Sách của mình in mà mình không biết

Có một bạn nào đó thật là giỏi, đã đem một số truyện ngắn, và truyện dịch của tôi làm thành e-book với những cái bìa thật là xinh xắn. Tôi thật ngỡ ngàng khi nhận ra đây là truyện của tôi. Nghĩ đến lúc đem in truyện thành sách, cầm trên tay chắc là vui lắm.

Cám ơn bạn nào đó đã đọc, nhận thấy có chút giá trị nào đó, làm bìa gắn vào, và đem bán (nhưng miễn phí). Bạn có nói đã xin phép và được tác giả đồng ý, điều này thì tôi chẳng nhớ và tôi cũng chẳng biết bạn là ai. Giá mà bạn nói cho tôi biết thì tôi vui hơn nhiều. Tôi nhớ lại, có đồng ý cho một bạn (không nhớ tên) dùng một bài, nghĩ là đăng trên mạng, nhưng nghĩ là chỉ một bài. Tuy nhiên, nhấn mạnh, tôi không phiền, chỉ tiếc không có thì giờ sửa chữa lại cho truyện/tùy bút/tản mạn được tươm tất hơn.

Bạn này chắc thường đọc Gió O bởi vì có một số bài chỉ đăng ở Gió O mà không đem về trang nhà. Cám ơn công của bạn, nhờ bạn chắc tôi nổi tiếng hơn một chút. Thật ra công bạn đọc mấy cái truyện xoàng xoàng của tôi và làm bìa thật đẹp thì thật là hơn đứt cái tội không nói cho tôi biết 🙂 Tuy nhiên, nếu mai sau tôi có trở thành nhà văn nổi tiếng và nếu bạn có bán được sách của tôi thì xin bạn giữ năm chục phần trăm, số còn lại xin tặng cho các em bé nghèo, mồ côi nhé.

Nhạc Khánh Trân

Mời các bạn nghe bài hát “Sakura, Nhớ Một Mùa Hoa” do Khánh Trân sáng tác qua giọng hát của ca sĩ Diệu Hiền.

Hôm qua, tôi nghe CD nhạc của Khánh Trân gửi tặng. Tính là nghe một bài buổi sáng một bài buổi chiều, nhưng tôi nghe liên tiếp tám bài, vì hay quá, không muốn ngừng nghe. Tôi gửi email phỏng vấn Khánh Trân nhưng cô từ chối trả lời phỏng vấn. Lý do từ chối rất dễ thương, nhưng thật là rất tiếc cho các độc giả tôi yêu mến muốn biết thêm về Khánh Trân. Khánh Trân nói tự biết khả năng hạn hẹp nên không muốn quảng bá thêm làm gì.

Tôi không có căn bản về nhạc, nên chỉ nghe nhạc Khánh Trân với khả năng của một người nghe nhạc bình thường (layperson). Tôi không thể phân tích rhythm (nhịp điệu), melodies (âm thanh của nhạc), harmony (hài hòa), và tone color (chữ này không biết dịch, nói đại khái là người nghe nhạc thấy vui hay buồn, ấm áp rộn ràng hay lặng lẽ cô đơn).

Đây là một CD rất cuốn hút, người nghe dễ nhận ra đây là một giọng mới. Tôi có cảm tưởng người sáng tác là một người có cuộc sống hạnh phúc, được đời ưu đãi, nên nhạc của cô có giọng vui, lời thơ đẹp trong sáng. Ngay cả bài hát buồn nhất của Khánh Trân, “Sakura, Nhớ Một Mùa Hoa” cũng là một cái buồn dịu dàng, trầm ngâm, mơ màng. Người nghe có thể ứa một giọt nước mắt, nhưng không cảm thấy tuyệt vọng áo não. Cái buồn của bài hát như cái buồn nhẹ nhàng mỗi khi chúng ta nhìn thấy hoa anh đào, đẹp nhưng chóng tàn, cái tinh thần của wabi-sabi.

Hầu như bài nào cũng hay, dễ nghe, dễ tiếp nhận, dễ tiếp tục nghe. Những bài đặc sắc khác là “Em Tóc Ngắn” điệu valse vui tươi, “Dấu chấm tình anh,” hay “Mưa Chiều Viễn Xứ”. Các giọng hát trong CD này (Thúy Huyền, Diệu Hiền, Ngọc Quy, Hương Giang, và Quang Minh) có thể chưa được nhiều người biết đến nhưng cách trình diễn rất đạt, giọng êm ái dễ thương. Có thể nói người nghe tìm thấy dòng nhạc quen thuộc như đã nghe từ trước năm 75 ở miền Nam.

