Bài điểm sách “Mùa Chinh Chiến Ấy” (tác giả Đoàn Tuấn) của nhà thơ Võ Thị Như Mai.

Như Mai và tôi quen nhau qua blog. Mai gửi bài này nhằm vào lúc tôi mới vừa đọc xong quyển sách hôm qua. Tôi có xóa vài chữ Mai khen tôi rộng rãi quá làm tôi thấy mình không xứng. Xin mời các bạn đọc bài điểm sách của Võ Thị Như Mai.

Continue reading Bài điểm sách “Mùa Chinh Chiến Ấy” (tác giả Đoàn Tuấn) của nhà thơ Võ Thị Như Mai.

Con mèo, anh chồng, và hai cô vợ

Tôi đọc xong truyện “A Cat, a Man, and Two Women” của Jun’ichiro Tanizaki. Nếu bạn thích “Lady and a little dog” của Anton Chekov thì bạn sẽ thích truyện này. Tanizaki chắc chắn là người thích mèo vì ông biết tất cả thói quen của mèo và đưa vào truyện ngắn những chi tiết về thói quen của mèo một cách rất tỉ mỉ. Không phải ai cũng thích loại truyện này, nó có thể gây nhàm chán vì chỉ nói toàn quan hệ giữa đàn ông với đàn bà, với những khúc mắc tâm lý của nhân vật. Anh chồng, người hiền lành, không mấy giỏi giang anh hùng, được mẹ săn sóc nuôi nấng. Lớn lên được vợ hầu hạ phục vụ. Anh có nuôi con mèo và anh rất yêu nó. Yêu đến độ cô vợ đầu tiên phát ghen. Anh bỏ cô vợ đầu tiên, lấy cô vợ thứ nhì giàu hơn, trẻ hơn. Cô vợ thứ hai cũng ghen với con mèo. Lòng ghen này xảy ra sau khi cô vợ cũ, viết thư cho cô vợ mới, xin được nuôi con mèo. Lá thư được tác giả, rất sành tâm lý phụ nữ, khéo léo gợi lòng ghen của người đàn bà. Cô vợ mới bắt anh chồng phải đem cho con mèo và anh vâng lời. Con mèo về tay người vợ cũ. Cô vợ mới lại ghen vì lo sợ anh chồng sẽ vì con mèo tìm về cô vợ cũ…

Đôi khi tôi tự hỏi, cái hay của một tác giả có phải là, có thể hấp dẫn người đọc bằng những đề tài tầm thường. Đọc truyện này tôi có cảm giác như đọc truyện Tây phương hơn là truyện Nhật, vì nó thể hiện một xã hội quá bình an, hạnh phúc nên chỉ có thể xoay chung quanh chuyện gia đình, những cãi vã vô tận giữa đàn ông với đàn bà.

Thật ra, không phải chỉ có hai người đàn bà, mà là bốn người, nếu tính thêm bà mẹ và con mèo (cái). Bà mẹ là chất xúc tác đưa đến chỗ bỏ người vợ trước và cũng chính bà là người môi giới dẫn đường đến người vợ sau. Thật ra, không chỉ ly dị người vợ trước mà là tống cổ đuổi đi. Con mèo sống với bản năng muốn được ăn ngon, ngủ ấm. Nó đi vào lòng ông chủ và từ đó quấy nhiễu cuộc đời của ông ta với ba người đàn bà; những người đáng lẽ phải được yêu quí hơn con mèo.

Từ khi tôi đọc quyển Dog Man (của Martha Sherrill), phim The Makioka sisters, và tiếp theo là truyện này, tôi thấy cảm phục sự chịu đựng đầy nhẫn nại của phụ nữ Nhật Bản và thương xót cho thân phận của họ. Không biết xã hội Nhật đã tiến triển đến mức nào, và ngày nay cuộc sống của phụ nữ Nhật như thế nào; vài thập niên trước, số phận của họ vẫn còn hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông, cha hay chồng. Đúng với câu thơ của Mạc  Bạch Cư Dị. Nhân sinh mạc tác phụ nhân thân. Bách niên khổ lạc do tha nhân. (Dịch là: Ở đời chớ làm thân đàn bà. Trăm năm vui khổ do người ta.)

Truyện dành cho trẻ em

Khi muốn đầu óc thanh thản hơn, tôi thích đọc truyện hay xem phim dành cho trẻ em. Một trong những điểm lợi khi đọc sách và xem phim dành cho trẻ em, là ít bạo động (ít nhưng vẫn có), tranh ảnh rất đẹp, lời văn đơn giản, tình dục thì hầu như không có, ngoại trừ khi đó là sách dành cho những người đang ở tuổi dậy thì (young adults) thì có nói đến tình yêu và tình dục nhưng không đến độ làm người đọc thấy khó chịu.

Lang thang trong trang mạng của thư viện địa phương, với key word là wabi sabi, tôi tìm ra rất nhiều quyển sách hấp dẫn, trong đó có một quyển dành cho trẻ em có tên là Wabi Sabi. Quyển sách này của tác giả Mark Reibstein, tranh ảnh minh họa của Ed Young. Trong quyển này Wabi Sabi là tên của con mèo. Nó không hiểu tên của nó nghĩa là gì và đi tìm nghĩa của chữ này.

Đơn giản, tác giả giải thích và đưa người đọc đến với văn hóa Nhật Bản bằng một cách hành văn giản dị dễ hiểu. Truyện có lẽ dành cho trẻ em mới biết đọc hay cần được cha mẹ đọc cho nghe. Tôi tìm thấy một số hài cú của Basho và Shiki được dịch sang tiếng Anh. Tôi thấy quyển này enjoyable. Tôi có người bạn thích post lên facebook những bài trắc nghiệm về bản tính của người đọc. Có lần tôi thử một bài trắc nghiệm của cô ấy thì thấy tôi nhìn cuộc đời bằng đôi mắt trẻ thơ. Có lẽ vì vậy tôi thích sách dành cho trẻ em, phim hoạt họa. Cũng có thể vì trẻ khôn ra, già lú lại, tôi thích truyện trẻ em vì nó dễ hiểu (và ít dùng chữ khó 🙂 ) Thêm một lý do nữa là tôi thích xem tranh, ảnh.

Nghiệm lại, từ khi còn nhỏ đến giờ, tôi vẫn tò mò về văn hóa Nhật Bản, văn học Nhật và Thiền giáo. Tôi có cả một bộ sách của Dazai Osamu tôi vẫn tự bảo mình cần phải dẹp bớt những thứ linh tinh lang tang để đọc bộ sách này. Mấy tuần nay thì tôi xem một số phim không tiếng nói của người Nhật. Qua lời giới thiệu của một bạn trẻ nào đó tôi tìm xem phim Song of the Sea (phim trẻ em có huyền thoại của người Irish, Celtic) và The Wind Rises, phim Nhật (lúc nào rảnh sẽ nói sau).

Hết tìm bên ngoài, lại tìm trong mình, một cái gì đó chưa thành hình, chưa rõ nét.

1


Ảnh 1. Một cây thông già có thể dạy cho chúng ta những sự thật quí giá. Châm ngôn Thiền.

Wabi Sabi là một cách nhìn về cuộc đời, trọng tâm của nền văn hóa Nhật Bản. Quan điểm này nhìn thấy cái đẹp và sự hòa hợp ở trong sự đơn giản, khiếm khuyết, bản chất tự nhiên, khiêm nhường, và bí ẩn. Nó có thể hơi ảm đạm, nhưng nó cũng ấm áp và dễ chịu. Có thể hiểu Wabi sabi bằng cảm nhận hơn là ý nghĩa.

2

Ảnh 2. Wabi sabi bắt nguồn từ văn hóa cổ của Trung quốc, quan niệm sống của Đạo giáo và Thiền (theo nghĩa Phật giáo) tuy nhiên nghĩa chữ này bắt đầu thay đổi khi Thiền giả Murata Shuko ở Nara (1423-1502) thay đổi nghi lễ thưởng thức trà. Ông loại bỏ những ấm tích chén tách dùng trà sang trọng bằng vàng, ngọc thạch, và sứ trắng bằng những thứ đồ dùng quê mùa, thô nhám, bằng gỗ hay đất sét nung. Vài trăm năm sau, trà sư nổi tiếng Sen no Rikyu ở Kyoto (1522-1591) mang quan niệm wabi sabi vào giới cầm quyền. Ông xây những trà thất có cửa thật thấp đến độ ngay cả hoàng đế cũng phải khom lưng để vào nhà, nhắc cho mọi người nhớ đến sự quan trọng của đức tính khiêm nhường đi trước cả phong tục cổ truyền, những điều bí ẩn, và linh hồn tổ tiên.

3

Ảnh 3. Đây là những bài hài cú được phiên âm của tác giả Basho (đánh dấu bằng chữ B) và Shiki (đánh dấu bằng chữ S) được Nanae Tamura chọn và dịch sang tiếng Anh. Tamura là một học giả chuyên về hài cú. Cô dịch và sáng tác, giám khảo chọn giải thưởng cho cuộc thi hài cú toàn quốc ở Nhật và là giáo sư phụ giảng của Trung Tâm Quốc Tế của Đại học Ehime.

4

Ảnh 4. Những bài hài cú được dịch ra tiếng Anh.

5

Ảnh 5. Một phần của tranh minh họa được cắt dán bằng giấy màu. Còn rất nhiều tranh bích họa nhưng tôi chọn phần này vì nó sáng sủa hơn những bức tranh khác. Và cũng vì tôi thích tranh tre hay trúc. Trên bức tranh có hai bài hài cú.

Xóm nhà màu sậm, nổi
trên mặt biển cát trắng. Dòng suối
cuốn trôi đá cuội, reo.

Vị sư về gom lá
vào đụn cát mới cào, cô mèo
hèn mọn có thể hiểu.

Sách

Lúc người ta có thể hưởng thụ thú vui học hỏi nhất, là khi về già, như tôi lúc này. Tôi thích học văn, nhưng cũng như bao nhiêu học sinh khác của tất cả những ngành học khác không phải môn nào trong văn học tôi cũng thích. Nếu bạn là học sinh, bạn bị bắt học những môn mà bạn rất chán, những môn này chính là những môn có thể làm bạn bị điểm thấp, thi rớt, bị mắng, bị phạt đủ thứ. Có nhiều khi tôi chỉ muốn học một lớp nào đó thôi và trốn tất cả các lớp khác. Học như tôi bây giờ, chỉ để cho thỏa mãn sự hiếu kỳ hay để cho đầu óc có cơ hội suy nghĩ tự vấn. Không còn sợ điểm hạng hay bị rầy mắng nữa. Lại càng không sợ phải đóng tiền học.

