Nếu thời gian đi ngược

Nhiều lần tôi tự hỏi, có hay không cái gọi là tình yêu? Tình yêu, hay đó chỉ là những cảm giác nhất thời, những chuyển động xôn xao trong cơ thể và trí tưởng, gây ra bởi sự hoạt động của những kích thích tố? Nếu có tình yêu thì khi người ta hết yêu rồi, tình yêu phai tàn rồi, thì cái gọi là tình yêu đó ở đâu?

Sở dĩ tôi hỏi tôi một cách ngớ ngẩn như thế là vì hồi cuối tuần tôi xem phim “The Curious Case of Benjamin Button”; trong phim có một đoạn chàng và nàng sau khi yêu nhau, nằm bên nhau, nàng nói, “Anh có còn yêu em không khi em già cỗi da em nhăn, lưng em còng, tóc em phai màu?” Chàng trả lời bằng một câu hỏi khác. “Em có còn yêu anh không khi một ngày nào đó em phải thay tả, và đút thức ăn cho anh?”

Câu hỏi của nàng, trong phim tên Daisy do Kate Blanchet đóng, là câu hỏi chúng ta thường gặp. Câu hỏi của chàng, Bejamin Button, do Brad Pitt đóng, chúng ta ít gặp hơn. Trả lời hai câu này, là bạn gặp định nghĩa của tình yêu, một thứ tình yêu đã biến hình theo năm tháng. Khi mười chín đôi mươi, thậm chí ba mươi bốn mươi chúng ta ít nghĩ về tình yêu theo kiểu này. Chúng ta còn đang sôi nổi rượt bắt vấp ngã đau đớn về một thứ tình yêu khác.

Đôi khi tôi tự hỏi điều gì đã làm nên một tác phẩm lớn? Có phải vì nó có chứa đựng một mối tình lớn? Cái gì làm nên mối tình lớn? Một sự say mê nồng nàn vượt qua mọi ngăn cách về tuổi tác, giai cấp, giới hạn đạo đức, và đốt cháy nạn nhân như những con thiêu thân lao đầu vào ánh lửa?

Hay như thủy triều lên xuống thay đổi trường tồn theo thời gian?

Benjamin Button đặt ra câu hỏi trên, khiến chúng ta nghĩ rằng nhân vật muốn ám chỉ khi anh ta trở nên già yếu không thể kềm chế cơ thể vì thế cần phải mang tả. Thật ra Benjamin bị một chứng bệnh kỳ quái, khi mới sinh ra anh ta là ông già, và ngày càng trẻ lại, đến cuối đời thì biến thành một đứa bé sơ sinh, dĩ nhiên trẻ em phải được mặc tả và thay tả.

Tôi xem phim và bị cuốn hút, tò mò muốn biết truyện ra thế nào nên tôi đọc truyện và so sánh sự khác nhau giữa phim và truyện. Tôi nghĩ nếu bạn thích viết thì sẽ thích đọc và sẽ thích xem phim. Bởi vì phim cũng chỉ là một cách kể truyện bằng âm thanh, hình ảnh, và dĩ nhiên có câu truyện cốt truyện trong đó. Thường thường khi so sánh giữa phim và truyện người ta thường hay nói rằng thích truyện hơn phim. Tuy nhiên, nếu quan sát lâu hơn, phân tích kỹ hơn, ngẫm nghĩ, so sánh, có lẽ bạn cũng sẽ như tôi cho rằng mỗi cái có cái hay riêng. Đôi khi, bạn có thể gặp một cuốn phim mang nhiều sáng tạo, dựa vào truyện và đưa mức sáng tạo này đi xa hơn sự sáng tạo trong truyện.

Phim The Curious Case of Benjamin Button có sự sáng tạo đó. Phim dựa vào truyện của F. Scott Fitzgerald. Tác giả này nổi tiếng với những truyện như The Great Gatsby và Tender is the Night. Benjamin Button chỉ là một truyện ngắn của ông không mấy được chú ý. Tuy nhiên truyện này có một sự sáng tạo độc đáo là nhân vật của ông đi ngược thời gian.

Bây giờ tôi phải đi làm nên ngày mai tôi sẽ viết về truyện và sau đó tôi sẽ viết về phim và so sánh hai thứ với nhau. Tôi có kèm theo bài viết này một đoạn phim ngắn mà người nào đó đã gọi là đoạn hay nhất trong phim.

Lần tới sẽ tiếp.

13 thoughts on “Nếu thời gian đi ngược”

  1. Cô ơi dạo này cô viết nhiều về tình yêu nha.
    Có một phim nữa có cốt truyện hơi giống Benjamin Button mà cháu thích là Forest Gump, dù “chứng bệnh” của hai anh thì hơi khác.

    1. Viết về tình yêu để tìm điểm tương đồng với những người bạn trẻ cháu ạ. Cô cũng có xem Forrest Gump nhưng không nhớ điểm tương đồng của hai nhân vật.

  2. Giáo coi phim này cũng hơi lâu rồi nên cũng cần đọc lại để nhớ chi tiết. Chờ chị Tám viết tiếp nhe! Để coi giáo với chị có nghĩ giống nhau ko. Hình như chị có viết một đoạn ngắn về một tình yêu ko đòi đáp trả mà giáo rất thích vì giống y chang ý nghĩ của giáo…

        1. À, chị cũng thường giống như DQ vậy. Tại vì khi mình đọc, mình tưởng tượng ra khúc phim trong trí do đó khi xem phim, phim người ta làm không diễn dịch giống như trí óc mình, làm mình thất vọng. Phim lại phải bỏ mất nhiều chi tiết để có thể thu gọn trong 2 giờ, hoặc có những chi tiết không thể thực hiện được vì kỹ thuật không đủ tiến bộ. Truyện hay hơn phim thì có nhiều, The Memoirs of a Geisha là một thí dụ (theo ý thích của chị). Tuy nhiên, nghệ thuật làm phim và viết phim kịch của Mỹ đã tiến rất xa do đó phải xem phim là một tác phẩm, có thể dựa vào những chi tiết của truyện, nhưng phim không chỉ là truyện nữa. Những phim (television show) hay hơn truyện chị thấy có Sex and the City, E.T., Love Story, The Sound of Music, và The Curious Case of Benjamin Button. Chắc nghĩ thêm một chút sẽ tìm ra thêm nhưng ở ngay thời điểm này chị chỉ nghĩ được bấy nhiêu. Còn những tác phẩm nổi tiếng khác như Gone With The Wind, To Kill a Mocking Bird, Lord of the Rings thì chị thấy mỗi thứ có cái hay của nó.
          Bữa nào rảnh DQ nói chị nghe quyển sách nào DQ thấy hay hơn phim nhé.

Leave a comment