Đọc 1/3 quyển sách

Mới nhất của Haruki Murakami. “Killing Commendatore.”

Quyển sách có 64 chương, gần 700 trang. Tôi chấm dứt chương 21, trang 238, tối hôm qua.

nai trong rừng sau nhà
Nai trong rừng sau nhà một buổi sáng cuối thu. Ảnh chẳng liên quan với bài.

Tôi đọc quyển này vì tôi mượn ở thư viện được ngay khi nó mới được mua về. Có vẻ như chẳng ai tranh giành với tôi cả. Bạn có biết là tôi đứng hàng thứ 123 khi chờ quyển sách nói về ông Trâm? Và tôi đứng gần thứ 699 khi chờ cuốn phim Ocean 8! Tôi thường nói là tôi không mê truyện của Murakami. Tuy nhiên ông là tác giả mà tôi đọc nhiều sách nhất. Tôi đọc sách của ông vì tôi thấy nhiều người (ở VN) đọc, để khi các bạn ở VN trò chuyện về một quyển sách nổi tiếng nào đó, tôi biết các bạn đang nói gì. Đọc, là một cách để liên hệ với người khác, để mình không cảm thấy luôn luôn là người ngoại cuộc.

Trước khi đọc quyển này, tôi chẳng đọc bài review nào cả. Tôi có cảm giác may mắn lần này, vì đọc một quyển sách mà không bị ảnh hưởng bởi sự yêu ghét quyển sách của người khác. Dù tôi vẫn bị người khác ảnh hưởng với thành kiến về tác giả.

Đây là một quyển sách thú vị, như nhiều tác phẩm khác của Haruki Murakami: 1Q84, The Wind-Up Bird Chronicle. Tôi thích Norwegian Wood hơn những quyển sau. Tôi vẫn nghĩ sách ông sẽ thú vị hơn nếu ông cắt bỏ bớt chừng phân nửa hay 1/3 tác phẩm những lúc ông sa đà kéo dài chi tiết không quan trọng. Nếu một tác giả mới có quyển sách đầu tay, liệu tác giả này có thể rề rà những chuyện không đâu để kéo dài quyển sách cho thật nặng ký, theo nghĩa đen?

Điểm hay của quyển sách là ông đọc nhiều, biên khảo nhiều, biến tài liệu biên khảo thành truyện rất tự nhiên nhuần nhuyễn. Ông kết hợp hiểu biết về hội họa (vẽ chân dung) và nhạc (opera) để tạo nên nhân vật. Tôi vẫn thích cách ông cấu tạo nhân vật. Đối thoại giữa các nhân vật cũng rất lý thú. Tôi nghĩ nếu được ngồi nghe các nhân vật của ông nói chuyện với nhau sẽ thấy thú vị và hiểu biết nhiều thêm.

Những điểm tôi không thích trong quyển sách này là ông lập lại nhiều điểm ở những quyển sách trước. Thí dụ như nhân vật của ông thường hay chui xuống lỗ, xuống hang, xuống giếng trong bóng tối. Càng ngày cách viết về tình dục của ông càng sống sượng và vô ích. Tình dục của ông như chỉ để dụ dỗ những cậu bé mới lớn, nó không được dùng để phát triển hay khai mở tình huống, cũng không dùng để nói lên những thắc mắc hay bệnh hoạn của nội tâm. Nhân vật của ông dửng dưng ngủ với hai người đàn bà có chồng, nói chuyện khêu gợi dục tình bằng điện thoại (phone sex), một cách… lãng nhách. Ông tỉ mỉ xé sợi tóc làm tám, cách ăn mặc của nhân vật, thậm chí đến cách mở tủ lạnh lấy nước uống cũng chiếm gần một đoạn văn.

Ở ngay mấy chương đầu của quyển sách, ông giải thích chữ Commendatore là Knight Commander có nghĩa là đội trưởng của đội hiệp sĩ. Đây là điển tích lấy từ vở nhạc kịch opera (Ý) Don Giovanni; hay còn gọi là Don Juan theo tiếng Spanish. Don Giovanni chuyên môn dụ dỗ đàn bà con gái làm hư danh tiếng của phụ nữ. “Commendatore” là cha của Donna Anna (một trong những người con gái rơi vào tay của kẻ thích dụ dỗ) thách đấu gươm tay đôi với Don Giovanni, và bị chàng trẻ tuổi đâm chết.