Tôi đang tìm hiểu hai nhánh cùng một lúc. Văn học với bối cảnh chiến tranh, và những vấn đề có liên quan đến mẹ con. Tôi chưa biết tôi muốn biết gì về chiến tranh hay mẹ con vì hai chủ đề này rộng lớn bao la quá. Mù mờ, tôi muốn biết truyện viết về chiến tranh như thế nào là truyện hay. Tôi đang nghe All Quiet on the Western Front (Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh) và bị thu hút bởi giọng đọc của Frank Muller, như một người kể chuyện xưa, vừa đủ nghe, đầy suy nghĩ, đôi khi như nói chuyện một mình. Tuy sách rất hay, hấp dẫn, nhưng ngồi trên xe lửa tôi cứ ngủ quên khi tỉnh giấc lại quay trở lại đoạn đã nghe, nên nghe hoài vẫn chưa hết. Tôi bị ốm mấy tuần nay, già cả bệnh dây dưa lâu khỏi, cảm ho thôi, nhưng thuốc ho làm tôi ngủ triền miên. Về tình mẹ con, tôi muốn đi ra ngoài giới hạn chữ hiếu, tôi muốn biết về những tình mẹ con bị đứt đoạn, hủy hoại, tình ghét nhiều hơn tình thương. Tôi cũng muốn thử tìm hiểu nếu xã hội hay quốc gia này được điều khiển (govern) bởi những bà mẹ thay vì là những nhà chính trị thì nó sẽ ra làm sao. Với chủ đề này, tôi đã đọc một số sách.

Mothers Who Think, Camille Peri và Kate Moses, biên tập.

Women Leaders of Nations của Don Nardo

Of Women Born của Adrienne Rich

Female Advantage của Sally Helgesen

Ghi lại mấy cái tựa này vì hôm qua cô út nhà tôi hỏi mẹ lúc này đọc gì. Khựng một hồi lâu vì tôi chẳng nhớ tôi đã đọc gì, mọi thứ tôi đọc như nước đổ lên đầu vịt, không thấm, không đủ cho mình suy nghĩ hay rút ra một bài học. Dẫu sao, nó để lại vài dấu vết lờ mờ, giả tỉ về sau có một chủ đề nào đó tôi quan tâm có thể những chi tiết mơ hồ này có thể trở lại và tôi sẽ tìm hiểu thêm.

Đôi khi tôi nghĩ mình không nên viết cái gì để đăng lên mạng hay in thành sách báo. Vì nghĩ đến chuyện ấy dường như mình đóng khung ý nghĩ, khó viết vì sợ bị chê hay không đăng, hoặc là trong vô thức mình cố gắng viết gò mình cho phù hợp với chủ trương của chủ biên, hay phải viết cho đàng hoàng người lớn. Tôi chỉ nên viết cho vui bản thân mình, đơn giản, kể những mẩu chuyện thời thơ ấu về một vùng đất mình đã sống, nhớ gì kể nấy, đụng đâu nói đó, không quan tâm đến hay dở, không sợ người đọc nhướng mày hỏi, nhà văn gì mà chỉ viết được có thế thôi.

Nói chuyện sách mới nhớ. Trong sở tôi có một kệ sách gọi là book swap. Ai có sách muốn tặng cứ đem cho lên kệ. Tôi thấy một bộ 50 shades of grey mới tinh, dấu dưới đáy kệ. Dường như có người nào đó không muốn người ta thấy mình đem bộ sách này để cho. Ngay cả tôi muốn lấy, dù không muốn đọc, cũng sợ người ta nhìn thấy mình với bộ sách “hư đốn” này.

Tôi lượm được một quyển sách mới keng của Oliver Sacks, Musicophilia nói về những mẩu chuyện liên quan giữa âm nhạc và não bộ. Tôi đã đọc trên mạng một vài đoạn rất thú vị trước đây nên thật là vui. Bây giờ thì phải coi lúc nào có thì giờ để đọc.

Chuyện nhảm đầu tuần

Tân Văn 79

Nhận được báo Tân Văn cả tuần rồi, đọc xong rồi, hôm nay xin cảm ơn Tòa soạn báo Tân Văn, và Đại ca. Số báo này có bài Soi Tìm Hiện Tượng Xã Hội của bác Túy và bài Giữa Ngựa và Người của Nguyễn thị Hải Hà.

Đọc bài Giữa Ngựa và Người, phần Ann Patchett bàn luận về thái độ của con ngựa trắng Mollie trong Trại Súc Vật (Aninal Farm) của George Orwell, tôi nhận ra sự ngoan ngoãn ngây thơ của tôi, một phụ nữ lớn lên trong xã hội Á Đông. Tôi thấm nhuần lối suy nghĩ phải hy sinh cho xã hội, hy sinh cho tha nhân, gói mình trong khuôn khổ đạo đức xã hội của người khác đặt ra cho mình. Phụ nữ Tây phương họ suy nghĩ khác. Ai mà bắt họ hy sinh hạnh phúc hay lạc thú cá nhân vì quyền lợi của người khác là họ đặt dấu hỏi ngay tức khắc. Continue reading Chuyện nhảm đầu tuần

Báo mới

tân văn 78

Nhận được tạp chí Tân Văn, Sài Gòn Nhỏ và Chiến Sĩ Cộng Hòa. Xin cám ơn Đại Ca và bà chủ bút HDT.

Đuối sức vì làm việc căng thẳng nên không viết dông dài. Đọc một mạch từ đầu đến cuối tạp chí thấy rất nhiều bài hay. Xin trích một đoạn ngắn của nhà văn kiêm chủ bút Hoàng Dược Thảo viết về nhà văn Mai Thảo, làm tôi thấy bùi ngùi. Continue reading Báo mới

Giới thiệu sách báo

This slideshow requires JavaScript.

 

Kỷ niệm 13 năm ra đời của Thư Quán Bản Thảo với chủ đề Văn Chương Blog, qui tụ những blog được nhiều người đọc và một số blog sắp nổi tiếng như blog Chuyện Bâng Quơ của bà Tám. 🙂

Xin giới thiệu quyển thơ của Dã Quỳ, Như Hoa, Thi Hạnh, và Tiểu Thảo. Dã Quỳ là một cô bạn nhỏ tôi quen trên blog không biết cô là nhà thơ đã có nhiều tác phẩm đã xuất bản hay xuất hiện trên báo chí. Dã Quỳ bảo rằng tặng tôi để đọc chơi, cô viết trên một cái note in rất đẹp rất là nhà thơ, đừng giới thiệu gì cả làm cô mắc cở lắm. Nhưng tôi rất mến cô em nhỏ này và cả Thi Hạnh tôi cũng có dịp làm quen. Tôi nghĩ rất có thể tôi đã lạc vào blog của Tiểu Thảo và Như Hoa mà không biết.  Xin trân trọng giới thiệu những dòng thơ hồn nhiên dễ thương của các nhà thơ nữ này. Các cô có tuổi hoa thật đẹp mà thời chúng tôi không được hưởng trọn vẹn.

Tôi nhận được tặng phẩm Mùa Yêu Con của Trangđài Glassey-Trầnguyễn qua nhà văn Lê Thị Huệ chủ biên của Gió O từ lâu nhưng chưa giới thiệu. Tôi thường gặp nhà thơ Trangđài Glassey-Trầnguyễn ở hầu hết các trang mạng văn chương nổi tiếng. Cô viết rất hay và rất khỏe tôi ngưỡng mộ đã lâu. Tập thơ này là những lời hớn hở của bà mẹ có con lần đầu. Yêu con, say mê con, tất cả những cảm quan nóng hổi đều dành cho con. Tập thơ được nhiều nhà văn nổi tiếng viết giới thiệu, và nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Thơ của Trangđài đáng yêu và rất đam mê.

Tân Văn kỳ này (số 74) có nhiều bài biên khảo đặc sắc về nhà thơ Nguyễn Trãi và nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Nói thêm chút nữa

Và sau đây là lời dịch của đoạn phim ngắn nói trên. Thấy nó có vẻ gì giống cách suy nghĩ của người Việt Nam về số phận, nên tôi nghĩ có bạn sẽ thích. Người post đoạn này trên you tube nghĩ rằng đây là đoạn phim hay nhất.

If only one thing had happened differently: if that shoelace hadn’t broken; or that delivery truck had moved moments earlier; or that package had been wrapped and ready, because the girl hadn’t broken up with her boyfriend; or that man had set his alarm and got up five minutes earlier; or that taxi driver hadn’t stopped for a cup of coffee; or that woman had remembered her coat, and got into an earlier cab, Daisy and her friend would’ve crossed the street, and the taxi would’ve driven by. But life being what it is — a series of intersecting lives and incidents, out of anyone’s control — that taxi did not go by, and that driver was momentarily distracted, and that taxi hit Daisy, and her leg was crushed.

Nếu chỉ một chi tiết trên đây thay đổi: nếu sợi dây cột giày đừng bị đứt; hay chiếc xe tải giao hàng chạy trước lúc ấy một chút; hay gói quà đã được gói trước như đã dặn, bởi vì cô gái bán hàng không đoạn tuyệt với người yêu; hay người đàn ông để đồng hồ báo thức sớm hơn năm phút; hoặc là anh tài xế tắc xi không dừng xe để mua cà phê; hoặc là người đàn bà ấy đừng quên cái áo khoác, và lên xe tắc xi sớm hơn một chút, Daisy và bạn của nàng có lẽ đã sang bên kia đường, và anh tài xế tắc xi đã đi qua khỏi chỗ ấy. Tuy nhiên cuộc đời tự nó như thế – những cuộc đời gặp gỡ nhau, và những sự kiện xảy ra, bên ngoài khả năng kiểm soát của bất cứ ai – nếu chiếc xe tắc xi không đi ngang, và anh tài xế ấy lơ đễnh trong tíc tắc, và chiếc tắc xi đụng Daisy, và cái chân của nàng bị cán dập nát.

Toàn bộ cuốn phim được Bảo Vân mang cái link về trong comment của bài blog trước nếu có bạn nào thích xem phim thì xin mời.

So sánh truyện và phim The Curious Case of Benjamin Button

Theo quyển truyện, mối tình của Benjamin và cô nàng Hildegarde, con gái của ông Đại tướng, thật là đáng thất vọng. Cưới nàng xong, Benjamin đâm ra chán vợ, vì vợ ngày càng già, mà anh ta ngày càng trẻ ra. Thích “chim” gái, Ben chôm mấy nàng phu nhân trẻ vợ của mấy ông nhà giàu, và chĩa luôn những cô gái trẻ trong vùng. Vợ đã già lại hay cằn nhằn, nên Benjamin để vợ ở nhà, đi giang hồ. Khi Benjamin quay về thì bà vợ đã bỏ sang Ý ở từ lâu.

Phim hoàn toàn khác với truyện. Có thể nói chỉ mỗi chi tiết của truyện không thay đổi, là cuộc đời của Benjamin đi ngược dòng thời gian, bắt đầu là cụ già và chấm dứt khi Benjamin trở thành một đứa trẻ.

