Tấm Gương Rỗng

Gương rỗng hay gương vô ảnh.

Tôi có cái bệnh tò mò. Đời sống ở đây khá biệt lập, hàng xóm ít khi qua lại với nhau nên tôi tò mò không biết nhà người ta bày biện thế nào, bữa ăn dọn lên bàn có những gì. Khi nhìn chung quanh trên xe lửa, trong nhà ga, tôi tự hỏi người ta nghĩ gì, niềm vui nỗi buồn của họ là những gì. Bệnh này có lẽ cũng tự nhiên, không ít những người như tôi. Tôi cũng nghĩ cuộc sống của người khác luôn có cái gì đó hấp dẫn hơn cuộc sống của mình. Nếu không chẳng ai bỏ tiền đi nửa vòng trái đất để xem xứ sở của người khác. Người ta ào ạt đến thăm thành phố New York cách chỗ tôi ở chỉ chừng nửa giờ lái xe mà chẳng mấy khi tôi vào vì sợ ồn ào và kẹt xe. Trong khi tôi ngồi mà mơ ước những căn nhà cheo leo vắng vẻ ở triền núi Andes, những ngôi nhà đá ở Ái Nhĩ Lan hay Tô Cách Lan, những vườn nho ở Tuscany, những ngôi nhà thờ cổ kính ở Lỗ Ma Ni. Và tôi cũng mơ Kyoto của Nhật Bản. Xứ Phù tang này quyến rũ tôi ghê lắm. Từ khi tôi ghiền đọc Xứ Tuyết và Ngàn Cánh Hạc của Kawabata  tôi càng mơ về xứ này nhiều hơn nữa.

Kyoto, chứ không phải Tokyo, thành phố tráng lệ. Kyoto được mệnh danh là đất tu hành với hơn 8000 ngôi chùa của Phật Giáo và Thiền Giáo. Thánh thiện đến mức trong cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản người ta ngầm giao kết với nhau không oanh tạc Kyoto. Cách đây hơn năm mươi năm cũng có người tò mò về Nhật, về Thiền giáo. Đủ tò mò để bỏ tất cả lại đằng sau lưng, sang Kyoto sống trong thiền viện mười tám tháng, để tìm hiểu Thiền là gì. Người ấy là Janwillem van de Wetering.

Janwillem van de Wetering sinh năm 1931. Đi du lịch nhiều nơi, làm đủ thứ nghề kể cả làm cảnh sát (ở Amsterdam từ năm 1966 đến năm 1975). Ông viết nhiều thể loại trong đó có truyện trinh thám với nhân vật là thám tử Grijpstra và De Gier, truyện cho thiếu nhi với nhân vật là con nhím Hugh Pine. Kinh nghiệm sống trong thiền viện đã làm nền cho ông viết một bộ ba quyển sách về Thiền giáo ở Nhật Bản. Năm 1984 ông được giải thưởng văn học của Pháp Grand Prix de Littérature Policičre. Ông qua đời ngày 4 tháng 7, năm 2008.

Lang thang trong thư viện một buổi sáng thứ Bảy, tôi gặp một quyển sách có tựa đề hấp dẫn. The Empty Mirror – Experiences in a Japanese Zen Monastery của Janwillem van de Wetering.  Empty Mirror, tấm gương trống rỗng, gương không phản chiếu một hình ảnh nào, thật là huyền bí. Huyền bí cũng như Thiền, như những câu đố Thiền, Koan, thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay, cái tinh túy của Thiền là gì, và những trải nghiệm của cuộc sống trong thiền viện là như thế nào. Tôi tự hỏi. Ai mà không tò mò muốn biết thế giới của nhà tu. Kể từ khi xem phim The Name of the Rose do Sean Connery đóng dựa theo truyện của Umberto Eco tôi càng tò mò về cuộc sống của các nhà tu, Công giáo cũng như Phật Giáo. Tôi tha ngay quyển sách về và suốt tuần tôi đọc đứt quảng, xen kẻ với quyển A Tale of 2000 của Bùi Ngọc Tấn được Đào Phụ Hồ dịch ra tiếng Anh. Quyển sách (The Empty Mirror) dễ đọc, hấp dẫn, dù cuối cùng tác giả cũng chẳng trả lời được cho chính ông những câu hỏi mà ông tự thắc mắc. Thiền là gì? Tại sao người ta sống? Sống để làm gì?

