị, hầu như lúc nào đôi chân em cũng bị khiêu khích bước đi, bước đi ra thế giới rộng lớn bao la ngoài kia…

    1. Vậy thì hãy lên đường. Không cần đi đâu xa. Bắt đầu từ ngay thành phố mình đang ở. Hạnh đang ở đâu? Hãy đi và quan sát rồi ghi lại.

      1. Em đang ở Sài Gòn. Hổm rày Vn tương đối ổn về covid nên em cũng có tung tăng chút chút quanh thành phố với nhóm bạn.

        1. Người ta nói muốn biết về một thành phố thì hãy đi bộ. Hạnh có xe đạp không? Thử đạp xe loanh quanh, chụp ảnh (nếu không có máy ảnh thì dùng phone) có lẽ sẽ nhận ra nhiều điều thú vị mà từ trước đến giờ Hạnh không chú ý.

          1. Em vẫn đạp xe quanh xóm mỗi ngày như một cách tập thể dục. Em sẽ làm theo lời khuyên của chị.

  2. Chúc mừng cô Tám đã nâng trình chụp ảnh ạ, hihi. Bức ảnh đường phố Cannery Row khiến cháu lập tức nhớ lại con phố cũng giống y hệt như vậy ở Busan, Hàn Quốc.

    1. Cám ơn cháu. Cô cũng hy vọng dịch bệnh sớm chấm dứt để trong tương lai cô có dịp sang xem Hàn quốc. Xem ảnh của nhiều người viết blog cô cũng nôn nóng lắm rồi.

      1. Cô có thể tranh thủ thời gian này để lên kế hoạch, tìm hiểu kỹ nơi muốn đến ạ. Cháu cũng hay làm vậy để tự motivate mình :D.

Leave a comment