Tôi sẽ không bàn đến cách diễn xuất của diễn viên. Họ đều là những diễn viên danh tiếng. Tôi chỉ điểm qua những điểm khác biệt trong phim mà theo tôi đã làm phim phong phú hơn.

Truyện của phim bắt đầu về một ông thợ chuyên thiết kế đồng hồ tên là Gateau (nghĩa là cái bánh). Con ông Bánh tham gia thế chiến thứ nhất rồi bỏ thây ở chiến trường. Ông Bánh vì đau buồn đã làm cái đồng hồ chạy ngược chiều thời gian. Ông Bánh hy vọng là con ông sẽ đi ngược dòng thời gian và trở về trong vòng tay của cha mẹ. Cái ước muốn ấy gặp giờ thiêng nên vận vào Benjamin.

Truyện phim lấy bối cảnh ở Baltimore. Phim lấy bối cảnh ở New Orleans, qua Murksman (Nga), sang Paris, đến New York, sau đó chu du trên biển bằng thuyền buồm.

Trong phim, Benjamin bắt đầu là ông cụ bảy mươi biết nói, đi được. Có lẽ thấy chi tiết này vô lý quá, vì để sinh ra một “người” đã trưởng thành thì có lẽ sản phụ phải là một người khổng lồ, và xương xẩu cứng còng thế kia thì làm sao mà chui ra khỏi lòng mẹ, nên người viết phim đổi lại khi sinh ra Benjamin vẫn là một đứa bé nhưng có vẻ mặt của một người già.

Trong truyện, người cha nuôi Benjamin ngay từ lúc mới sinh nhưng trong phim thì người cha mang đứa con đem bỏ ở bậc thềm của một nhà dưỡng lão. Benjamin được Queenie một người phụ nữ da đen nuôi và xem như con ruột. Qua chi tiết này phim ca ngợi người da màu vào thời điểm người da màu ở miền Nam rất bị kỳ thị chủng tộc.

Nếu viết lại truyện dựa vào phim thì đây phải là một truyện rất dài, bởi vì chi tiết trong phim rất là phong phú. Cho Benjamin lớn lên trong nhà dưỡng lão ở New Orleans là mang nền văn hóa của miền Nam Hoa Kỳ, đậm ảnh hưởng Pháp và Cajuns, vào truyện. Ben làm bạn với người già, không biết mình chỉ là một cậu bé, chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của những người bạn này. Một trong những người cư trú trong viện dưỡng lão là một người lẩm cẩm, ông kể (nhiều lần) ông bị sét đánh bảy lần. Mỗi lần ông bị sét đánh được miêu tả bằng một đoạn phim rất ngắn rất xưa.

Nếu trong truyện mối tình của Benjamin với Hildegarde là một mối tình ngắn ngủi thì mối tình trong phim của Benjmain với Daisy là một mối tình lý tưởng trải dài mấy thập niên. Gặp Daisy khi cô bé chừng bốn năm tuổi, Benjamin đã bị tiếng sét ái tình. Ông cụ Benjamin nghe lời cô bé Daisy dụ dỗ nửa đêm chui xuống gầm bàn để chơi. Năm Daisy mười hai hay mười ba, ông già Benjamin đưa cô bé lên chiếc tàu kéo của ông chủ để ngắm cảnh sương mù trên biển. Sau đó Benjamin gia nhập quân đội nhưng vẫn thư từ liên lạc với cô bé Daisy. Nơi nào anh chàng đi qua đều gửi bưu thiếp cho Daisy và cô bé mơ mộng này giữ tất cả thư từ để về sau khi nằm chờ thần chết được nghe cô con gái của Daisy đọc lại. Benjamin lúc ấy chừng hai mươi nhưng có dáng dấp của một người chừng 65 tuổi. Ở Murksman Benjamin gặp một người phụ nữ có chồng là một nhà ngoại giao cao cấp kiêm do thám. Benjamin gặp nàng hằng đêm. Có lần nàng say kéo Benjamin đi trên đường phố mùa đông, đây là một đoạn phim đẹp và rất lãng mạn. Có lẽ đây cũng là một thứ tình yêu, tuy ngắn ngủi và không chân chính, giữa một thủy thủ lang bạc và một bà mệnh phụ danh giá.

Nếu xem phim như là một bản dịch của truyện thì các nhà phê bình có thể kêu thét lên rằng bản dịch đã hoàn toàn phản bội nguyên tác. Tuy nhiên tôi lại thấy những chi tiết trong phim hoàn toàn không có trong truyện là những điểm làm phong phú truyện. Như đã nói ở blog trước, tình yêu chỉ đẹp lúc hai bên còn vờn nhau. Tôi thấy đoạn phim giữa Benjamin và Elizabeth Abbot với những ngượng ngập lúc ban đầu, rồi nàng điểm trang để gặp chàng, rồi chàng ăn mặc tươm tất để hẹn hò với nàng là những chi tiết dễ thương, và rất duyên dáng.

Một người đã thu khúc phim lúc Benjamin sang Paris để thăm Daisy lúc nàng bị xe tông gãy chân đến độ phải bỏ nghề múa ballet và bảo rằng đoạn phim đó là đoạn hay nhất. Đoạn phim ấy giàu suy nghĩ. Cái triết lý trong đoạn phim ấy chất chứa quan niệm của người Á Đông, mỗi việc xảy ra đều do số mạng. Nhưng tôi lại thích hai đoạn phim khác. Một đoạn nói về không khí khách sạn ở Murksman nơi Benjamin gặp Elizabeth Abbot. Còn một đoạn nữa là lúc Daisy quyến rủ Benjamin và chàng từ chối. Daisy lúc ấy vừa 21 tuổi còn Benjamin đang khoảng 26 hay 27 nhưng có vẻ ngoài của một người đang ở độ tuổi 50 hay hơn. Benjamin bảo rằng sợ Daisy thất vọng dù rằng vẻ mặt của diễn viên cho thấy anh chàng rõ ràng bị mê hoặc với vẻ đẹp của một vũ nữ ballet trong ánh sáng huyền hoặc của bóng đêm.

Phim nói lên được cái triết lý của cuộc đời, sinh lão bệnh tử khổ. Phim đào sâu hơn những khía cạnh có khi tương đồng và có khi xung đột trong tình yêu của hai người có độ chênh lệch tuổi rất xa, cái điểm yếu đuối đến vô dụng và bất lực của thể xác, cái thiếu khả năng suy nghĩ và quyết định vận mạng của chính mình giữa đứa trẻ sơ sinh và một người đến mức cuối của cuộc đời.

Nếu phải vạch lá tìm sâu, tôi sẽ cằn nhằn là những người làm phim có một vài chỗ không thể duy trì đồng nhất tuổi của thân xác song song và ngược chiều với tuổi của tinh thần qua những giai đoạn trong cuộc đời của Benjamin. Khi Benjamin 13 tuổi, Benjamin đi làm thủy thủ với sức khỏe của thiếu niên 13 tuổi thay vì sức khỏe của một người 70 tuổi. Thuyền trưởng dẫn Benjamin đi nhà thổ lần đầu, Benjamin có sự ham muốn và sức khỏe của một thiếu niên mới vào đời. Benjamin gặp Elizabeth Abbot lúc chàng chưa đến 30 nhưng phải chống gậy như một người 70. Điều tôi muốn nói là nếu hình dáng đi từ già đến trẻ, sức khỏe và sự suy nghĩ cũng đi từ già đến trẻ. Đạo diễn và nhà viết phim đã tùy tiện cho sức khỏe và sự suy nghĩ của Benjamin có khi tương ứng với tuổi của thể xác (từ già đến trẻ), có khi tương ứng với tuổi của một người bình thường với thời gian (từ trẻ đến già). Tuy nhiên đây là sự tùy tiện cần thiết để cuốn phim có thể thành hình.

Mở đầu bài là một ít hình ảnh trong phim tôi copy lại bằng snipping tool.

Nói thêm về truyện The Curious Case of Benjamin Button

Truyện Benjamin Button ra đời khi tác giả Fitzgerald chừng 25 hay 26 tuổi. Năm 1860, Benjamin ra đời, có dáng dấp của một ông già bảy mươi tuổi. Vào thời ấy, bảy mươi tuổi là già lắm rồi. Benjamin nói được đi được. Bác sĩ hoảng sợ bỏ chạy. Mẹ ông mất lúc sinh ra ông. Bố ông ra tiệm mua bộ quần áo của thiếu niên về cho Benjamin mặc.

Truyện đưa ra những chi tiết khôi hài của một người khi mới sinh ra làm người già và dần dần trẻ lại. Ông bố phải ấp úng giải thích tại sao mua quần áo trẻ sơ sinh lại chọn cỡ thiếu niên. Benjamin không có bạn cùng tuổi. Khi Benjamin được 5 tuổi cậu bé có dáng dấp của người 65. Cậu hay chơi với ông nội. Trông hình dáng hai người trạc tuổi nhau.

Khi Benjamin 18 tuổi vào đại học người ta ngỡ đó là người bố đưa con vào đại học và đuổi cậu ra vì cho là cậu giả vờ mạo nhận. Benjamin 20 tuổi có dáng dấp của người đàn ông 50, trông giống như là anh em với ông bố. Benjamin yêu và cưới vợ năm 20 tuổi. Benjamin 50 tuổi giống thanh niên 20 tuổi, cậu gia nhập quân đội. Khi Benjamin 65 tuổi cậu phải đi nhà trẻ. Các bạn hăng hái tập tô màu thì Benjamin mau mệt và hay buồn ngủ.

Có cái gì đó song song đồng dạng giữa người già và trẻ con, sự yếu đuối, bất lực, cần được nuôi nấng giúp đỡ, giữa một sự sống mới bắt đầu và một sự sống đang tàn lụi. Truyện không gây ấn tượng mạnh với tôi, ngoại trừ cái ý tưởng con người bắt đầu cuộc đời lúc già và giống như trẻ sơ sinh lúc chết đi. Tôi càng thất vọng hơn khi thấy Wikipedia bảo rằng đây cũng không phải là ý tưởng do Fitzgerald nghĩ ra đầu tiên.

Tôi dịch chương 5 của truyện The Curious Case of Benjamin Button để lúc nào bạn rảnh thì đọc. Truyện tình nào cũng thế, giai đoạn đẹp nhất là lúc tình yêu mới bắt đầu, khi hai người bắt đầu vờn nhau. Trong chương này bạn sẽ thấy trong đôi mắt của người đẹp Hildegarde Moncrief, Benjamin là một người độ năm mươi, giàu có, thành công. Bạn phải nhớ “bên trong” của Benjamin, tư tưởng và tình cảm, Benjamin là một chàng trai 20 tuổi.

Nếu bạn thích đọc nguyên tác, toàn thể truyện The Curious Case of Benjamin Button đăng trên Wikipedia. Có cả truyện The Jazz Age của Fitzgerald.