Bonus cho người nghe, và đặc biệt cho người xem. Người mẫu trong bài hát rất đẹp, đó là cô nhạc sĩ trẻ trung của chúng ta. Khánh Trân. Một điểm đặc biệt của Khánh Trân chúng ta nhìn thấy qua các đaọn phim ngắn lồng nhạc là ở nàng toát ra một vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng. Một vẻ đẹp vẫn còn phong kín của người Việt Nam. Tôi muốn biết thêm về Khánh Trân lắm, như là con của ai, học ở đâu, làm nghề gì, ai dạy nhạc cho nàng, v. v… Nhưng, rất tiếc. Ai biết gì thêm về nhạc sĩ Khánh Trân xin chia sẻ với Chuyện Bâng Quơ.

Blog của Khánh Trân ở đây –> https://ngohuykhanhtran.wordpress.com/

Xem xong rồi, nếu thích xin mời xem một tác phẩm khác của Khánh Trân, cũng hay tuyệt vời.

Kiếm tiền đi du lịch

Thỉnh thoảng tôi nói thầm, khi về hưu tôi sẽ bắt đầu nghiên cứu về stock market (thị trường chứng khoán), với hy vọng sẽ biết cách đầu tư, kiếm tiền để đi du lịch. Đi chơi thôi, chứ không đi để viết du hành ký gì gì ráo trọi. Tôi xem, ai từ bỏ công việc viết văn là thoát một nghiệp chướng. Nhưng vướng vào stock market không chừng là một nghiệp chướng lớn hơn, vì nếu không biết cách đầu tư, không hiểu sự hoạt động của chứng khoán, tán gia bại sản dễ dàng. Viết văn dù không làm ra tiền cũng không đến nỗi phải bỏ ra một số tiền lớn ban đầu để bị mất. Viết văn là công việc lấy công làm ra của, còn thị trường chứng khoán thì phải có của trước rồi mới làm ra lời sau. Continue reading Kiếm tiền đi du lịch

Tuyển Tập Sáng Tạo

Xin trân trọng giới thiệu với các bạn bộ tuyển tập Sáng Tạo. Nhận được từ hôm Chủ Nhật 13 tháng 7, 2014 tôi đọc không ngừng 3 quyển Thư Quán Bản Thảo số 60, Thảo Luận, và Tuyển Truyện Sáng Tạo. Như đã được nhà văn Trần Hoài Thư nhấn mạnh, Sáng Tạo tuy không tồn tại lâu dài nhưng nội dung gây nhiều tranh luận sôi nổi. Continue reading Tuyển Tập Sáng Tạo

Mẹ của Trời Đất

Mother of God

Theo lời giới thiệu của Stef, blog chuyện hằng ngày tôi mượn quyển này ở thư viên về đọc thử. Thấy hay, hấp dẫn, đủ lôi cuốn tôi đọc một mạch từ đầu đến cuối. Tôi thích tản văn ký sự về du hành nhưng không quan tâm mấy đến sách về những cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Tôi nghĩ sách phiêu lưu mạo hiểm dành cho các đấng nam nhi, trẻ và đầy hào khí. Còn tôi chỉ đi du hành thám hiểm qua những trang sách và phim ảnh. Có một đoạn Paul Rosolie tự hỏi nếu thả ông nội, gần chín mươi tuổi, của anh vào rừng sống như Don Santiago Durand, trưởng gia tộc và là bố của JJ bạn thám hiểm du hành của Paul, thì ông nội sống được bao lâu. Còn tôi? Chắc không quá một tuần. Nếu không chết vì nước cuốn, trăn quấn, thì cũng chết vì những bệnh trong rừng.

Mother of God, tạm dịch Mẹ của Đất Trời, lấy từ nhóm chữ Madre de Dios, tên của một vùng đất thuộc quốc gia Peru là nơi bắt nguồn sông Amazon.

Quyển sách sẽ lôi cuốn bạn về thế giới của rừng rậm nhiệt đới amazon, bắt rắn anaconza (trăn khổng lồ) có những con dài 25 feet (gần 8 mét), những chuyến xuyên rừng một mình của một nhà văn thế hệ 8X. Độc giả sẽ làm quen với cánh rừng khổng lồ, mọc từ đáy hồ, được tác giả đặt tên là floating forest vì người đi rừng chỉ sẽ nhìn thấy đầu ngọn cây vươn trên mặt nước.

Là người yêu thiên nhiên Paul Rosolie cho thấy sự khắc khoải đến đau đớn nhìn thấy loài người tàn phá thiên nhiên bằng cách phá rừng, đốn cây, đốt rừng, giết chóc muông thú một cách nhẫn tâm. Độc giả Việt Nam có lẽ sẽ đồng cảm khi nhìn thấy rừng và thiên nhiên của VN bị bóc lột tàn bạo, cũng như rừng amazon. Qua quyển sách này, độc giả có lẽ hình dung được những gì đã xảy ra ở các rừng gỗ trắc đỏ, và rừng sinh thái ở VN, những điều chúng ta không được đọc trên báo chí.

Giới tư bản Tây phương, khi bóc lột rừng Amazon, đã bắt thổ dân bản xứ (người Indians) làm nô lệ, giết họ một cách tàn bạo để khai thác cây cao su.

