Duyên hay nợ

Mèo hết hoang
Tôi để thức ăn ngay trong bếp, thử xem mấy con mèo hoang này dạn đến mức nào
nằm ngồi lổm nhổm ở sân sau
Nằm ngồi lổm nhổm ở sân sau

Mới năm giờ sáng, Nora, con mèo nhà đòi thức dậy, đòi ăn. Nó kiên nhẫn bước lên người tôi, nhồi như nhồi bột, bước qua bước lại, liếm tay, miệng kêu gừ gừ những tiếng nho nhỏ. Một hồi sau, tôi chịu thua, ngồi dậy đi cho nó ăn. Nora không ăn nhiều, thật ra nàng đòi ra ngoài vì biết đám mèo hoang đang ngồi chờ ở cửa sau.

Tôi mở đèn sân sau, nhìn ra, cả đàn mèo đang ngồi chờ. Nghe tiếng chân tôi (đàn mèo thính tai thính mũi kinh khủng) con mèo chân trắng đứng lên, hai chân chồm trên cánh cửa. Tôi lười ra sân, lấy cái đĩa to, cho thức ăn mèo vào, rồi mở toang cửa sau. Đây không phải là lần đầu, tôi làm nhiều lần rồi, đàn mèo, ít nhất là ba con dạn dĩ, thường vào ăn. Có hai con dạn nhất đi vòng vòng quanh bếp, đến bàn tôi ngồi viết, gần chỗ để thức ăn cho Nora. Thấy tôi đứng lên, hai con vụt chạy ra ngoài.

Có một hôm, cách hôm nay chắc cả tuần, tôi đứng bên hông nhà thấy Ginger đang ngoạm trong mồm một khối màu vàng, và cái khối màu vàng ấy (là con mèo con) biết rên khe khẽ. Thấy tôi chống nạnh ngó lườm lườm, nó ngần ngừ rồi chui xuống cái sàn gỗ nhà của Patty. Từ hôm cuối tháng Tám, Ginger đã sinh con lần thứ hai, tuy nhiên chỉ đến ăn thôi chứ chưa mang đám con đến. Chắc nó hiểu ý tôi, mày mà mang con đến bỏ đây cho tao nuôi là tao tóm cổ cả bọn mang đi giao cho Trung tâm nuôi giữ thú hoang.

Năm con mèo, đợt sinh con đầu tiên của Ginger, nay đã to lớn như con mèo mẹ. Tôi đã phân biệt được hầu hết những con mèo này. Con mèo mặt có vệt trắng và bốn chân trắng. Con mèo mặt có vân, mắt có viền trắng, nhưng chân không trắng. Con mèo có vân khoang màu nâu sậm. Con mèo màu vàng mặt không có rằn, nhưng ngay cổ có chấm trắng. Một con mèo rằn vàng, mặt có vân, mắt có viền trắng, gần như sinh đôi với con thứ hai. Loại mèo sọc vàng này gần như toàn là mèo đực, tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, bằng chứng là con mèo mẹ của chúng. Tôi biết có ít nhất là ba con đực. Con mèo vàng cổ có chấm trắng nhát hơn mấy con kia nên tôi không biết đó là mèo đực hay cái. Tôi đoán ít nhất là có một con cái vì Nora và cả con mèo mẹ Ginger có lần rượt đuổi một con mèo nào đó trong bọn. Mèo cái hay tấn công mèo cái. Nora chấp nhận đàn mèo hoang. Con mèo mặt trắng chân trắng thường đến gần Nora thậm chí kê mặt dụi vào nàng. Nàng có khi hoảng sợ thụt lùi, thường thì quay mặt sang chỗ khác, làm ngơ.

Có hai con mèo dạn dĩ, chân trắng và khoang nâu, thích được vuốt ve, thường hay quấn quít vào chân tôi, để yên cho tôi nhấc bổng lên. Buổi sáng chúng chờ được cho ăn, nhìn thấy tôi, vài ba con nằm lăn dưới đất, ưỡn bụng ra, để yên cho tôi vuốt ve, gãi bụng. Những con này tôi có thể chộp cổ và mang đi giao cho … công an, nhưng tôi vẫn không nỡ. Mỗi lần nhìn chúng nằm ngoan ngoãn, xếp hai chân dưới ngực, hay mỗi lần chúng chồm lên cửa nhìn cái mũi hồng hồng, nét mặt ngây thơ, tôi không nỡ lợi dụng sự tin cậy của chúng mà bắt chúng rồi đưa vào chỗ chết. Nhưng tôi sẽ nuôi đàn mèo này đến bao giờ, và bao nhiêu con? Rồi tôi nhớ lại một bài blog thuộc loại tôn giáo, hay dạy dỗ người đời cách sống, thầm nghĩ “no good deeds go unpunished” dịch thoang thoáng theo kiểu người mình thì là “làm ơn mắc oán.”