Tôi dịch không theo sát nguyên tác vì muốn bản dịch gần với văn Việt. Vì thế bạn cứ sửa chữa nắn nót tùy ý sao cho phù hợp với cách đọc của bạn.

Già khi còn trẻ hay trẻ khi đã già

Bản dịch chương 5 truyện The Curious Case of Benjamin Button
Tác giả: F. Scott Fitzgerald Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà

Năm 1880, Benjamin Button được hai mươi tuổi, và chàng đánh dấu ngày sinh nhật của mình bằng cách làm việc cho bố trong công ty Roger Button – chuyên môn bán sỉ dụng cụ. Cũng trong năm này chàng bắt đầu “tiếp xúc với xã hội” –nghĩa là, bố chàng nhất định phải đưa chàng đi tham dự những buổi dạ tiệc có khiêu vũ thật “à la mode.” Roger Button đã năm mươi, hai bố con có vẻ đồng lứa và thân thiết như bạn bè –và bởi vì, Benjamin không nhuộm tóc nữa (vẫn còn màu muối tiêu) hai người có vẻ bằng tuổi với nhau, thoạt nhìn người ta có thể nhầm là anh em.
Một buổi tối tháng Tám hai người thay quần áo sang trọng, đánh cỗ xe ngựa bốn bánh và đến Shevlins để dự tiệc dạ vũ. Shevlins, nhà hàng sang trọng chuyên tổ chức những buổi tiệc huy hoàng ở ngoại ô của thành phố Baltimore. Đó là một đêm hè tuyệt đẹp. Ánh trăng tròn tắm đẫm con đường ngoại ô một thứ ánh sáng bạc, và những đóa hoa mùa hè nở muộn phả vào không khí im ắng một mùi thoang thoảng như tiếng cười rơi nửa chừng. Một cánh đồng bao la, trải thảm lúa mi sáng rực như ban ngày. Thật là không thể nào chịu nổi vẻ đẹp thuần túy của bầu trời.
“Việc buôn bán hàng hóa khô (như vải vóc, quần áo may sẵn, hay thực phẩm khô) tương lai rất là sáng sủa,” Roger Button trò chuyện. Ông không phải là người hay suy nghĩ triết lý – khả năng thưởng ngoạn của ông rất đơn sơ.
“Những người già như bố thì không thể thu nhận những kiến thức mới,” ông quan sát sâu sắc. “Chỉ có lớp người trẻ như con, năng động và đầy sức sống, mới có tương lai tươi sáng đang chờ đón.”
Ở cuối đường, họ nhìn thấy ánh đèn của biệt thự Shevlins, và dường như có tiếng thở dài len lén nhưng rất kiên trì đến với hai người – rất có thể đó là tiếng vĩ cầm hay tiếng rì rào của những cọng lúa mì màu bạc dưới ánh trăng.
Hai người đậu phía sau một cỗ xe tuyệt đẹp, độc mã, chở được bốn người, và hành khách đang bước xuống xe. Một người phụ nữ đứng tuổi bước ra, theo sau là một người đàn ông trọng tuổi, và sau cùng là một cô gái rất trẻ, có nét đẹp đầy quyến rủ. Benjamin bắt đầu thấy có một sự chuyển biến trong chàng; dường như những tố chất cũ trong cơ thể chàng tự phân hủy rồi kết hợp trở lại tạo thành một tố chất hoàn toàn mới trong chàng. Một sự cường tráng tràn ngập chàng, máu chảy mạnh dâng lên má, lên trán, và tai chàng nghe tim mình đập mạnh. Đó là cảm giác của lần đầu tiên biết yêu.
Người thiếu nữ có dáng mảnh mai, mái tóc có màu tro dưới ánh trăng và biến thành màu mật ong dưới ánh đèn đốt bằng hơi ga trên sân. Vai nàng quàng cái khăn quàng, loại khăn mỏng của người Tây Ban Nha dệt bằng đăng ten, màu vàng nhạt, phía sau có hình những con bướm màu đen; hai bàn chân nàng là hai hạt nút nhỏ lấp lánh dưới cái gấu áo dạ hội, phía sau váy phồng lên như đuôi công.
Roger Button nghiêng người nói với con trai. “Đó,” ông nói, “là con gái của Đại tướng Moncrief, tên cô là Hildegarde Moncrief.”
Benjamin gật đầu lạnh nhạt. “Một cô nàng be bé xinh xinh,” chàng đáp lời bố với vẻ hững hờ, Nhưng khi cậu bé da đen đánh cỗ xe đi đậu vào nhà chứa xe, chàng nói thêm: “Bố à, xin bố giới thiệu con với cô ấy.”
Họ tiến đến gần một đám đông, cô Moncrief đang là tâm điểm. Được nuôi nấng dạy dỗ đúng theo phong tục, nàng nhún chân cúi người chào Benjamin. Vâng, ông có thể khiêu vũ với tôi. Chàng cám ơn nàng và đi ra – lảo đảo chênh vênh.
Cái khoản thời gian chờ đợi đến phiên chàng dài vô tận. Chàng đứng dựa tường, im lặng, soi mói, quan sát bằng đôi mắt của kẻ giết người cái đám thanh niên của Baltimore đang bao vây cô nàng Hildegarde Moncrief, một vẻ si mê thờ phượng hiện trên mặt họ. Benjamin thấy bản mặt của chúng sao mà nhố nhăng quá; hồng hào trẻ trung một cách không chịu được! Mấy bộ râu mép cong của chúng mang cho chàng cái cảm giác như là ăn không tiêu.
Nhưng khi đến phiên chàng, và chàng dìu nàng lướt nhẹ nhàng trên sân với những điệu luân vũ waltz mới nhất ở Paris, sự ghen tị và những mối lo lắng của chàng tan dần như một mớ tuyết. Say sưa trong nỗi hân hoan, chàng có cảm tưởng đời chàng mới bắt đầu.
“Ông và người anh đến đây cùng lúc với chúng tôi, phải không?” Hildegarde hỏi, ngước lên nhìn chàng với đôi mắt như bằng sứ xanh sáng rực.
Benjamin ngập ngừng. Nếu nàng hiểu lầm chàng là em trai của bố chàng, thì cách nào là cách tốt nhất để chinh phục nàng? Chàng nhớ đến kinh nghiệm không vui của chàng ở đại học Yale, vì thế chàng quyết định không hành động như thế. Chống lại ý kiến của phụ nữ thì thiếu lịch sự lắm; thật là một tội ác nếu phá hủy một cơ hội tuyệt vời như thế này với cái nguồn gốc dị dạng của chàng. Về sau, có lẽ chàng sẽ nói rõ hơn. Vì thế chàng gật đầu, mỉm cười, lắng nghe, và đầy hạnh phúc.
“Em thích đàn ông ở lứa tuổi của anh,” Hildegarde nói với chàng. “Đám trai trẻ ngu ngốc quá. Họ kể em nghe họ đã uống bao nhiêu rượu sâm banh ở trong trường đại học, và họ đã đánh bài thua hết bao nhiêu tiền. Đàn ông ở lứa tuổi của anh biết cách yêu quí phụ nữ hơn.”
Benjamin có cảm tưởng như mình sắp sửa cầu hôn với nàng – với tất cả cố gắng chàng nén cảm giác này lại.
“Anh đang ở lứa tuổi rất lãng mạn,” nàng tiếp tục – “năm mươi. Hai mươi lăm thì hiểu biết thông thái về những chuyện trên thế giới nhiều quá; ba mươi thì xanh xao vì làm việc nhiều quá; bốn mươi thì là cái tuổi với nhiều chuyện để kể, phải mất cả cái điếu xì gà mới kể xong; còn sáu mươi thì – ồ, sáu mươi thì gần bảy mươi, nhưng năm mươi là cái tuổi dịu dàng ngọt lịm. Em yêu tuổi năm mươi.”
Năm mươi, đối với Benjamin chừng như là cái tuổi rực rỡ. Chàng thèm muốn được ở vào cái tuổi năm mươi một cách say mê.
“Em luôn luôn nói rằng,” Hildegarde tiếp tục, “em thà lấy một ông chồng năm mươi và được chăm sóc còn hơn là lấy một anh chồng ba mươi mà em phải săn sóc anh ta.” Đối với Benjamin, phần còn lại của buổi tối, chàng tắm đẫm trong một vùng sương mù màu mật ong. Hildegarde khiêu vũ với chàng thêm hai lần nữa và, họ khám phá ra một điều là họ rất hợp ý nhau về bất cứ những vấn đề nào họ nói đến trong ngày hôm ấy. Nàng sẽ đi du ngoạn với chàng vào Chủ nhật sắp đến và sau đó họ sẽ thảo luận những vấn đề khác.
Về nhà trong cỗ xe ngựa trước khi trời rạng đông, khi những con ong đầu tiên bắt đầu hát vo ve, và vầng trăng mờ dần trong sương đêm, Benjamin mù mờ nhận ra bố chàng đang bàn thảo việc mua bán sĩ các món hàng.
‘. . . Và con nghĩ chúng ta nên đánh giá thế nào về những món hàng mà chúng ta rất chú ý như búa và đinh?” ông bố hỏi chàng con trai.
“Yêu,” Benjamin trả lời một cách mơ màng.
“Tiêu?” Roger Button lên giọng, “Hử, chúng ta đã bàn chuyện ấy rồi mà.”
Benjamin nhìn bố bằng đôi mắt xa vắng vừa khi ấy bầu trời ở hướng đông chợt hé ánh sáng, và một con chim sơn ca ngáp dài, tiếng ngáp xuyên ngang hàng cây bắt đầu chạy vun vút…”

Nguồn:

http://en.wikisource.org/wiki/The_Curious_Case_of_Benjamin_Button/V

Nếu thời gian đi ngược

Nhiều lần tôi tự hỏi, có hay không cái gọi là tình yêu? Tình yêu, hay đó chỉ là những cảm giác nhất thời, những chuyển động xôn xao trong cơ thể và trí tưởng, gây ra bởi sự hoạt động của những kích thích tố? Nếu có tình yêu thì khi người ta hết yêu rồi, tình yêu phai tàn rồi, thì cái gọi là tình yêu đó ở đâu?

Sở dĩ tôi hỏi tôi một cách ngớ ngẩn như thế là vì hồi cuối tuần tôi xem phim “The Curious Case of Benjamin Button”; trong phim có một đoạn chàng và nàng sau khi yêu nhau, nằm bên nhau, nàng nói, “Anh có còn yêu em không khi em già cỗi da em nhăn, lưng em còng, tóc em phai màu?” Chàng trả lời bằng một câu hỏi khác. “Em có còn yêu anh không khi một ngày nào đó em phải thay tả, và đút thức ăn cho anh?”