Paul cho thấy tính dịu dàng của anh (một người rất nam tính) khi kể về chuyện anh đã nuôi một con anteater, đặt tên là Lulu, bị mất mẹ khi còn là em bé.

Paul cũng có những đoạn văn tả cảnh bắt trăn, đối diện với thú dữ rất linh động.

Mới nhận

Tân Văn 83

Nói là mới nhận, thật ra nhận đã cả tuần. Có bài “Nhà Văn Sáng Chói” của Trần thị Kim Lan. Bài này xuất hiện trên VOA/Blog Nguyễn Xuân Hoàng, sau đó thấy nhiều blog đăng lại. Tác giả dường như xuất hiện lần đầu trên mạng nhưng giới viết lách ngay lập tức nhận ra đây là một tài năng đầy hứa hẹn. Mong được đọc nhiều sáng tác của tác giả hơn.

Cám ơn chị chủ báo kiêm chủ bút Tân Văn và đại ca. Tám thật là thất lễ, nhận quà hoài mà không có bài để gửi.

Khoe sách tặng

Terminal, Miễn Phí

Tôi được tặng quyển Terminal, Miễn Phí của tác giả Minh Thùy đã lâu. Hôm nay mới khoe.

Minh Thùy là bạn chung nhóm thời Trung học của ông Tám. Ông Tám không viết văn nhưng không hiểu duyên nghiệp thế nào mà thường quen với nhà văn. Đây là tập truyện thứ hai của MT. Tập trước là Chat Room tôi cũng đã đọc. Cả hai truyện đều tặng bạn là ông Tám và tôi đọc ké.

Thỉnh thoảng tôi tập viết một truyện ngắn. Viết xong thường không hài lòng vì đủ thứ nhưng chẳng lẽ lại chê mình công khai ở đây, tuy nhiên, vì viết mà không vừa ý nên biết viết truyện rất khó. Gom đủ thứ chất liệu đời sống chung quanh để gọt giũa thành một truyện ngắn đòi hỏi nhiều công sức và tài năng.

Tôi thấy truyện của Minh Thùy hay hơn truyện của tôi. Ở nước ngoài, MT ở Đức, mà viết và gom góp đủ thành một tập bao gồm mười một truyện là hay lắm, giỏi lắm, đòi hỏi nhiều hy sinh lắm. Hy sinh thì giờ, liên hệ với bạn bè và gia đình, đi chơi du ngoạn, và hy sinh kiếm tiền, để viết truyện thì phải là người yêu văn chương lắm. Thú thật tôi cũng yêu văn chương, nhưng không yêu đủ để hy sinh nhiều như thế.

Tôi thích truyện của Minh Thùy vì nhiều lý do: Chị viết về cuộc sống phụ nữ ở hải ngoại, truyện của chị thường gói ghém những bất mãn của người phụ nữ, có cái nhìn hơi bi quan về nam giới, những điều không thể nói thành lời, không thể than với ai. Sống ở hải ngoại sướng gần chết mà than cái gì. Chị viết về những cái gần chết đó, một cách dí dỏm. Truyện của chị thường có nét chống đối, phản kháng ngầm. Phản kháng một định kiến, cách đối xử, mong muốn được yêu thương, quyền lực của kẻ khác áp đặt lên mình, vân vân.

Chị thường viết về tình yêu nhưng ít khi viết về tình dục. Toàn truyện, tôi moi ra được mỗi một đoạn, “nhẹ nhàng” thôi, nhưng vì ít nên quí. Đoạn này được trích trong truyện ngắn “Đường Xa Ướt Mưa” trang 66.

“Nhưng khi làm tình với cô thì quả là tuyệt diệu. Cô không để Jimmy hôn môi, nhưng động tác của cô thật dịu dàng, hai bàn tay mát dịu, cô vuốt ve hắn từ vai xuống ngực, tận bên dưới, từ từ làm nóng người hắn, rướn người lên, bấu chặt lưng hắn khi hắn vào sâu trong cô. Làm tình với Thư cho Jimmy cảm giác khác hẳn với mấy câu kia, gợi Jimmy nhớ lúc còn bồ bịch với Linda, sau này khi Linda làm vợ hắn thì chuyện sex cứ như là thủ tục cho xong việc “làm lẹ đi, còn ngủ mà có sức ngày mai đi cày”, Linda nói. Hắn phát chán, thằng nhỏ của hắn chưa kịp dựng cờ đã xìu xuống ngay khi mới ôm Linda trong tay.”

Tôi thấy có bài giới thiệu sách của chị trên mạng. Ở đây.

Sách mới nhận được

Xin giới thiệu ba quyển sách tôi mới nhận được.

