Vài câu hỏi về đạo đức

Ảnh không có liên hệ gì với bài 🙂

Thật ra nguyên cái tựa đề là vài câu hỏi về đạo đức, triết học nhập môn trong hai cuồn phim, Irrational Man và the Martian.

Tôi xem phim the Martian hồi tuần trước. Trong các diễn viên điện ảnh nam của Mỹ, tôi thích Matt Damon, cái vẻ thẳng thắn tốt bụng của người Mỹ, nhưng không có cái kiêu hãnh của Tom Cruise. Damon ngay cả khi đóng vai xấu (Good Will Hunting) vẫn không làm mất cảm tình, nhưng tôi không có cảm tình với tất cả các vai tốt Cruise đóng. Tại sao? Chắc phải suy nghĩ đã.

Xem the Martian xong tôi mượn quyển sách về đọc nhưng không thấy hứng vì đã xem phim, nên bỏ đó. Tôi mượn cả quyển The Revenant, mà Leo mới được giải Oscar, vì còn đang chờ đến lượt xem phim. Tôi xem nhiều phim của DiCaprio nhưng cũng không thích diễn viên này.

Không đề cập đến những chi tiết ly kì như một người có thể làm ra nước, sử dụng uranium để sưởi ấm, có gió bão trên Hỏa tinh, v.v… hấp dẫn nhưng khó tin (và vì không phải là sự thật mà chỉ là một mơ ước của loài người, một ngày nào đó sẽ biến thành sự thật, nên nó hấp dẫn), the Martian hay người Hỏa tinh để lại cho tôi vài câu hỏi. Liệu người ta có thật sự để đi cứu một phi hành gia dám hy sinh cả năm hay sáu phi hành gia? Liệu người ta có nên hao tốn bao nhiêu tài sản để thi hành mộng ước chinh phục vũ trụ trong khi thường dân đang đau khổ nghèo đói uống nước nhiễm độc, nhiều thường dân không có bảo hiểm sức khỏe, xã hội còn bao nhiêu vấn đề chưa có cơ hội và phương tiện để giải quyết?

Tôi mới xem Irrational Man (Người Phi Lý hay Kẻ Quá Khích, Kẻ Cực Đoan) tối qua. Thấy phim của Woody Allen tôi hơi ngần ngại, vì tôi không thích cách đối thoại của diễn viên trong phim của Allen. Cái dấu ấn của Allen xuất hiện trong nhiều phim, độc thoại, hay tự hỏi, nhiều suy nghĩ, dí dỏm, hóm hỉnh, thông minh, nhưng hơi … lắp bắp. Tôi không nghĩ ra chữ để diễn tả cách đối thoại của các nhân vật (nam, chính) ngay lúc này. Nhưng Joaquin Pheonix trong vai giáo sư Abe Lucas không có cái vẻ lắp bắp này. Nhân vật nam chính của Allen thường thông minh, trí thức, giàu suy nghĩ, nhưng không thích hợp với xã hội mà nhân vật đang sống, ngay lúc này tôi nghĩ đến anh chàng Gil Pender (Owen Wilson) trong phim Midnight in Paris.

Abe Lucas cũng vậy, giáo sư dạy triết, thông minh, hấp dẫn phụ nữ, nhưng hình dáng bắt đầu suy tàn, bụng phệ, chán đời. Anh chàng tìm lại được ý chí muốn sống nhờ ý nghĩ giết người. Phim đưa ra câu hỏi về đạo đức, liệu người ta có thể giết một người xấu để cứu nhiều người tốt. Lucas giết một ông chánh án thiếu lương tâm để cứu một người mẹ có hai con đang bị khốn khổ vì ông chánh án này.

Phim cũng nhắc đến tên một số triết gia, trong đó có Kierkegaard, Kant, nhưng chỉ thoáng qua nên tôi không sợ hãi chút nào.

Đến giờ đi làm rồi và đến đây tôi cũng vừa hết ý.

Mùa này

hàng rào xuân

forsythia dưới cửa sổ của nhà thờ St. John đối diện với nhà hát thành phố, nơi này người ta có cơm từ thiện vào mỗi buổi trưa trừ ngày Chủ Nhật và Thứ Hai

hoa đầu xuân
Forsythia vài cành mọc hoang ở sau nhà
tình xuân
tình xuân
hoa lê dại
chùm hoa lê dại ở trạm xe lửa
giống tranh
vỏ cây beech, giống bức tranh không
thủy tiên
đỏm dáng như những nàng con gái khoác áo mới đầu xuân đón gió
ngồi tắm nắng
người ngồi sưởi nắng trầm tư
Vẫn còn ngủ
vẫn còn là mầm là nụ, vẫn còn ngủ giấc đầu xuân
đẹp hết mức của cái đẹp
daffodil nở hết mức đến đỉnh của cái đẹp
hoa đầu xuân ở một triền đồi
Forsythia còn gọi là hoa đầu xuân, hay là mai Mỹ, mọc ở bên hông nhà hát thành phố Newark gần trạm xe điện light rail trên một triền dốc
ô cửa kính nhà thờ
cửa sổ kính màu ở một ngôi nhà thờ cổ
vỏ cây beech
vỏ cây beech, bạn có thể tưởng tượng ra hình của cái gì đó dùm tôi không
trăng buổi sáng
trăng buổi sáng cuối mùa đông
thành phố khi chưa kịp đón xuân
thành phố vẫn còn giấc ngủ cuối đông

Mười truyện trong thư của Flaubert

Trong lúc dịch Madame Bovary, bà Lydia Davis (giải Bookerman International 2013) đọc những lá thư nhà văn Gustave Flaubert (người Pháp) viết cho Louise Colet, người yêu của Flaubert. Những mẩu chuyện ngắn trong những lá thư này được bà Davis viết lại thành truyện rất ngắn. Trích trong “Object Lessons” The Paris Review, có mười truyện nhưng tôi chỉ chọn dịch bốn truyện thôi.