Câu hỏi của nàng, trong phim tên Daisy do Kate Blanchet đóng, là câu hỏi chúng ta thường gặp. Câu hỏi của chàng, Bejamin Button, do Brad Pitt đóng, chúng ta ít gặp hơn. Trả lời hai câu này, là bạn gặp định nghĩa của tình yêu, một thứ tình yêu đã biến hình theo năm tháng. Khi mười chín đôi mươi, thậm chí ba mươi bốn mươi chúng ta ít nghĩ về tình yêu theo kiểu này. Chúng ta còn đang sôi nổi rượt bắt vấp ngã đau đớn về một thứ tình yêu khác.

Đôi khi tôi tự hỏi điều gì đã làm nên một tác phẩm lớn? Có phải vì nó có chứa đựng một mối tình lớn? Cái gì làm nên mối tình lớn? Một sự say mê nồng nàn vượt qua mọi ngăn cách về tuổi tác, giai cấp, giới hạn đạo đức, và đốt cháy nạn nhân như những con thiêu thân lao đầu vào ánh lửa?

Hay như thủy triều lên xuống thay đổi trường tồn theo thời gian?

Benjamin Button đặt ra câu hỏi trên, khiến chúng ta nghĩ rằng nhân vật muốn ám chỉ khi anh ta trở nên già yếu không thể kềm chế cơ thể vì thế cần phải mang tả. Thật ra Benjamin bị một chứng bệnh kỳ quái, khi mới sinh ra anh ta là ông già, và ngày càng trẻ lại, đến cuối đời thì biến thành một đứa bé sơ sinh, dĩ nhiên trẻ em phải được mặc tả và thay tả.

Tôi xem phim và bị cuốn hút, tò mò muốn biết truyện ra thế nào nên tôi đọc truyện và so sánh sự khác nhau giữa phim và truyện. Tôi nghĩ nếu bạn thích viết thì sẽ thích đọc và sẽ thích xem phim. Bởi vì phim cũng chỉ là một cách kể truyện bằng âm thanh, hình ảnh, và dĩ nhiên có câu truyện cốt truyện trong đó. Thường thường khi so sánh giữa phim và truyện người ta thường hay nói rằng thích truyện hơn phim. Tuy nhiên, nếu quan sát lâu hơn, phân tích kỹ hơn, ngẫm nghĩ, so sánh, có lẽ bạn cũng sẽ như tôi cho rằng mỗi cái có cái hay riêng. Đôi khi, bạn có thể gặp một cuốn phim mang nhiều sáng tạo, dựa vào truyện và đưa mức sáng tạo này đi xa hơn sự sáng tạo trong truyện.

Phim The Curious Case of Benjamin Button có sự sáng tạo đó. Phim dựa vào truyện của F. Scott Fitzgerald. Tác giả này nổi tiếng với những truyện như The Great Gatsby và Tender is the Night. Benjamin Button chỉ là một truyện ngắn của ông không mấy được chú ý. Tuy nhiên truyện này có một sự sáng tạo độc đáo là nhân vật của ông đi ngược thời gian.

Bây giờ tôi phải đi làm nên ngày mai tôi sẽ viết về truyện và sau đó tôi sẽ viết về phim và so sánh hai thứ với nhau. Tôi có kèm theo bài viết này một đoạn phim ngắn mà người nào đó đã gọi là đoạn hay nhất trong phim.

Lần tới sẽ tiếp.

Tân Văn số 72 tháng 7

IMG

Nhận được Tân Văn cả tuần nay nhưng chưa cám ơn bà chủ biên kiêm chủ bút, và Đại Ca. Thành thật cám ơn.

Ông anh chồng bắt đầu mê Tân Văn rồi. Đưa ông quyển số 71, ông đọc xong rồi nhưng chưa cho ông mượn quyển này vì tôi chưa đọc xong.

Bài Nguyễn Bính (Tác giả Kiều Văn), Đặng Thế Phong (Lê Hoàng Long), Ông Già Bới Rác (Tiểu Tử) là những bài đọc rất cảm động.

Có bài điểm sách Chỉ Là Đồ Chơi thấy người viết hơi quen quen.

Thơ có Lời Tỏ Tình Mùa Xuân của Hoài Ziang Duy và Úp Mặt Ven Đường của Luân Hoán rất hay. Tôi thích thơ của hai nhà thơ này vì lời thơ bình dị nhưng trữ tình.

IMG_0002

IMG_0004

Đọc Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay II của Nguyễn Lệ Uyên

This slideshow requires JavaScript.

Nguyễn Lệ Uyên – Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay Tập II

Đây là lần thứ nhì tôi giới thiệu sách phê bình văn học của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên. Trước đây tôi đã viết một bài ngắn về quyển Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay 1 và Nguyễn Lệ Uyên Chân Dung Tự Vẽ. Lần này tôi sẽ giới thiệu quyển Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay II.

Trước nhất, tôi rất thích cái tựa sách, rất thơ. Nguyễn Lệ Uyên mang thơ vào những bài phê bình văn học. Đọc Nguyễn Lệ Uyên sẽ thấy phê bình văn học không khô khan.Có hai nhà phê bình tôi rất thích đọc vì những bài phê bình về thơ của các ông rất nên thơ đó là Teju Cole và Robert Bly.

Không nặng về lý thuyết, Nguyễn Lệ Uyên viết phê bình văn học theo phương pháp reader-response criticism. Ông là nhà văn theo khuynh hướng lãng mạn và hiện thực nên cách ông phê bình dựa vào khuynh hướng này. Văn của Nguyễn Lệ Uyên óng ả, trau chuốt, giàu hình ảnh và màu sắc.

Trong Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay II, Nguyễn Lệ Uyên nhận định về tác phẩm của mười ba tác giả. Những tác giả tôi chưa đọc tác phẩm gồm có: Thảo Trường, Đỗ Hồng Ngọc, Lâm Hảo Dũng, Hạc Thành Hoa, và Phạm Chu Sa. Một vài tác phẩm của những tác giả tôi có dịp đọc qua là: Chinh Ba, Trần Hoài Thư, Khuất Đẩu, Bùi Đăng, Phạm Văn Nhàn, Âu thị Phục An, và Đặng Kim Côn.

Nói cho khiêm tốn, tôi là một người tập viết phê bình văn học nhận xét về những bài phê bình văn học. Đây là cơ hội tôi có thể so sánh luận điểm của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên với nhận định của tôi, nhất là về những tác phẩm mà cả tôi và ông cùng đọc.

Nhờ có kinh nghiệm về chiến tranh, Nguyễn Lệ Uyên nhìn thấy những chi tiết sống động trong truyện của Thảo Trường như hố bom biến thành hồ cá, chỗ chết trở nên nguồn sống của dân làng, chị Tư là biểu tượng của dân tộc Việt bị kềm kẹp giữa hai dòng chính trị. Nguyễn Lệ Uyên kết luận, Thảo Trường “chịu tù đày 17 năm dài từ Nam ra Bắc. Bởi vì ông, Thảo Trường là một nhà văn trung thực.”

Ôi! Tội nghiệp nhà văn Thảo Trường. Viết văn làm chi cho khổ.

Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên rất hào phóng với lời khen. Trong 13 tác giả, và thêm phần phụ lục nói về nhà văn kiêm dịch giả Trần Phong Giao, tôi thấy toàn là những lời khen, thật đậm đà. Điều này rất hợp ý của tôi. Cái hay của Nguyễn Lệ Uyên là ông khen rất văn chương.

Hồi mới lớn tôi có đọc một quyển sách nói về tuổi mới lớn của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Gần đây tôi có đọc vài bài blog của ông. Thú thật, những bài về Thiền và Phật Giáo của ông “già” quá đối với tôi. Tôi còn bon chen tranh giành với cuộc sống nên đọc văn ông tôi thấy như nước đổ lên cái đầu vịt (của tôi). Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên phân tích những bài thơ của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc và cuối cùng kết luận: “Làm thầy thuốc là để cứu người; làm nhà văn là để cứu đời.” Tôi muốn trêu nhà văn Nguyễn Lệ Uyên một chút. Nhà văn Thảo Trường viết văn chẳng cứu được đời mà còn lụy đến thân. Và cũng vì câu kết luận này mà tôi càng sợ bị gọi là nhà văn hơn. Tôi không muốn bị gán cho cái sứ mạng cứu đời.

Khi Nguyễn Lệ Uyên nhận định về một tác phẩm văn học, bạn sẽ muốn tìm đọc quyển ấy ngay lập tức. Tôi có đọc thơ của Hạc Thành Hoa nhiều nơi trên mạng nhưng không dám bàn về thơ. Tôi thích đọc thơ của ông và đầu tiên tôi đã chú ý đến cái bút hiệu rất đẹp. Nhận định của Nguyễn Lệ Uyên về tác giả này làm tôi càng muốn tìm đọc thêm thơ ông. Tôi xin trích một đoạn phê bình đẹp như thơ để độc giả thưởng thức.

“Căn phòng nhỏ nhìn ra con rạch êm đềm, đầy bóng râm mát, đầy tiếng ve trên những tàn cây cổ thụ và tiếng đàn và thơ. Thơ như khí trời bám khắp bốn bức vách loang lổ, đổ xuống nền gạch tàu, treo lủng lẳng trên xà ngang, ám vào mái ngói âm dương rêu phong. Thơ quấn quít bên kệ sách, ngập ngừng chao lượn trên sàn gạch màu lá bàng bay lơ lửng trong không. Tiếng mái chèo quẫy nhẹ như chiếc vây bơi con cá chẽm bên dưới dòng Cái Sơn. Xa hơn chút, tiếng máy đuôi tôm khua động mặt sóng sông Tiền. Và nữa, tiếng đạn pháo ngoài lung xa, vũng sáng nhơm nhớp hỏa châu che khuất ánh trăng. . . đã đẩy ông vào góc tường tróc lở từng mảng vôi. Ông rưng rưng sợi dây đàn căng. Ông ngậm ngùi lưng tròng nhìn qua dòng sông đang cới tay níu choàng con rạch nhỏ đặc sệt một dòng trăng vàng thấu đáy (nhưng cái đám bằng hữu “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” kẻ trước người sau, lần lượt quay về xó cũ bỏ ông lại một mình với cảnh “Gã giang hồ vẫn gác trọ cô đơn. . . Thăm ta đôi lúc cơn gió lạnh/Thổi tạt mùa đông xuống đáy mồ!”) Khoảng thời gian ấy, không bao giờ những vò rượu Lai Vung, Lấp Vò nhấn lút được những câu thơ từ chốn sâu thẳm tâm hồn ông tha thướt bước ra như một thiếu nữ khuê các. Nàng đẹp đến não nùng. Nàng Lục Bát của ông khoác áo màu hoàng yến tắm trăng. Mảnh xiêm y rơi nhẹ. Trăng ướt đẫm nàng, ve vuốt nàng rồi trần truồng phơi ra những thiên hà ngập ngừng bên cạnh con nước sông Tiền lên xuống.” trang 150 – 151.