Tân Văn 80

Tưởng Niệm Phùng Thăng

Đọc Nhịp Thở của Luân Hoán

Bìa in đẹp, bạn thấy rồi. Nội dung rất tuyệt. Tân Văn 80 có rất nhiều bài vở độc đáo. Thư chủ bút rất tình cảm. Biên khảo có bài Nguyễn Phi Khanh của Lý Anh thật hấp dẫn, Mối tình của Rousseau ở Chambéry của Võ Quang Yến. Tình yêu của nữ văn sĩ Pháp George Sand của Vương Trung Hiếu. Truyện ngắn có Nhan Sắc của Nguyễn thị Thảo An, Vườn Xưa của Mặc Bích, còn nhiều bài rất hay. Cám ơn Tân Văn.

Quyển Thư Quán Bản Thảo số Tưởng Niệm Phùng Thăng nhìn sơ qua thấy rất phong phú, dày công sưu tập, và có nhiều người viết nổi danh cộng tác. Xin kể các bạn nghe sau khi đọc xong. Thành thật cảm ơn nhà văn Trần Hoài Thư.

Quyển Đọc Nhịp Thở Luân Hoán bao gồm 47 tác giả (16 nữ, 31 nam) viết về tác phẩm và tác giả Luân Hoán. Nhà thơ này tôi đã có hân hạnh giới thiệu tác phẩm Thanh Thi của ông. Chỉ nhìn danh sách 47 tác giả cũng đoán được sự hào hứng của người được đọc 47 bài phê bình văn học. Xin hứa sẽ kể bạn nghe sau khi đọc xong. Cám ơn nhà thơ Luân Hoán.

Báo mới

tân văn 78

Nhận được tạp chí Tân Văn, Sài Gòn Nhỏ và Chiến Sĩ Cộng Hòa. Xin cám ơn Đại Ca và bà chủ bút HDT.

Đuối sức vì làm việc căng thẳng nên không viết dông dài. Đọc một mạch từ đầu đến cuối tạp chí thấy rất nhiều bài hay. Xin trích một đoạn ngắn của nhà văn kiêm chủ bút Hoàng Dược Thảo viết về nhà văn Mai Thảo, làm tôi thấy bùi ngùi. Continue reading Báo mới

Là những sớm tinh mơ và Lóng lánh trời xưa – Đặng Kim Côn

Tôi nhận được tuyển tập truyện ngắn “Lóng Lánh Trời Xưa” và tập thơ “Là Những Sớm Tinh Mơ” của nhà văn Đặng Kim Côn gửi tặng.

Xin chân thành cám ơn tác giả. Continue reading Là những sớm tinh mơ và Lóng lánh trời xưa – Đặng Kim Côn

Tân Văn – Happy Thanksgiving

Tân Văn Happy Thanksgiving!

Cám ơn tòa soạn báo Tân Văn và Đại Ca đã gửi tặng số 76 – Happy Thanksgiving!

Nhận báo từ hồi đầu tháng, đọc xong rồi bận bịu quá chưa giới thiệu được, xin thông cảm. Bây giờ thì không còn nhớ lá thư của bà chủ bút Hoàng Dược Thảo đã nói những gì. Không biết quí độc giả nghĩ sao, riêng tôi những lá thư này rất thú vị và tôi thường đọc trước nhất. Một phần có lẽ vì tôi thích đọc thư, và vì thư làm tôi có cảm tưởng đọc được tâm tình của người viết. Continue reading Tân Văn – Happy Thanksgiving

tân văn 75

tân văn 75
tân văn 75

Nhận được nguyệt san Tân Văn 75 mấy tuần nay nhưng vì chưa đọc xong nên tôi chưa khoe. Tôi thích truyện ngắn Ngả Rẽ của Mặc Bích, tôi đoán người viết là phụ nữ, vì nhân vật kể chuyện (narrative) là phụ nữ. Truyện nói về cái cảm thông của người xem tranh và họa sĩ tuy hai người sống ở hai thời đại khác nhau. Truyện có không khí của Thiền, của văn hóa Nhật. Ước gì được đọc thêm nhiều truyện nữa của tác giả này. Continue reading tân văn 75

Giới thiệu sách báo

This slideshow requires JavaScript.

 

Kỷ niệm 13 năm ra đời của Thư Quán Bản Thảo với chủ đề Văn Chương Blog, qui tụ những blog được nhiều người đọc và một số blog sắp nổi tiếng như blog Chuyện Bâng Quơ của bà Tám. 🙂

Xin giới thiệu quyển thơ của Dã Quỳ, Như Hoa, Thi Hạnh, và Tiểu Thảo. Dã Quỳ là một cô bạn nhỏ tôi quen trên blog không biết cô là nhà thơ đã có nhiều tác phẩm đã xuất bản hay xuất hiện trên báo chí. Dã Quỳ bảo rằng tặng tôi để đọc chơi, cô viết trên một cái note in rất đẹp rất là nhà thơ, đừng giới thiệu gì cả làm cô mắc cở lắm. Nhưng tôi rất mến cô em nhỏ này và cả Thi Hạnh tôi cũng có dịp làm quen. Tôi nghĩ rất có thể tôi đã lạc vào blog của Tiểu Thảo và Như Hoa mà không biết.  Xin trân trọng giới thiệu những dòng thơ hồn nhiên dễ thương của các nhà thơ nữ này. Các cô có tuổi hoa thật đẹp mà thời chúng tôi không được hưởng trọn vẹn.