Đi nha sĩ

Tuần trước tôi đi nha sĩ, thầm nghĩ rằng ông ta sẽ nhổ răng tôi. Ông ấy nói tốt hơn là chờ ít lâu để xem có bớt đau không.

Ối chà, cơn đau chẳng giảm – Tôi đau đớn vô cùng, đau đến độ lên cơn sốt. Thế là hôm qua tôi đi nhổ nó ra. Trên đường đến gặp ông nha sĩ, tôi băng ngang một cái chợ cũ, trước kia người ta dùng nơi này để hành quyết tội nhân, cũng chẳng xa xưa gì cho lắm. Lúc ấy tôi chừng sáu hay bảy tuổi. Một hôm tôi đi về nhà sau buổi học, ngang qua quảng trường này sau khi người ta vừa chấm dứt một cuộc hành quyết. Cái máy chém vẫn còn đó. Tôi thấy vết máu tươi đọng trên lề đường. Người ta đang mang cái chậu huyết đi.

Đêm qua tôi nghĩ đến tôi sẽ phải đi ngang quảng trường này để đến gặp nha sĩ, cảm thấy lo lắng chuyện của tôi, liên tưởng đến cái cảm giác bất an, của những người bị xử án hành quyết, đã từng băng ngang quảng trường này lo sợ chuyện sẽ xảy đến với họ, dù rằng chuyện của họ thì trầm trọng hơn.

Khi chìm vào giấc ngủ, tôi nằm mơ thấy cái máy chém; chuyện kỳ lạ là cô cháu bé bỏng của tôi, ngủ ở tầng dưới, cũng nằm mơ thấy cái máy chém, mặc dù tôi đã chẳng hé lộ chút nào về chuyện của tôi. Tôi tự hỏi phải chăng ý nghĩ là một chất lỏng, chảy xuống phía dưới, từ người này sang người khác, sống trong cùng một nhà.

Vợ ông Pouchet

Ngày mai tôi đi dự đám tang ở Rouen. Bà Pouchet, vợ ông bác sĩ, chết hôm qua trên đường phố. Bà ấy đang cùng cỡi ngựa với chồng; bị đột quỵ và ngã xuống. Tôi thường bị cho rằng ít cảm xúc, nhưng chuyện này làm tôi rất buồn. Pouchet là một người đàn ông tốt, nhưng ông ta bị điếc đặc và tính tình cũng không mấy vui vẻ. Ông ấy không trực tiếp khám bệnh nhân, chỉ làm việc trong ngành động vật học. Vợ của ông là một người phụ nữ Anh tính tình vui vẻ, đã giúp ông rất nhiều trong công việc của ông. Bà vẽ hình ảnh cho ông, đọc và sửa chữa bản thảo của ông: họ đi đây đi đó chung với nhau; bà ấy thật sự là người đồng hành. Ông yêu bà ấy lắm và sẽ rất là khổ sở với sự mất mát này. Louis ở nhà đối diện với họ. Anh ta tình cờ nhìn thấy cỗ xe đưa bà ấy về, và đứa con trai của bà mang xác bà ra khỏi xe; mặt bà được che lại bằng cái khăn tay. Lúc bà được khiêng vào nhà, hai chân vào trước, một thằng bé chuyên chạy vặt đến gần. Cậu bé giao một bó hoa thật to bà đã đặt mua buổi sáng hôm ấy. Ôi Shakespeare!

Một Cuộc Hành Quyết

Thêm một truyện nữa về lòng thương người của chúng ta. Ở một ngôi làng không xa lắm, có một anh chàng đã giết một người chủ ngân hàng và vợ của ông ta, sau đó hiếp cô đầy tớ và uống hết cả hầm rượu vang. Hắn bị đem ra tòa, xử tội, và bản án là cái chết. Người ta rất thích thú với câu chuyện của gã thanh niên đặc biệt bị xử án chém đầu này nên từ  khắp nơi đổ xô về đêm trước khi hành quyết – hơn mười ngàn người. Đông đến nỗi tiệm bánh mì bán hết sạch. Và các khách sạn đầy chật người đến độ người ta phải ngủ ở bên ngoài: để xem gã thanh niên bị hành quyết, người ta ngủ ngoài trời trên mặt tuyết.

Và chúng ta lắc đầu ngao ngán vì trò giết nhau của những người giác đấu La Mã. Chán chường thay, những kẻ bất tài chuyên lừa bịp.

Người Bạn Học Của Tôi

Chủ Nhật vừa qua tôi đi viếng vườn Bách Thảo. Đó là công viên Trianon, nơi một người Anh, tính tình cổ quái, đã sống. Ông trồng hoa hồng và bán sang nước Anh. Ông có trồng một vườn hoa thược dược bao gồm những loại hiếm có. Ông cũng có một đứa con gái thường tình tự với một thằng bạn học của tôi, nó tên là Barbelet. Tại vì cô gái này thằng bạn tôi tự tử chết. Nó chỉ mới mười bảy tuổi. Nó tự bắn  bằng khẩu súng lục. Tôi băng ngang sân cát rộng trong cơn gió lộng, và nhìn thấy căn nhà của Calvert, cô con gái đã từng sống nơi này. Bây giờ cô ta ở đâu? Người ta xây gần đó một cái nhà kính trồng cây, có cả cây cọ, và một giảng đường nơi các nhà làm vườn học cách gieo mầm, ghép cây, tỉa cây, và dạy lại cho người khác – tất cả những điều cần biết để nuôi dưỡng một cái cây ăn trái! Có ai nghĩ đến Barbelet nữa đâu – người đã yêu tha thiết cô gái Anh ngày ấy. Ai còn nhớ đến người bạn đam mê mãnh liệt của tôi ngày xưa?