Tôi rất đồng tình với nhà văn Nguyễn Lệ Uyên về truyện ngắn Bài Thơ Trên Xương Cụt của Chinh Ba. Nguyễn Lệ Uyên viết: “Ông vẽ lên những mảnh đời có thật, đâu đó quanh ta; về thân phận con người trong bối cảnh xã hội bị hất tung lên, mọi giá trị đạo đức văn hóa bị bổ nhào cùng những hệ lụy của chiến tranh tàn khốc, để cuối cùng kết lại là nỗi khát khao được làm người theo đúng nghĩa con người.” Trang 45. Và: “Cuộc chiến giữa nàng Út Lệ và Ba Lò Heo là cuộc đấu tranh không cân sức, giữa một bên là người nghệ sĩ và bên kia là tên đồ tể; giữa nghệ thuật và dao phay; giữa kềm tỏa, trói buộc và Tự Do! Hắn ta đã chen chân vào đời sống tinh thần của vợ. Hắn uốn nắn niềm đam mê của nàng bằng những “tiếng dao cheng chẻng chém xuống thanh giường” bằng cả những tiếng la hét, hằn học. Nói khác, ẩn ngữ “ghen bóng ghen gió” của Chinh Ba có thể hiểu đồng thời là sự áp đặt có hệ thống, có mưu đồ tính toán hẳn hòi, mà mục đích cuối cùng là nhằm triệt tiêu Tự Do và niềm đam mê cháy bỏng của người nghệ sĩ.” Trang 53.

Truyện Bài Thơ Trên Xương Cụt đăng vào tháng 10 năm 1965, có lẽ để phê bình chế độ kiểm duyệt của cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm. Lúc bấy giờ ông Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ nhưng một tác phẩm thường thì được ấp ủ hình thành rất lâu trước khi ra mắt độc giả. Một tác phẩm hay sẽ tồn tại qua nhiều thời đại. Vào một thời đại khác truyện ngắn này vẫn là biểu tượng của sự phản kháng tầng lớp lãnh đạo độc tài. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, điều quan trọng là nội dung của hình xâm và chữ xâm chứ không phải là chỗ xâm. Người ta có thể xâm tên người mình yêu ở những chỗ kín đáo. Và nếu nội dung của hình xâm hay chữ xâm thô tục thì chính người mang vết xâm phải chịu nhục, tại sao người đọc vết xâm thấy mình bị làm nhục?

Trong số mười ba (nói cho đúng, mười bốn) tác giả nhà văn Nguyễn Lệ Uyên nhận định tác phẩm chỉ có một nhà văn nữ. Nếu ông là nhà văn Hoa Kỳ có lẽ người ta đã kêu ca ầm ĩ là ông kỳ thị nhà văn nữ. Nhận xét về Âu thị Phục An, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Văn chị cứ ‘tỉnh queo’ đến lạnh lùng trong những tình huống mà lẽ ra là đón đợi những vồn vập, rực cháy, những háo hức nồng nàn… Đọc những truyện ngắn của chị, nhiều khi tôi nghĩ, chị như một kẻ lữ hành trên con đường vắng, không có người đồng hành để trò chuyện, đành phải dồn nén lại. Sự dồn nén đó cứ lướt thướt trôi theo dòng suy nghĩ chảy xọc vào ngòi bút, giống như một thỏi băng tan chảy.” Ông cũng nhận xét nhân vật của chị Phục An có sự suy nghĩ của những người già trước tuổi. Điểm này tôi đồng tình với ông Nguyễn Lệ Uyên. Tôi phục chị Phục An lắm. Khi chị nổi tiếng với Thăm Viếng thì tôi đang mày mò tập viết văn, ngóng cổ chờ bài đăng đến thất vọng. Thật thú vị là khi chị mới hơn hai mươi nhân vật của chị suy nghĩ về tình yêu và hôn nhân như một người gấp đôi tuổi của chị nhưng bây giờ hình ảnh trong thơ của chị đầy sinh lực của tuổi hai mươi. Tôi tự hỏi khi chị viết truyện ngắn Thăm Viếng thì phong trào nữ quyền đã thấm nhập vào Việt Nam chưa. Ở Thăm Viếng tôi nhìn thấy một thái độ phản kháng ngầm. Đó là cái thái độ của một người biết mình sắp bị mất tự do. Hay đó là thái độ của một người phụ nữ chống lại trật tự định kiến của xã hội như đến tuổi thì phải lấy chồng, vị hôn phu sắp ra trận thì phải cưới gấp trước khi anh ta chết trận, phải đi thăm vị hôn phu ở quân trường, phải chìu chuộng những khao khát của người tình. Người phụ nữ phản kháng việc mình phải dàn xếp cuộc đời của mình chung quanh một người đàn ông. Nàng muốn sống cách khác, đi hướng khác. Cái hay của truyện này, theo tôi, là cái chị không nói thẳng ra, nó tạo thành sự căng thẳng kéo dài suốt truyện. Đó có phải là một quan điểm nữ quyền của tác giả không? Tôi e là tôi có cái nhìn méo mó vì tôi bị ảnh hưởng bởi quan điểm nữ quyền. Có phải đọc sách cũng giống như soi gương? Tôi đọc tư tưởng của người nhưng nhìn thấy tư tưởng của mình? Liệu người đọc có thể sai lầm khi nhìn thấy những quan điểm mà người viết không cố ý?

Những bài phê bình văn học của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên rất hấp dẫn. Ông có những nhận xét tinh tế của một người đọc nhiều và hiểu biết nhiều về tác giả vì ông có giao thiệp tiếp xúc với những nhà văn này. Đọc những bài phê bình văn học này với tôi là cơ hội vừa hiểu biết vừa thưởng thức.

Trích dẫn Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay II

Phần phụ. Trích dẫn để độc giả thưởng thức.

Nhận xét về Cánh Đồng Đã Mất của Thảo Trường, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Tất cả như đã biến mất khỏi cuộc đời, y như cánh đồng trước kia mênh mông màu xanh cỏ phủ tràn cùng những bông hoa dại rung rinh trước những cơn gió phất qua, nay đã biến mất. Mùi thơm của hoa cỏ đất trời đã biến dạng. Cánh đồng của sự bình yên đã méo mó, của hoa thơm cỏ mượt xanh đã chìm lấp bên dưới những giao thông hào, vòng rào kẽm gai, như ông sĩ quan già đã bị lấy mất tuổi thanh xuân của chính mình, như tuổi trẻ của Hoán bất chợt đổi thay về số phận và khung cảnh.” Trang 13

Nhận xét về các bài La Ngà 1 đến 5 của Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Ông nhìn nhận cảnh quan theo vẻ đẹp mẫn tuệ nơi ông đã đành, nhưng đến những cảnh huống mà nhiều người nhìn thấy là xấu, khi lọc qua tâm hồn ông bỗng sáng rực như ánh sáng ban mai; ngôn ngữ diễn đạt cứ như những hạt sương long lanh trên cành lá biếc xanh.” Trang 39.

Nhận xét về thơ của Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Lệ Uyên viết: Sống chết hay cái vui, với ông đều là may rủi: May còn emmay còn cái vui như một tiếng kêu não nuột bật ra từ tâm thức ngủ yên. Đó chỉ là niềm hạnh phúc mong manh không ở ngay bên cạnh và đâu đó như một vệt khói hư không.

Nguyễn Lệ Uyên nhận xét về Trần Hoài Thư rằng ông Trần Hoài Thư viết nhiều, viết dễ dàng, ở đâu cũng viết được: “Ông viết dễ dàng còn hơn đưa ly rượu lên miệng: Viết dưới hầm; trùm poncho dưới giao thông hào, bật đèn pin để viết; viết trong lúc dừng quân, trong quán cà phê; viết khi chân, ngực băng kín trong quân y viện. . . nghĩa là ông có thể viết trong bất kỳ tư thế, không gian và thời gian nào ông cảm thấy mạch văn như đang có dấu hiệu chảy trào ra khỏi con người ông, trườn qua cây bút và mảnh giấy tựa như con suối nghiêng dòng nước trong xanh chảy ca hát cùng mùa xuân.

Nhận xét về Ngày Đầu Ở Xứ Người, văn phong của Trần Hoài Thư, Nguyễn Lệ Uyên nói: “Bức tranh toàn cảnh này, ông vẽ ra với một giọng văn thổn thức, hoài nhớ đến nao lòng. Và hình như đây chính là phong cách của ông, văn phong của chính riêng ông.” P. 94

“Đoạn kết của thế hệ này sẽ vẫn phải còn thở hồng hộc như trâu cày đồng, thở bằng mũi, miệng, tai; thở bằng mông đít và các đầu ngón tay chân, trên từng sợi tóc mặn đắng mồ hôi của tủi nhục, không phân biệt đó là những kẻ đang ngụ tạm quê người, hay còn ở quê nhà thở khói chiều vi vu bên anh Cuội dưới gốc đa, ru ta những mộng mị hoang tưởng trên đời, rung bã, mệt mỏi, ê chề.” trang 95.

Nhận xét về Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Hầu hết những truyện ông viết đều mang nỗi hoài nhớ, pha lẫn chút “ngậm ngùi” như trong truyện ông đặt ở trên. Các nhân vật đang vật lộn với đời sống khó khăn hôm nay nhưng trong tận cùng đáy sâu tiềm thức của họ là những lớp sáng tôi của quá khứ. Cái quá khứ ấy không hẳn là trọn vẹn, la hạnh phúc; nhưng trải qua những ngày từ thơ ấu cho tới lúc trưởng thành, bước chân vào đời, luôn là những bài thơ đẹp lộng lẫy như khói trời; bởi nó thấm đẫm tình người.” trang 131.

Nhận xét về thơ Phạm Chu Sa, Nguyễn Lệ Uyên viết; “Trong buổi nhiễu nhương, tâm cảm nơi ông chừng như là những mộng mị trôi nổi có không từ ‘thời gian vọng’ đến ‘thời gian xuôi’ như cách gắn liền quá khứ xa tới hiện tại gần, là nỗi cô đơn của kẻ lưu đày trên chính ngay mảnh đất ông đang bước tới, gắn chặt, thở khói trời u uẩn. Ông chìm khuất và mất tăm giữa cái ồn ào trống rỗng, là tiếng kêu bi thiết của con chim gục ngã trên tổ rơm thông thống lỗ méo nụ hoang hoác.” Trang 162.