Tôi nhận được tặng phẩm Mùa Yêu Con của Trangđài Glassey-Trầnguyễn qua nhà văn Lê Thị Huệ chủ biên của Gió O từ lâu nhưng chưa giới thiệu. Tôi thường gặp nhà thơ Trangđài Glassey-Trầnguyễn ở hầu hết các trang mạng văn chương nổi tiếng. Cô viết rất hay và rất khỏe tôi ngưỡng mộ đã lâu. Tập thơ này là những lời hớn hở của bà mẹ có con lần đầu. Yêu con, say mê con, tất cả những cảm quan nóng hổi đều dành cho con. Tập thơ được nhiều nhà văn nổi tiếng viết giới thiệu, và nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Thơ của Trangđài đáng yêu và rất đam mê.

Tân Văn kỳ này (số 74) có nhiều bài biên khảo đặc sắc về nhà thơ Nguyễn Trãi và nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt – Phạm Cao Hoàng

1

2

Nhận được quyển Truyện và Tạp Bút “Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt” của tác giả Phạm Cao Hoàng từ tuần trước nhưng vì chưa đọc xong nên tôi chờ đến hôm nay.

Quyển sách in bằng giấy láng, tuyệt đẹp, làm tôi đọc nhưng không dám mạnh tay sợ mất đẹp. Ông có ký tặng nét chữ rất đẹp. Đây là “cuốn sách ghi lại những kỷ niệm vui buồn của một đoạn đời bốn mươi năm.” Continue reading Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt – Phạm Cao Hoàng

Sách báo nhận được trong tuần

Mấy hôm trước tôi nhận được Tân Văn, số 73 Tháng 8/2013. Trong số này có bài của nhà văn Đặng Đình Túy điểm sách quyển Sagan et Fils của Denis Westhoff, con trai của Francoise Sagan viết về bà mẹ nổi tiếng của ông ta. Link ở đây, mời bạn nếu chưa có dịp vào Quán Gió Lốc xin mời ghé thăm quán.

IMG_0001

Bao giờ cũng thế, Nhật Ký của bà Hoàng Dược Thảo là một bài không bao giờ tôi bỏ qua.

Tặng độc giả một vài câu hỏi. “Có thật Tổng thống Omar Torrijos của Panama bị lật đổ và giết chết là do lòng dân oán ghét chế độ độc tài của ông? Hay là do quyết tâm đòi chủ quyền của kinh đào Panama về lại cho người dân Panama? Có thật Tổng thống Jaime Roldos của Ecuador bị chết vì tai nạn máy bay là một sự tình cờ khi ông chống lại những công tu khai thác mỏ dầu không mang lợi nhuận cho Ecuador? Có thật Tổng thống dân chủ đầu tiên của Iran Mosadegh là người bị toàn dân Iran chán ghét? Hay ông đã bị đảo chánh, bị xử tù chỉ vì ông là người yêu nước, không … yêu những chính sách kinh tế của các cường quốc nhằm biến quốc gia ông, dân tộc của ông trở thành một đất nước “nô lệ” tư bản đời đời?”

Hỏi là trả lời vậy.

Chưa hết, có hai truyện ngắn đặc sắc. “Cô Gái và Con Chó Trắng” của Nguyễn Thuyên và “Thương Nhớ Hoàng Lan” của Trần Thùy Mai. Truyện của Nguyễn Thuyên thì “plot driven” còn truyện của Trần Thùy Mai thì “character driven.” Tôi thích cách viết của Trần Thùy Mai lắm, tìm sơ sơ thấy có bài của bà trên Gió O.

Tương Tri đã xuất bản đến số thứ 5 rồi. Có chữ ký đề tặng của Tôn Nữ Thu Dung. Hơn 170 trang chữ nhỏ li ti, chất chứa rất nhiều truyện, tùy bút, thơ, một số đã đăng trên các mạng. Rất có chất lượng, in rất đẹp, chứng tỏ good taste của người chọn bài.

