Nghĩ vụn chuyện dịch

Dr. Louise Banks: Despite knowing the journey… and where it leads… I embrace it… and I welcome every moment of it.

Đây là một câu trích dẫn từ phim Arrival. Tôi xem phim này đã lâu, xem tất cả ba lần. Lần thứ nhất, tôi xem phim này trong Blu-Ray DVD. Xem luôn phần phụ trội những chi tiết liên quan đến việc làm phim, trong đó có phần âm nhạc (sound score), làm sao cho có vẻ như là âm thanh từ người hành tinh khác (aliens). Phần sound score của Arrival là của Jóhann Jóhannsson (J. J.) . Ông J. J. có mời một ban nhạc chuyên dùng âm thanh của người nhưng cách âm thanh được phát ra thật khác lạ, có thể nói là kỳ dị, nghe giống như âm thanh của loài vật hay ở trong trường hợp này là người ở hành tinh khác để giúp ông sáng tác âm nhạc cho phim Arrival. Một hôm tôi chợt nhớ đến phim Winged Migration, trong đó phần nhạc đệm là do Bruno Coulais phụ trách. Ông Coulais sở trường dùng âm thanh của loài người, bắt chước tiếng đập cánh, tiếng thở phì phò của loài chim, rất tuyệt vời. Tôi muốn biết chữ trong khoa học được dùng để chỉ bộ môn sử dụng âm thanh này. Rồi nhớ mang máng là trong phim Arrival có. Tôi mượn phim lần thứ nhì, lần này là đĩa phim thường không phải Blu-ray DVD,  không có phần phụ trội. Tôi lại mượn phim này lần thứ ba, Blu-ray DVD. Mỗi lần mượn phim từ thư viện, những phim mới và được giải thưởng, tôi phải chờ đến lượt mình cả tháng, hay hơn. Xem đi xem lại không tìm ra chữ khoa học cho bộ môn sử dụng âm thanh người phát ra cho giống tiếng chim, hay tiếng aliens. Có từ acoustic design, có lẽ là chữ mà tôi muốn tìm. Acoustic engineering được định nghĩa là khoa học dùng để thiết kế, phân tích, và kiểm soát âm thanh. Trong khi đi tìm chữ nói về âm thanh tôi gặp lại câu nói của Tiến Sĩ Louise Banks.

Tôi không phải là người dịch chuyên môn, cũng không dịch giỏi. Chỉ dịch tạm tạm theo cái mình hiểu. Nhưng thỉnh thoảng ngồi suy nghĩ một vài chữ, thấy thú vị. Thí dụ như câu nói trên:

T. S. Louise Banks: Mặc dù biết được cuộc hành trình, nơi sẽ đến, tôi “ôm chầm choàng” lấy nó, và đón mừng nó từng giây phút.

Tôi thấy thú vị nhất là chữ “embrace.” Thú vị vì chữ này cho tôi nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Việt và Mỹ. Người viết phim kịch (Eric Heisserer) dùng chữ embrace thật hay, có vẻ văn chương đầy vẻ gắn bó, thân thiết, chờ đón, chấp nhận như vòng tay ôm của hai người thân lâu ngày gặp lại nhau. Họ dùng chữ embrace (ôm lấy, ôm chầm choàng), một hành động cụ thể và trực tiếp, cho một cuộc hành trình vốn là một diễn tiến về di chuyển của một người bao gồm cả khái niệm thời gian và không gian.

Người Việt mình ít khi dùng chữ ôm vì ít khi ôm nhau. Mẹ và con trai không ôm nhau khi đã là người lớn. Cha và con gái cũng vậy. Mẹ và con gái còn có đôi khi chứ cha và con trai lại càng không ôm nhau. Trai gái tránh không ôm nhau trước mặt người khác bởi vì cái quan niệm nam nữ thọ thọ bất thân vẫn tồn tại trong tâm thức của người Việt. Chia tay muôn trùng, người đi kẻ ở không ôm nhau. Xa nhau lâu ngày gặp lại, cũng không ôm. Bày tỏ sự vui mừng, không ôm. Tội nghiệp một người không may, cũng không ôm. Cái ôm thường để chỉ hành động cụ thể, ôm một cái gì cụ thể, ngay cả như ôm cột nhà, ôm cây dừa, ôm tảng đá, ôm người, chứ không ôm lấy như một sự chào đón nhiệt tình đối với một quan niệm hay một ý nghĩ, hay một cuộc hành trình trong tương lai. Chữ ôm trong câu nói của Louise Bank không chỉ  là chấp nhận hay tiếp nhận mà còn hân hoan chào đón; chứ không là ôm theo nghĩa cụ thể nữa. Cách dùng chữ sao mà hay!

Chỉ nghĩ bâng quơ đủ để thấy dịch là một công việc “rất” thú vị và tổn hao tâm sức. Tôi nói lảm nhảm một mình, xin bạn đọc đừng để ý.