Tả hình dáng nhà thơ Phạm Chu Sa: “nhìn bờm tóc ông nhuốm ráng chiều màu nắng quái ngoài hành lang, nhìn cái dáng xiêu xiêu thẫn thờ dưới cột đèn ngã chúi về đêm trong con hẻm nhỏ và hai tay trong túi quần và ánh mắt như màu tối đậm trên vờ tường thấp loang lổ, tôi đã tự hỏi: ông tự tìm kiếm chính mình trong nỗi cô đơn hay hoài nhớ đâu đó, là những hình bóng nhập nhòa, hiển hiện trên bờ tường đá ong, những mất mát luôn vây bủa, bi lụy không ít đến cuộc đời ông?”

Nguyễn Xuân Thiệp – Tản Mạn Bên Tách Cà Phê

This slideshow requires JavaScript.

Tôi được tặng ba quyển Tôi Cùng Gió Mùa, Thơ, Tản Mạn Bên Tách Cà Phê của nhà văn Nguyễn Xuân Thiệp.  Mấy hôm nay tôi nhẩn nha thưởng thức Tản Mạn Bên Tách Cà Phê.

Những bài tản mạn này thú vị ở chỗ tác giả kết hợp chuyện quá khứ ở Việt Nam với chuyện hiện thời ở hải ngoại, chuyện Á đông và chuyện Tây phương, chuyện người già và người trẻ. Trong một bài ông viết về thành phố New Orleans với những cây cầu dài gần 40 km, có quán cà phê gợi nhớ những hoàng hôn tím, và người Việt trân mình chịu cơn bão Katrina. Một bài khác ông viết về bài Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du cùng với cái không khí trại tù ở Thành Đá Xanh, Thanh Chương Nghệ Tĩnh. Ông kể chuyện loài én thiên di hằng năm trở về San Juan Capistrano rất thơ mộng nhưng rồi bỗng dưng chúng bặt tăm không quay trở lại nữa. Những buổi hội hè liên hoan bỗng trở nên tẻ nhạt vì chim đi biền biệt. Văn của ông cũng giống như thơ, đầy nét lãng mạn với bướm và hoa, loài chim cardinal màu đỏ, dế và ve sầu, quá khứ của ông có tiếng gà trưa và những con tàu chạy ngang qua nhà ga nhỏ bé. Ông cũng viết về chiến tranh với những ưu uất nhưng không có chút nào oán hận. Đây là một quyển tập hợp các bài văn ngắn, thông minh, đáng yêu và cũng là một chuỗi kỷ niệm của nhà văn với bạn bè gắn bó với thời cuộc từ Việt Nam đến hải ngoại. Tác giả là nhà thơ có cái nhìn của họa sĩ. Những bài tạp ghi này là những bức tranh lồng vào rất nhiều bài hát và văn hóa Tây phương.

Tác giả Nguyễn Xuân Thiệp có nhiều bài thơ rất hay. Tôi rất thích bài Thảo Nguyên và bài Đốt Lửa Nghe Sư Đàn. Hai bài thơ này ông sáng tác lúc đang bị ở tù cải tạo thế mà giọng thơ rất hiền hòa thanh tịnh. Ông thường không viết hoa ở những chỗ đầu câu làm tôi liên tưởng đến cách viết của e. e. cummings nhưng chỉ liên tưởng thế thôi chứ tôi không tìm ra được nhiều điểm để chứng minh sự tương đồng giữa hai nhà thơ. Chỉ có một nét chung là cả hai người đều thích viết về thiên nhiên. Cả ba quyển thơ và văn của tác giả Nguyễn Xuân Thiệp rất thông minh, rất thơ, và rất lãng mạn. Tôi đọc xong thấy tiếc giá mà mình đọc chậm lại chút nữa, như nhâm nhi ly cà phê vào một buổi sáng đẹp trời.

Độc giả có thể tìm đọc tác phẩm của ông trên trang mạng Gió O. Nguyễn Xuân Thiệp. Hay có thể đọc ở trang mạng Phố Văn. Link ở đây.

Quyến Rũ Nhà Sư – Kathy Min

Tôi thường có cảm tưởng, trẻ em có cha mẹ Việt sinh ra lớn lên ở Mỹ bướng bỉnh hơn, hay kháng cự và thường xuyên nổi loạn hơn trẻ em sinh ra lớn lên ở Việt Nam và nổi loạn hơn cả trẻ em Mỹ (chính gốc). Có lẽ do nhiều lý do; tuy nhiên lý do nổi bật nhât là các trẻ em Việt bị dằng co giữa hai nền văn hóa Đông Tây.

Các em muốn thích hợp với môi trường, muốn được bạn bè yêu mến mình nên muốn giống như bạn, muốn sống như gia đình bạn, muốn làm những điều bạn làm. Những thứ các trẻ em Việt muốn bắt chước bạn lại thường xuyên đi ngược lại tập quán của gia đình. Cha mẹ người Việt vì muốn giữ gìn văn hóa Việt, theo truyền thống cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó, ra lệnh nhiều hơn giải thích và thuyết phục. Cha mẹ Việt ở Mỹ ngày nay không còn ép con mình phải cưới vợ hay lấy chồng theo ý kiến của mình nhưng vẫn còn nhiều người ít cởi mở với con cái, và theo cách sống nghiêm khắc.

Mới đây tôi đọc được một truyện ngắn của Kathy Min, nói về một cô gái Đại Hàn tên Gina, có người bố ít nói và nghiêm khắc. Tuy thương con nhưng ít khi ông bày tỏ lòng thương mến. Gina phản kháng ngầm, nổi loạn (cũng ngầm) bằng cách sống ngược lại cách sống của gia đình. Cha cô theo ngành vật lý cô chọn văn chương để đi ngược lại với cái ít nói tiếng Anh của bố. Bố cô muốn cô hiền lành nhu mì như thiếu nữ Đại Hàn còn cô thì nghĩ rằng mình là dân Mỹ. Ông bố không thích cô lấy chồng người bản xứ, căn dặn cô đừng để con trai lợi dụng thì cô làm ngược lại, cô thích quen và ngủ với nhiều thanh niên da trắng.

Trong một buổi chơi ném Frisbee cô quen một người thanh niên da trắng, có cái tên Do Thái, Micah, nhưng anh lại theo học đạo Phật. Anh vừa đi học đạo ở núi Hy Mã Lạp Sơn về, đầu chưa mọc tóc. Cô thích Micah và tìm hết cách để rủ Micah vào giường. Trong buổi đi chơi vườn nuôi chim Gina cởi cả áo quần trước mặt Micah trong trời mùa thu lạnh, giả vờ tắm hồ. Gina dụ cho Micah uống rượu say ngủ chung giường nhưng Mica vẫn không phạm dục. Gina đưa Micah về ăn cơm tối với bố mẹ Micah thích ăn món kimchi do bà mẹ làm. Ông bố, tên là Hi Joon đã lỡ lời so sánh cho rằng Micah giống tính người Đại Hàn hơn Gina, cho rằng cô con gái Mỹ hóa quá. Hai bố con cãi nhau và Gina bắt Micah cùng về. Trong cơn giận dữ Gina đã khiêu vũ khỏa thân trước mặt Micah. Sau đây xin mời các bạn đọc hai trang chót của truyện ngắn Quyến Rũ Nhà Sư của tác giả Kathy Min.

* * * @ @ @ * * *

Chúng tôi đi bộ về ký túc xá băng qua sân đậu xe trong im lặng. Có ánh đèn từ khu phòng trọ dành cho bốn người và nhạc trào ra khung cửa sổ lan vào trong trời lạnh. Một vài ngôi sao lẻ loi xem chừng quá xa để có thể phát ra ánh sáng đều đặn.
Về đến phòng, tôi mở nhạc the Rolling Stones thật to. Giọng hát của Mick Jagger đầy vẻ châm chọc và độc ác. Tôi tắt đèn và thắp một ngọn nến đỏ.
“OK. chuyện này cần phải chấm dứt.” Tôi nói. Tôi cảm thấy run rẩy. Tôi đẩy Micah trở lại giường. Tôi đang cơn giận tột điểm. Anh ấy đã phá vỡ tất cả mọi thứ dùm tôi, cái thoáng nhẹ, cái cuộc đời đã được thanh lọc của tôi. Tất cả mọi thứ đều dường như dễ dàng, với đám trai trẻ, những lời chót lưỡi đầu môi và những cảm xúc không lâu bền, những mê đắm đơn giản và những lạc thú trên bề mặt. Nó như là cái cảm giác đang bay, nhảy lên để vói lấy cái Frisbee và bay bổng lên không trung. Trong một khoảnh khắc, bạn không cảm thấy trọng lực, vì cái ý thức của chính cơ thể bạn hay là của một giống loài. Trong một khoảnh khắc bạn cảm thấy tự do.

Tôi bắt đầu nhảy múa, rất nhanh, đong đưa, lắc lư ngay trước giường của tôi. Tôi nhắm mắt và xoay tít, dội vào tường như một viên bi, loạng choạng vì chính đôi tất của tôi. Tôi nhảy múa mạnh đến độ cái máy nhạc nhảy khúc, giọng của Jagger trở nên lắp bắp trong cổ họng với những âm thanh đơn điệu, nuốt hối hả những lời lập lại. Tôi xoay tròn và chạy theo vòng tròn, đầu ngả về hướng này đến hướng kia cho đến khi tôi nghe dòng máu chạy trong người kinh ngạc, tôi vén tóc tôi ra khỏi gáy và túm tóc bằng hai tay.

Micah nhìn tôi nhảy múa. Thân hình anh như một chữ S bẻ ngược trên giường tôi, tay chỏi đầu. Vẻ mặt của anh trông giống như lúc anh nói chuyện với bố tôi, cái vẻ nhường nhịn, đôi mắt nai hiền lành chịu thua. Nhưng tôi có thể nhìn thấy một vẻ khác còn đang ẩn chìm.

Với những ngón tay gần như tê dại, tôi tháo cúc áo ấm bên ngoài, giật phăng áo sơ mi bên trong và lột áo ra khỏi đầu. Tôi uốn éo cho đến khi váy và đồ lót rơi khỏi người, đá tất cả quần áo vào trong góc nhà, cho đến khi người tôi ướt đẫm và cháy bỏng – rồi tôi đè lên người anh.

Như mùi vị của thức ăn sau một ngày nhịn đói – rất mạnh và đầy đặn. Micah đáp lại cơn giận dữ điên cuồng của tôi với cái đam mê bí ẩn của anh; như thể đó là một cơn ấu đả, một cuộc cãi nhau, cái gì đó rất quan trọng đang bị thử thách mà cả hai chúng tôi đều không muốn đánh mất. Sau đó chúng tôi ngồi trên giường và nghe bài hát Ode to Joy trong khi Micah, có rất nhiều đôi đủa bỏ vương vãi trong phòng, đã dùng đủa để nhại nhà điều khiển giàn nhạc Leonard Berstein. Sau đó chúng tôi đi ra tiệm All-star Dairy mua thức ăn và micah thú nhận với tôi là anh đã yêu.

