Những chuyện xảy ra ở bàn ăn

Bữa ăn quan trọng nhất trong ngày là bữa ăn tối. Cùng ăn bữa tối với nhau hằng ngày là cách giữ hạnh phúc gia đình rất hữu hiệu. Bữa ăn tối quan trọng nhất trong năm xảy ra vào Lễ Phục Sinh, Lễ Tạ Ơn, hay Lễ Giáng Sinh. Còn nhiều ngày lễ lớn của các tôn giáo khác bữa ăn tối rất quan trọng nhưng vì không biết chắc nên tôi không nhắc đến. Đôi lứa yêu nhau khi cảm thấy có thể tính chuyện lâu dài thường đưa ý trung nhân về nhà ăn tối vào những dịp lễ lớn kể trên. Alvy và Annie trong phim “Annie Hall” đã ăn tối vào lễ Phục Sinh với gia đình Annie. Woody Allen đã dùng bữa ăn này để so sánh sự khác nhau trong cách sống và cách suy nghĩ của người trong hai gia đình. Đôi khi bữa ăn trọng đại của gia đình xảy ra vào một dịp khác, có lẽ còn đặc biệt hơn những buổi tiệc trong ngày lễ, chẳng hạn như đám cưới trong phim “Meet The Parents – Gặp Bố Mẹ Người Yêu” hay đám tang trong phim “August: Osage County – Tháng Tám ở Quận Osage.” Cả gia đình và họ hàng tụ họp nên người ta có nhiều chuyện để nói như: ôn lại chuyện quá khứ, chúc mừng sự thành công hiện tại, bàn tính việc sắp tới, hay bày tỏ lòng thương yêu với nhau. Và xin đừng ngạc nhiên, những bữa ăn quan trọng, cũng là nơi có thể xảy ra những cuộc tranh chấp, gièm siểm, thậm chí đến đánh nhau. Trong phim “The Dinner – Bữa Ăn Tối” phim Ý năm 2014, của đạo diễn Ivano De Matteo, hai anh em gặp nhau hằng năm ở một nhà hàng Pháp sang trọng. Người anh là luật sư nổi tiếng và giàu có. Người em là kiến trúc sư, không giàu bằng người anh, nhưng cũng không nghèo. Người anh có một đứa con gái trang lứa với đứa con trai của người em. Hai người trẻ tuổi, một đêm đi chơi về khuya đã cố ý giết một người không nhà. Bữa ăn hằng năm là dịp để hai anh em gặp nhau hàn huyên tâm sự, biến thành thời điểm thích hợp để bàn cách đối phó với chuyện giết người của hai đứa con: nên cho chúng nhận tội hay chối tội. Bữa ăn trong nhà hàng được đạo diễn Ivano De Matteo khai triển khéo léo, khán giả nhìn thấy sự mâu thuẫn ngấm ngầm giữa hai anh em, từ sự ganh tị của kẻ giàu người nghèo, đến quan niệm về công lý và luật pháp, từ cách đối xử với vợ đến cách nuôi nấng dạy dỗ con cái. Khi sự xung đột đến tột độ thảm kịch xảy ra.

Băng đảng Mafia thường dùng bàn ăn ở nhà hàng làm nơi bàn luận chuyện thanh toán đối phương. Và thanh toán đối phương ở bàn ăn trong nhà hàng. Bạn đọc chắc chưa quên phim “The Godfather – Bố Già,” Al Pacino trong vai Michael Corleone, là công dân mẫu mực, từng đi lính Thủy quân lục chiến, trước nguy cơ dòng họ bị băng đảng khác tiêu diệt, đã đi vào hang cọp, một nhà hàng ở Bronx, địa điểm do đối phương chọn. Đang giữa bữa ăn, viện cớ cần đi tiểu, Michael vào phòng vệ sinh, lấy cây súng được “phe mình” dấu trong bình chứa nước, ra bàn ăn giết chết đối phương, sau đó chuồn sang Ý.

Trong phim “Shadow of a Doubt – Bóng Tối Nghi Ngờ” của Hitchcock, có hai nhân vật vốn là bạn của nhau, Joseph Newton và Herbie Hawkins. Cả hai có cùng ý thích, sưu tầm và thảo luận về cách thức giết người được dùng trong tiểu thuyết trinh thám.  Herbie thường tìm gặp Joseph lúc ông bạn đang ăn tối với gia đình, có khi Herbie cũng tham dự bữa ăn và vì thế những phương pháp giết người được bàn luận ở bữa ăn. Nghe thì có vẻ rùng rợn, thật ra những thủ đoạn giết người họ bàn với nhau chỉ là chuyện nghiên cứu của hai nhà thám tử dởm, trong khi ấy Charles, em vợ của bà chủ nhà, đang lập mưu giết cô cháu gái (con của Joseph Newton) vì cô này biết được quá khứ của người cậu, thế mà hai thám tử dởm hoàn toàn không biết.

Bữa ăn làm tôi căm giận nhất là bữa ăn trong phim “The Return of the King – Ngày trở về của Vua,” phim cuối trong bộ phim ba tập “The Lord of The Rings – Nhẫn Chúa” của đạo diễn Peter Jackson, người vừa lên tiếng “đả thương” Harvey Weinstein, kẻ ngã ngựa vì bị cáo buộc đã uy hiếp, lạm dụng, và tấn công tình dục cả chục (hay hơn) nữ minh tinh thượng thặng trên màn ảnh Hoa Kỳ.

Denethor
Denethor và dòng rượu trên cằm
Denethor ăn còn Pippin đứng hầu
Pippin đứng hầu trong lúc Denethor ăn

Denethor, là vị quan chấp chính đang trấn thủ thành Condor. Ông có tham vọng soán ngôi nên sai người con trai lớn, Boromir, đi tìm nhẫn chúa mang về cho ông. Boromir có tài lại rất hợp tính bố, nhưng chẳng may bị giết trong lúc bảo vệ chiếc nhẫn đang được Frodo mang đi hủy diệt. Faramir là con thứ hai của Denethor, tài năng chẳng kém gì người anh, nhưng bản tính nhân từ nên không được lòng bố. Bắt được Frodo, biết chàng hobbit này đang giữ nhẫn chúa nhưng Faramir thả Frodo đi để phá hủy nhẫn chúa mang lại hòa bình cho nhân loại. Quyết định của Faramir làm Denethor nổi giận. Khi quân đội của Sauron bao vây thành với số quân đông gấp nhiều lần, Denethor ra lệnh cho Faramir ra quân để chuộc tội, dù biết làm như thế là thí mạng con mình. Trong khi sắp sửa nước mất nhà tan, Denethor ra lệnh dọn tiệc cho ông, và còn bắt hobbit Pippin phải hát hầu trong lúc ông ta đang ăn. Bữa ăn gồm có thịt, cà anh đào, và nho tươi. Bài hát của Pippin là bài hát buồn thảm than khóc cho vận mệnh nước nhà sắp rơi vào tay quỷ dữ. Sauron nhai rau ráu. Nước của những quả cà tươi, và rượu chảy thành dòng đỏ đậm như màu máu trên môi trên cằm Denethor. Bữa ăn của Denethor là bữa ăn sang trọng, trong mùa đông, giữa lúc chiến tranh đến lúc cực độ, dân đang đói khổ mà quan cai trị vẫn còn có thịt nướng, rau quả tươi, và rượu. Đạo diễn Jackson cho luân phiên hình ảnh ứa lệ của Pippin và giọng hát thê lương, cái nhai rau ráu của Denethor với giòng rượu đỏ nhễu nhão xuống cằm, và đội quân Faramir đang phi ngựa hứng lằn tên của Orcs. Ông đã dùng “setting” bữa ăn, và cách ăn để nói lên sự kém sáng suốt và thiếu đạo đức của nhân vật một cách tuyệt diệu. Vì tôi ngưng từng khung ảnh để lấy cho được ảnh của Denethor với giòng rượu trên cằm, tôi khám phá ra một điều thú vị. Đó là khi thu cận cảnh thì miếng gà màu nâu vì nướng, nhưng trên bàn tiệc thì miếng gà màu vàng như gà luộc. Có lẽ vì đoạn phim được quay ít nhất là hai lần ở thời điểm khác nhau.

Hẹn lần sau sẽ đưa bạn đến với hai bữa ăn được dùng để nói lên thảm kịch của gia đình.

Trái cấm

Quả lựu
Trái cấm

Hôm trước, chẳng nhớ là hôm nào, nhận được quà của chị chủ biên Gió O. Mấy quả lựu thật là to, chưa hề thấy trong chợ bán lựu to như thế. Lựu này ép lấy nước uống là ngon lắm. Sẵn có mấy quả lựu, tôi kể bạn nghe chuyện cổ tích.

Từ thuở xa xưa, người ta đã dùng thức ăn để cám dỗ. Bạn biết mà, ở vườn Eden, con rắn đã xúi Eva ăn quả táo. Sau đó Eva dụ dỗ Adam. “Ta ghé răng cắn vào, miếng môi ngọt đắng,” chuyện gì xảy ra sau đó bạn biết rồi, xin miễn nhắc tới. Con rắn ngày sau biết lỗi của nó nên mỗi mùa lột da để nhìn rõ bản chất của nó. Chuyện rắn lột da thì không phải là huyền thoại, tôi chỉ dùng mấy câu hát của ông Cohen để bịa chuyện cho vui.

I heard the snake was baffled by its sin.
He shed his scales to find the snake
within.

Còn một chuyện cám dỗ người ta ăn trái cấm nữa, trong huyền thoại Hy Lạp ít được chú ý hơn.

Zeus, chúa tể của các vị thần, chia thế giới làm hai cõi. Zeus kiểm soát cõi dương. Ông chia quyền cai trị cõi âm cho người em tên là Hades. Thần Zeus  tính tình lang chạ gặp nữ thần nào xinh đẹp vừa mắt là lấy làm vợ lẽ. Demeter, rất xinh đẹp có một đứa con gái với Zeus, đặt tên là Persephone. Demeter chịu trách nhiệm nuôi dưỡng cây trái mùa màng, mang lại no ấm cho cả thế giới. Persephone xinh đẹp hơn cả mẹ của nàng. Một ngày Persephone mê mải hái hoa trên cánh đồng đủ loại hoa như hồng, crocus, violets, diên vỹ, dạ hương lan đi xa hơn vùng đất mẹ nàng cho phép. Persephone vô tình không biết cánh đồng này là do Zeus biến hóa ra với mục đích làm bẫy bắt nàng đem về làm vợ của Hades. Persephone là con của Zeus và Demeter, do đó Hades là chú của nàng. Theo quan điểm đạo đức ngày nay, Zeus và Hades phạm tội loạn luân. Trước mặt Persephone là một cánh đồng hoa thủy tiên, màu hoa vàng sáng rực như mặt trời, và hương thơm ngát từ trời phủ xuống bao bọc cả cánh đồng. Khi Persephone cúi xuống hái hoa, thì mặt đất nứt ra. Từ lòng đất bay lên một vị thần và cỗ xe ngựa. Vị thần này tóm lấy Persephone,  đặt nàng lên cỗ xe rồi chở nàng đi mất dạng. Persephone kêu cứu nhưng không ai đáp lời. Tuy vậy có hai vị thần, Persaeus và Helius, nghe tiếng cầu cứu của nàng.

Demeter đi tìm con khắp nơi. Đau buồn, bà bỏ phế công việc, mùa màng chết rụi, mặt đất tắt nắng, trở nên lạnh lẽo tuyết giá. Trước nguy cơ cả thế giới bị chết đói Zeus ra lệnh Hades phải thả Persephone về trần nhưng Hades cãi lời. Hai anh em đồng ý với nhau nếu Persephone ăn bất cứ thức ăn nào của cõi âm, thì vĩnh viễn sẽ ở lại nơi đó. Nếu Demeter tìm được cô con gái trước khi nàng ăn thức ăn của cõi âm thì Hades phải giao trả cô gái về dương trần. Persephone từ khi bị bắt về âm ty, nàng tuyệt thực. Bảo rằng chỉ ăn thức ăn của mẹ trồng và sẽ nhịn đói cho đến khi nào được thả về với mẹ. Persephone không biết luật của âm ty chỉ tuyệt thực để phản đối hành vi cưỡng ép của Hades. Trước nguy cơ Persephone sẽ chết vì đói trước khi trở thành vợ của hắn, Hades tìm thức ăn của Demeter trồng để cám dỗ Persephone, nhưng vì Demeter đã biến địa cầu thành mùa đông, cây cỏ chết hết nên Hades chỉ tìm được một quả lựu đã héo khô. Hades bảo nếu Persephone không ăn nàng sẽ chết trước khi gặp mẹ. Hạt lựu cũng đã khô héo chỉ còn lại mười hai hạt. Persephone thấy quả lựu, nghĩ rằng đây là thức ăn của mẹ trồng do đó nàng nhấm nháp vài hạt lựu. Khi Demeter được lời mách bảo của Persaeus và Helius bà tìm xuống âm ty, gặp Hades để đòi lại con. Đến nơi thì Persephone đã lỡ ăn hết sáu hạt lựu. Vì thế hằng năm Persephone phải ở lại âm ty làm vợ của Hades sáu tháng và về dương trần ở với mẹ sáu tháng. Sáu tháng con gái ở xa là sáu tháng Demeter đau buồn và vì thế mặt đất giá lạnh, cây cối không trổ hoa kết trái. Từ đó về sau người trần có sáu tháng mùa thu và mùa đông, còn sáu tháng kia là mùa xuân và mùa hè.

Tóm lược theo “Clasical Mythology” 6th edition, chapter 12, “Demeter and the Eleusinian Mysteries” của Mark P. O. Morford và Robert J. Lenardon.

Buồn như tiếng Vượn

Tản mạn đăng trên Gió O. Buồn Như Tiếng Vượn

Monkey in Japanese culture
monkey on a plum tree của Mori Sosen

Tiếng đàn của Thúy Kiều chắc phải buồn lắm. Nàng đàn cho Thúc Sinh nghe, Thúc Sinh rơi lệ. Ối, Thúc Sinh thì nói làm gì, chàng này là một người thiếu chí khí, có khóc thì cũng chẳng lạ. Nhưng Hồ Tôn Hiến, một kẻ làm chính trị mưu mô dạn dày, khi nghe tiếng đàn của Kiều, cũng nhăn mày châu rơi:

Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu trên đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tày
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày châu rơi

Nỗi buồn từ tiếng đàn như máu từ tim chảy ra đầu ngón tay của Kiều được Nguyễn Du so với tiếng vượn. Như thế tiếng vượn kêu (hót hay hú) ắt phải não nề thê lương lắm? Những người sống ở thành phố, hay nông thôn, ít khi nghe tiếng vượn vì chúng sống trong rừng núi. Người sống ở miền lạnh càng ít khi nghe tiếng vượn hơn vì đa số khỉ vượn sống ở vùng nhiệt đới, ngoại trừ vài địa hạt ở miền Bắc Nhật Bản có loài khỉ mặt đỏ sống vì có nhiều suối nước nóng.