Cô gái đi cùng chuyến xe

mộc lan mấy hôm trước

Thường thường tôi đi chuyến xe bảy giờ, đến sở lúc bảy giờ bốn mươi lăm, có dư mười lăm phút để … không làm gì hết. Tuy nhiên chuyến xe này đông quá, ít chỗ ngồi, nhiều khi người lên xe tranh giành nhau. Có nhiều lần tôi bị một anh tóc quăn da sậm giống như người Ấn độ giành đi trước. Càng ngày tôi càng có cảm giác mình là người già bị bắt nạt. Có một hôm anh ta từ phía sau lại lướt lên đi trước tôi không kềm được nên gõ vai anh nhè nhẹ, anh quay lại, tôi không nói gì, chỉ trỏ về phía sau cuối hàng. Anh hiểu ý nhưng hơi sừng sộ. Có lẽ anh nhận ra chẳng ai bênh vực anh (cũng chẳng bênh vực tôi) nên thôi, để tôi đi trước. Anh này, tôi đoán, chắc ở xứ anh mới qua đây.

Tôi đi chuyến sau, bảy giờ mười, đến sở lúc vừa chẵn tám giờ. Thật ra tôi không bị buộc phải chính xác giờ từng phút nhưng tôi quen đúng giờ. Chuyến này vắng, chỗ trống còn nhiều. Tôi chọn một chỗ gần cửa ra vào để dễ ra khỏi cửa lúc vào bến, và gần cửa sổ. Trạm sau, có một cô gái lên, đến ngồi bên cạnh tôi. Trên xe còn rất nhiều chỗ trống. Tôi thích ngồi một mình nên nghĩ ai cũng thích ngồi một mình. Cô có nhiều túi xách. Hai cái túi xách to rộng (loại tote bag có thể chứa giày, dù và các thứ hầm bà lằng) để trên đùi. Một cái bóp nhỏ (purse) đeo lủng lẳng trên vai rơi tuột vào chính giữa tôi và cô. Cô cũng như tôi không thuộc loại béo phì nên chỗ ngồi cũng không chật hẹp. Cái bóp cứ cọ vào người tôi, không đau đớn gì nhưng làm tôi phải chú ý đến sự hiện diện của cái bóp. Cứ mỗi lần xe lửa lắc lư tôi lại bị cái bóp cọ vào người, một cảm giác khó chịu và nhất là làm tôi khó tập trung vào quyển sách. Cô thấy tôi nhìn cái bóp, cô nói:
– Chỗ ngồi chật, tôi không thể làm gì hơn.
Tôi không nói gì dù trong lòng thầm nghĩ, tại sao lại phải mang nhiều túi xách đến thế. Cô ăn diện khá đẹp mắt, nhưng mang túi xách lủng củng như “bag lady”. Chỉ khi cô nói cô không thể làm gì hơn tôi mới đứng dậy xin cô vui lòng cho tôi đổi chỗ. Tôi sang chỗ khác ngồi vì trên xe còn nhiều chỗ rộng. Cô nói to và cười to với một anh khác ngồi gần đó, phía bên kia cửa sổ, đại khái là càng tốt, rộng chỗ ngồi cho cô.

Hôm sau, tôi vẫn ngồi chỗ cũ của hôm qua. Cô gái lần này lại đến ngồi bên tôi, vẫn có ba cái túi xách, nhưng lần này cô cẩn thận không để cái túi cọ lên người tôi. Như thế cô nhận ra rằng, cô có thể chọn đối xử lịch sự hơn với một bà già Á châu. Lần này tôi không đòi đổi chỗ.

Nhưng hôm sau nữa tôi chọn chỗ ngồi khác, xa cửa ra vào hơn một chút. Tôi nghĩ thầm, tôi chỉ còn chưa đầy 900 ngày là có thể về hưu, không hơi sức đâu mà tranh giành chỗ ngồi trên xe lửa. Ngay cả một chỗ sống trong cuộc đời còn không giữ được hơn trăm năm, sá gì…

Ngày đầu xuân

Đêm qua tuyết rơi một lớp mỏng dù đã chính thức là mùa xuân. Tưởng gì chứ tuyết rơi tháng Ba thì chẳng lạ. Năm ngoái trong computer của tôi lưu lại ngày 25 tháng Ba ảnh tuyết thật dày tràn trề. Sáng nay thấy ảnh hoa xuân của nàng Tôn Nữ đất Cali mà nhớ mấy câu hát xuân rất tình tứ có phần nào lẳng lơ trêu ghẹo các nàng thiếu nữ của Phạm Duy. “Lòng xuân lơ đãng má xuân hồng, cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng. Đôi tám xuân đi trên mái tóc. Đêm xuân cô ngủ có buồn không. Và nhớ thêm bài hát “Đan Áo Mùa Xuân” Lệ Thu hát.

Anh sẽ về khi mai vàng trước ngõ, và lang thang chim én mang sầu về cuối trời. Quà cho em là bướm, là hoa thơm cỏ biếc, với gió mát lưng đồi, với tiếng sáo tuyệt vời.

Giá mà các nàng cứ thích quà là gió mát mai vàng cỏ biếc thế này thì các chàng dù nghèo cũng chẳng sợ… vỡ mộng.

Nói chuyện vỡ mộng làm tôi nhớ đến một bài thơ về nàng công chúa Bạch Tuyết của Bruce Bennell vì cuộc đời quá thực tế, không đẹp như cổ tích.