18 thoughts on “Nghĩ vụn chuyện dịch”

    1. Ừ nhỉ, thế mà mình không nghĩ ra. “Ôm choàng” nghe nhẹ nhàng hơn “ôm chầm.” Chữ “ôm chầm” nghe gần với ôm nhầm, và hình như, có hàm ý không ưng thuận cái ôm. Lại nghĩ vụn nữa, đã choàng (lên vai của người kia, hay ôm vòng ngang eo, chẳng hạn) thì không thể ôm (vốn dĩ dùng cả hai tay?), phải vậy không ta?

  1. Reblogged this on Self-inflicted Colorless and commented:
    Cháu cũng thấy từ ôm (embrace) ngoài nghĩa ôm ấp (hugging) ra còn mang sắc thái nâng niu trân trọng hơn. Ngoài ra thì hình như nó còn có thể dùng trong ngữ cảnh khác (ví dụ: ý tưởng/ lý tưởng) thì phải 😂😂 Cô Tám cứ “lảm nhảm” nhiều vào ạ, cháu thích đọc lắm ^^

  2. Người Việt Nam ta vẫn lối nghĩ hãy còn phong kiến bào thủ lắm. Đôi khi nam nữ cũng muốn ôm nhau trước mặt mọi người, sợ người đời nói “hư thân mất nết, con nhà ai không biết dạy”, bạn bè khác phái vui mừng muốn ôm chặt lấy nhau, sợ thiên hạ nói “rồi, chắc dôi đó có tình ý”… chị ạ. Cha muốn yêu thương con gái lớn, mẹ muốn âu yếm con trai lớn cũng ngại miệng đời. Thậm chí vợ chồng cũng ngại, ít dám ôm nhau trước đam đông.
    Những quan nệm ấy cũng có mặt tốt nhưng cũng rất nhiều mặt hạn chế.
    Ôm thôi mà… sao lại khắc khe ???

    1. Những giáo điều luân lý nó thấm vào người mình, có khi tốt, có khi nó cứng ngắc ràng buộc. Cái ôm nhiều khi xoa dịu tâm hồn con người, làm chúng ta cảm thấy được yêu thương, rất cần thiết.

  3. Lảm nhảm nhiều lên nha chị, em đọc chị lảm nhảm thấy vỡ lẻ nhiều thứ trong quan niệm giữa mọi người.

      1. Ui em còm theo bài viết này đó mà, tên blog Chuyện bâng quơ mà nào có phải thế đâu, nhưng tên rất riêng và hay chị à.

  4. cô ơi con thích đọc những phân tích hay thế này về chữ nghĩa và sự khác biệt ngôn ngữ quá. Và cô viết hay quá ạ ❤

  5. Đọc note này của Tám lại nhớ cái ôm choàng sống siết đầy ấm áp của Baymax dành cho Hiro và mọi người cần tình yêu thương trong Big Hero Six. Cám ơn Tám vì những phát hiện rất tinh tế ạ! ❤

  6. Không biết tại sao nhưng nghe chữ ôm choàng cháu lại hình dung tới một cảm xúc mạnh mẽ hơn, như là bạn bè lâu ngày gặp lại sẽ ôm choàng lấy nhau, có cái gì đó bên trong thúc giục và cảm xúc ấy bộc phát qua cái ôm choàng đó. Embrace lại mang đến cảm giác dịu dàng, nhẹ nhàng và chậm rãi hơn. Không bàn về mặt ngữ nghĩa, cháu chỉ nói về cảm giác và sắc thái hai từ mang lại thôi ạ.

    1. Cám ơn cháu. Chính cô cũng không biết chữ embrace nó có nghĩa là ôm chặt, ôm choàng, ôm lấy, ôm cứng, ôm hờ. Có lẽ mình phải theo cái văn cảnh, ngữ cảnh mà tùy nghi chọn lựa. Và cái khéo của người dịch là chọn chữ vừa đúng ý mình, vừa đúng ý độc giả của mình, mà không đi xa ý của tác giả. Nếu cô dịch thoát ý, có lẽ cô sẽ nói như thế này “tôi mở rộng hai tay chào đón cuộc hành trình rồi ôm nó vào trong lòng, trân trọng nó dù biết là kết quả sẽ …”

  7. Chữ embrace trong tiếng Anh còn có nghĩa “to adopt, to acept willingly an idea”, nên thiết tưởng trong câu này tác giả dùng theo nghĩa này hơn là “to hug”.
    Tham khảo: http://www.dictionary.com/browse/embrace
    Đề xuất dịch, “Mặc dù biết trước hành trình và đích đến, nhưng tôi vẫn đón nhận nó và trân trọng từng khoảng khắc”. Nghe thuận tiếng Việt hơn.
    Vài góp ý múa rìu qua mắt thợ. : )

    1. Haha. Ai mà chẳng biết thế. Nếu cứ biết vanh vách như tra tự điển thì còn gì để mà “tám.” Cẩn thận nha bạn, coi chừng đúng là múa rìu qua mắt thợ đó 🙂

Leave a comment