Nhưng có thật tiếng vượn buồn không hay chỉ là:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Xin mời bạn cùng với tôi, thử đi tìm nỗi buồn trong tiếng vượn trong một số bài thơ.

Ca dao Việt Nam có:

Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

Hai câu thơ này không nói gì về nỗi buồn. Phải chăng người đọc chỉ phỏng đoán cô gái trẻ lấy chồng về nơi rừng núi hiu quạnh, nhớ mẹ ắt phải buồn và từ đó nghe thấy nỗi buồn trong tiếng vượn?

Mã Đái, một nhà thơ thời Vãn Đường (836-905)[1] không rõ tiểu sử, có bài thơ tựa đề Sở Giang Hoài Cổ nói về tiếng vượn như sau:

Lộ khí hàn quang tập,
Vi dương há Sở khâu.
Viên đề Động-đình thụ
Nhân tại mộc-lan chu.
Quảng trạch sinh minh nguyệt,
Thương sơn giáp loạn lưu.
Vân trung quân bất kiến,
Cánh tịch tự bi thu.

Cụ Trần Trọng Kim dịch là Thơ Hoài Cổ Làm Trên Sông Nước Sở:

Khí sương sáng lạnh một bầu,
Bóng dương mờ chiếu Sở khâu sớm ngày,
Động-đình vượn hót trên cây,
Thuyền lan chở khách, người ngây nỗi lòng.
Trăng soi đầm rộng sáng trong,

Núi xanh bao khắp mấy giòng nước giao.
Chúa mây lui tới rất mầu
Suốt đêm chỉ những rầu rầu cảnh thu.

(Trần Trọng Kim, tr. 223)

Ở bốn câu thơ tiếng Hán Việt, “viên đề Động-đình thụ” nghĩa là con vượn kêu trên cây ở Động đình đâu có thấy nói gì về tiếng vượn kêu nghe buồn thảm đâu nhưng khi dịch ra tiếng Việt dịch giả Trần Trọng Kim lại thêm bốn chữ “người ngây nỗi lòng.” Phải chăng vì câu chót của bài thơ “Cánh tịch tự bi thu” khiến dịch giả nhìn thấy nỗi buồn của tác giả rồi gán nỗi buồn này vào tiếng vượn? Để tham khảo, xin mời độc giả đọc thêm ở cuối bài về bài thơ Sở Giang Hoài Cổ từ  thivien.net[2]

Ngoài Mã Đái, trong khi đi tìm nỗi buồn trong tiếng vượn, tôi gặp một số nhà thơ rất danh tiếng thời Đường có nhắc về tiếng hú của loài vượn. Xin mời độc giả cùng tôi xem các thi sĩ này đã gởi gấm những gì trong tiếng vượn.

Nhà thơ Vương Xương Linh, không biết rõ năm sinh và ngày chết (?-756-?)[3], đỗ Tiến sĩ, chẳng biết ông làm lỗi gì mà bị biếm chức đến Long Tiêu. Một ngày đi ngang con sông nhìn thấy lầu Vạn Tuế, chung quanh là núi cao sông sâu, buổi chiều có mây có khói, trên núi có vượn có sóc, ông bùi ngùi nhớ về quê xưa rồi viết bài thơ Vạn Tuế Lâu, trong bài thơ có hai câu:

[…]
Viên dứu hà tằng li mộ lĩnh,
Lô tư không tự phiếm hàng châu.

Bản dịch của Trần Trọng Kim dịch là:

Núi chiều vượn khỉ yên vui
Bãi kia chim cốc tới lui từng bầy (Trần Trọng Kim, tr. 229)

Và Chi Điền dịch là:

Ngơ ngác vượn chiều lìa đỉnh núi,
Lênh đênh đàn cốc nổi ven cầu.[4] (Chi Điền Hoàng Duy Từ, tr. 129)

Một ông thì bảo rằng vượn khỉ yên vui, một ông lại nói ngơ ngác vượn chiều, đã yên vui thì chắc không buồn, còn con vượn ngơ ngác thì có buồn hay không? Vì không biết nên tôi tham khảo với thivien.net thấy dịch là:

Vượn sóc chưa từng rời khỏi đỉnh núi chiều,
Cò vạc lặng lẽ qua lại trên bãi vắng vẻ lạnh lùng.[5]

Hai câu này chỉ nói có vượn sóc trên núi và cò vạc trên bãi sông, nhưng cuối bài thơ, nhà thơ Vương Xương Linh có câu “hướng vãng mang-mang phát lữ sầu” nói về nỗi buồn của người xa nhà khi nhớ về quá khứ. Dịch giả của chúng ta dùng tiếng kêu của loài vượn để nói lên nỗi sầu ly hương của tác giả.

Đỗ Phủ mở đầu bài thơ Đăng Cao (Lên Cao) bằng câu “Phong cấp thiên cao viên khiếu ai” thì nói rõ ràng tiếng vượn kêu nghe buồn. Dịch giả Trần Trọng Kim dịch ra chỉ đơn giản là “trời cao, gió mạnh, vượn kêu”[6] nhưng không nói gì đến nỗi buồn. Đỗ Phủ dùng tiếng vượn để than thở tuổi già bệnh tật phải lên núi một mình, tóc đã bạc mà vẫn còn vất vả gian nan.[7]

Nghe tiếng vượn kêu buồn đến chảy nước mắt có nhà thơ Cao Thích[8]. Trong bài thơ có cái tựa rất dài Tiễn Lý Thiếu-Phủ Đi Giáp-Trung và Vương Thiếu-Phủ Đi Trường-Sa[9] Cao Thích viết,

[…]
Vu-giáp đề viên sổ hàng lệ,
Hành-dương qui nhạn kỷ phong thư[10]
[…]

Dịch giả Trần Trọng Kim dịch là:

Kẽm Vu tiếng vượn lệ rơi,
Hành-dương chim nhạn đem vài phong thư (TTK, trang 252)

Bài thơ tiễn hai chàng trai bị vua đày, người họ Lý đi Giáp Trung đất Thục, người họ Vương đi Trường Sa đất sở. Tiễn người bị đi đày dĩ nhiên là buồn, đến cái chỗ hẻo lánh nên nghe tiếng vượn buồn rơi nước mắt là tất nhiên.

Thêm vào những bài thơ Đường vừa kể trên, tôi còn gặp vài bài thơ Đường trong đó có câu thơ nói về tiếng kêu của con vượn như Khê Hành Ngộ Vũ Dữ Liễu Trung Dung của Lý Đoan, và riêng nhà thơ Lý Bạch có nhiều bài nhưng ở đây xin trích dẫn sơ qua hai bài Ký Thôi Thị Ngự và Trường Can Hành. Trong bài thơ của Lý Đoan, đặc biệt, tiếng vượn không buồn, mà đọc kỹ một chút độc giả có thể nhận ra sự hài lòng, thậm chí là vui ngầm của người trong cuộc.

Khê Hành Ngộ Vũ
Dữ Liễu Trung Dung

Nhật lạc chúng sơn hôn,
Tiêu tiêu mộ vũ phồn.
Nả kham lưỡng xứ túc
Cọng thính nhất thanh viên.

Cụ Trần Trọng Kim dịch là:

Mặt trời lặn, núi tối mò,
Rầu rầu chiều tối, mịt mù mưa sa.
Sao đành đôi chốn ngủ xa,
Chi bằng tiếng vượn một nhà cùng nghe.[11]

Thiết nghĩ chiều tối mưa rơi thì cảnh có vẻ buồn, nhưng đôi bạn Lý Đoan và Dữ Trung Dung, cùng ở chung một quán trọ cùng nghe một tiếng vượn ắt là phải vui vì không phải xa nhau.

Nhân vật trong các bài thơ của thi hào Lý Bạch vì xa nhà nghe tiếng vượn hú mà lòng buồn (Ký Thôi Thị Ngự). Vợ của người đi xa, nghĩ đến chồng ở nơi quan san cách trở, hai bên vách núi có tiếng vượn kêu thảm thiết vang trời (Trường Can Hành).

Đa số, những câu thơ nhắc đến tiếng vượn kêu, nếu có buồn thì chỉ vì phản ảnh tâm tư của nhà thơ. Tiếng vượn cũng như tiếng mưa rơi, buồn vì nhà thơ đã mang sẵn tâm sự buồn.

@ @ @

Sau khi tìm tiếng vượn trong thơ Đường, tôi thử tìm tiếng vượn trong thơ hài cú của Basho nhà thơ Nhật Bản. Basho trong lúc hành hương đi vòng quanh nước Nhật, đến một làng hẻo lánh cạnh bở sông, ông bắt gặp một đứa bé bị bỏ rơi. Chia cho đứa bé chút thức ăn, ông và người đệ tử lại lên đường. Sau đó, nghe tiếng vượn kêu ông liên tưởng đến tiếng khóc của đứa bé.

Poet grieving over shivering
monkeys, what of this child
cast out in autumn wind.

Thi sĩ ngậm ngùi vì con vượn
run rẩy, còn đứa bé này ra sao
khi bị bỏ rơi trong gió thu[12]

Con Vượn là một biểu tượng đặc biệt của văn hóa Nhật Bản thường tượng trưng cho vài đặc tính không tốt của loài người. Bài thơ dưới đây tôi có thể hiểu từng chữ nhưng thật tình không hiểu hết ý bài thơ. Con vượn trở nên giống cái mặt nạ, hay cái mặt nạ thay đổi cho giống tính con vượn, hay cái mặt nạ lật mặt nạ con vượn?

Year by year,
the monkey’s mask
reveals the monkey

Năm này sang năm kia,
mặt nạ của vượn
để lộ ra vượn

Winter downpour –
even the monkey
needs a raincoat

Mưa mùa đông xối xả
ngay cả loài vượn
cũng cần áo mưa

Loài vượn cũng được tôn làm thần thánh trong Phật Giáo Nhật và Shinto. Chúng ta đã từng nghe đến câu chuyện sanzaru hay Ba Con Vượn Khôn Ngoan. Sanzaru là một cách chơi chữ của người Nhật với chữ saru gần giống zaru có nghĩa là con vượn và chữ gốc –zaru trong tiếng Nhật cổ được dùng trong cách chia động từ nói về cái không có, thí dụ như mizaru, kikazaru, iwazaru có nghĩa là không thấy, không nghe, không nói. Đền thờ Tōshō-gū, ở Nikkō có khắc tượng Ba Con Vượn Khôn Ngoan. Vào thời thật cổ xưa (c. 787-824), kinh điển Phật Giáo có lưu truyền câu truyện về một nữ thánh đầu tiên bị chế nhạo là saru (con khỉ hay vượn) vì cho rằng bà chỉ giả vờ bắt chước người tu, nhưng về sau để vinh danh bà người ta đặt cho bà cái tên sari (có nghĩa là Xá Lợi của Phật).[13]

Ba con vượn khôn ngoan là: Mizaru, bịt mắt để không nhìn những điều tội lỗi; Kikazaru, bịt tai để không nghe những lời thị phi; và Iwazaru, che mồm để không nói những lời độc ác.[14] Trong văn hóa Tây phương, ba con vượn này lại bị hiểu theo nghĩa không hay tượng trưng cho những người hèn nhát, trốn tránh sự thật, giả vờ không nghe không thấy để không phải thốt lên những lời đấu tranh bảo vệ sự thật.

@ @ @

Loài khỉ hay vượn được nhắc đến rất nhiều trong văn học cũng như phim ảnh. Khán giả điện ảnh chắc chưa quên một con dã nhân khổng lồ rất khôn ngoan trong phim King Kong, hay con dã nhân khổng lồ trong Mighty Young Joe được cô chủ Jill cứu và giúp đưa về Phi châu. Nhà văn Haruki Murakami có truyện ngắn “A Shinagawa Monkey,” trong đó con khỉ biết nói đã khiến một nhân vật trong truyện bị mất trí nhớ, và nhờ đó mà quên chuyện đau lòng với người trong gia đình. Nhà văn Patricia Highsmith, người Hoa Kỳ nhưng nổi tiếng ở Anh và Pháp hơn ở nước nhà, có truyện “Eddie and the Monkey Robberies” về một con khỉ được nuôi để đi ăn trộm. Người Mỹ có rất nhiều phim trong đó khỉ là nhân vật như “Planet of the Apes” trong phim này khỉ là chủ nhân còn loài người là nô lệ vì loài người quá tiến bộ trong việc phá hủy sự sống trên trái đất, sau đó là Rises of Planet of the Apes và Dawn of Planet of the Apes. Có hai truyện ngắn về khỉ tôi rất thích đó là “The Monkey’s Paw” của W. W. Jacobs và The Monkey King của May Sharon. Trong “The Monkey’s Paw” Bàn Tay (hay bàn chân) Khỉ là một thứ bùa linh thiêng, hễ ai có nó sẽ được toại nguyện với ba điều ước nhưng phải trả giá rất đắt cho ba điều ước này. Còn The Monkey King thì nói về con khỉ đầu đàn của một đàn khỉ sống trong thời diệt chủng ở Campuchia.

Có một phim tài liệu nói về một vụ kiện rất nổi tiếng vào thập niên hai mươi đó là phim “The Monkey Trial.” Năm 1925 giáo viên John Scopes bị đưa ra tòa vì bị cáo buộc đã dạy thuyết tiến hóa Darwin. Đưa thầy giáo Scopes ra tòa chỉ là một cái cớ để vạch ra một điều luật mâu thuẫn và lỗi thời của Hoa Kỳ. Dù thuyết tiến hóa của Darwin rất phổ thông trên toàn thế giới và được đưa vào sách giáo khoa của các trường Trung học Hoa Kỳ, một số địa phương vẫn còn bảo thủ nên có luật cấm giáo viên không được dạy cho học sinh thuyết Darwin. Cuộc tranh cãi của hai bên, biện hộ và công tố viện, đại diện hai bên đều là luật sư rất nổi tiếng thời bấy giờ, kéo dài mấy tháng trời; biến Dayton, một thành phố vô danh của tiểu bang Tennesse, trở nên nổi tiếng như một thành phố du lịch vì ký giả từ trên toàn nước Mỹ tựu về thành phố này để kịp loan tin cho những tờ báo lớn. Ngay cả người dân của thành phố cũng chia thành hai phe, một bên tin vào khoa học chấp nhận khỉ là thủy tổ của loài người, còn bên kia nhất quyết chỉ tin con người là một sáng tạo của Thượng Đế.