*0*

Bố tôi từ chối không chịu tham dự lễ cưới. Ông thích Micah, nhưng ông không muốn tôi lấy chồng người da trắng. Câu chuyện trở thành chuyện đùa tếu tôi kể mọi người nghe. Theo phong tục Đại Hàn, tôi nói, là đem cho cô dâu bốn tháng trước lễ cưới.

Micah trở nên giáo viên dạy Sinh vật học ở trường Trung học. Tôi là một người phụ tá giám học của trường đại học địa phương. Chúng tôi có hai cháu. Khi Micah kể lại câu chuyện thời bắt đầu yêu của chúng tôi, anh kể với một vẻ nhún nhường và khôi hài. Anh nói như thể anh là một kẻ hết sức điên rồ khi nghĩ đến chuyện trở thành nhà sư. “Thử tưởng tượng chuyện ấy,” anh nói với các con. “Bố của chúng mày.”

Về sau, tôi có cơ hội đọc thêm sách về Phật giáo. Siddharta Gotama chỉ có ba mươi lăm tuổi khi ngài ngồi dưới cội Bồ đề trên bờ sông Neranjara và trở nên giác ngộ. Đôi khi, tôi thấy chồng tôi nhìn tôi bên kia bàn điểm tâm, hay đi về phía tôi từ bên kia phòng, tôi nhìn thấy vẻ bất an trên mặt anh, cái nhấp nháy của lẫn lộn, như thể anh không thể nhớ ra tôi là ai. Tôi bắt gặp vẻ mặt này vài lần, trong một ngày Chủ nhật khi anh biến mất, không ở trong nhà, anh ngồi trên băng ghế với tờ báo trên lòng, nhìn qua khu phố, chìm đắm trong tư tưởng đến độ anh không lay động khi tôi gọi tên anh.

Tôi nhớ lần đầu tôi gặp anh, cái vẻ yên tĩnh trong anh, vẻ hài hòa trên mặt. Tôi nhớ cách anh nhìn những hòn đá cạnh hồ như một nhà khai phá đất mới và tôi tự hỏi không biết anh có hối tiếc, như tôi đang hối tiếc, sự đánh mất cái niềm tin không được tán thưởng của anh. Anh có nhớ tiếng mõ cầu kinh, lời mời gọi của cuộc sống nội tâm không có dáng dấp của thèm muốn? Tôi nghĩ đến bố tôi, đầy hy vọng khi cho nước nóng chảy lên chiếc vớ chứa quả trứng lúc ở xa nhà hằng ngàn dặm, nhưng không biết là ông sẽ nuôi đứa con gái với cùng mức độ hy vọng, đầy cố gắng và hoàn toàn thất bại. Tôi nhớ cái cách tôi hay đùa nghịch với koan và tôi tự hỏi. “Cái âm thanh của một cuộc đời không được sống ra thế nào?”

Katherine Min đã có nhiều truyện đăng trên một số tạp chí danh tiếng về sáng tác văn học, như Tri-Quaterly và Ploughshares. Min được National Endowment for the Arts và New Hampshire State Arts Council tài trợ và hai lần bà được mời đến cư ngụ ở trại sáng tác MacDowell Colony.

Năm Tác Phẩm của nhà văn Lê Thị Huệ

This slideshow requires JavaScript.

Xin khoe với các bạn năm tác phẩm của chị Lê thị Huệ chủ biên báo mạng Gió O gửi tặng. Sẽ giới thiệu với các bạn chi tiết hơn sau khi đọc xong.  Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu là tuyển tập bao gồm mười truyện ngắn của mười nhà văn nữ ở trong và ngoài nước, nhà xuất bản Văn Mới phát hành (không thấy đề năm phát hành).

Mười nhà văn nữ là Y Ban, Ngô thị Kim Cúc, Trần Diệu Hằng, Võ thị Hảo, Lê thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Trần Thùy Mai, Nguyễn thị Minh Ngọc, Hoàng thị Bích Ti, Trần thị Trường, với lời bạt của ông Đào Trung Đạo.

Đây là tập truyện ngắn rất đặc sắc. Mỗi truyện ngắn đều tạo ấn tượng mạnh trong tôi, một độc giả tương đối khó tính và rất chịu khó nỗ lực quan sát.  Sẽ giới thiệu các quyển kia sau khi đọc.

Tình dục luôn đắt hàng

Bài cũ đăng lại

Bài này đã đăng ở Văn Chương việt.

Tin văn học lấy từ bài Điểm sách của Julie Bosman, New York Times ngày 9 tháng Ba năm 2012.

Sex Sells. Người Mỹ thường hay nói thế. Cái gì có dính líu đến chuyện chăn gối thường dễ hấp dẫn người nghe người xem người mua bán, như tôm tươi thường đắt hàng. Các nhà văn Hoa Kỳ khá dạn tay khi viết về tình dục. John Updike, Philip Roth, Paul Auster, Joyce Carol Oates đều mang tình dục vào tác phẩm. Các nhà văn nữ trẻ hơn cũng táo bạo đề cập đến tình dục dùng phương pháp trào lộng; những tác phẩm nổi tiếng ít nhiều có liên quan đến chủ đề tình dục cụ thể có quyển Sex and the City của Candace Bushnell, phim Secretary dựa vào truyện ngắn Bad Behavior của Mary Gaitskill, hay When Harry Met Sally của Nora Ephron. Khán giả khó mà quên cái đoạn Meg Ryan trong vai Sally ngồi giữa nhà hàng mồm rên rỉ như đang “tới” thật là buồn cười.

Những tác phẩm nói trên tuy đề cập đến tình dục nhưng không bị liệt vào hạng khiêu dâm. Người ta không phải đọc hay xem những tác phẩm này một cách lén lút vì … xấu hổ. Phụ nữ Mỹ dù đã tự giải phóng, tự do hưởng thụ, toàn quyền quyết định chuyện liên quan đến thể xác, đa số vẫn kín đáo không (dám) đọc công khai các loại sách báo bị mệnh danh là khiêu dâm. Nhiều phụ nữ thích đọc tiểu thuyết tình cảm lãng mạn; và tiểu thuyết hợp khẩu vị của phái nữ bán rất chạy. Thể loại tiểu thuyết tình cảm lãng mạn này thường có những màn gối chăn nóng bỏng có thể làm người đọc xao xuyến. Những cuộc thăm dò dư luận cho biết độc giả nữ đọc tiểu thuyết tình ái lãng mạn (romance) gợi tình (erotica) có cảm hứng và thích thú chuyện chăn gối hơn.

Gần đây có một quyển sách, độc giả Mỹ bảo nhau tìm nhưng tìm không thấy. Đó là tác phẩm “Fifty Shades of Grey” của E. L. James một tác giả không nổi tiếng trên thị trường tiểu thuyết Mỹ. Quyển sách được mọi người “đồn” với nhau là tiểu thuyết gợi tình hạng nhẹ (soft porn) dành cho phụ nữ được miêu tả với những chữ như “Mommy porn” và “Twilight.” Fifty Shades of Grey xoay quanh quan hệ của Christian Grey, một đại gia trẻ tuổi đẹp trai với một nữ sinh viên ngây thơ tên là Anastasia Steele. Grey thích những kiểu ân ái lạ thường dùng dây trói, còng tay, và dùng roi đánh. Quan hệ giữa đôi nam nữ này là một quan hệ bất bình đẳng, một bên đầy quyền lực luôn khống chế còn bên kia yếu đuối tuân phục.

Bộ sách ba quyển, “Fifty Shades of Grey,” “Fifty Shades Darker” và “Fifty Shades Freed” được một nhà xuất bản nhỏ tên là Writer’s Coffee Shop Publishing House ở Úc cho ra đời. Số in rất ít và chuyên chở rất chậm vì thế khi muốn mua người ta không tìm thấy ở trong các hiệu sách. Đa số sách mua được là nhờ e-book. Tổng số bán của cả ba quyển lên đến 250,000 đưa quyển sách lên hạng nhất trong danh sách sách bán chạy của New York Times và hạng ba trong sách bán chạy của Amazon. Các nhà xuất bản danh tiếng của Hoa Kỳ đang tranh nhau để được quyền tái bản bộ ba quyển này. Vintage Books, chi nhánh của Knopf Doubleday Publishing Group đã thắng cuộc trong cuộc tranh giành quyền tái bản với giá có bảy con số (nằm đâu đó từ một triệu cho đến sát ranh giới của mười triệu Mỹ Kim).

Tác giả của bộ sách này là E.L. James, nhà văn nữ người Anh đã từng là Giám Đốc chương trình truyền hình. Bà bắt đầu bộ sách này bằng cách đăng từng kỳ trên mạng. Các nhà lãnh đạo trong giới xuất bản bảo rằng những lời truyền miệng đã đưa quyển Năm Mươi Màu Sắc này lên vị trí tương đương với những quyển bom tấn “The Da Vinci Code,” “The Kite Runner” và “Eat, Pray, Love.”

Thứ hai 12 tháng Ba 2012, nhà xuất bản sẽ tung ra bản điện tử. Đầu tháng Tư sẽ cho in 750 ngàn ấn bản bìa mềm. Độc giả khen ngợi quyển sách này bảo rằng nó “làm tăng hạnh phúc chăn gối” của họ và “khơi lại ngọn lửa tình.” Giới xuất bản bảo rằng “Nó vượt qua giới hạn của sách được phân loại (genre). Người đọc sách này không phải chỉ đọc có mỗi loại tiểu thuyết diễm tình.”

Quyển sách được nhiều người phụ nữ học vấn cao, thành công lớn trong xã hội khen ngợi như là quyển sách tuyệt vời nhất trong những quyển sách họ đã đọc; tuy thế không phải là không có người chê. Một số blogger cho là quyển sách này dài dòng nhưng nội dung chẳng có gì đáng kể, tác giả thường hay đăng kèm những thứ nhảm nhí như những hợp đồng kinh doanh lê thê và thư điện của các nhân vật trao đổi với nhau. Một số khác phê bình cách hành văn rườm rà thiếu thanh lịch của tác giả và rất nhiều độc giả tỏ ý bất bình là thời bây giờ mà vẫn còn những quyển tiểu thuyết cổ vũ những tên bạo động đáng tởm và các cô gái ngu xuẩn cho phép đàn ông ngược đãi họ.

Tôi chưa được đọc quyển này nhưng nghe đồn đãi cũng thấy tò mò. Ghi tên xin mượn quyển sách này ở thư viện tôi thấy đã có mười chín người sắp hàng phía trước tôi và sáu thư viện trong vùng tôi ở đã đặt mua nguyên bộ ba quyển sách này. Nếu quyển sách thú vị tôi xin kể hầu độc giả. Nếu có độc giả tìm đọc quyển này trước khi tôi có thể đọc, xin nhớ cẩn thận đừng để cháy giường hay xảy ra cái cảnh “một rằng thương hay rằng thương, có bốn chân giường gãy một còn ba.”