Mùa hè năm 1958, Jan, viết tắt của chữ Janwillem, một chàng trai Hòa Lan, cao lớn, đẹp trai, hai mươi sáu tuổi, bị khủng hoảng tư tưởng sao đó gom góp hết tiền bạc của cải, sang Nhật đi tìm câu trả lời cho chính mình sống để làm gì. Ông chọn Phật giáo, và ông cũng như tôi không phân biệt được Phật giáo và Thiền giáo, vì ông nghĩ Phật đã giác ngộ và tìm ra được câu trả lời về cuộc đời và sự sống. Jan muốn thực hành phương pháp Thiền để trả lời và giải quyết những khủng hoảng của cuộc đời mà ông không nói ra với độc giả. Tôi chỉ lờ mờ nhận biết ông chán đời đến độ không còn muốn sống. Quyển sách tôi đọc in năm 1974. Tôi không đẻ ý là ông viết đã lâu rồi mới in sách và điều này xem chừng không cần thiết.

Nhưng tại sao lại là tấm gương rỗng? Ông viết trong trang đầu, rất (khó hiểu như) Thiền. Gương rỗng, bởi vì nếu bạn có thể thật sự hiểu thấu, thì nơi đây sẽ chẳng có gì để bạn tìm kiếm.

Jan, không biết tiếng Anh, xách va li vào thiền viện xin học đạo. Sư cụ mời Peter,  vị học trò người Mỹ ở Nhật lâu năm tu thiền tại gia, đến làm thông dịch. Và Jan được nhập thiền viện với tư cách là người thế tục học đạo. Anh đóng một số tiền rất nhỏ, tượng trưng thôi, cho chi phí cuộc sống trong thiền viện. Anh phải tuân theo nếp sống tu hành và anh chỉ bị bắt buộc sống ở thiền viện liên tục tám tháng. Chẳng những anh tuân theo luật và anh ở lại lâu hơn thời gian ấn định mười tháng.

Đời sống trong thiền viện rất khó khăn. Jan phải thức giấc lúc ba giờ sáng, đi ngủ lúc mười một giờ. Thì giờ còn lại là ngồi thiền định, ít nhất là 6 giờ ngồi thiền, thì giờ còn lại là ăn uống làm vườn. Ngồi thiền theo kiểu ngồi hoa sen rất khó đối với Jan, vốn cao lớn và có lẽ gân guốc. Phải mất một thời gian rất lâu Jan mới chịu nổi cái đau đớn của thể xác. Người tu thiền phải ngồi theo thế hoa sen vì đó là tư thế quân bình, giữ thăng bằng thể xác sẽ đưa đến giữ thăng bằng tư tưởng. Khi ngồi thiền, người tu học phải giữ cho mình không nghĩ gì khác hơn là câu Koan mà mọi người đều được giao cho một câu koan khác nhau. Sau khi giải được câu koan này người ta sẽ được giao cho một câu koan khác khó hơn và cứ thế cho đến khi người ta hiểu biết và thấm nhập tư tưởng thiền. Có người giác ngộ đạt đến trình độ satori. Còn Jan cho đến khi rời thiền viện câu trả lời của anh vẫn chưa được chấp nhận.

Vì không quen ăn chay nên Jan ngã bệnh. Theo toa bác sĩ, Jan được ra ngoài mỗi ngày một lần để … ăn mặn. Bản chất không phải là nhà tu, mà là nhà văn. Jan thèm được đọc sách nhưng không được đọc. Thèm đối thoại phát biểu tư tưởng nhưng không được nói (sau khi anh biết tiếng Nhật chút ít) và cũng chẳng ai muốn nghe anh nói. Quyển sách không giải đáp được gì cho đời sống tinh thần tuy nhiên những tìm hiểu, tự vấn, suy nghĩ của Jan được biểu lộ một cách hóm hỉnh nên đọc rất hấp dẫn. Jan khám phá là các nhà sư thiền, đôi khi đi tu học vì sự bắt buộc của gia đình, cuộc sống thế tục hấp dẫn họ không ít. Các vị sư trưởng, sư phụ, đồng môn đã ngó lơ hướng khác dù họ biết là các môn sinh thỉnh thoảng bắt thang trèo ra ngoài tường. Jan có lần say khướt, vào thiền viện làm hư rách cả vách nhà (dán bằng giấy), môn sinh của anh sửa lại.