Khỉ được xem là thủy tổ của loài người. Cynthia Ozick trong bài tiểu luận The Novel’s Evil Tongue đăng trên The New York Times diễn giải rộng hơn một chút, loài khỉ cũng chính là ông tổ của nhà văn. Theo bà Ozick, nghề văn bắt đầu từ thuở Eve nghe lời con rắn dụ dỗ ăn trái táo, sau đó đến thời loài khỉ ngồi bắt chí bắt rận cho nhau, thì thầm kể cho nhau nghe chuyện hàng xóm láng giềng. Nghề kể chuyện, cho dù là chuyện ngồi lê đôi mách, lâu ngày biến thành nghề viết văn. Bà Cynthia Ozick bảo rằng “to choose to live without gossip is to scorn storytelling,”[15] nghĩa là chọn lựa sống mà không nói chuyện thị phi là khinh bỉ nghề kể chuyện (hay viết truyện).

Cứ nghe các nhà thơ kêu ca tiếng vượn thật là ai oán, tôi dùng Google để thử nghe tiếng vượn có thật sự buồn không và nếu buồn thì buồn đến cỡ nào. Người Việt có rất ít ngữ vựng nói về giống khỉ, trong khi Anh ngữ lại có rất nhiều phân biệt từng loài. Ngoài chữ monkey còn có simian, ape (khỉ dã nhân), gibbon (vượn), macaque (khỉ mặt đỏ của Nhật), gorilla, primate, và orangutan. Tôi nghe nhiều thứ tiếng của loài khỉ nói chung, monkey, gibbon, gorilla, macaque, thật tình chỉ thấy đó là tiếng hú của loài vật. Trò chuyện với người tình của gần bốn mươi năm về trước (nay là chồng nên hết là người tình), tôi bảo rằng đúng là người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, khi buồn thì tiếng mưa tiếng gió ngay cả tiếng mèo ngao chó sủa cũng buồn, mấy ông nhà thơ chỉ vẽ chuyện. Chàng, không quan tâm thơ thẩn gì cả, bảo rằng: ngày xưa trong xóm của chàng có một người bắt được con vượn trong rừng đem về thành phố nuôi. Con vượn có lẽ nhớ rừng thường hay hú vang cả xóm. Tiếng hú của nó thật là ai oán. Có lẽ tất cả nỗi nhớ đàn nhớ rừng đều gói trọn trong tiếng hú.


 

[1] Trần Trọng Kim, Đường Thi, nhà xuất bản Đại Nam (California, Hoa Kỳ), trang xxix
[2] http://www.thivien.net/M%C3%A3-%C4%90%C3%A1i/S%E1%BB%9F-giang-ho%C3%A0i-c%E1%BB%95/poem-K4ceSkJo_U1dyPvax3W7zg
[3] Chi Điền Hoàng Duy Từ, Đường Thi Tuyển Dịch, xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1984, bản quyền của Hoàng Tuấn Lộc, tr. 129.
[4] Chi Điền Hoàng Duy Từ, tr. 129.
[5] http://www.thivien.net/V%C6%B0%C6%A1ng-X%C6%B0%C6%A1ng-Linh/V%E1%BA%A1n-Tu%E1%BA%BF-l%C3%A2u/poem-R90JLHqIaGEjbqMZJ_yJYA
[6] Trần Trọng Kim, tr. 248.
[7] http://www.thivien.net/%C4%90%E1%BB%97-Ph%E1%BB%A7/%C4%90%C4%83ng-cao/poem-h3EvqeQvlQUxq2sceUWWYQ
[8] Cao Thích (?-765) tự là Đại Phu, quê ở Trực Lệ, 50 tuổi mới làm thơ, tỏ ra có thi tài và khí chất hơn người. Thường đến Biện Châu cùng Lý Bạch, Đỗ Phủ, uống rượu làm thơ. Trích trang 82 trong Đường Thi Tuyển Tập của Chi Điền Hoàng Duy Từ.
[9] Trần Trọng Kim, trang 252 .
[10] http://www.thivien.net/Cao-Th%C3%ADch/T%E1%BB%91ng-L%C3%BD-thi%E1%BA%BFu-ph%E1%BB%A7-bi%E1%BA%BFm-Gi%C3%A1p-Trung-V%C6%B0%C6%A1ng-thi%E1%BA%BFu-ph%E1%BB%A7-bi%E1%BA%BFm-Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-Sa/poem-WlSbS0D9s5mtpoEgdRajNw?Sort=Update&SortOrder=desc
[11] Trần Trọng Kim, tr. 335.
[12] Trích trong Basho – On Love and Barley, Haiku of Basho, bản dịch sang tiếng Anh của Lucien Stryk.
[13] https://en.wikipedia.org/wiki/Monkeys_in_Japanese_culture
[14] https://en.wikipedia.org/wiki/Three_wise_monkeys
[15] Cynthia Ozick, The Novel’s Evil Tongue, the New York Times, Dec. 16, 2015.

 

Về Tuyết

Trích trong tác phẩm “Snow” (Tuyết) của Orhan Pamuk. Trang 3.

The silence of snow, thought the man sitting just behind the bus driver. If this were the beginning of a poem, he would have called the thing he felt inside him the silence of snow.

Sự yên lặng của tuyết, người đàn ông ngồi phía sau anh tài xế xe buýt thầm nghĩ. Nếu đây là lúc khởi đầu của một bài thơ, anh sẽ gọi cái anh đang cảm thấy là sự yên lặng của tuyết.

@ @ @

Trích trong “Snow Country” (Xứ Tuyết) của Yasunari Kawabata. Trang 48.

Shimamura glanced up at her, and immediately lowered his head. The white in the depths of the mirror was the snow, and floating in the middle of it were the woman’s bright red cheeks. There was an indescribably fresh beauty in the contrast.

Was the sun already up? The brightness of the snow was more intense, it seemed to be burning icily. Against it, the woman’s hair became a clearer black, touched with a purple sheen.

Shimamura liếc nhìn nàng, và ngay tức khắc cúi đầu xuống. Cái màu trắng nằm sâu trong tấm gương là tuyết, và trôi bềnh bồng ở giữa đám tuyết ấy là màu má đỏ tươi của nàng. Trong cái tương phản ấy có nét đẹp thật tươi tắn không thể diễn tả được.

Mặt trời đã lên rồi phải không? Tuyết càng lúc càng trở nên chói chang hơn, đến độ dường như nó đốt cháy mọi thứ bằng cái băng giá của nó. Ngược lại với màu tuyết, mái tóc của người đàn bà càng đen rõ rệt hơn, óng ánh một màu tím sẫm phớt bên trên làn tóc.

@ @ @

Trích trong “The Kite Runner” (Người Đua Diều) của Khaled Hosseini. Trang 48 và 49.

Winter

Here is what I do on the first day of snowfall every year: I step out of the house early in the morning, still in my pajamas, hugging my arms against the chill. I find the driveway, my father’s car, the walls, the trees, the rooftops, and the hills buried under a foot of snow. I smile. The sky is seamless and blue, the snow is so white my eyes burn. I shovel a handful of the fresh snow into my mouth, listen to the muffled stillness broken only by the cawing of crows. I walked down the front steps, barefoot, and call for Hassan to come out and see.

[…]

I love wintertime in Kabul. I loved it for the soft pattering of snow against my window at night, for the way fresh snow crunched under my black rubber boots, for the warmth of the cast-iron stove as the wind screeched through the yards, the streets. But mostly because, as the trees froze and ice sheathed the roads, the chill between Baba and me thawed a little. And the reason for that was the kites. Baba and I lived in the same house, but in different spheres of existence. Kites were the one paper thin slice of intersection between those spheres.

Mùa Đông

Đây là những điều tôi làm trong ngày tuyết rơi đầu tiên hằng năm. Tôi ra khỏi nhà lúc sáng sớm, vẫn còn trong bộ đồ ngủ, khoanh tay chống lạnh. Tôi tìm con đường xe chạy vào nhà, xe của bố, mấy cái vách tường, hàng cây, nóc nhà, và những ngọn đồi bị chôn vùi dưới cả thước tuyết. Tôi mỉm cười. Bầu trời xanh bất tận, tuyết trắng đến nhức cả mắt. Tôi vốc một nắm tuyết cho vào mồm, lắng nghe sự tĩnh mịch của tuyết bị phá tan bởi tiếng quạ kêu. Tôi bước xuống thềm, đi chân không, và gọi Hassan thức dậy ra đây mà xem.

[…]

Tôi yêu mùa đông ở Kabul. Tôi yêu nó vì tiếng tuyết vỗ mềm mại vào cửa sổ ban đêm, vì tiếng tuyết mới rơi vỡ giòn dưới gót cao su của đôi ủng, vì hơi ấm của lò nướng bằng sắt khi gió rít qua sân qua đường phố. Nhưng chính yếu là vì, khi cây cối đông cứng và băng giá che lấp mặt đường, sự lạnh lẽo giữa bố và tôi dường như tan chảy đi một chút. Lý do cho sự tan chảy này là bởi vì những con diều. Bố và tôi sống trong cùng một nhà nhưng hiện diện ở hai quả cầu khác nhau. Mấy con diều là sự giao hiệp mỏng manh như tờ giấy giữa hai quả cầu này.

@ @ @

Thơ Basho – On Love and Barley bản dịch sang tiếng Anh của Lucien Stryk.

Snowy morning
One crow
after another

Buổi sáng đầy tuyết
Tiếng quạ
Triền miên

(trang 128)

come, let’s go
snow-viewing
till we’re buried

Đến đây, hãy cùng nhau
ngắm tuyết rơi
cho đến khi bị tuyết chôn vùi

(trang 133)

Awaiting snow.
poets in their cups
see lightning flash

chờ tuyết rơi
thi sĩ nhìn trong chén
thấy chớp lóe

(trang 155)

Tuyết trắng trên cành vọng trời xanh

Ba truyện Giáng sinh hay

Giới thiệu ba truyện ngắn rất hay về Giáng sinh. Nguyễn thị Hải Hà dịch và giới thiệu. Phần giới thiệu này đã đăng trên Văn Chương Việt năm 2011.

Cả ba truyện ngắn, Giáng Sinh của Vladimir Nabokov, Hai Người Chưa Gặp của John McNulty, và Giáng Sinh ở Tokio đều được trích từ “Christmas at The New Yorker: stories, poems, humor, and art” xuất bản năm 2003. Nhiều truyện trong quyển này rất hay và của nhiều tác giả rất nổi tiếng như John Cheever, John Updike, Alice Munro, … . Continue reading Ba truyện Giáng sinh hay

Dấu vết nhạc Jazz trong văn học Hoa Kỳ, phần 3

Nhạc Jazz trong truyện của F. Scott Fitzgerald

Bên cạnh jazz, âm nhạc của Hoa Kỳ, Haruki Murakami còn ngưỡng mộ văn của Fitzgerald. Fitzgerald thuộc về “The Lost Generations,” cùng với Hemingway, Stein, Cole Porter (nhạc sĩ jazz chuyên về dương cầm), Josephine Baker (nghệ sĩ trình diễn) và rất nhiều nhạc sĩ jazz đã sang Paris vì nơi ấy cuộc sống ít đắt đỏ hơn cuộc sống ở Hoa Kỳ nhưng điều chính yếu là các nhạc sĩ jazz, phần lớn là nhạc sĩ da đen, cảm thấy họ có tự do sáng tác, tự do trình diễn và không bị kỳ thị như ở Hoa Kỳ. Louis Amstrong cũng từng sang Paris trình diễn. Nhạc jazz được các nhạc sĩ da đen đặc biệt yêu mến vì đây là lãnh vực mà họ tìm được sự tự do biểu hiện tính chất cá nhân qua sự trình diễn âm nhạc. Mỗi bản nhạc jazz là một cách biểu hiện hoàn toàn mang tính chất cá nhân.

The Great Gatsby (1925), Tales of the Jazz Age (1922), The Flappers and Philosophers (1921) là những tác phẩm của F. Scott Fitzgerald có liên quan đến nhạc Jazz. Cái ảnh hưởng của jazz trong tác phẩm của Gatsby không rõ rệt lắm. Ở truyện The Great Gatsby, lúc mở đầu buổi dạ hội thứ nhì, Gatsby mời Daisy và chồng của nàng đến dự, Fitzgerald viết:

Có tiếng bùm bùm của trống bass, và giọng của vị nhạc trưởng thình lình vang vọng ở vườn hoa. “Kính thưa quí vị,” ông nói. “Thể theo lời yêu cầu của ông Gatsby chúng tôi sẽ trình diễn tác phẩm của nhạc sĩ Tostoff, người đã gợi chú ý ở Carnegie Hall vào tháng Năm vừa qua. Nếu quí vị có đọc báo, quí vị ắt biết tin này nóng sốt biết dường nào. Ông ta mỉm cười nhạo báng, và nói thêm: “Thật là nóng hổi!” khiến cho mọi người cười vang. “Tên nhạc khúc này là,” ông ta nói thêm đầy mời mọc, “LỊCH SỬ JAZZ CỦA THẾ GIỚI của nhạc sĩ Vladimir Tostoff.”[1]

Chỉ mang chữ jazz vào truyện thì không thể nói là chịu ảnh hưởng của nhạc jazz. Flapper cũng là một danh từ thường dùng trong thời kỳ nhạc jazz, dùng để chỉ một kiểu mẫu của phụ nữ theo thời trang Âu châu, tóc ngắn kiểu pompei (bom bê), đội mũ nồi, váy ngắn ngang tầm đầu gối, trang điểm đậm, thích nhạc jazz, hút thuốc, lái xe, xem nhẹ quan hệ tình dục, không quan trọng chuyện hôn nhân. Tóm lại, là những cô gái mệnh danh là yêu cuồng sống vội. Truyện của Fitzgerald, nếu có ảnh hưởng của nhạc jazz, thì đó là những truyện miêu tả đời sống xã hội với những cuộc hôn nhân phù phiếm, cách sống xa hoa, như chính cuộc hôn nhân của F. Scott với cô vợ Zelda. Truyện ngắn The Offshore Pirate trong tuyển tập The Tales of the Jazz Age tôi thấy có chút ít hơi hướm của nhạc jazz, blues thì đúng hơn. Truyện nói về một cô gái trẻ và đẹp đang ở trên một du thuyền. Gia đình cô chuẩn bị mai mối gả cưới cô cho một chàng trai con nhà giàu nào đó nhưng cô muốn bỏ trốn. Cô muốn tự tìm cho mình một anh chồng phiêu lưu và lãng mạn. Giữa lúc cô đang nghĩ ngợi thì thuyền của cô gặp một chiếc thuyền nhỏ hơn. Những người chèo thuyền là người da đen, và họ hát những câu hát rất hay khi họ chèo thuyền. Thuyền họ song song và cặp sát thuyền cô. Người trưởng toán là một anh chàng trẻ tuổi khá đẹp trai, dĩ nhiên là da trắng, tuyên bố anh ta là trưởng đoàn hải tặc và họ chiếm thuyền của cô. Chuyện rất thơ mộng và kết cuộc rất đẹp nên chẳng có gì đáng để nói, ngoại trừ đoàn hải tặc này vốn là một ban nhạc jazz.