Đầy ắp những tên tuổi quen thuộc trên các báo mạng. Tôi không quen biết nhiều nhưng nhận ra vài tên tác giả tôi thường đọc. Chekhov, Âu thị Phục An, Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh, Hạc Thành Hoa, Hoàng Ngọc Trâm (bài viết về cái đàn piano của cô thật là cảm động), Hoàng Ngọc Tuấn (có lẽ Tương Tri thiếu cái gạch nối giữa chữ Ngọc và chữ Tuấn), Khuất Đẩu (nhà văn này có nhiều truyện đặc sắc lắm nhé), Nguyễn Lệ Uyên (tôi giới thiệu sách của ông rồi), Nguyễn Hoàng Quý (blog Hồng Ngọc, nhà văn này bặt thiệp và nhanh chân chạy tung tăng khắp nơi), Nguyễn thị Khánh Minh (tôi đã gặp nhà thơ trong một buổi họp ở Đại học Temple Philadelphia), Nguyễn thị Minh Ngọc (nhà văn thần tượng thời niên thiếu của tôi), Trân Sa, Tôn Nữ Thu Dung, Trần thị Nguyệt Mai, Trần Hoài Thư, Trần Văn Nghĩa (tôi không quen nhà thơ nhưng nhà thơ này quen với một người quen của tôi, quen từ hồi xa xưa, thời gian thêm dấu mũ biến chữ quen thành chữ quên, nên bây giờ đã quên nhau rồi), … còn nhiều nhưng không thể kể hết xin các tác giả khác thứ tội.

Tôi nghĩ nếu chỉ đăng văn thơ thì giới hạn sự thu hút độc giả. Nếu thêm phần tiểu luận, nhận định, phê bình thì tạp chí sẽ phong phú hơn. Bìa màu nâu nhưng khi tôi scan bìa bỗng biến thành màu tím. Lạ thật. Chắc tại máy dởm.

IMG

Cám ơn Tân Văn và Tương Tri.

Những Giấc Mơ Tôi – Lữ Quỳnh

IMG

IMG_0001

IMG_0007

Tôi nhận được quyển thơ Những Giấc Mơ Tôi của nhà thơ Lữ Quỳnh gửi tặng. Lâu rồi, tôi có giới thiệu quyển Những Cơn Mưa Mùa ĐôngSinh Nhật của Một Người Không Còn Trẻ. Tôi thích một câu trong bài Gửi Một Bóng Mây này, “Giang hồ quanh quẩn một chiêm bao,” nên mời độc giả thưởng thức. Còn nhiều bài rất hay, nhưng để mai mốt đăng dần.

Đọc Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay II của Nguyễn Lệ Uyên

This slideshow requires JavaScript.

Nguyễn Lệ Uyên – Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay Tập II

Đây là lần thứ nhì tôi giới thiệu sách phê bình văn học của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên. Trước đây tôi đã viết một bài ngắn về quyển Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay 1 và Nguyễn Lệ Uyên Chân Dung Tự Vẽ. Lần này tôi sẽ giới thiệu quyển Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay II.

Trước nhất, tôi rất thích cái tựa sách, rất thơ. Nguyễn Lệ Uyên mang thơ vào những bài phê bình văn học. Đọc Nguyễn Lệ Uyên sẽ thấy phê bình văn học không khô khan.Có hai nhà phê bình tôi rất thích đọc vì những bài phê bình về thơ của các ông rất nên thơ đó là Teju Cole và Robert Bly.

Không nặng về lý thuyết, Nguyễn Lệ Uyên viết phê bình văn học theo phương pháp reader-response criticism. Ông là nhà văn theo khuynh hướng lãng mạn và hiện thực nên cách ông phê bình dựa vào khuynh hướng này. Văn của Nguyễn Lệ Uyên óng ả, trau chuốt, giàu hình ảnh và màu sắc.

Trong Trang Sách và Những Giấc Mơ Bay II, Nguyễn Lệ Uyên nhận định về tác phẩm của mười ba tác giả. Những tác giả tôi chưa đọc tác phẩm gồm có: Thảo Trường, Đỗ Hồng Ngọc, Lâm Hảo Dũng, Hạc Thành Hoa, và Phạm Chu Sa. Một vài tác phẩm của những tác giả tôi có dịp đọc qua là: Chinh Ba, Trần Hoài Thư, Khuất Đẩu, Bùi Đăng, Phạm Văn Nhàn, Âu thị Phục An, và Đặng Kim Côn.

Nói cho khiêm tốn, tôi là một người tập viết phê bình văn học nhận xét về những bài phê bình văn học. Đây là cơ hội tôi có thể so sánh luận điểm của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên với nhận định của tôi, nhất là về những tác phẩm mà cả tôi và ông cùng đọc.

Nhờ có kinh nghiệm về chiến tranh, Nguyễn Lệ Uyên nhìn thấy những chi tiết sống động trong truyện của Thảo Trường như hố bom biến thành hồ cá, chỗ chết trở nên nguồn sống của dân làng, chị Tư là biểu tượng của dân tộc Việt bị kềm kẹp giữa hai dòng chính trị. Nguyễn Lệ Uyên kết luận, Thảo Trường “chịu tù đày 17 năm dài từ Nam ra Bắc. Bởi vì ông, Thảo Trường là một nhà văn trung thực.”

Ôi! Tội nghiệp nhà văn Thảo Trường. Viết văn làm chi cho khổ.

Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên rất hào phóng với lời khen. Trong 13 tác giả, và thêm phần phụ lục nói về nhà văn kiêm dịch giả Trần Phong Giao, tôi thấy toàn là những lời khen, thật đậm đà. Điều này rất hợp ý của tôi. Cái hay của Nguyễn Lệ Uyên là ông khen rất văn chương.

Hồi mới lớn tôi có đọc một quyển sách nói về tuổi mới lớn của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Gần đây tôi có đọc vài bài blog của ông. Thú thật, những bài về Thiền và Phật Giáo của ông “già” quá đối với tôi. Tôi còn bon chen tranh giành với cuộc sống nên đọc văn ông tôi thấy như nước đổ lên cái đầu vịt (của tôi). Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên phân tích những bài thơ của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc và cuối cùng kết luận: “Làm thầy thuốc là để cứu người; làm nhà văn là để cứu đời.” Tôi muốn trêu nhà văn Nguyễn Lệ Uyên một chút. Nhà văn Thảo Trường viết văn chẳng cứu được đời mà còn lụy đến thân. Và cũng vì câu kết luận này mà tôi càng sợ bị gọi là nhà văn hơn. Tôi không muốn bị gán cho cái sứ mạng cứu đời.

Khi Nguyễn Lệ Uyên nhận định về một tác phẩm văn học, bạn sẽ muốn tìm đọc quyển ấy ngay lập tức. Tôi có đọc thơ của Hạc Thành Hoa nhiều nơi trên mạng nhưng không dám bàn về thơ. Tôi thích đọc thơ của ông và đầu tiên tôi đã chú ý đến cái bút hiệu rất đẹp. Nhận định của Nguyễn Lệ Uyên về tác giả này làm tôi càng muốn tìm đọc thêm thơ ông. Tôi xin trích một đoạn phê bình đẹp như thơ để độc giả thưởng thức.

“Căn phòng nhỏ nhìn ra con rạch êm đềm, đầy bóng râm mát, đầy tiếng ve trên những tàn cây cổ thụ và tiếng đàn và thơ. Thơ như khí trời bám khắp bốn bức vách loang lổ, đổ xuống nền gạch tàu, treo lủng lẳng trên xà ngang, ám vào mái ngói âm dương rêu phong. Thơ quấn quít bên kệ sách, ngập ngừng chao lượn trên sàn gạch màu lá bàng bay lơ lửng trong không. Tiếng mái chèo quẫy nhẹ như chiếc vây bơi con cá chẽm bên dưới dòng Cái Sơn. Xa hơn chút, tiếng máy đuôi tôm khua động mặt sóng sông Tiền. Và nữa, tiếng đạn pháo ngoài lung xa, vũng sáng nhơm nhớp hỏa châu che khuất ánh trăng. . . đã đẩy ông vào góc tường tróc lở từng mảng vôi. Ông rưng rưng sợi dây đàn căng. Ông ngậm ngùi lưng tròng nhìn qua dòng sông đang cới tay níu choàng con rạch nhỏ đặc sệt một dòng trăng vàng thấu đáy (nhưng cái đám bằng hữu “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” kẻ trước người sau, lần lượt quay về xó cũ bỏ ông lại một mình với cảnh “Gã giang hồ vẫn gác trọ cô đơn. . . Thăm ta đôi lúc cơn gió lạnh/Thổi tạt mùa đông xuống đáy mồ!”) Khoảng thời gian ấy, không bao giờ những vò rượu Lai Vung, Lấp Vò nhấn lút được những câu thơ từ chốn sâu thẳm tâm hồn ông tha thướt bước ra như một thiếu nữ khuê các. Nàng đẹp đến não nùng. Nàng Lục Bát của ông khoác áo màu hoàng yến tắm trăng. Mảnh xiêm y rơi nhẹ. Trăng ướt đẫm nàng, ve vuốt nàng rồi trần truồng phơi ra những thiên hà ngập ngừng bên cạnh con nước sông Tiền lên xuống.” trang 150 – 151.

Tôi rất đồng tình với nhà văn Nguyễn Lệ Uyên về truyện ngắn Bài Thơ Trên Xương Cụt của Chinh Ba. Nguyễn Lệ Uyên viết: “Ông vẽ lên những mảnh đời có thật, đâu đó quanh ta; về thân phận con người trong bối cảnh xã hội bị hất tung lên, mọi giá trị đạo đức văn hóa bị bổ nhào cùng những hệ lụy của chiến tranh tàn khốc, để cuối cùng kết lại là nỗi khát khao được làm người theo đúng nghĩa con người.” Trang 45. Và: “Cuộc chiến giữa nàng Út Lệ và Ba Lò Heo là cuộc đấu tranh không cân sức, giữa một bên là người nghệ sĩ và bên kia là tên đồ tể; giữa nghệ thuật và dao phay; giữa kềm tỏa, trói buộc và Tự Do! Hắn ta đã chen chân vào đời sống tinh thần của vợ. Hắn uốn nắn niềm đam mê của nàng bằng những “tiếng dao cheng chẻng chém xuống thanh giường” bằng cả những tiếng la hét, hằn học. Nói khác, ẩn ngữ “ghen bóng ghen gió” của Chinh Ba có thể hiểu đồng thời là sự áp đặt có hệ thống, có mưu đồ tính toán hẳn hòi, mà mục đích cuối cùng là nhằm triệt tiêu Tự Do và niềm đam mê cháy bỏng của người nghệ sĩ.” Trang 53.