Thiền sư, tùy theo chi nhánh, được phép cưới vợ. Peter, người Mỹ, trước là lính sang Nhật, gặp một thiền sư gây ấn tượng mạnh, ông trở lại Nhật tu thiền tại gia, đi dạy nhạc và trình diễn dương cầm. Sau khi Jan tu thiền ở thiền viện một thời gian, anh được đưa ra ngoài tu học với Peter. Không thấy hiểu biết gì thêm về thiền giáo cũng như chính mình, Jan trở về nước, dùng kinh nghiệm học hỏi viết sách về thiền.

Quyển sách hấp dẫn tôi ở chỗ những suy nghĩ rất thế tục của Jan. Sống để làm gì? Có một nhà tu thiền bao nhiêu năm không giải được câu koan nên bỏ ra khỏi thiền viện. Trên đường đi anh gặp một ổ điếm, và một cô điếm nào đó đã dạy anh bài học đầu đời về tình dục. Tương truyền anh đã bị chấn động mạnh đến độ anh ngộ ra câu trả lời cho câu koan của anh ngay lúc ấy và từ đó về sau anh mở một chi nhánh về thiền tu theo kiểu riêng của anh và hấp dẫn được rất nhiều môn sinh.

Cùng với những suy nghĩ Jan cũng thu thập được rất nhiều giai thoại về thiền. Về vị sư sáng lập ra thiền viện mà anh tu học. Đó là một nhà sư bụi đời, chuyên sống dưới gầm cầu hòa mình với những người nghèo khổ và du thủ du thực. Vua giả dạng thường dân, đi bán dưa dưới gầm cầu, gặp một người hành khất có đôi mắt sáng phi thường. Vua bảo, ta biếu dưa cho ngươi nhưng không được dùng tay để lấy dưa. Người hành khất trả lời, ta sẽ nhận dưa nếu ngươi trao dưa cho ta nhưng không được dùng tay. Vua xây thiền viện và mời vị thiền sư về dạy đạo.

Còn về tấm gương rỗng thì có câu chuyện này. Có một vị phu nhân quyền quí trong triều đình của một vị vua rất một đạo. Vua tỏ lòng kính trọng một vị thiền sư mù ngài nghe tiếng nhưng vị thiền sư từ chối không tiếp nhà vua. Vị phu nhân vâng lệnh vua giả trang làm một người thường dân đi tìm gặp nhà sư với hy vọng mời được nhà sư xuống thế mà dạy đạo. Vị phu nhân đến tu viện nhằm cơn bão chùa bị sập và dĩ nhiên vị thiền sư đuổi bà về bảo rằng mình chỉ là kẻ ngu dốt chẳng dạy dỗ ai cả. Vị phu nhân ngỏ lời muốn trùng tu ngôi chùa và xin phép được đến ở một tuần để tĩnh tâm. Nhà sư chấp nhận ý kiến của bà. Phu nhân đến ở ba tháng học nghi thức đốt lửa để cầu nguyện. Sau ba tháng nhận ra mình không học được gì bà buồn bã từ giã thiền sư. Tội nghiệp cho lòng thành của phu nhân, vị thiền sư bảo bà về triều đình, chọn một chỗ trống để có thể chứa 50 tấm gương và ông sẽ đến truyền đạo cho bà.

Thiền sư sắp xếp cho năm mươi tấm gương phản chiếu lẫn nhau. Ông bảo phu nhân nhìn vào gương và nói cho ông biết phu nhân nhìn thấy gì.
– Tôi thấy tất cả mọi chuyện xảy ra đều phản chiếu lại trong tất cả mọi thứ
khác.
– Đúng, rồi còn gì nữa?
– Tôi thấy phản ứng của bất cứ người nào đểu có hậu quả trong tất cả, không phải chỉ ở loài người mà ở tất cả mọi loài, mọi giới.
– Gì nữa?
– Tất cả mọi thứ đều có liên hệ với nhau.

Thiền sư chờ nghe tiếp nhưng phu nhân không nói gì thêm. Thiền sư nói nhà ngươi không hiểu biết nhiều nhưng cũng có hiểu biết, thế cũng là có học hỏi đôi điều, dù sao đây cũng là bước đầu. Rồi ông lần mò dọ dẫm ra khỏi hoàng cung. Về sau vị phu nhân đi tìm thiền sư lần nữa thì ông đã qua đời.

Câu chuyện về những tấm gương rỗng này ngụ ý rằng, nếu chúng ta hiểu được truyện thì sẽ không còn gì để phải tìm kiếm cho sự hiểu biết nữa.

Còn tiếp, để lúc khác sẽ viết thêm kẻo các bạn ngủ gục.

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s