Từ phía dưới bỗng dưng vọng lên giọng hát trầm trầm. Nhóm người da đen đã tụ tập lại trên khoang tàu và giọng hát của họ to dần lên một điệu nhạc khắc khoải hòa quyện nỗi buồn phiền bay về hướng mặt trăng. Ardita nghe như bị mê hoặc.

Ồ xuống đây-

Ồ xuống đây,

Mạ muốn lôi tôi xuống khỏi dòng ngân hà,

Ồ xuống đây,

Cha bảo rằng để ma-a-a-ai

Nhưng mạ cương quyết bữa nay

Vâng – mạ nói bữa nay thì bữa nay![2]


[1]Fitzgerald, Francis Scott. The Great Gatsby (Kindle Locations 666-671). Feedbooks.

[2] Fitzgerald, F. Scott. Jazz Age Stories – Edited with an introduction and explanatory notes by Patrick O’Donnell, New York: Penguin Books, 1998. p. 17

Dấu vết nhạc Jazz trong văn học Hoa Kỳ, phần 2

Sơ lược về lịch sử nhạc Jazz.

Jelly Roll Morton, một nhạc sĩ jazz nổi tiếng, năm 1938, đã tuyên bố trong chương trình “Believe it or Not” của Robert Ripley, ông ta là người sáng lập ra nhạc jazz từ năm 1902.[1] Mặc dù cho rằng Morton nói phóng đại, nhiều người cùng thời, trong đó có Louis Amstrong,[2] công nhận sự hiện diện của những ban nhạc jazz ở thành phố New Orleans vào năm 1906, trong các khu phố đèn đỏ. Vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi, nhạc jazz bị xem là sa đọa và thấp hèn. Đó là loại nhạc của loài quỷ sứ. Jazz luôn đi kèm với tình dục, rượu, và các loại ma túy (Jazz, Sex, và Drug). Phim “Chicago” cho khán giả nhìn thấy phần nào bộ mặt sa đọa đầy dục vọng của thời kỳ vàng son của nền nhạc Jazz ở Chicago. Sự phát triển mạnh mẽ của nhạc jazz ở Chicago đã khiến các nhạc sĩ ở New Orleans di cư từ Nam lên Bắc để sinh sống bằng âm nhạc.

Theo Bill Messenger, trong quyển sách audio “Elements of Jazz,” nhạc jazz là sự kết hợp của ragtime với nhạc blues dân ca cổ truyền. Loại nhạc blues này của những người nô lệ da đen, khi làm việc trong các đồn điền, đốn gỗ, hái bông, hay xây dựng đường rầy xe lửa, họ hát hò đối đáp với nhau để giúp vui quên mệt. Lời hát của họ thường rất đơn giản, phô bày cảm xúc nhất thời. Nhạc cụ của blues cổ truyền rất đơn giản gồm có trống, đàn banjo, mandolin, hay những nhịp vỗ tay. Trong đồn điền khi có tiệc, người ta thường tổ chức cuộc thi cakewalk. Như cái tên của cuộc thi, cái bánh là phần thưởng để ở một cái bàn nào đó. Người dự thi, sắp hàng đi đến nơi đặt cái bánh, trong tiếng nhạc. Ai đi hay nhất, đẹp nhất sẽ được thưởng cái bánh.[3] Loại nhạc dùng cho những buổi cakewalk ban đầu là ragtime. Ragtime là biến thể của nhạc du nhập từ châu Âu. Rag là biến thể của chữ ragg, biến đổi của nhịp điệu cho đến khi nó thành một bản nhạc mới. Bill Messenger, đưa thí dụ, thay vì đánh nhịp 1, 2, 3, 4, người ta nuốt mất một nhịp 2 hay 3, hay kết hợp 2 với 3 thành một nhịp. Cách biến đổi này còn gọi là syncopation. Người ta có thể dựa vào những bản nhạc cổ điển chính thống và phổ biến rồi biến đổi chúng thành những bản nhạc khác hẳn bằng phương pháp syncopation. Ragtime là lấy theo tên của bản nhạc “Maple Leaf Rag” của nhạc sĩ Scott Joplin, một nhạc sĩ da đen, nhà rất nghèo. Bố của Scott Joplin có được cây đàn piano và Joplin học nhạc với một vị mục sư người da trắng trong làng. Được đào tạo bằng nhạc cổ điển Tây phương nên ông rất hổ thẹn không dám sáng tác nhạc ragtime. Mãi khi ông trưởng thành mới bắt đầu sáng tác ragtime và sau đó ông mê mải sáng tác không ngừng. Nói ragtime nghe có vẻ xa lạ, nhưng nếu bạn ở Hoa Kỳ và từng nghe tiếng nhạc phát ra từ những xe bán kem dạo, rất có thể bạn đã từng nghe một bản ragtime.[4]

Scott Joplin qua đời năm 1917, đánh dấu cái chết của ragtime và sự ra đời của nhạc jazz. Điệu khiêu vũ swing cũng bắt đầu vào thời kỳ này. Nhạc jazz được trình diễn để giúp vui khách trên những chuyến tàu trên sông Mississippi đi từ New Orleans đến thành phố Chicago. Các ban nhạc jazz trình diễn trên các chuyến tàu đển phục vụ khách đi thuyền. Cũng trong năm 1917, máy thâu đĩa nhạc được sáng chế, và những bản nhạc với nốt nhạc được in ra trên giấy. Một ban nhạc jazz mà các nhạc công đều là người da trắng lấy tên là Original Dixieland Jass Band bắt đầu thâu đĩa nhạc đầu tiên, càng làm nhạc khiêu vũ swing trở thành cơn sốt của thời đại. Năm 1920, theo sử gia James Lincoln Collier, nhạc jazz trở thành loại nhạc ai cũng thích cũng biết và người ta bắt chước nhạc jazz, sáng tác và trình diễn khắp nơi.[5]

Những năm đầu của thập niên hai mươi, nhạc jazz luôn luôn ở giữa cuộc dằng co của hai phái. Một xem jazz là nhạc nghệ thuật; bên kia xem thường giá trị của jazz cho đó chỉ là nhạc giải trí. Năm 1922, Fitzgerald đưa một xấp bản thảo cho Max Perskin. Theo Bill Mesenger, Fitzgerald không biết đặt tựa đề là gì nên gọi đại là Tales of the Jazz Age. Cái tên Jazz Age xuất phát từ Fitzgerald góp phần thay đổi địa vị của Jazz trong mắt các nhà phê bình nghệ thuật. Năm 1924, Paul Whiteman đưa ban nhạc jazz vào trình diễn ở thính phòng Aeolian Hall của thành phố New York. Nhạc jazz được sáng tác và trình diễn với cấu trúc và hòa hợp của giàn nhạc giao hưởng. Nhiều nhạc sĩ tài hoa gia nhập giàn nhạc của Paul Whiteman trong đó có Bix Beiderbecke. Năm 1928, Beiderbecke nổi tiếng với sự trình diễn thành công bản nhạc Concerto in F của nhạc sĩ Gershwin. Cuộc đời của Beiderbecke được Dorothy Baker tiểu thuyết hóa trong tác phẩm “Young Man with a Horn” và tác phẩm này được dựng thành phim.

Sự thành công rực rỡ của Louis Amstrong khiến giới âm nhạc chú ý đến những nhạc sĩ jazz người da đen nhiều hơn. Duke Ellington là một trong những nhạc sĩ thành công này. Jazz phát triển huy hoàng từ năm 1917 cho đến năm 1929 thì vỡ tan theo bong bóng của thị trường chứng khoán. Nền kinh tế suy sụp khiến các ban nhạc jazz phải giải tán.

Giữa thập niên ba mươi, thế hệ trẻ lớn lên và tìm kiếm dấu ấn âm nhạc của họ. Benny Goodman, người của thế hệ mới, được mệnh danh là ông Hoàng của nhạc Jazz. Năm 1938, Goodman đưa giàn nhạc jazz của ông đến trình diễn ở nhạc viện Carnegie Hall, một trong những nhạc viện danh giá nhất Hoa Kỳ và thế giới.

Vào thời kỳ thế chiến thứ Hai, các ban nhạc jazz lớn lại thêm một lần yểu mệnh. Charlie “Bird” Parker, nhạc sĩ saxophone, người luôn tin tưởng ông là nhạc sĩ của nghệ thuật, thích nhạc cổ điển và rất muốn học sáng tác nhạc. Tuy nhiên, bạc phúc, ông nghiện bạch phiến và qua đời ở tuổi 34 năm 1955. Cùng thời với Parker là Thelonious Monk (dương cầm), Miles Davis (trumpet), và John Coltrane (saxophone). Đây là những tên tuổi lừng danh của nền nhạc jazz được nhiều người trên thế giới yêu mến trong đó có nhà văn lừng danh Murakami. Tất cả những chi tiết nói trên tôi tóm tắt dựa vào bài tiểu luận Jazz của Terry Teachout.[6]

Trở lại với Bill Messenger, tiến trình hình thành và phát triển của nhạc jazz được ông thuyết trình qua những tiểu đề của quyển sách Elements of Jazz. Đầu tiên là nhạc blues dân ca cổ truyền ở đồn điền, kết hợp với nhạc châu Âu thành ragtime, ragtime phát triển rồi suy tàn, nhạc jazz trở nên hưng thịnh, blues biến hình và phát triển đặc biệt qua các giọng ca nữ, nhạc swing ra đời phát triển như một cơn bão, đến Boogie Woogie, đến những ban nhạc blues lớn, nhạc be bop là một hình thức chống lại sự thịnh hành của swing, sau đó đến sự phát triển jazz hiện đại từ thập niên năm mươi cho đến thập niên chín mươi. Tuy ngày nay nhạc jazz hiện đại vẫn còn có khán giả, blues biến thành fusion và rock’n’roll.

Xin mời bạn đọc toàn phần ở Gió O. Jazz trong văn học Hoa Kỳ.


[1] Teachout, Terry. “Jazz.” The Wilson Quarterly (1976-), Vol. 12, No. 3 (Summer, 1988), pp 66-76, http://www.jstor.org/stable/40257338, Tham khảo ngày: 19-07-2015.

[2] Louis Amstrong là một thiên tài của nền nhạc. Ông có tài trình diễn kèn đồng, và có giọng hát trầm và khàn. Ông khuếch động sáng tạo trong trình tấu độc diễn bằng syncopation, nhạc trưởng của hai ban nhạc jazz nổi tiếng Hot Five và Hot Seven.

[3] https://www.youtube.com/watch?v=GCsptiarrzw

hoặc là https://www.youtube.com/watch?v=BkXQX1C9VWo

[4] Messenger, Bill. “Elements of Jazz – From Cakewalk to fusion.” CD book. Springfield, VA: Teaching Co., 1998.

[5] Tương tự Terry Teachout.

[6] Terry Teachout là nhà phê bình nhạc jazz của báo Kansas City Star (1977–83). Ông cũng là nhà tư vấn về các bộ môn âm nhạc nghệ thuật của Time-Life Records Giants of Jazz. Ông sử dụng đàn bass và dương cầm.

Dấu vết nhạc Jazz trong văn học Hoa Kỳ, phần 1

Ảnh hưởng của nhạc Jazz đối với nhà văn Haruki Murakami

Haruki Murakami, nhà văn Nhật Bản rất được độc giả Việt Nam yêu chuộng, đã mở một quán nhạc jazz trước khi trở thành nhà văn. Theo Murakami, nhạc jazz có sức ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển tài năng của ông. Ông viết văn hay là nhờ ông nghe và yêu thích nhạc jazz.

Dù là âm nhạc hay truyện, điều căn bản là nhịp điệu. Văn phong của bạn cần phải có nhịp điệu vững vàng, tự nhiên, và đều đặn, nếu không thì độc giả sẽ không tiếp tục đọc tác phẩm của bạn. Tôi học sự quan trọng của nhịp điệu trong âm nhạc – và căn bản là ở nhạc jazz.[1]

Năm 1964, Murakami lần đầu tiên đi xem nhạc jazz ở Kobe. Buổi xem nhạc sống này để lại ấn tượng rất sâu đậm trong tâm hồn ông. Murakami bảo rằng văn phong của ông ảnh hưởng sâu đậm bởi “repeated freewheeling riffs”[2] của Charlie Parker cũng như vẻ thanh thoát trong văn phong của F. Scott Fitzgerald. Fitzgerald là nhà văn nổi tiếng cùng thời kỳ vàng son của nền âm nhạc jazz, suốt thập niên 1920, đặc biệt với tác phẩm The Great Gatsby. Tác phẩm này được Murakami nhắc đến trong “Rừng Na Uy,” quyển sách đầu tiên đưa ông đến đài danh vọng. Murakami bảo rằng ông dùng sự đổi mới của nhạc sĩ Miles Davis làm khuôn mẫu  cho cách viết văn và tìm cách sáng tạo ra những ý tưởng mới từ những ý tưởng cũ như cách trình diễn dương cầm của nhạc sĩ Thelonious Monk.[3] Charlie Parker, Miles Davis, và Thelonious Monk đều là những danh tài của nền nhạc jazz Hoa Kỳ.

Murakami cho thấy ảnh hưởng của nhạc jazz đối với một nhà văn Nhật Bản. Thế thì, có lẽ nhạc jazz cũng ảnh hưởng đến văn học Hoa Kỳ? Để cảm nhận thêm sâu sắc cái hay trong văn của Murakami, hiểu biết thêm về jazz, có lẽ, cũng là điều có ích? Người dịch truyện của Murakami có cần phải biết nhạc jazz để lột tả cho hết văn phong của Murakami? Nhưng dẫu nhạc jazz chẳng có tác động gì đến văn học, hiểu biết thêm về jazz, một nét văn hóa đặc thù của Hoa Kỳ, cũng có ít nhiều thú vị. Trước khi tìm hiểu ảnh hưởng của nhạc jazz trong nền văn học Hoa Kỳ đương đại tôi xin phép được tóm tắt về tiến trình phát triển của nhạc jazz ở Hoa Kỳ.


Chú thích.

[1] Murakami, Haruki. “Jazz Messenger.”, The New York Times [ New York], 08 July, 2007, http://www.nytimes.com/2007/07/08/books/review/Murakami-t.html?_r=1&

[2] Riff là một từ chuyên môn dùng trong âm nhạc, jazz và rock, để chỉ sự lập lại của nhịp điệu, hay một số nốt nhạc, với một chút thay đổi của một nốt nhạc trong một nhóm nốt nhạc hay bỏ một nhịp (của trống hay bass) trong một chuỗi nhịp điệu.

[3] Tương tự như footnote Haruki Murakami [1].