The True Story of Snow White (viết năm 1989) của Bruce Bennell (sinh năm 1940).

Almost before the princess had grown cold
Upon the floor beside the bitten fruit,
The Queen gave orders to her men to shoot
The dwarfs, and thereby clinched her iron hold
upon the state. Her mirror learned to lie,
And no one dared speak ill of her for fear
She might through her devices overhear.
So, in this manner, many years passed by,
And now today not even children weep
When someone whispers how, for her beauty’s sake,
A child was harried once into a grove
And doomed, because her heart was full of love,
To lie forever in unlovely sleep
Which not a prince on earth has power to break

Chuyện thật về Bạch Tuyết
Nàng công chúa thi hài vẫn chưa lạnh
Trên nền nhà quả táo dang dở vẫn nằm đó
Nữ hoàng ra lệnh quân sĩ bắn chết
Mấy chú lùn, và từ đó siết chặt gọng kềm
cai trị. Cả tấm gương thần cũng học nói dối
Chẳng còn ai dám nói sau lưng bà vì sợ
Bà nghe được bằng những máy thu âm bí mật
Tình trạng này tiếp diễn trong nhiều năm
Đến nỗi bây giờ trẻ con cũng chẳng khóc
Khi có người thì thào, chỉ vì vẻ đẹp của nữ hoàng, mà.
Đứa trẻ bị bắt cóc đem vào rừng
Số phận tai ương, chỉ vì trái tim của nàng đầy ắp yêu thương
Mãi mãi chìm trong giấc ngủ cô đơn
Chẳng có vị hoàng tử nào đủ khả năng đánh thức.

trái tuyết
Tuyết tháng Ba năm ngoái

nở xum xuê
Hoa đào tháng Ba năm nay

 

 

 

Hai bức tranh trừu tượng

Vết thương lành
Vết thương đã lành

 

Da khô
Da khô

Hai bức ảnh trên là ảnh của vỏ cây sycamore. Hai hôm liên tiếp đi rừng, tôi bỗng giật mình vì nhận ra là liên tiếp hai ngày tôi vẫn không nhớ ra cái cây có loại vỏ như thế này tên gì. Lì lợm không muốn mở sách về cây cối để tìm tên của nó. Biết đây là loại cây có cái lá hình vương miện, cũng tương tự như lá maple nhưng phần dưới cùng của lá nó phẳng hơn (theo lời mách bảo của HN). Biết là quả của nó trông giống như cái hạt của quả cóc. May quá, sáng nay thì nhớ ra tên của nó.

Chụp bằng phone Samsung. Mãi đến hôm nay vẫn còn chụp bằng auto. Hôm qua mở chế độ “phần chụp ảnh chi tiết” gọi là pro (dành cho người biết cách dùng máy ảnh như những người chuyên nghiệp) định chụp kiểu chân dung, có chọn trung tâm ảnh gần hay xa mà tí toáy mãi chẳng thành công. Tội nghiệp người đi chung phải chờ mình lâu lắc nên thôi. Về nhà mới mở cẩm nang chỉ cách sử dụng ra đọc được một hồi là đầu óc rối mù lên.

WordPress vẫn không họat động bình thường được. Lúc trước tôi dùng feature sharing của wordpress để đăng bài lên cả facebook. Nhưng hôm nay tôi sẽ đăng riêng. Bạn nào tiện với facebook thì có thể check ở đây:

https://www.facebook.com/chuyenbangquo

Cám ơn bạn đã đọc.

Có những ngày…

… bình thường, như hôm nay. Ngày của tôi, ngày nào cũng như ngày ấy, bình thường và rất ngắn. À không, tùy theo lúc, ở chỗ làm việc thì ngày rất dài, dài vô tận. Còn từ lúc thức dậy cho đến lúc đi làm, cũng như chiều từ lúc về cho đến lúc đi ngủ, thời giờ của tôi biến mất vào những việc không tên. Cằn nhằn vì không có đề tài gì hay ho để viết.
nhánh thông ở trạm xe lửa rừng âm hồnNhánh thông chụp ở trạm xe lửa có cái tên rất khiếp, rừng âm hồn. Tôi luôn luôn mê mẩn với cây thông, cây tùng. Sao mà nó có nhiều loại với đủ thứ hình dáng, tôi không biết hết tên. Đây là loại thông “pine” với lá là một chùm “ba cây kim”  Có loại có kim dài, có loại kim ngắn. Tôi không nhớ chắc, nhưng hình như có loại năm kim hay hai kim.
cây không tên
Cây này không tên, hay không biết tên. Cái chùm giống như hoa hay giống như trái khô nhỏ tí xíu, chắc cỡ đầu ngón tay út hay nhỏ hơn.ngọn thông
Loại thông khác, không có kim. Chẳng biết loại này là fir hay pruce. “Lá” của nó là một chùm gai ngắn bao chung quanh một nhánh nhỏ trông giống như một ngón tay có gai.
thông
Gốc thông này to lắm. Có cái băng ghế dành cho người đi picnic sử dụng ở góc phải và cây cột gắn bảng hiệu bên trái để so sánh.lớp băng trên hồ chưa tan
Nơi đây người ta xây vừa mới xong cái đập để giữ nước cho hồ Surprise. Nước hồ đóng băng chưa tan. Tuyết trên đường tan nên đường đi bùn nhẩy lầy lội nhớp nháp lắm.băng đóng ở vách đánúi đóng băngBăng đóng trên những kẽ núi.nấm trên khúc gỗ mục chìm trong tuyết
Nấm mọc trên gỗ mục chìm dưới tuyết vừa mới tan.