Bài blog ấy nói như vầy. Có ông sư thấy hai con chim (ngỗng hay vịt trời gì đó) chưa thiên di, ông tội nghiệp cho chúng ăn. Một thời gian sau hằng trăm con chim cũng đến ăn. Vì có thức ăn nên chúng không chịu thiên di hay không tự tìm thức ăn nữa. Rồi ông sư đột ngột qua đời. Mùa đông năm ấy, đàn chim đói lăn ra chết hết. Bài blog quy trách nhiệm cho ông sư, lỗi của ông là nuôi chim mà không tính trước để đến nỗi giết chết hằng trăm con chim. Thật ra lỗi của ông là ông chết đột ngột; một cái lỗi mà ông không biết trước, không thể tránh và càng không cố ý. Và ông cũng không thể nào ngờ đến chết rồi cũng còn bị quy lỗi giết chim. Ông chỉ muốn cứu sống hai con chim chứ ông không hề dự tính sẽ giết chết hằng trăm con chim.

Còn tôi, khi mùa đông năm nay đến, những con mèo hoang này sẽ ra sao? Inky và Ginger, và trước nữa là Boyfriend đều có cách tự tồn trong mùa đông giá rét. Nhưng năm con mèo con này có lẽ đã phần nào mất đi bản năng hoang dã của chúng. Đến một lúc nào đó không còn kham lũ mèo hoang, tôi sẽ tóm cổ chúng giao cho Trung tâm quản lý thú hoang. Tôi phải chọn cách giết gián tiếp năm con bây giờ hay chờ năm sau chúng nhân lên thành hai mươi lăm con. Và tại sao phải là tôi? Hay con tôi? Tôi không muốn bị gán cho cái tội chỉ vì muốn cứu con mèo mẹ Ginger mà trở thành kẻ sát miêu, gián tiếp giết hại mấy chục (hay mấy trăm) con mèo. Thật ra kẻ đáng bị bắt giam là con mèo mẹ Ginger, một năm sinh hai lần. Mới một năm đã cho ra đời ít nhất là mười đứa con.

Ngày xưa người ta kiểm soát sự tăng trưởng số lượng của loài mèo như thế nào? Anh van Willem, tác giả quyển sách về tu học trong thiền viện, kể rằng: Thiền sinh có khi dìm lũ mèo con dưới nước cho chết. Người ngoại giáo đem mèo chó thả vào trong thiền viện khi không còn muốn nuôi. Chó lớn vật chết mèo con. Bà Doris Lessing, văn hào Nobel, kể rằng mẹ của bà trấn nước lũ mèo con cho chết. Khi bà qua đời, chỉ trong vòng mấy tháng số lượng mèo đã tăng lên bốn mươi mốt con. Cuối cùng bố của bà, với sự tiếp sức của bà, lùa bầy mèo vào trong nhà (chuồng to) nuôi súc vật. Bố bà bắn chết hết đàn mèo. Đi rừng, tôi thỉnh thoảng gặp một vài con mèo bị đem bỏ ở cửa vào đường đi rừng. Có nhiều con mèo sợ hãi chỗ lạ nằm im trên mặt đất, không biết làm gì đi đâu. Có lần tôi gặp con mèo gầy trơ xương, nhìn chúng tôi từ xa, mà trong túi tôi không có gì có thể ăn được.

Tại sao “no good deeds go unpunished?”

Mặt trắng chân trắng
Mặt trắng chân trắng

12 thoughts on “Duyên hay nợ”

  1. Bài viết của Hà thật dễ thương. Mimi của mình cũng đánh thức mình dậy năm giờ sáng để ra ngoài đi vệ sinh chứ không chịu đi trong cat litter nữa. Chỉ khi nào kẹt lắm cô ta mới đi trong litter thôi.
    Mình nghĩ chắc Hà phải hỏi các bạn giúp Hà nuôi bớt mấy con mèo, chứ nhiều quá chắc bận lắm, tụi mình lớn tuổi quá rồi lo không nổi, thì cũng tội. Cho bớt đi Hà ơi, gặp ai cũng hỏi họ muốn nuôi mèo không???thế nào cũng có người muốn nuôi! Chúc Hà khỏe.

    1. Thường thường người ta để cho ai muốn xin về nuôi thì cho. Chừng một hai tháng con nào không có người xin thì người ta cho chết một cách nhân đạo. Cô không nỡ bắt con nào cả.

  2. thiên di, hay nhỉ
    ngẫm nghĩ, cũng cùng giống với thú cưng nhưng số phận mỗi con khác nhau
    tăng dân số là vấn đề đáng nói, rõ khổ

  3. bài viết này hay quá cô Tám ơi! cháu tự dưng nghĩ mình cũng là một con mèo hay sang nhà cô Tám “ăn” ké những bài viết thế này. đầu óc thư giãn hơn hẳn.

    cảm ơn cô rất nhiều.

    1. Ah, nếu có người tuổi trẻ tài hoa như cháu đọc và thấy thư giãn thì cô rất vui mừng. Như thế thì cô viết những bài cũng có ích lợi.

Leave a comment