“Một lần kể lại để rồi thôi”*

*Thơ Tô Thùy Yên, trích trong bài Ta Về

Cái ảnh cậu bé con, Aylan Kurdi, nằm úp mặt trên bờ biển, và cũng ảnh của cậu bé ấy khi cậu được “múc” lên, nằm gọn trong cái lõm của cánh tay người kiểm tra bờ biển, làm nao lòng những trái tim chính trị cứng rắn khô khan nhất. Đủ mềm lòng để họ tiếp nhận người tị nạn. Cậu bé với cái quần màu xanh dương đậm và áo màu đỏ làm tôi nghĩ đến Pinochio, một trong những cậu bé đáng yêu nhất trong cổ tích. Nghĩ đến Pinochio, vì nhờ lòng yêu thương chân thành của ông thợ làm đồ chơi, và của chính Pinochio cùng với phép mầu của Thượng Đế, con búp bê bằng gỗ biến thành người. Pinochio cũng bị chìm thuyền, nhờ là gỗ nên không chết đuối, vào bụng cá, cứu được cha. Aylan bất hạnh, nhỏ bé và bất động như một con búp bê bằng gỗ trôi giạt vào bờ biển. Lòng nhân của loài người đến không kịp để cứu cậu bé, anh của cậu bốn tuổi, mẹ của cậu và còn bao nhiêu người vô danh nữa. Chúa đâu, Phật đâu. Phải chăng “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người?”

Bài báo đăng trên The New Yorker mở đầu bằng chuyến vượt biển của thuyền nhân người Việt. Tôi nghĩ thế giới đang chú ý đến số phận hẩm hiu của những người lánh nạn sang châu Âu, mình không nên viết bài cái kiểu ăn theo sự chú ý này. Tuy nhiên tôi vẫn thấy xót xa đến độ muốn nhắc lại chuyện xưa. Hay là mượn câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, một lần kể lại để rồi thôi.

Bài báo của Philip Gourevitch nói rằng ước tính có ba người đi thì một người chết. Gia đình tôi đi năm người, chia làm hai đợt, hai người mất tích. Tỉ lệ như thế là hai phần năm, lớn hơn một phần ba. Không phải đợt sóng nào cũng đưa người chìm trong biển vào bờ. Hai người mất tích trong gia đình tôi là cô cháu gái gọi tôi bằng dì với đứa con gái của cô. Chồng cô đi trước cùng lúc với em trai của cô và tôi. Đáng lẽ cô đi cùng chuyến, nhưng chiếc xe đò chở cô và đứa con gái, lúc ấy ba tuổi, bị bể bánh xe hai lần, và bể cả bốn bánh. Cô bị trễ xe nên lỡ chuyến đò. Cô đi chuyến sau, và vài lần sau nữa, cuối cùng, cô đi mãi mãi và không bao giờ đến. Nói thì nghe vô duyên. Không may như Aylan chết vẫn tìm được xác. Gia đình tôi nhiều năm cố tìm kiếm tông tích hai mẹ con cô cháu của tôi. Hằng năm lấy ngày ra đi làm ngày giỗ.

Bài báo nói chiếc ghe của người Việt vượt biên năm 1988 gặp rất nhiều tàu lớn nhưng họ không cứu. Ghe tôi đi năm 1980, sau ba ngày chạy ngon lành, gặp giàn khoan, họ cho thức ăn hộp, nước uống, và chỉ đường đi. Thẳng hướng này, chừng hai ngày hay một ngày rưỡi sẽ đến bờ Mã Lai, chỉ còn một trăm năm mươi hải lý nữa thôi. Chúng tôi không cần thức ăn nước uống vì chẳng ai ăn uống được gì những ngày đầu, ói đến mật xanh mật vàng, và thức ăn nước uống mang theo vẫn còn đầy ăm ắp. Chúng tôi muốn được cứu, được chở vào đất liền bằng tàu lớn vì đêm trước thuyền chúng tôi gặp bão tưởng chìm. Nhưng đời không như là mơ.

Chạy được nửa ngày, hay một ngày, tôi không nhớ hay nói đúng hơn trong cơn say sóng vật vã, tôi không có khái niệm về thời gian, thuyền tôi bị thuyền hải tặc đuổi theo. Ghe nhỏ làm sao chạy thoát thuyền hải tặc vốn là tàu sắt, máy lớn, đánh cá ngoài khơi. Thuyền của hải tặc đâm thẳng vào ghe tôi cốt ý đâm lủng thuyền. Anh tài công của ghe tôi nhanh trí lách lệch chiếc ghe qua một bên. Tàu sắt lúc ấy đã tắt máy, chỉ cái trớn của nó cũng đủ đâm bể cái máy đuôi tôm. Sau khi cướp, bọn hải tặc lùa 22 người Việt đã bị cướp, bắt nhốt từ trước trên tàu của chúng, sang ghe chúng tôi đã có sẵn 79 người. Chiếc ghe loại buôn bán trên sông, dài cũng chỉ chừng 15 mét như chiếc ghe Gourevitch nhắc đến trên báo The New Yorker. Và trên chiếc ghe không máy, chúng tôi 101 người trôi giạt lênh đênh không nhớ là mấy ngày.

Không phải đợt sóng nào cũng đưa ghe hay người chết đuối vào bờ. Có khi thuyền tôi thấy đảo rất gần, tưởng chừng có thể lội nước biển đi bộ vào. Nhưng nhìn thì biết là đảo hoang, vào có sống được không? Vào rồi làm sao ra? Nghĩ như vậy nhưng đâu phải muốn vào là có thể vào. Ghe chúng tôi lại bị cuốn ra ngoài biển khơi. “Ngó trông ra biển mù chong. Thấy người thiên hạ sao không thấy chàng.” Từ trong bờ ngó ra biển thì không thấy chàng mà mình mơ mộng. Ở ngay trên biển ngó chung quanh thì chỉ thấy biển muôn trùng, sóng chập chùng, biển nối vào chân mây. Có lần thấy tàu to, loại tàu chở hàng thương mại to như mấy tòa nhà lầu cao ngất đi ngang, tưởng chừng chỉ quăng cuộn dây là có thể kéo chúng tôi vào bờ nhưng không ai nhìn thấy chúng tôi. Thật ra không ai muốn nhìn thấy chúng tôi. Không phải một chiếc tàu to, mà nhiều chiếc. Hết chiếc này đến chiếc khác. Chúng tôi đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Chúng tôi như một đàn kiến loi nhoi giữa biển khơi trên một chiếc bao diêm. Đám đàn ông bắt đám đàn bà leo lên mui thuyền khóc la vái lạy, với hy vọng họ thấy đàn bà trẻ con họ sẽ cứu. Hừm, người đang cơn tuyệt vọng lúc nào cũng tưởng bở. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao họ không cứu người tị nạn.

Chuyện cậu bé Aylan, cùng với mẹ và anh trai đều chết đuối, khi theo bố lội nước vào bờ, không phải là chuyện mới. Người ta chết đuối khi vào gần đến bờ rất thường xảy ra. Vì sóng lớn, phụ nữ và trẻ em sức yếu bị nhận chìm. Người đàn ông cần phải bảo vệ họ thì không thể bảo vệ nổi. Có khi đang nắm tay con hay cõng con trên vai thì té, vuột tay, sóng cuốn đi. Những cuộc đổ bộ thường vào lúc tối trời, đi chui mà, làm gì dám đổ bộ công khai vào lúc có ánh sáng. Không khéo lại bị tàu của người trong nước kéo ngược ra biển khơi như người Việt tị nạn trước kia.

Người đọc thường tự hỏi, tại sao họ, những người vượt biển không chuẩn bị, như đeo phao, làm thuyền cho thật chắc thật tốt, chẳng hạn. Tại vì đây là những cuộc chạy trốn. Họ ra đi trong lúc giả vờ đi đâu đó, và nếu bị chận lại họ không thể chối cãi nếu tang vật bị bắt gặp. Họ không thể xây cất thuyền, mua thuyền công khai. Họ không biết được chuyến đi ở đâu, bao nhiêu người, lên tàu lúc nào. Những điều người ta bảo với họ nhiều khi chỉ là gian dối. Người đọc mắng thầm, cứ mơ mộng hão, đi tìm ảo vọng của thiên đàng, thật ra phần lớn họ chỉ lo chạy cho thoát khỏi địa ngục trần gian.

Tôi thường nghĩ vượt biên mà còn sống là đại phúc rồi. Chuyến vượt biên thay đổi tôi rất nhiều, biến tôi thành một người rất “neurotic.” Chuyện của tôi không có gì đáng kể. Những chuyện đáng kể đã nằm dưới lòng đại dương. Có lần tôi dịch một bài của Matt Steinglass (hay tên gì đó tôi không nhớ chắc, lười tra cứu lại) anh này phỏng vấn một giáo sư kiêm học giả trẻ ở Hà Nội. Tiếng là phỏng vấn, thật ra anh ta đang viết bài để promote quyển sách của O’Brien được in lại sau một thời gian xuất bản khá lâu. Anh chàng than phiền vì sao người Việt Nam không đọc sách về chiến tranh Việt Nam. Không ai nói thật cho anh hiểu là người Việt Nam sống thở và chết trong chiến tranh, họ chán ngấy chiến tranh rồi. Không có tác phẩm hư cấu nào có thể nói hết được cái bi thảm tàn khốc độc ác của chiến tranh, biết quá rồi đọc rất chán. Chuyện vượt biên cũng vậy. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nhàm!

Tôi tự hỏi, hình ảnh nào của người Việt vượt biên đã làm động lòng Mã Lai, Phi Luật Tân, Úc, Canada để họ cứu giúp chúng tôi. Những người như tôi khi ra đi rất ngây thơ, có lẽ những người Syria cũng ngây thơ không kém. Họ không biết là nước biển sóng biển đẹp đẽ thơ mộng hùng vĩ như thế cũng có thể tàn bạo lấy đi mạng người, mấy trăm mạng cùng lúc không thương tiếc. Họ chạy trốn cơn tuyệt vọng này để phải đương đầu với cơn tuyệt vọng khác như người Việt đã từng đương đầu. Họ cũng không nghĩ đến sự có mặt của họ sẽ gây tốn kém nhức đầu với nhiều vấn đề cho những người phải nuôi phải chứa họ. Họ chỉ muốn tìm một nơi để sống bình yên, có cơm ăn áo mặc, con cái được đến trường, họ không phải sống trong bom đạn và cái chết. Họ sống trong cái chết bao chung quanh. Họ đi vào chỗ chết để mong tìm cái sống.

Chúa ở đâu? Phật ở đâu? Lòng nhân của con người ở đâu? Họ cần Chúa, Phật, lòng nhân của loài người hơn bao giờ hết.

Thuyền nhân

Ảnh minh họa của Tom Bachtell, trong bài Search and Rescue của The New Yorker

Có đường phố nào vui*

*Mượn ca từ của Trịnh Công Sơn.

Có đường phố nào vui
Trái cherry mọc hoang

020a
Có ai ném tàn thuốc lá vào đám vụn cây có tẩm dầu được dùng để che gốc cây và trị cỏ làm ngún lửa lên khói nhưng chưa bốc cháy

001a
Những người chống ngược đãi thú vật

003a
Superman

017a
Thi leo lên nóc tòa nhà

cho sóc ăn 2
Người đàn bà cho sóc ăn

054
Hoa thơm nhưng không biết tên cây

052a
Tủ sách trao đổi miễn phí

053a
Sách đem tặng ai muốn đọc cứ đến lấy muốn lấy bao nhiêu cũng được

005a
Người ta lấy hết sách rồi mai mốt sẽ có sách được xếp vào

012a
Dọc theo công viên, Military Park, Newark New Jersey, wifi miễn phí

019a
Tủ sách của công viên

Hôm kia lau chùi bếp (sink, lò nướng, bốn cái bếp lò xo điện, counter, oven hood). Hôm qua hai cái nhà tắm (cửa kính sliding, bồn tắm, sink, toilet). Hôm nay tầng hầm và phòng ngủ cô út. Tối qua tôi đi ngủ với cảm giác rã rời, nhức mỏi cả người. Sáng nay vẫn còn ê ẩm.

Bạn có để ý, khi mình viết, những điều mình viết đã là quá khứ không? Bữa hôm nay mộng thấy ngày hôm qua mà. Continue reading Có đường phố nào vui*

Trò chuyện giữa Babieca và Rocinante

Trích từ Don Quixote bản dịch sang tiếng Anh của Edith Grossman

don quixote cưỡi rocinante
Don Quixote by Honoré Daumier (1868) Nguồn: Wikipedia 

Dialogue Between Babieca and Rocinante

A Sonnet

B. Why is it, Rocinante, that you’re so thin?
R. Too little food, and far too much hard labor.
B. But what about you feed, your oats and hay?
R. My master doesn’t leave a bite for me. Continue reading Trò chuyện giữa Babieca và Rocinante

Đám tang

Mr. Wolfsheim, nhân vật trong truyện The Great Gatsby, nói một câu đại ý là, nếu thật sự yêu mến bạn bè hãy bày tỏ tình thân hữu khi anh ta còn sống. Gatsby nổi tiếng là người tổ chức những buổi dạ tiệc rất linh đình. Ăn uống khiêu vũ suốt đêm, ban nhạc sống với những điệu jazz swing nhộn nhịp, bia rượu tràn trề. Khỏi phải nói dông dài, những buổi tiệc như thế rất đông người tham dự, tay to mặt lớn, và cả những người dự tiệc mà không được chủ nhân mời. Thế mà khi Gatsby ngã xuống vì những viên đạn thù thì không một người bạn nào dự đám tang của ông. Fitzgerald nhấn mạnh sự chua xót này, bằng cách cho một nhân vật gọi Nick Carraway, bạn của Gatsby, nhờ người giúp việc của Gatsby gửi trả đôi giày đánh tennis anh ta lỡ bỏ quên ở biệt thự của Gatsby. Anh ta không muốn đến lấy đôi giày dù anh ta đang ở gần biệt thự của Gatsby như thể anh ta sợ bị dính líu với cái tên của người chết. Wolfsheim, bạn đồng hành trong công việc bán rượu lậu, người từng tự hào là người dạy dỗ Gatsby cách làm giàu, cũng từ chối không đến dự đám tang. Ông ta thực hiện đúng lời tâm niệm là chỉ làm bạn với người còn sống.

Continue reading Đám tang

Tìm Tình Giữa Chợ

Bài đã xuất hiện trên trang mạng Gió – O. Tìm Tình Giữa Chợ

Từ xưa đến nay, chợ búa vẫn là chuyện của phụ nữ, và binh đao vẫn là chuyện của nam nhi.  Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân. Người miền núi có những phiên chợ tình để trai gái gặp nhau. Muốn thành công trong việc lập gia đình phải tìm người yêu ở đúng chỗ. Trịnh Công Sơn viết: “Tìm tình, tìm tình trong nắng em gặp cơn mưa. Ô hay tìm tình giữa ngọ buồn lưa thưa về. Tìm tình, tìm tình trên núi em gặp mây bay. Ô hay, tìm tình giữa chợ tình phai mất rồi.” Té ra, chàng nghệ sĩ này, tài hoa nhưng lận đận, cũng phải đi tìm tình giữa chợ. Continue reading Tìm Tình Giữa Chợ

Blog và Tôi – p. 2

Blog và Tôi – Nguyễn thị Hải Hà

Bài đã đăng ở Thư Quán Bản Thảo số 57. Bạn đọc có thể đọc toàn tạp chí TQBT 57 pdf ở blog Phay Văn và Gió O.