 

 

Người Việt ở New Jersey ăn Tết (muộn)

Dù không được mừng Xuân theo kiểu Việt Nam với khí hậu ấm áp (hay mát mẻ) người Việt ở New Jersey vẫn ăn Tết. Tết Việt ở New Jersey có không khí đặc biệt với màn trình diễn văn nghệ. Giới thiệu bằng hai thứ tiếng Việt và Mỹ vì có người Mỹ tham dự. Trẻ em lên làm MC, và hát, giọng có pha cách phát âm của người ngoại quốc. Thức ăn bán cho người đến xem nhạc có bánh chưng, thịt kho, cải chua, bánh mì, bánh cuốn,… . Không đốt pháo thiệt được thì đốt pháo điện, đèn chớp chớp, nổ xẹt xẹt, tưởng tượng những cái tết năm xưa, ở Sài Gòn pháo treo từ tầng hai tầng ba xuống tới đất. Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa. Đón xuân Bính Thân tưởng niệm Tết Mậu Thân, người Việt tha hương luôn luôn bước giữa hai dòng nước, hiện tại và quá khứ.

Tuy không có phương du xuân thảo địa, và ăn tết khi trăng đã tuổi 13 của Nguyên Sa chứ chưa được như trăng rằm của Nguyễn Nhược Pháp khi nàng thiếu nữ vấn đầu soi gương theo thầy mẹ đi chùa Hương; Người New Jersey may mắn được trời cho khí hậu ấm áp lên đến 62 độ F, trong khi bữa trước còn lạnh lẽo chưa đến 40.

Ảnh từ trên xuống dưới từ trái qua phải, sân khấu với câu cộng đồng người Việt tự do, Hoa Hậu (Việt) của New Jersey (tên Julia Nguyễn) đội vương miện, mở đầu chương trình bằng những câu giới thiệu bằng tiếng Việt (dĩ nhiên rồi nhưng xin hiểu đây là một cố gắng rất đáng yêu). Sau đó là các bài hát mừng xuân, múa lân, múa nón múa quạt, múa dù. Các em bé ra hát và múa là ăn tiền nhất.

Cái màn trình diễn tám cô áo đỏ quạt vàng rất được tán thưởng, bởi vì người giới thiệu chương trình cho biết những nghệ sĩ trình diễn điệu vũ này đều là những bà mẹ đã có hai hay ba con. Thế mà vẫn rất xuân sắc, nuột nà, ẻo lã, thướt tha, mềm mại, các ông đứng thành nhóm cuối hậu trường la hét cổ võ um sùm, có người thậm chí hét lên You are beautiful. We love you. Mèn ơi, chắc mấy ông này là chồng hay người yêu của mấy cô này. 🙂

Có cả một màn trình diễn võ thuật đấu võ thật là đẹp mắt (thấy giống người Việt chẳng biết có phải Việt không). Bài hát Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy do ba thế hệ bà, mẹ, và em bé trình diễn rất cảm động. Rất tiếc tôi không chụp được ảnh. Tôi ngồi xa, mãi ở phía sau, lại mắc cỡ mỗi khi đứng dậy đi lên gần khán đài để chụp ảnh.

Nhớ hồi bốn năm trước đi xem văn nghệ Tết, gặp hai vợ chồng nhà văn Trần Hoài Thư, chị vẫn khỏe mạnh. Năm nay vắng vẻ hơn nhiều so với những năm trước. Văn nghệ nghiệp dư nhưng đây là một cố gắng thật lớn lao của người Việt. Tập dượt cả mấy tháng trời, biết bao nhiêu việc không tên nếu không có những người không tên giúp chắc là khó hoàn thành, và biết bao nhiêu tiền của đổ vào trong quần là áo lượt. Tôi tự hỏi khi lớp già chúng tôi chết hết rồi thì Tết của người Việt ở hải ngoại có còn tiếp tục không? Có lẽ sẽ còn, tôi hy vọng thế.

Tôi và ông Tám vào cửa thì nghe một người trong ban Tổ Chức nói, người già không thu tiền vé. Xin mời hai bác vào và người ta đưa cho hai cái vé. Ông chồng tôi tự nhiên để râu dài cả hai ba phân, bạc trắng. Tôi thì cũng bạc đầu (và may quá) không có râu. Thế là được lên hàng senior. Dù không phải tốn tiền xem văn nghệ tôi cảm thấy hơi buồn vì già trước tuổi. Giá mà người ta cứ bắt phải trả tiền chắc là vui hơn. 🙂

Sông Tuyết Hồ Băng

trại nuôi ngựa Watchung

Đây là trại nuôi ngựa và dạy cưỡi ngựa, nơi mỗi lần hiking tôi thỉnh thoảng đi ngang. Tôi thích nhìn cái Watchung Stable này vì nó đẹp, với thảm cỏ xanh, mái ngói đỏ, khóm lau khô. Mùa đông nó vẫn đẹp với màu ngói đỏ lộng lẫy trên nền tuyết trắng. Gần đây họ rào cái hàng rào ngăn cách đất của trại với đường hiking. Họ chỉ mới trồng cọc chứ chưa giăng rào ngang, chẳng biết sẽ là hàng rào gỗ hay gì nữa.

