Tuần trước tôi kêu rêu, giã từ mùa hạ. Tưởng đã tiễn đưa mùa hạ với “See you in September”, không ngờ ngay hôm sau trời nóng đến 34 độ C. tương đương với 94 độ F. Sáng nay trời bớt nóng nhưng nhiều mây.
Mùa hạ là mùa sen. Thi nhân đã viết, hạ thưởng lục hà trì (mùa hè có thú vui là thưởng ngoạn ao sen chắc ngắm sen một hồi nóng bức nhảy ùm xuống tắm luôn). Lại có nhà thơ khác viết, bây giờ mùa hạ sen nở tốt, một chị hai chị cũng như sen, khuyên nốt em trai giòng lệ sót (Tống Biệt Hành – Thâm Tâm). Trong trí nhớ của tôi là chữ tốt, nhưng trên mạng thấy viết là sen nở nốt. Ngạc nhiên một chút, chữ tốt thì không hay, nhưng chữ nốt thì lập lại ở câu dưới. Mà tôi thì không thể tin tưởng vào trí nhớ của tôi.

Hôm kỉa hôm kia, chị dâu đến thăm. Tôi đưa chị đi New York dạo vườn Bách Thảo sau khi đưa chị đi xem World Trade Center mới và Ground Zero. Thật may gặp lúc hoa sen của vườn Bách Thảo đang nở. Tôi chụp một mớ ảnh hoa sen vì trong trí nhớ vẫn còn in đậm những tấm ảnh hoa sen nàng Tống Mai chụp. Về nhà xem ảnh hoa sen mình chụp thấy vụng về đến buồn cười.
Người ta nói bắt chước là một hình thức của sự khen ngợi ở đỉnh cao nhất. Tôi bắt chước cái nhìn của Tống Mai nhưng đáng tiếc, tài nghệ non kém, nên chỉ được như thế này. 🙂



Tôi mãi chú ý đến hoa sen nên không chú ý đến một vẻ đẹp khác không kém phần lộng lẫy, đó là hoa súng. Tại sao người mình quí hoa sen hơn hoa súng nhỉ? Sen thì được đưa lên bàn thờ, được đề nghị dùng làm quốc hoa, được ca ngợi tượng trưng cho người quân tử gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Hoa sen có hương thơm không? Dạo sau này thấy trên mạng có nhiều tấm ảnh hoa súng rất nghệ thuật, có phải người mình đã nhận ra vẻ đẹp của loại hoa dân dã này chăng? So ra màu sắc của hoa súng lộng lẫy hơn hoa sen. Và tôi thích ăn cọng súng chấm mắm kho hay nước cá kèo kho. Nhớ mấy chục năm về trước tôi giận lẫy má tôi, không về nhà, đến nhà cô bạn học Trung học (Trần thị Hồng), được má bạn cho ăn cơm với bông súng chấm nước cá kèo kho. Ngon đến bây giờ vẫn còn nhớ. Và có lẽ vì kỷ niệm này, tôi luôn nghĩ đến Hồng, người bạn thời Trung học là tôi vẫn còn nợ bạn và mẹ của bạn một món nợ ân tình.

Hoa sen tiếng Anh là lotus tên khoa học là Nelumbo nucifera, khác với hoa súng (dĩ nhiên rồi) water lily Nymphacea. Tuy nhiên ngày xưa, người Ai Cập đã dùng chữ hoa sen (lotus) để chỉ hoa súng (water lily). Người Ai Cập rất quí hoa súng. Loại hoa này xuất hiện trong rất nhiều bức họa miêu tả việc cúng tế và lễ lạc trong hoàng cung.
Loại hoa súng quí nhất của Ai Cập thời bấy giờ là hoa súng màu xanh (hướng sang màu tím) Nymphaea caeruela, và hoa súng trắng Nymphaea lotus. Loại hoa súng xanh/tím Ai Cập này có hương thơm, nở buổi sáng đến trưa thì khép cánh lại, mở và khép hai ngày. Loại hoa súng trắng cũng có hương thơm nở ban đêm đến sáng thì khép cánh, kéo dài khoảng bốn ngày. Lá của hoa súng trắng có góc cạnh hơn và hoa tròn hơn. Tất cả những chi tiết này đều được ghi nhận trên những bức tranh vẽ hoặc khắc trên tường.
Huyền thoại kể rằng hoa súng màu xanh (blue lotus) xuất hiện từ lúc trời đất còn là một khối hỗn mang, từ bóng tối, trên mặt sóng, từ hoa sản sinh ra thần ánh sáng, hay mặt trời. Horus, chúa tể của bầu trời hiện thân là chim ưng, cũng là mặt trời còn ở dạng sơ sinh, đã xuất hiện từ trong đóa hoa súng màu xanh vừa nở, với ánh hào quang của mặt trời như cái đĩa trên đầu.
Có một huyền thoại xuất hiện sau câu truyện về Horus kể trên, bảo rằng Horus là con của Isis và Osiris (vừa là chồng vừa là anh). Con trai đầu tiên của đôi vợ chồng này là Geb (thần tượng trưng mặt đất) và Nut (thần tượng trưng vòm trời). Osiris cai quản mặt đất (hay địa cầu) nhưng bị một người em trai (hay anh) tên Set phản bội và giết chết. Thân xác của Osiris bị chặt ra thành nhiều mảnh vụn rồi vứt xuống sông Nile. Nhờ phép thuật của Isis, ông chồng được cứu sống trong một thời gian ngắn ngủi, đủ để ông có thêm một cậu con trai út đó là Horus, sau đó Osiris trở về cai trị thế giới âm ty.
Ở vườn Bách Thảo hôm ấy có đóa hoa súng màu xanh thẫm rất đẹp nhưng tôi mãi bận bịu với những đóa hoa sen nên không chú ý. Mãi đến khi về nhà mới nhận ra sự thiếu sót của mình. May nhờ có bà chị thích màu hoa súng nên nhắc nhở tôi. Bấm đại vài tấm chiếu lệ, nhờ thế mà có ảnh hoa súng. Sau đó đằng sau lưng sau gáy tôi, dường như có một chú dế nỉ non, cứ bảo tôi quay trở lại vườn Bách Thảo để chụp ảnh hoa súng kẻo lỡ một mùa hoa rồi lại than mãi chơi đến muộn.


You must be logged in to post a comment.