Năm 2009 Hoàng Anh, bạn học thời Trung học với tôi mở blog trên yahoo. Để đọc blog và xem ảnh trên yahoo tôi cũng mở blog yahoo. Cùng bị rủ rê với tôi có “ông già hưu trí” và một người bạn học khác lấy tên Hoalan. Anh bạn này ghép tên của bà xã với tên anh và từ đó tôi bắt đầu viết blog bằng tiếng Việt. Ông già hưu trí trong một dịp về thăm Việt Nam và quen với Hoàng Anh. Khi trở lại Pháp Hoàng Anh ông vẫn giữ liên lạc bằng thư từ. Lúc ấy tôi không biết, ông già hưu trí đã viết rất nhiều, đã có sách xuất bản, và có cả một trang riêng đăng truyện của ông. Còn tôi chỉ viết blog lèng èng.

Ở yahoo blog tôi viết bằng tiếng Việt. Từ lúc bắt đầu viết tiếng Việt, tôi không còn thích viết tiếng Anh nữa. Dù tôi tiến bộ rất nhiều trong việc viết tiếng Anh nhưng tôi e rằng người ta đọc tôi viết tiếng Anh sẽ thấy những ngượng nghịu vấp váp như ông Mỹ viết tiếng Việt. Và sự thật, tôi chỉ có thể bày tỏ ý nghĩ của mình một cách tự tin bằng tiếng Việt. Tôi không thể viết bằng ngôn ngữ khác khi tôi cứ tự “second guess” chính mình. Viết tiếng Việt được vài năm, khả năng viết tiếng Việt của tôi không biết có tăng hay không nhưng khả năng viết tiếng Anh của tôi suy giảm hơn phân nửa.

Hoàng Anh mở blog đăng vài tấm hình của nàng rồi bỏ blog. Hoalan viết được vài blog cũng bỏ. Yahoo blog đóng cửa, chuyển sang yahoo 360 plus, lại đóng cửa. Ông già hưu trí cũng bỏ blog chỉ có một mình tôi là bị mắc lưỡi câu. Tôi chọn WordPress vì chẳng có ai quen ngoại trừ ông Trần Hoài Thư mà ông cũng không phải là người năng hoạt động trên blog. Tôi muốn giữ được sự vô danh vì khi mình mang một thứ persona rồi sẽ khó mà bộc lộ tư tưởng một cách tự do. Thật cũng lạ khi một mặt tôi cần sự vô danh còn một mặt tôi lại muốn tham gia cộng đồng văn học. Có cách nào để mình giữ được cái vô danh mà vẫn được nhiều người đọc mình và được giới văn học biết đến và chấp nhận mình?

Nếu hỏi tôi rằng tại sao tôi viết blog. Trước khi bàn chuyện viết tôi muốn nói sơ qua chuyện đọc blog. Tôi thích đọc những blog mang tính cá nhân. Tôi thích cách viết, quan điểm, ý nghĩ riêng tư, và muốn biết đời sống cũng như cách sống của người viết blog. Tôi lang thang dạo blog đọc rất nhiều blog vô danh hễ thấy hợp ý là tôi thêm vào reader để tiếp tục đọc. Tôi thích đọc blog của những người rất trẻ vì họ viết rất tự nhiên và tôi nhận ra nhiều sự thật của xã hội. Và hấp dẫn tôi nhất vẫn là những ý nghĩ chân thật, chân thật đến trần trụi. Tôi luôn luôn tự hỏi người đang ở trước mặt tôi, trên xe lửa, trong chợ, ngoài công viên, nghĩ gì ngay trong cái giây phút chớp nhoáng ấy? Blog, nhất là những blog rất ngắn có thể cho người ta cái ánh lóe của tư tưởng một giây phút nhất thời.

Ngày còn trẻ tôi có người bạn. Tường cận thị nặng, qua cặp mắt kính dày, đôi mắt của anh như lồi ra. Anh có bệnh tâm lý hay não bộ thần kinh gì đó mà tay anh luôn run rẩy và rịn mồ hôi, thỉnh thoảng anh cứ rút khăn tay ra lau tay. Tôi thường hay hỏi Tường, anh nghĩ gì, để phá vỡ sự im lặng. Anh luôn luôn trả lời, không nghĩ gì cả. Anh bảo là trong đầu của anh luôn luôn là khoảng trống.

Tại sao lại có thể như thế được nhỉ? Trong đầu tôi luôn luôn là trăm ngàn ý nghĩ, chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện vui chuyện buồn, chuyện năm xưa chuyện hôm qua, chuyện hôm nay và những dự tính ngày mai. Làm thế nào để người ta không nghĩ gì hết?

Lang quân của tôi có lần hỏi tôi khi người ta ngồi Thiền thì người ta nghĩ gì? Tôi nhớ một quyển sách về Thiền của một anh người Hòa Lan sang Nhật tu trong Thiền viện ba năm để học Thiền bảo rằng người ta tập không suy nghĩ gì cả trong lúc ngồi Thiền. Bước đầu để đạt đến chỗ không suy nghĩ gì cả người ta tập trung tư tưởng vào Công án Thiền. Đạt đến mức không suy nghĩ gì cả chắc khó hơn là nói cho hết ý nghĩ luôn luôn quay cuồng trong đầu của một người bình thường như tôi.

Tôi thích nói về những ý nghĩ bâng quơ của tôi, những chuyện thượng vàng hạ cám mình nói mình nghe, niềm vui, nỗi buồn, lo âu trong cuộc sống, nói lén sếp, nói cho hả cơn giận chồng, than thở chuyện con. Tôi thích ghi chép lại những giấc mơ chẳng biết để làm gì. Tôi thích những tấm ảnh tôi chụp lại cuộc sống ở quanh tôi. Một cách để tôi nhắc nhở mình hạnh phúc của mình là mình có tay chân mắt mũi đầu óc vẫn còn dùng được.

Sáng nay 29 tháng Bảy năm 2013 tôi đọc được những giòng này của Diệu An: “Thỉnh thoảng mình muốn viết một lá thư tay kể lể những chuyện anh ơi anh à, hôm nay trời mưa to lắm, em đứng trú dưới một tán cây, đinh ninh rằng làm sao mà ướt được cho đến khi em chợt nhớ ra rằng trong trăm cái dại, cái dại trời mưa mà trú gốc cây là cái dại đáng cho chết. Em bèn chui xuống núp dưới cái cầu tuột trẻ con thì cái cầu tuột ấy nó đục lủng lổ chổ, bao nhiêu nước mưa và cát nó ào lên đầu em hết. Rồi thì em chợt nhận ra đôi dép của em, em để quên nó ngay giữa đường, tới lúc nhận ra thì nó đã chèm nhẹp rồi.” Tôi thấy những đoạn văn như thế rất đáng yêu, hồn nhiên, và rất thật. Tôi không thể nào viết được như thế. Khi đã qua tuổi yêu người ta không thể viết hay về tình yêu, cũng như qua khỏi tuổi đam mê tình dục người ta khó mà viết hay về tình dục.

Ngày 25 tháng Năm 2013, tôi đi lạc vào nhà của Khoa, đọc được đoạn văn này: “Chuyện là vậy đó. Trong truyện, tôi còn viết cả một bài hát. Tôi hát cho 5 người nghe. Đứa nào cũng bảo lời thì hay, mà điệu thì ngang phè phè. Tôi đã cố sửa, mà vẫn không sao hay hơn được. Thôi thì cứ để đấy, tối buồn buồn đánh đàn như đánh cái bàn và hát cho dân tôi nghe. Dân tôi thì cũng nhân đây giới thiệu với các bạn. Có tất cả là ba thằng. Một thằng mặt ngu, một thằng chém gió và một thằng im lặng. Thằng mặt ngu thì ngu nhất, cái gì cũng hỏi. Thằng chém gió thì biết thì ít mà nói phét thì nhiều. Thằng im lặng thì biết tuốt, mà ít nói lắm. Lâu lâu thấy hai thằng kia ngu quá mới chịu nhảy ra phát biểu. Ba thằng này tạo thành con người tôi.” Cậu quan sát bản thân cậu tinh tế quá chắc cậu phải là nhà văn, hay ít nhất là có ước muốn trở thành nhà văn.

Đó là hai thí dụ vì sao tôi thích đọc blog. Tôi còn nhiều thí dụ nữa nhưng nhớ đâu nhắc đấy. Luôn luôn tôi định bụng lúc nào có thì giờ sẽ viết một bài về những đặc tính của từng blog tôi vào đọc thường xuyên.

Tôi vẫn nghĩ, phải có khuynh hướng thích viết, thèm viết, có cái gì đó thôi thúc cần phải viết người ta mới viết. Nhất là viết mà có rất ít người đọc và những người đọc thường chỉ là bạn bè chứ không phải là người trong giới văn học.

Blog cho người ta cái phương tiện được tự do tự xuất bản, không phải chờ được xác nhận bài có đáng đăng lên báo hay không? Người ta có thể tự do nói ý nghĩ thật của mình mà không sợ trả thù. Nghĩ thế nhưng thật ra tôi vẫn không thoát được những biên giới tư tưởng của chính tôi. Tôi không thể viết những gì vượt ra khỏi những phong tục luân lý đã vạch sẵn cho phụ nữ. Tôi vẫn ước được viết một cái gì đó thật nổi loạn, thật khùng điên, thật bạo nhưng tôi không dám. Tôi muốn viết chuyện hoang đường, hoang tưởng, để vượt ra khỏi sự giới hạn của chính bản thân tôi, khác hẳn con người thật ngày đi làm tối về nhà nấu cơm rửa chén, nhưng vẫn sợ; sợ bị hiểu lầm, chê trách và ảnh hưởng đến gia đình, làm xấu hổ chồng con. Tóm lại tôi vẫn không thể là người viết tự do như tôi muốn.

Nếu một ngày nào đó không có blog nữa thì sao? Tôi không biết. Có thể tôi vẫn sống nhưng đầy thiếu thốn về tinh thần. Tôi có nghiện blog không? Nghiện quá đi chứ, nghiện trầm trọng không chắc thuốc nào chữa được.

Hồi Tết năm nay, tháng Hai năm 2013, gia đình tôi đi Texas ăn Tết. Tôi được xếp ngủ chung với cô em chồng. Năm giờ sáng, ở NJ là giờ tôi đọc và viết blog. Năm giờ ở New Jersey là bốn giờ ở Texas. Tôi rón rén thức dậy, ngồi trên nền nhà mở computer trong bóng tối, vì sợ đánh thức cô em chồng. Sợ bị quở là làm gì mà mê computer đến như vậy. Ừ thì tôi mê tôi nghiện nhưng có làm hại ai đâu ngoại trừ hại cho bản thân tôi. Ngồi mãi nên bụng đã béo phệ ra, người trở nên bệu bã. Tôi chỉ có một giờ buổi sáng và một giờ buổi tối. Buổi sáng đầu óc còn khỏe khoắn tỉnh táo tôi viết thật nhanh một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Buổi tối về nếu không mệt thì sửa chữa lỗi chính tả. Thỉnh thoảng có được vài comment của độc giả đi lạc. Sau vài năm, hơn một ngàn bài trên blog (từ năm 2009 đến nay) nhìn lại toàn là đầu thừa đuôi thẹo những mảnh vụn của tư tưởng không đáng gọi là văn chương. Thế nhưng từ khi viết blog tôi tập quan sát mình, nhìn ngắm cây cỏ thiên nhiên, chú ý đến niềm vui nỗi buồn của người trên mạng. Bạn có nhớ một năm về trước bạn làm gì, nghĩ gì, yêu ai, ghét ai, nhìn thấy gì, ăn món gì hay không? Nếu bạn bắt đầu viết blog hôm nay thì có thể năm sau hay mười năm sau bạn có cơ hội nhìn lại cái nhìn của bạn, xét lại tư tưởng, quan điểm của bạn. Qua blog tôi có dịp trao đổi ý nghĩ với những người tôi chưa bao giờ gặp nhưng quí mến như bạn lâu năm. Nếu họ từ chối họ không là nhà văn thì với tôi họ đều là người viết. Tất cả đều là writer.

Blog và tôi – p.1

Blog và Tôi – Nguyễn thị Hải Hà

Bài đã đăng ở Thư Quán Bản Thảo số 57. Bạn đọc có thể đọc toàn tạp chí TQBT 57 pdf ở blog Phay Văn và Gió O.

@  @ @

Năm 2004, Ách Cơ con gái đầu lòng của tôi đang học lớp 9. Trường của Ách Cơ khuyến khích học sinh luyện cách viết bằng cách mở một blog và viết bất cứ cái gì học sinh muốn. Ách Cơ bị xung đột gay gắt giữa cách nuôi dạy của bố mẹ Việt, nghiêm khắc và gò bó, và môi trường văn hóa Hoa Kỳ nghiêng về sự phát triển cá nhân đòi hỏi nhiều tự do đã có chiều hướng nổi loạn. Cô nàng muốn được như bạn bè muốn có “boyfriend,” được đi “mall,” được “go out” và những chuyện tương tự.

Với người Mỹ, ở tuổi ấy các cô các cậu tổ chức “group date” gặp nhau đi xem phim rồi đi ăn pizza hay hamburger là chuyện bình thường. Một vài cô cậu đặc biệt hơn thì đi chơi riêng gọi nhau là boyfriend girlfriend. Tôi thấy Ách Cơ thường hay “chat” trên mạng và sau khi tìm hiểu gạ gẫm tôi khám phá ra blog của Ách Cơ. Blog, ban đầu là một thứ nhật ký mở trên mạng, nhưng Ách Cơ và một số bạn dùng blog để viết Fan Fiction. Lúc ấy truyện Harry Potter rất nổi tiếng và học sinh dựa vào truyện này để khai triển thêm. Một hôm sau khi bị phạt nặng Ách Cơ viết trên blog mấy chục chữ FUCK in đậm, màu đỏ để bày tỏ cơn giận dữ. Tôi lo ngại nên theo dõi cô nàng, xem đám bạn của Ách Cơ là ai, viết gì. Tôi khám phá nhiều điều về những “bi kịch thời đại” trong cái xã hội Trung học Hoa Kỳ. Tôi tập tễnh hiểu tâm trạng của con tôi, vì sao nó luôn giận dữ, phản kháng. Tôi hiểu nhưng vì tư tưởng tôi đóng cứng trong nền văn hóa Việt Nam, chính tôi cũng phải tự đương đầu với những xung đột văn hóa trong tôi nên quan hệ mẹ con có nhiều cắng đắng. Dần dần tôi nhận ra blog là nơi con tôi “xả hơi trong nồi áp suất.” Tôi cũng nhận ra ai cũng cần có một khoảng cách cá nhân, một cái phòng riêng của tư tưởng, để nổi loạn hay để tự xoa dịu những nỗi đau riêng tư.