Lake Surprise đóng băng
Mặt hồ “Lake Surprise” đóng băng

Hôm trước đi ngang đây, ở khúc trên thấy có nước vì tuyết tan, đàn ngỗng Canada đang đậu trên hồ. Khúc này nước cạn, vẫn còn đóng băng mịt mùng, khi đi ngang chẳng hiểu vì sao tôi cứ nghĩ đến chuyện câu cá. Cái kiểu đục lỗ trên băng rồi ngồi câu. Lại nghĩ đến hình ảnh ông câu mặc áo tơi lá ngồi trên thuyền (bị ảnh hưởng mấy khúc phim du lịch qua Trung quốc chắc?) chứ không nghĩ đến chuyện mặc áo mùa đông màu đỏ màu vàng sáng chói của người Tây phương ngồi trên mặt băng. Hôm nay chợt nghĩ có lẽ một bài thơ cổ nằm trong tiềm thức nhắc nhở mình hình ảnh ông câu trên sông tuyết.

Giang Tuyết – Liêu Tông Nguyên
Thiên sơn điểu phi tuyệt,
Vạn kính nhân tung diệt
Cô chu toa lạp ông,
Độc điếu hàn giang tuyết

Tuyết trên sông – tựa đề do Chi Điền Hoàng Duy Từ dịch
Ngàn núi chim bay cả,
Muôn đường vắng dấu chân.
Thuyền con ông áo lá,
Sông tuyết lạnh, buông cần.
Bản dịch của Trần Trọng San.

Bài thơ và bản dịch trích trong Đường Thi Tuyển Dịch của Chi-Điền Hoàng Duy Từ.

 

Còn trên đây là ảnh cũ của mùa tuyết năm ngoái. Tuyết nhiều, cảnh đẹp, mà tôi không làm được bài thơ nào. Bây giờ vỡ lẽ ra vì sao mình không biết làm thơ. Orhan Pamuk bảo rằng phải rất là thông minh và rất là không hạnh phúc người ta mới có thể làm thơ. Tôi thiếu cả hai thứ, thôi kệ miễn hạnh phúc là đủ rồi, không cần phải làm thơ, chỉ cần đọc thơ của người khác thôi.

Nhạc Khánh Trân

Mời các bạn nghe bài hát “Sakura, Nhớ Một Mùa Hoa” do Khánh Trân sáng tác qua giọng hát của ca sĩ Diệu Hiền.

Hôm qua, tôi nghe CD nhạc của Khánh Trân gửi tặng. Tính là nghe một bài buổi sáng một bài buổi chiều, nhưng tôi nghe liên tiếp tám bài, vì hay quá, không muốn ngừng nghe. Tôi gửi email phỏng vấn Khánh Trân nhưng cô từ chối trả lời phỏng vấn. Lý do từ chối rất dễ thương, nhưng thật là rất tiếc cho các độc giả tôi yêu mến muốn biết thêm về Khánh Trân. Khánh Trân nói tự biết khả năng hạn hẹp nên không muốn quảng bá thêm làm gì.

Tôi không có căn bản về nhạc, nên chỉ nghe nhạc Khánh Trân với khả năng của một người nghe nhạc bình thường (layperson). Tôi không thể phân tích rhythm (nhịp điệu), melodies (âm thanh của nhạc), harmony (hài hòa), và tone color (chữ này không biết dịch, nói đại khái là người nghe nhạc thấy vui hay buồn, ấm áp rộn ràng hay lặng lẽ cô đơn).

Đây là một CD rất cuốn hút, người nghe dễ nhận ra đây là một giọng mới. Tôi có cảm tưởng người sáng tác là một người có cuộc sống hạnh phúc, được đời ưu đãi, nên nhạc của cô có giọng vui, lời thơ đẹp trong sáng. Ngay cả bài hát buồn nhất của Khánh Trân, “Sakura, Nhớ Một Mùa Hoa” cũng là một cái buồn dịu dàng, trầm ngâm, mơ màng. Người nghe có thể ứa một giọt nước mắt, nhưng không cảm thấy tuyệt vọng áo não. Cái buồn của bài hát như cái buồn nhẹ nhàng mỗi khi chúng ta nhìn thấy hoa anh đào, đẹp nhưng chóng tàn, cái tinh thần của wabi-sabi.

Hầu như bài nào cũng hay, dễ nghe, dễ tiếp nhận, dễ tiếp tục nghe. Những bài đặc sắc khác là “Em Tóc Ngắn” điệu valse vui tươi, “Dấu chấm tình anh,” hay “Mưa Chiều Viễn Xứ”. Các giọng hát trong CD này (Thúy Huyền, Diệu Hiền, Ngọc Quy, Hương Giang, và Quang Minh) có thể chưa được nhiều người biết đến nhưng cách trình diễn rất đạt, giọng êm ái dễ thương. Có thể nói người nghe tìm thấy dòng nhạc quen thuộc như đã nghe từ trước năm 75 ở miền Nam.

Bonus cho người nghe, và đặc biệt cho người xem. Người mẫu trong bài hát rất đẹp, đó là cô nhạc sĩ trẻ trung của chúng ta. Khánh Trân. Một điểm đặc biệt của Khánh Trân chúng ta nhìn thấy qua các đaọn phim ngắn lồng nhạc là ở nàng toát ra một vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng. Một vẻ đẹp vẫn còn phong kín của người Việt Nam. Tôi muốn biết thêm về Khánh Trân lắm, như là con của ai, học ở đâu, làm nghề gì, ai dạy nhạc cho nàng, v. v… Nhưng, rất tiếc. Ai biết gì thêm về nhạc sĩ Khánh Trân xin chia sẻ với Chuyện Bâng Quơ.

Blog của Khánh Trân ở đây –> https://ngohuykhanhtran.wordpress.com/

Xem xong rồi, nếu thích xin mời xem một tác phẩm khác của Khánh Trân, cũng hay tuyệt vời.