Truyện Bài Thơ Trên Xương Cụt đăng vào tháng 10 năm 1965, có lẽ để phê bình chế độ kiểm duyệt của cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm. Lúc bấy giờ ông Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ nhưng một tác phẩm thường thì được ấp ủ hình thành rất lâu trước khi ra mắt độc giả. Một tác phẩm hay sẽ tồn tại qua nhiều thời đại. Vào một thời đại khác truyện ngắn này vẫn là biểu tượng của sự phản kháng tầng lớp lãnh đạo độc tài. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, điều quan trọng là nội dung của hình xâm và chữ xâm chứ không phải là chỗ xâm. Người ta có thể xâm tên người mình yêu ở những chỗ kín đáo. Và nếu nội dung của hình xâm hay chữ xâm thô tục thì chính người mang vết xâm phải chịu nhục, tại sao người đọc vết xâm thấy mình bị làm nhục?

Trong số mười ba (nói cho đúng, mười bốn) tác giả nhà văn Nguyễn Lệ Uyên nhận định tác phẩm chỉ có một nhà văn nữ. Nếu ông là nhà văn Hoa Kỳ có lẽ người ta đã kêu ca ầm ĩ là ông kỳ thị nhà văn nữ. Nhận xét về Âu thị Phục An, Nguyễn Lệ Uyên viết: “Văn chị cứ ‘tỉnh queo’ đến lạnh lùng trong những tình huống mà lẽ ra là đón đợi những vồn vập, rực cháy, những háo hức nồng nàn… Đọc những truyện ngắn của chị, nhiều khi tôi nghĩ, chị như một kẻ lữ hành trên con đường vắng, không có người đồng hành để trò chuyện, đành phải dồn nén lại. Sự dồn nén đó cứ lướt thướt trôi theo dòng suy nghĩ chảy xọc vào ngòi bút, giống như một thỏi băng tan chảy.” Ông cũng nhận xét nhân vật của chị Phục An có sự suy nghĩ của những người già trước tuổi. Điểm này tôi đồng tình với ông Nguyễn Lệ Uyên. Tôi phục chị Phục An lắm. Khi chị nổi tiếng với Thăm Viếng thì tôi đang mày mò tập viết văn, ngóng cổ chờ bài đăng đến thất vọng. Thật thú vị là khi chị mới hơn hai mươi nhân vật của chị suy nghĩ về tình yêu và hôn nhân như một người gấp đôi tuổi của chị nhưng bây giờ hình ảnh trong thơ của chị đầy sinh lực của tuổi hai mươi. Tôi tự hỏi khi chị viết truyện ngắn Thăm Viếng thì phong trào nữ quyền đã thấm nhập vào Việt Nam chưa. Ở Thăm Viếng tôi nhìn thấy một thái độ phản kháng ngầm. Đó là cái thái độ của một người biết mình sắp bị mất tự do. Hay đó là thái độ của một người phụ nữ chống lại trật tự định kiến của xã hội như đến tuổi thì phải lấy chồng, vị hôn phu sắp ra trận thì phải cưới gấp trước khi anh ta chết trận, phải đi thăm vị hôn phu ở quân trường, phải chìu chuộng những khao khát của người tình. Người phụ nữ phản kháng việc mình phải dàn xếp cuộc đời của mình chung quanh một người đàn ông. Nàng muốn sống cách khác, đi hướng khác. Cái hay của truyện này, theo tôi, là cái chị không nói thẳng ra, nó tạo thành sự căng thẳng kéo dài suốt truyện. Đó có phải là một quan điểm nữ quyền của tác giả không? Tôi e là tôi có cái nhìn méo mó vì tôi bị ảnh hưởng bởi quan điểm nữ quyền. Có phải đọc sách cũng giống như soi gương? Tôi đọc tư tưởng của người nhưng nhìn thấy tư tưởng của mình? Liệu người đọc có thể sai lầm khi nhìn thấy những quan điểm mà người viết không cố ý?

Những bài phê bình văn học của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên rất hấp dẫn. Ông có những nhận xét tinh tế của một người đọc nhiều và hiểu biết nhiều về tác giả vì ông có giao thiệp tiếp xúc với những nhà văn này. Đọc những bài phê bình văn học này với tôi là cơ hội vừa hiểu biết vừa thưởng thức.