Ách Cơ thường cãi nhau Jimmy Ho, cha mẹ Jimmy gốc Đài Loan. Cậu bé này rất mê truyện anime và cậu thiết kế blog của cậu bằng những tranh ảnh, nền anime rất đẹp. Có một blog của một cô bé rất mực tôn sùng Jimmy. Với cô, Jimmy là thần tượng cô ca tụng “chàng” bằng những lời nồng cháy. Ách Cơ và đám bạn học thường thắc mắc con bé này là ai, tại sao nó có thể mê một thằng đáng ghét đến thế.

Ách Cơ quen trên mạng với một nhóm thiếu niên người Việt ở Boston. Một trong các cậu này có một cậu bé thích chơi game Fantasy và rất yêu bài hát “Suteki da ne.” Tôi bị bài hát thu hút nên để ý đến cậu bé Fantasy này. Tôi đoán cậu hiền lành, lãng mạn và ủy mị. Một hôm cậu kể rằng cậu bị bạn chọc phá trêu ghẹo, xô cậu xuống hồ tắm. Fantasy bị ướt, lạnh, lại mắc mưa trên đường về, và những trêu ghẹo hất hủi của các bạn làm cậu buồn bã, tự ghét mình. Cậu muốn tự tử. Tôi hết hồn khuyên can cậu (trên blog) và tự hỏi làm cách nào để có thể báo cho gia đình cậu biết để ngăn ngừa. Tôi mở blog để có thể can ngăn cậu bé. Tôi bảo với cậu bé tôi là người Việt và tôi quan tâm đến cậu. Tôi xin cậu đừng làm liều. Tôi bị hút vào cái bi kịch ấy nên theo dõi blog của cậu hằng ngày. Cậu chẳng đáp lời tôi. Cùng an ủi cậu có một cô bé người Việt, lớn hơn cậu hai tuổi. Cái bài sau đó cho thấy cậu ngưng ý định tự tử.

Một hôm tôi thức giấc nửa khuya không ngủ lại được. Trăng sáng quá và mùi hương kim ngân nồng nàn làm tôi nhớ bài thơ Trăng Thiếu Phụ của Quách Thoại. Đã mấy đêm trường tôi không ngủ. Nằm thao thức nhớ mảnh trăng thu. Đã biết bao lần tôi tự nhủ. Rằng cho tôi chết giữa âm u. Tôi bỗng thèm viết nhật ký. Một thứ nhật ký không cho người quen biết của mình đọc nhưng lại muốn những người không biết mình là ai biết những suy nghĩ của mình. Tôi bắt đầu viết blog.

Tôi bắt đầu làm quen với những blogger khác và tìm ra một blogring người Việt nhưng viết bằng tiếng Anh. Tôi chưa biết là trên net có những phần mềm giúp người ta viết tiếng Việt. Tôi không biết có báo, tạp chí mạng viết bằng tiếng Việt. Chỉ một năm sau tôi đã rất thông thạo về blog, biết một ít HTML codes để thiết kế blog, biết theo dấu chân những người vào blog, biết IP của họ phát xuất từ đâu. Tôi khám phá ra cô bé tôn thờ Jimmy Ho chẳng ai khác hơn là chính cậu bé. Chàng ta làm ra cái blog mang tên con gái để có thể tự tôn sùng mình. Cứ nhìn cách thiết kế là có thể đoán là cùng một chủ nhân.

Năm 2007 tôi theo dõi cuộc biểu tình phản đối chính quyền của người Miến Điện trên blog của một cô gái Miến Điện. Nhà cô ở gần nơi người ta biểu tình và qua khe cửa sổ cô nhìn thấy và viết trên blog. Lúc ấy tất cả tivi truyền thông chính thức đều bị cấm, nhà báo ngoại quốc bị bắn chết trên đường phố.

Tôi quen với blog ông Mỹ. Ông là người Mỹ, từng đi lính ở Việt Nam, có học và biết chút ít tiếng Việt. Ông thường viết blog bằng tiếng Việt trong khi tôi là người Việt nhưng blog bằng tiếng Anh. Ông trở lại Việt Nam và sau chuyến đi ông Mỹ bày tỏ cảm tình với nước Việt người Việt rồi gửi lên báo Lao Động. Báo sửa chữa và đăng bài của ông. Từ đó ông chỉ thích viết tiếng Việt. Ông bảo rằng tiếng Việt nghe hay hơn chim hót, tiếng Việt nghe hay hơn bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Ông Mỹ có hai cô con gái Amanda và Betty (tên giả) sống ở tiểu bang khác với tiểu bang ông ở. Họ biết tin tức của nhau qua blog. Tôi không đọc Amanda nhiều. Betty là một họa sĩ. Cô thích hình xâm và trên người cô xâm rất nhiều hình ảnh. Qua blog của Betty và ông Mỹ tôi biết một chuyện rất đau buồn.

Amanda có chồng và hai con. Họ sống gần bờ sông. Mùa hè, hai vợ chồng và hai đứa con được mời đi câu cá. Nước lớn, chiếc thuyền câu có thể cập bến đón bốn người đi câu. Khi về nước ròng, xuồng câu không cập bến được nên thả bốn người ở trên cồn ở giữa sông. Chồng của Amanda rất cao lớn khỏe mạnh. Amanda cũng thế. Đứa con gái lớn biết bơi nên từ cồn bơi vào mé sông bên kia không hề hấn gì. Amanda cũng tự bơi vào. Người chồng cõng cậu con trai 11 tuổi trên vai “đi” vào vì cậu bé không biết bơi. Nước ngập đầu, người bố nín thở đi vào đuối sức, kịp đẩy cậu bé vào bờ nhưng ông ta đuối sức, chìm xuống. Amanda thấy chồng chìm trở ra tìm chồng. Cô con gái lớn kéo em lên bờ, gọi cấp cứu. Amanda cũng chìm. Hai vợ chồng chết đuối trước cặp mắt của hai đứa con.

Nguyễn Xuân Thiệp – Tản Mạn Bên Tách Cà Phê

This slideshow requires JavaScript.

Tôi được tặng ba quyển Tôi Cùng Gió Mùa, Thơ, Tản Mạn Bên Tách Cà Phê của nhà văn Nguyễn Xuân Thiệp.  Mấy hôm nay tôi nhẩn nha thưởng thức Tản Mạn Bên Tách Cà Phê.

Những bài tản mạn này thú vị ở chỗ tác giả kết hợp chuyện quá khứ ở Việt Nam với chuyện hiện thời ở hải ngoại, chuyện Á đông và chuyện Tây phương, chuyện người già và người trẻ. Trong một bài ông viết về thành phố New Orleans với những cây cầu dài gần 40 km, có quán cà phê gợi nhớ những hoàng hôn tím, và người Việt trân mình chịu cơn bão Katrina. Một bài khác ông viết về bài Chiêu Hồn Ca của Nguyễn Du cùng với cái không khí trại tù ở Thành Đá Xanh, Thanh Chương Nghệ Tĩnh. Ông kể chuyện loài én thiên di hằng năm trở về San Juan Capistrano rất thơ mộng nhưng rồi bỗng dưng chúng bặt tăm không quay trở lại nữa. Những buổi hội hè liên hoan bỗng trở nên tẻ nhạt vì chim đi biền biệt. Văn của ông cũng giống như thơ, đầy nét lãng mạn với bướm và hoa, loài chim cardinal màu đỏ, dế và ve sầu, quá khứ của ông có tiếng gà trưa và những con tàu chạy ngang qua nhà ga nhỏ bé. Ông cũng viết về chiến tranh với những ưu uất nhưng không có chút nào oán hận. Đây là một quyển tập hợp các bài văn ngắn, thông minh, đáng yêu và cũng là một chuỗi kỷ niệm của nhà văn với bạn bè gắn bó với thời cuộc từ Việt Nam đến hải ngoại. Tác giả là nhà thơ có cái nhìn của họa sĩ. Những bài tạp ghi này là những bức tranh lồng vào rất nhiều bài hát và văn hóa Tây phương.

Tác giả Nguyễn Xuân Thiệp có nhiều bài thơ rất hay. Tôi rất thích bài Thảo Nguyên và bài Đốt Lửa Nghe Sư Đàn. Hai bài thơ này ông sáng tác lúc đang bị ở tù cải tạo thế mà giọng thơ rất hiền hòa thanh tịnh. Ông thường không viết hoa ở những chỗ đầu câu làm tôi liên tưởng đến cách viết của e. e. cummings nhưng chỉ liên tưởng thế thôi chứ tôi không tìm ra được nhiều điểm để chứng minh sự tương đồng giữa hai nhà thơ. Chỉ có một nét chung là cả hai người đều thích viết về thiên nhiên. Cả ba quyển thơ và văn của tác giả Nguyễn Xuân Thiệp rất thông minh, rất thơ, và rất lãng mạn. Tôi đọc xong thấy tiếc giá mà mình đọc chậm lại chút nữa, như nhâm nhi ly cà phê vào một buổi sáng đẹp trời.

Độc giả có thể tìm đọc tác phẩm của ông trên trang mạng Gió O. Nguyễn Xuân Thiệp. Hay có thể đọc ở trang mạng Phố Văn. Link ở đây.

Những Chuyện Tình ở Ga Xe Lửa

Hằng ngày tôi đáp xe lửa từ ngoại ô vào thành phố để làm việc.  Ga tôi đón xe lửa là một ga nhỏ, khách không mấy đông người nên ai cũng biết mặt nhau.  Không thân thiết gì ngoại trừ dăm ba câu chào hỏi vớ vẩn về thời tiết.  Một hôm ở ga bỗng xuất hiện một cặp trung niên, cả hai đều tóc đã muối tiêu, người da trắng.  Cả hai đều tầm thước, khá bệu mỡ, trong cách ăn mặc họ có vẻ là những người làm việc phòng giấy nhưng không giữ chức vụ cao.  Người đàn ông mắt lộ, môi dầy, quần khaki, áo sơ mi, thỉnh thoảng ông ta mặc áo thun có cổ bẻ, hôm nào trời lạnh ông ta mặc áo khoác gió loại ngắn.  Người đàn bà tóc ngắn, tóc dợn sóng lọn to, làm tôi nghĩ đêm nào đi ngủ chắc đầu của bà cũng đầy ống quấn tóc.  Bà ta khá béo.  Hai cái đùi to đầy mỡ của bà như khép chặt lại vào nhau.  Quần bà hơi ngắn trên mắt cá chân, giày thấp.  Những người đàn bà quá mập hay bị cái nạn ống quần dính vào đùi làm khoảng ống quần bên trong khoảng giữa hai chân rút ngắn lại, do đó nhìn có vẻ xộc xệch.  Họ lại thường hay bị yếu đầu gối vì phải mang trọng lượng thặng dư vì thế không thể mang giày cao gót.  Và như thế lại càng làm cho dáng vẻ của họ thô kệch hơn.  Nói chung, đây không phải là một đôi vợ chồng già đẹp tướng.

Họ cũng không có vẻ là vợ chồng.  Trông họ có vẻ như là một cặp tình nhân mới.  Sáng nào cũng thế, giữa chốn đông người, hai người ôm hôn nhau thắm thiết như một cặp trai gái mới lớn còn háo hức chuyện thăm dò thân xác của người yêu.  Khi xe lửa đến Penn ga lớn nhất của tiểu bang New Jersey, dưới chân cầu thang cả hai lại ôm nhau hôn ngấu nghiến.  Những nụ hôn thật say đắm làm tôi có cảm tưởng như đây là những cái hôn cuối cùng.  Ngày mai họ sẽ chia tay nhau vĩnh viễn.

Tự bao giờ hình ảnh sân ga vẫn là đề tài của những cuộc chia tay.  Của “lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông . . . Jersey, suốt đời làm chia ly. . .”  Của “tuyết rơi phủ con tàu, trong ga em lạnh đầy, làm sao em nói hết, cho ấm mộng đêm này. . .”[1]  Tôi tự hỏi không biết vì lý do gì mà họ phải chia tay nhau.

Nhưng họ không chia tay nhau, ngày hôm đó và nhiều ngày sắp đến, họ hôn nhau như nhai như nuốt lẫn nhau.  Họ hôn nhau ngay trên sân ga trước khi lên tàu.  Họ hôn nhau dưới chân cầu thang trong Penn Station khi xuống ga.  Rồi tôi bỗng nhiên thấy những cái hôn này có vẻ gì bỉ ổi.  Tôi cứ phải quay mặt đi tránh nhìn họ và có cảm giác như mình bị xâm phạm, như bị cướp mất chút tự do thanh thản đầu ngày.

Tôi đổi chuyến xe lửa đi chuyến trễ hơn, vài tuần sau đi trở lại chuyến xe giờ cũ, vẫn nhìn thấy người đàn ông nhưng người đàn bà trong vòng tay ông ta là một người đàn bà khác.  Người đàn bà mới này không trẻ hơn, không đẹp hơn, cũng na ná giống người đàn bà của mấy tuần trước.  Tôi tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra.  Không biết người đàn bà thua cuộc có đứng đâu đó trong góc nhà ga mà vấn vương.  “Sao nhà ga ấy sân ga ấy, chỉ để cho lòng dấu biệt ly. . .”[2]

Người ta thường hay gắn liền sân ga với những lần chia tay, những nỗi buồn giã biệt.  Như Tế Hanh trong bài Những Ngày Nghỉ Học “Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt.  Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.”  Tuy nhiên không ít người xem sân ga là nơi hẹn hò, là chỗ của trùng phùng, tao ngộ.

Buổi chiều tan sở, tôi băng qua đường, vào một hành lang đầy ánh sáng.  Từ đây tôi leo lên thang cuộn và nó sẽ đưa tôi lên trên sàn cao chỗ xe lửa cập bến.  Bước vào trong hành lang là khách đi xe lửa đã được nghe những tấu khúc dương cầm êm dịu.  Tôi đi bộ trên sàn cao dọc theo đường rầy số Năm chừng hơn trăm mét sẽ đi ngang phòng đợi nằm bên phải và đường rầy xe lửa số năm của ga Penn nằm bên tay trái của tôi.  Phòng đợi này rất nhỏ và hẹp so với phòng đợi chính của ga Penn., được dùng cho khách đợi tạm thời trước khi xe lửa đến.  Dọc theo tường là băng ghế gỗ bóng loáng, ánh sáng chan hòa.   Chia cách giữa sàn cao và phòng đợi là một vách tường có cửa sổ bằng kính được lau chùi trong suốt.