Sáng Chủ Nhật trời mưa

Đặt cái tựa đề như vậy là tại vì trời đang mưa. Mưa từ hôm qua và sẽ mưa cho đến hết hôm nay. Cũng may là trời ấm, nếu không thì dọn tuyết ná thở luôn. Hôm trước đọc bên blog của Ngọc Lan thấy cô viết tản văn về mưa, đọc thấy hay quá, thấm thía quá. Tôi vốn thích đọc hồi ký, kỷ niệm, những ý nghĩ thoáng qua được ghi vội.

Nếu người Inuit có vô số ngữ vựng về tuyết, thì người Việt mình có vô số những cơn mưa, trong thi ca và âm nhạc. Hôm nọ tôi nói nhớ mấy câu hát về mưa, cô Ngọc Lan tặng ngay bài Xóm Đêm do Thanh Thúy hát với nhiều hình ảnh của Sài Gòn xưa. Cũng hôm qua hôm kia gì đó có người hỏi (sẵn đây trả lời thi sĩ họ Đoàn đấy nhé) ở bên đó có mưa không, và hôm nay ngồi đây với cơn mưa tầm tã, ngập lụt sân sau, gió lồng lộng đến độ con mèo nhút nhát của tôi đòi ra ngoài, kêu ầm ĩ từ hồi ba giờ sáng thế mà tôi mở cửa nghe tiếng gió, nó chùn bước quay đầu chạy trốn ngay lập tức. Tôi không có kỷ niệm lãng mạn nào về tình yêu và những ngày mưa (thật ra thì có nhưng không dám kể, sợ chồng la!) nhưng ngồi lẩn thẩn tự hỏi mình nhớ bao nhiêu câu hát về mưa. 

Continue reading Sáng Chủ Nhật trời mưa

Hai họa sĩ Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần

Tôi ít khi đăng bài cũ nhưng khi họa sĩ Đinh Cường qua đời tôi nhớ ra là tôi có viết một bài giới thiệu cuộc triển lãm của hai họa sĩ Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần mãi từ năm 2010. Lúc ấy tôi được gửi cho cái link có nhiều tranh của hai vị họa sĩ này. Mỗi bức tranh là một photo với số pixel khá cao. Tôi có thể download nhiều tranh hơn nhưng chiếm nhiều chỗ trong computer quá nên thôi. Bây giờ thì tiếc.

Đăng lại bài cũ để tưởng niệm họa sĩ tài danh Đinh Cường, đồng thời vinh danh họa sĩ đương thời Nguyễn Đình Thuần. Cả hai vị này tôi đều không có cái vinh hạnh được quen biết. Quan niệm của tôi là nếu có vinh danh một nghệ sĩ thì nên vinh danh lúc nghệ sĩ còn tại thế, cũng như nên tặng hoa cho vợ lúc còn sống chứ đừng chờ đến chết rồi mua hoa chưng chật cả nhà quàn.

Và đây là cái link của bài cũ.

https://chuyenbangquo.wordpress.com/2010/10/20/trien-lam-tranh-cua-dinh-cuong-va-nguyen-dinh-thuan/

 

Lạnh cả không gian

Nguyên câu thơ, của ai không nhớ tên, là “lạnh cả không gian, lạnh cả lòng.” Rồi lại có người nói rằng “đất lạnh tình nồng,” hay “tay em lạnh để cho tình mình ấm.” Nói gì thì nói, thơ mấy thì thơ, nếu bạn không ở xứ lạnh thì bạn khó thể tưởng tượng ra cái lạnh chết người này. Mà lạ nhen, mấy bạn ở Canada lại ít than lạnh, còn mấy bạn ở Texas cũng ít than nóng, chỉ có một bạn ở NJ lúc nào cũng than. Lạnh cũng kêu mà nóng cũng kêu, trời dở dở ương ương càng kêu to dữ. Continue reading Lạnh cả không gian

Winter is coming

Hôm nay đúng nghĩa là mùa đông. Buổi sáng ra khỏi nhà thấy chỉ  có mười  độ F. Ngày đầu tiên trong năm 2016 một vài người tôi làm việc chung thú nhận là phải mặc hai lớp quần. Bên ngoài là lớp quần corduroy đầy cộm. Lạnh rát cả mặt.

Cái lạnh này làm tôi nghĩ đến một câu thường được  nhắc đến trong  quyển Game of Thrones. Winter is coming, có nghĩa là mùa đông đến rồi.

Vài dòng

Tôi dự định post cả nguyên tác, nhưng sáng nay cái máy scan trục trặc sao đó tôi không dùng được. Nếu các bạn muốn có nguyên tác, để so sánh với bản dịch thì nhắn vài dòng tôi sẽ đưa nguyên tác lên sau.

Suy nghĩ về tựa đề truyện ngắn này: Người kể truyện là Nick, Nick và ba người nữa trò chuyện với nhau. Giữa bốn người với nhau, câu Nick nói “What do we talk about when we talk about love.” Chữ We ở đây có nghĩa là chúng ta. Continue reading Vài dòng

Sớm mai thức giấc nghĩ về nhạc Blues

Sớm mai
Sớm mai thức giấc

Nhớ câu hát của Lam Phương. Sáng nay thức giấc, nhìn quanh một mình. Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình. Biết lời tỏ tình đã có người nghe.

Tự hỏi đàn chim giật mình vì lời tỏ tình hay vì nắng lóe. Continue reading Sớm mai thức giấc nghĩ về nhạc Blues

Tình yêu là gì?

Bạn bè tôi có người đã có cháu nội cháu ngoại mà tôi thì còn ngồi đây tự hỏi tình yêu là gì. Tự hỏi là bởi vì thỉnh thoảng bắt gặp cái người ta gọi là tình yêu trong sách vở hay phim ảnh, tràn ngập cảm xúc, nồng nàn, đau đớn, ngọt ngào, say đắm,… tôi nhận ra có lẽ mình chưa bao giờ biết yêu như thế. Nói cho rõ là, yêu cái kiểu như thế.