Gần đây, chiều nào tôi cũng gặp một cặp tình nhân trẻ người da trắng khoảng chừng ba mươi trở lại đang hôn nhau đắm đuối trong phòng đợi.  Từ khi cặp tình nhân trẻ dùng phòng đợi nhỏ này làm tổ uyên ương, không có ai ngồi trong phòng đợi nữa cả.  Xuyên qua cửa kính, tôi thấy bàn tay tham lam của người đàn ông trẻ chạy khắp nơi.  Anh kéo tuột cả váy cô nàng trễ xuống để lộ cái tam giác của cái “thong” màu đỏ phía sau mông.  Họ hôn nhau thật đắm đuối, thật mê loạn, hối hả.  Hôn như ngày mai sẽ tận thế.  Hôn như tài tử Harrison Ford hôn cô nàng Melanie Griffith trong phim Working Girl.  Chỉ cần nhìn họ thôi người ta cũng đoán được dưới lớp quần áo đó tất cả những đầu dây thần kinh đều nở rộng và đứng dậy.  Họ sẽ bốc cháy.

Đây là một cặp tình nhân rất đẹp đôi.  Người đàn ông cao ráo, vai to, có vẻ trẻ hơn người đàn bà vài tuổi.  Người đàn bà trẻ này đẹp như tài tử Julianne Moore.  Da trắng, người mảnh mai, tóc hung đỏ.  Hai cánh tay thon dài của cô quàng ngang cổ anh bạn trai như để dọn chỗ cho bàn tay của anh ta tùy nghi chọn chỗ đáp.

Tôi tiếp tục đi và leo lên xe lửa thường đã cập bến chờ sẵn.  Ngày nào cũng nhìn họ hôn nhau ngấu nghiến như thế tôi không khỏi tự hỏi tại sao.  Ở xứ này, trai gái làm tình từ khi mới vừa quá tuổi trăng tròn.  Đôi tình nhân này có vẻ gì vụng trộm và có lẽ chỉ có ăn vụng mới tạo ra cái cảm giác ly kỳ đắm đuối đến thế.  Trông họ càng đắm đuối say sưa họ càng có vẻ gì tội lỗi.

Chiều thứ sáu vừa qua, khi tôi vừa lên tới bậc cuối cùng của cái thang cuốn thì đôi tình nhân mở cửa bước vào để đi xuống hành lang dẫn ra đường.  Cô nàng mặc bộ suit bằng lụa màu đồng ôm sát người, đôi chân thon trần trắng muốt.  Dường như dưới làn da không phải là máu thịt mà là kem và sữa, ngọt lịm, béo ngậy.  Khi đi ngang qua phòng đợi nơi mà họ hay đứng hôn và vuốt ve nhau mặc kệ người qua lại bên cửa sổ, tôi thấy hàng ghế dọc theo tường đầy chật những người.  Thì ra họ bị đuổi ra khỏi tổ uyên ương.

Theo thói quen, mỗi chiều về tôi hay ngủ gật trên xe lửa.  Khi tỉnh giấc xe lửa đang vào trạm Roselle Park.  Nhìn ra cửa sổ tôi chợt nhìn thấy cô nàng trẻ tuổi vừa bước ra khỏi cửa xe lửa và đang đứng trên thềm ga, vẫy tay chào một người nào đó đang chờ dưới sân ga.  Cô đứng một mình không thấy người bạn trai đã hôn cô và dắt tay cô lúc nãy.  Tôi tò mò ngó theo khi cô xuống sân ga, người đón cô là một người đàn ông khoảng bốn mươi, vẻ sang trọng, đi chiếc xe SUV hiệu Lexus.  Hai người trao đổi cái hôn, thân cận nhưng không còn đắm đuối say mê, gần gũi, môi chạm môi, kiểu hôn của những cặp vợ chồng.  Đúng như sự nghi ngờ của tôi, tôi vừa chứng kiến một sự gian dối trong tình cảm.

Những mối tình này sẽ đi về đâu.  Cái say đắm của họ có phải chỉ là những cảm xúc nhất thời hay đó là một tình yêu thật sự?

Người bản xứ thường hay phân biệt tình yêu (love) và dục tính (lust).  Thật tình tôi không thể phân biệt cái ranh giới mong manh của hai loại tình cảm này.  Đôi khi tôi có cảm tưởng người ta gom tất cả những mối tình không danh chính ngôn thuận, hay những mối tình không thành (vì không hợp nhau chẳng hạn) vào hàng dục tính.  Rằng nó chỉ nhất thời, chỉ hình như là tình yêu chớ không phải tình yêu. Suy đi rồi cũng có lúc nghĩ lại. Làm sao người ta có thể cả quyết trong những cuộc tình không danh chính ngôn thuận kia không có một tình yêu thật sự? Rồi biết đâu chừng, trong những cuộc hôn nhân danh chính ngôn thuận kia, không có cái gọi là tình yêu, hoặc nếu có thì đã không còn? Làm sao biết được, có hay không, người ta sống với nhau chỉ vì đó là một dục tính được xã hội và pháp luật công nhận?


[1] Thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy phổ nhạc
[2] Bóng Người Trên Sân Ga, Nguyễn Bính.

Rắn trong huyền thoại – phần cuối

Tokoyo và con rắn biển trong huyền thoại Nhật Bản. Phần 1, phần 2, phần 3, phần 4

Theo huyền thoại Nhật Bản, Tokoyo là con gái của hiệp sĩ Oribe Shima, người không hiểu vì lý do gì đó đã làm phật lòng hoàng đế và biến mất. Hiệp sĩ Oribe Shima là người thành lập một làng nhỏ ở quần đảo hoang vắng Oki. Buồn bã vì nhớ cha Tokoyo bán hết tài sản đi đến Akasaki một vùng ven biển nơi đó nàng có thể nhìn thấy quần đảo Oki. Mặc dù Tokoyo hết lời năn nỉ những người dân chài vẫn từ chối không đưa nàng ra nơi quần đảo. Họ bảo rằng Oki ngăn cấm tất cả mọi người không được ra vào.

Một đêm, Tokoyo trộm một chiếc thuyền và một mình chèo thuyền ra đảo. Mệt mỏi nàng ngủ quên trên bờ biển và sáng hôm sau nàng bắt đầu đi tìm cha. Đi được một đỗi Tokoyo gặp một người dân chài, nàng hỏi ông ta có gặp bố của nàng không. Anh dân chài trả lời không và dặn nàng muốn đi tìm cha thì không được nhắc đến tên bố nếu không nàng sẽ gây tai họa cho nhiều người. Vâng lời, nàng đi khắp nơi trên đảo để tìm kiếm nhưng tuyệt nhiên không nhắc nhở đến tên bố.

Một buổi chiều sẩm tối, nàng đến gần bệ thờ đức Phật và sau khi cầu nguyện, nàng ngủ quên. Nhưng ngay sau đó nàng bị tiếng khóc đánh thức. Ngước mặt nhìn lên nàng thấy một đứa bé gái và một nhà sư. Nhà sư này dẫn bé gái đến bờ đá dựng và sắp sửa xô bé gái xuống biển và ngay lập tức Tokoyo chạy đến ngăn chận nhà sư. Nhà sư thú nhận là ông bị bắt buộc thi hành nghi lễ tế dâng đứa bé để làm vui lòng con ác thần Okuninushi. Nếu không cúng tế một đứa bé gái hằng năm con ác thần này sẽ nổi giận và gây bão tố lụt lội giết chết dân thuyền chài.

Tokoyo tình nguyện thế chỗ cho cô bé, nàng bảo rằng vì mất cha nàng không còn tha thiết sống nữa. Tokoyo quay sang cầu nguyện đức Phật lần nữa và nàng ngậm con dao găm rồi nhảy xuống biển. Mục đích của nàng là đi tìm săn con ác thần, giết nó để trừ hại cho dân làng.

Lặn sâu xuống đáy biển Tokoyo tìm thấy một hang sâu. Bên trong thay vì tìm thấy tên ác thần nàng thấy có một pho tượng giống như hoàng đế đương thời. Nàng định phá hủy bức tượng nhưng đổi ý nàng giắt bức tượng vào thắt lưng và bắt đầu bơi lên.  Vừa lúc nàng rời hang, nàng phát giác ra một con rắn biển khổng lồ. Không sợ hãi nàng tiến đến gần và đâm con rắn biển mù mắt. Vì mù, con rắn biển không thể vào trong hang, và nàng nhân dịp ấy mà tấn công và cuối cùng giết nó.

Khi Tokoyo lên bờ, vị tu sĩ và cô bé đưa nàng vào trong làng và hành động anh hùng của nàng lan truyền khắp nơi. Vì hoàng đế bấy lâu nay mang một chứng bệnh kỳ lạ bỗng dưng hết bệnh. Nhận ra mình vừa thoát khỏi một cơn trù ếm ông vui mừng ra lện phóng thích hiệp sĩ Oribe Shima. Hai cha con Tokoyo vui mừng trở về thành phố của họ. (Trích tự điển bách khoa huyền thoại do Arthur Cotterell và Rachel Storm biên soạn).

Tokoyo
Tokoyo

Rắn trong huyền thoại – phần 4

Rắn Jormungandr trong huyền thoại Norse. phần 1,phần 2, phần 3

Norse là vùng đất hiện nay thuộc về Bắc Âu và Đông Âu của các giống dân có gốc Đức (Đức, Hòa Lan, Thụy Điển, Na Uy) và Slav (Nga, Rumani, Bulgari, Ba Lan).

Jormungandr còn được gọi là Midgard Serpent, là con của vị nữ thần khổng lồ Angrboda và thần Loki. Odin bắt ba đứa con của Loki, gồm có Fenrir (là một con chó sói), Hel (nữ thần chủ địa ngục), và Jormungandr (con rắn khổng lồ). Odin ném Jormungandr vào vùng biển bao quanh Midgard. Jormungandr trở nên to lớn đến độ có thể quấn vòng quanh trái đất và ngậm cái đuôi của nó do đó Jormungandr còn có tên Rắn Midgard hay Rắn Địa Cầu. Khi nào Jormungandr buông cái đuôi ra thì địa cầu sẽ tan vỡ. Kẻ thù lớn nhất của Jormungandr là thần Thor vị thần tượng trưng cho sấm sét, sức mạnh, bão tố, và bảo vệ thế giới.

Có lần Thor gặp con rắn thần này và Loki dùng phép thuật biến nó thành một con mèo khổng lồ. Loki thách thức Thor nhấc con mèo lên để thử sức mạnh của Thor. Thor không thể nào nhấc con mèo lên cao (vì con rắn ôm cả quả địa cầu) nhưng đủ mạnh để dở nó lên khỏi mặt đất và thả nó xuống trên bốn chân. Khi Loki giải thích ông đã dùng thủ đoạn để thắng Thỏ, Loki cũng thán phục sức mạnh của Thor.

Lần thứ nhì Thor gặp Jormungandr khi đang đi câu với Hymir một vị thần khổng lồ. Khi Hymir không chịu đưa mồi câu cho Thor, Thor dùng một con trâu to (mục đích là dùng làm mồi câu) đập vào đầu Hymir. Cả hai chèo thuyền đến một chỗ Hymir thường ngồi câu. Nơi đây Thor câu được hai con cá voi, nhưng Thor đòi đi xa hơn. Hymir báo cho Thor biết là đi xa hơn sẽ gặp nguy hiềm.

Thor chuẩn bị một sợi dây câu thật chắc chắn, lưỡi câu khổng lồ, mồi câu là cái đầu trâu, và Jormungandr cắn câu. Thor kéo con rắn ra khỏi mặt nước hai đối thủ nhìn tận mắt nhau. Jormungandr chảy nhễu nhão máu có chất độc. Thor lấy cái búa để giết con rắn. Hymir ông khổng lồ vì quá sợ hãi nên cắt dây câu khiến con rắn chìm vào trong sóng nước.

Cuộc chiến này khiến nhiều họa sĩ điêu khắc gia này ngưỡng mộ vì thế có rất nhiều tranh ảnh và tượng điêu khắc được sáng tạo trong thời kỳ này.

Trận chiến cuối cùng giữa con rắn và Thor xảy ra ở Ragnarok khi Jormungandr bò ra khỏi biển và làm máu của nó làm nhiễm độc cả bầu trời. Thor bị Jormungandr quấn chung quanh người nhưng ông chém đứt con rắn vì thế bị máu độc của rắn dính vào người. Ông đi chín bước rồi gục chết vì máu độc của Jormungandr.

Thor vs Jormungandr
Thor vs Jormungandr

Xin xem phần cuối cùng Rắn trong huyền thoại Nhật Bản vào ngày mai Feb. 12, 2013. Ảnh tôi copy ở một trang nào đó không nhớ. Hình như là trang này. Thor vs Jormungandr

Rắn trong huyền thoại – phần 3

Rắn Hydra trong huyền thoại Hy lạp. Xem phần 1,phần 2

Hydra, nguyên tên là Lernaean Hydra (thần rắn nước), là một con rắn thần có nhiều đầu trong huyền thoại Hy Lạp.  Hydra rất nguy hiểm và khó giết chết vì trong số những cái đầu của Hydra có một cái đầu bất tử. Hydra chỉ chết khi nào cái đầu bất tử bị cắt và người cắt phải dùng mũi tên tẩm vào máu độc của nó. Mỗi khi một cái đầu (không phải cái đầu bất tử) bị chặt đứt từ chỗ cổ rắn sẽ mọc lên cái hai đầu khác. Hơi thở và máu của nó rất độc đến độ chỉ cái vết máu cũng đủ làm chết người. Con rắn này là do Hera, mẹ kế của Hercules, nuôi với mục đích dùng nó để giết Hercules.

Hercules đấu với Hydra
Hercules đấu với Hydra

Hercules bị bà mẹ kế Hera làm cho điên loạn đến độ giết chết sáu người con trai của mình. Để hối lỗi Hercules phải phục tùng Eurystheus và vị vua này ra lệnh Hercules phải thực hiên mười việc rất khó nhọc. Giết Hydra là công việc nặng nhọc thứ nhì mà Hercules phải thực hiện. Thoạt tiên Hercules không thành công phải nhờ sự giúp sức của một người cháu tên là Iolaus. Người này bày kế cho Hercules, bịt mặt để che khói độc, và cứ mỗi khi ông chém được một đầu rắn, ngay lập tức Iolaus dùng đuốc đốt chỗ cổ rắn cho khô mặt nên cái đầu mới không thể mọc lên. Còn cái đầu cuối cùng Hercules chém nó bằng cây gươm vàng của nữ thần Athena đã tặng cho ông và đem chôn cái đầu không chết của Hydra dưới một tảng đá khổng lồ trên đường vào vùng đất thánh.

Xin xem phần 4 Rắn trong huyền thoại Norse vào ngày mai Feb. 11, 2013.