Một vài bạn trẻ giới thiệu phim của Vương Gia Vệ “In the Mood For Love” tôi xem xong. Tôi đang cơn say, tò mò thì đúng hơn, đọc huyền thoại thần thoại. Bắt đầu là từ Harry Potter, tôi tự hỏi lịch sử và huyền thoại nằm sau những trang sách này là gì. Tật của tôi là để thỏa mãn cơn tò mò của mình tôi chỉ biết đọc sách vì chẳng quen ai để hỏi. Thế là tôi lang thang qua Lord of the Rings (đọc lâu rồi bây giờ đọc lại) rồi tiếp đến là huyền thoại Celtic và Nordic. Ở huyền thoại Celtic thì tôi lại vướng vào huyền thoại Arthur với Merlin. Camelot và Lancelot. Chưa xong vì tôi đang thắc mắc với mấy cây kiếm, thí dụ như Excalibur của vua Arthur, giá mà có thì giờ tôi sẽ tìm đọc lại Ỷ Thiên Kiếm (bằng tiếng Việt) đọc về mấy cây kiếm đao trong truyện Kim Dung bằng tiếng Anh thấy không hay, kỳ cục vậy. Đã có kiếm thì lại có hiệp sĩ (knight); trong khi tìm hiểu về hiệp sĩ và kiếm tôi bắt gặp cuốn phim The Fisher King.

Tự cái tên The Fisher King cũng đã là một huyền thoại. Ban đầu The Fisher King là một chi tiết trong huyền thoại vua Arthur. Sau đó có một nhà văn Pháp nhét vào huyền thoại này một huyền thoại mới hơn, đó là Holy Grail (cái cúp được dùng trong bữa ăn cuối cùng của Chúa và hứng máu Chúa khi ngài bị đâm vào trong hông). Phim này do hai tài tử gạo cội đóng, (cố tài tử) Robin Williams và Jeff Bridges. Thật ra tôi không thể nói là tôi hoàn toàn yêu thích phim này, tôi chỉ thích một đoạn phim trong đó Robin Williams tỏ tình với Amanda Plummer. Williams trong vai Parry, vốn là giáo sư đại học. bị bệnh tâm thần trở thành người lang thang không nhà. Thật ra ông làm ổ ở tầng hầm trong căn nhà của một người bạn. Vì một chuyện không may, Bridges trong vai Jack, được quen với Parry. Jack biết Parry đang thầm yêu một cô gái, yêu từ xa đứng nhìn mà không dám mở lời. Parry biết tất cả thói quen và sở thích của Lydia như đọc tiểu thuyết tình yêu ba xu, ăn ở đâu, vụng về như thế nào, v.v…

Với sự giúp đỡ của Jack, đóng bộ suit trắng thật kẻng cho Parry, giúp Parry và Lydia gặp mặt nhau rồi cùng đi ăn tối, và sau bữa ăn, Parry tỏ tình với Lydia. Williams tài hoa quá rồi, tôi khỏi cần nói. Khi ông tự tử chết, cô út nhà tôi báo tin cho tôi biết với cặp mắt đỏ hoe. Khi xem đoạn phim tỏ tình này tôi cũng chảy nước mắt, vì nó cảm động quá. Thật khó mà thu hút khán giả với những đoạn phim về tình yêu vì nó đã xuất hiện quá nhiều, khán giả đã nhàm, tuy nhiên đoạn phim này với tôi thật là hay. Cả hai đều thích nhau, biết là hợp tính nhau, choáng váng vì tiếng sét ái tình mà không dám tiến tới. Lydia nói tôi sẽ mời anh lên căn hộ của tôi, chúng ta sẽ uống trà, anh sẽ hôn tôi, sẽ ở lại qua đêm và sau đó anh sẽ biến mất không có cả một lời từ giả. Parry nói tôi không muốn chỉ có cuộc tình một đêm, tôi muốn có em trong đời tôi mãi mãi. Nói qua nói lại, cằm của Parry run rẩy vì cảm xúc, Lydia lên phòng của nàng. Parry nhận ra là nàng không cho chàng số điện thoại. Nếu là bạn thì bạn sẽ nghĩ thế nào. Một lời từ chối và từ biệt mãi mãi?

Tôi nhận ra sự khác biệt của đạo diễn Mỹ (Terry Gilliam) và đạo diễn Trung quốc (Vương Gia Vệ). Phim In the Mood For Love diễn tiến rất chậm, tôi sốt ruột khi phải nhìn hoài cái dáng thon thả của nàng (quên tên) đi uyển chuyển ẻo lả trong tiếng nhạc, suốt phim không có tiếng cười, những câu đối thoại khô khan, màu sắc ảm đạm. Phim The Fisher King diễn biến không ngừng, hài kịch và bi kịch xen lẫn vào nhau, đoạn phim tỏ tình đáng lẽ cheesy thì lại có chút hài hước.

Cuốn phim này quay nhiều bối cảnh ở thành phố New York. Trong Central Park có Bevildere Castle giống cảnh lâu đài Trung cổ dành cho hiệp sĩ và công chúa. Độc đáo nhất là cảnh cả ngàn người khiêu vũ điệu Valse trong Penn Station New York và Parry lẽo đẽo theo sau Lydia trong đám người đang khiêu vũ. Tôi cứ bảo thầm Robin đi nhanh lên nắm tay cô đó mà đưa cô đi một điệu Valse là cổ sẽ phải lòng ông ngay mà.

Mình sống đến già, từng tuổi này vẫn tự hỏi tình yêu là gì mà nó làm người ta khổ sở vật vã đến như thế.