Sau 21 chương, 1/3 quyển sách, tôi vẫn không biết tên người kể truyện, một người họa sĩ chuyên vẽ chân dung và có biệt tài nắm bắt được nội tâm của người được vẽ rồi đưa vào bức họa. Anh ta khám phá ra bức họa “Killing Commendatore” được phóng tác thành người Nhật do một họa sĩ khác vẽ lại và đem dấu trong trần nhà anh họa sĩ thuê. Anh họa sĩ nhận lời vẽ chân dung cho một anh nhà giàu láng giềng tên Menshiki (có nghĩa là sự thiếu vắng màu sắc như trong một bức tranh vẽ bằng mực đen của Nhật). Cùng với Menshiki anh họa sĩ khám phá ra một cái hầm đá sâu 9 feet (khoảng 3 mét) trong hầm đá chỉ có một cái chuông và không có người, tuy nhiên ban đêm cứ vào khoảng 1 giờ rưỡi cho đến hơn 2 giờ khuya có người rung chuông. Ở cuối chương 21 cái chuông dưới hầm đá được đưa vào phòng vẽ của anh họa sĩ, và người rung chuông biến hình thành nhân vật Commendatore trong bức họa.

Murakami vẫn còn hấp dẫn được người đọc (là tôi) với những câu chuyện li kỳ quái gở siêu thực của ông. Trong những ngày mưa gió tôi quấn mền đọc quyển sách này. Còn hai ngày nữa tôi sẽ phải trả quyển sách. Bạn nghĩ tôi có nên đọc tiếp không?

 

36 thoughts on “Đọc 1/3 quyển sách”

  1. Mình thích Rừng Nạy, đọc cuốn đó đầu tiên, sau đó đọc cuốn tuyển tập truyện ngắn rồi đến Phía tây biên giới phía nam.mặt trời, đều đọc bản dịch, và thích. Những cuốn sau này đọc ko thấy thích nữa như Kafka bên bờ biển, Xứ sở kì diệu…, Biên niên sử của loài chim vặn dây cót, 1Q84. Nhiều người đọc VN mê ông này và tiếc vì ô ko đc Nobel, riêng mình thấy sự lặp lại chính mình và lặp lại các nhà văn khác ở những cuốn sau của ông là khá nhiều và truyện của ô ngày càng có xu hướng best seller hay quá dễ dãi, ko thấy có gì.mới nên ngừng đọc. Tiếc thật, cứ nghĩ ô phải là nhà văn lớn sánh ngang với Kabawata và Oe của Nhật.

    1. Thật ra mình vẫn bị thu hút mỗi khi Murakami viết về những chuyện hoang đường ly kỳ. Trong truyện này ông lặp lại câu chuyện cổ về một vị thiền sư, đạt đạo, được đem chôn dưới lòng đất. Vị thiền sư, sau đó trở thành một cái xác khô, không chết, còn một cánh tay cứ gõ vào cái cồng hằng đêm cho đến khi người ta nghe tiếng cồng đào xác ông lên, cho ông uống nước và lâu dần ông trở lại xác phàm không còn là thiền sư đã đạt đạo nữa.

      1. Chuyện hoang đường li kì của Murakami mang hơi hướng Liêu trai nên mình ko thấy có gì mới, kém mấy ông huyền ảo của Mỹ Latinh như Borges hay Marquez.

  2. Mai đọc Murakami vì thích “Norwegian Wood”, mua cả một collection của ông nhưng thất vọng, những cuốn sau này đọc rồi bỏ nửa chừng.
    Cuốn Hà đang đọc, nghe Hà nói thì biết cũng không phải là “cup of tea” của mình nữa rồi.

    Có một cuốn đọc đã lâu rồi Mai muốn giới thiệu: “The Blindness of the Heart” của Julia Franck, dịch từ German “Die Mittagsfrau”, một tác giả người Đức, về một xã hội đi bịt mắt vào thảm họa.
    Đây là một review trong New York Times:
    http://www.nytimes.com/2010/10/17/books/review/Schillinger-t.html

      1. “Come, let’s conceal ourselves more closely” … Wertheimer looked enquiringly at Helene to see if she recognized his quotation from the poest Else Laske-Schuler.
        “Life lies in all our hearts”. Quickly, casually, Helene tossed the next line back to heim.
        “As if in coffins”. Wertheimer happily completed the second verse of the poem.

  3. Mùa hè vừa rồi con út của mình discovered ông Murakami, và vì thế mới đạp xe ra thư viện nhiều lần để mượn sách chứ không thì chú cứ ru rú trong nhà– Bao nhiêu sách của ông đọc hết, riêng quyển mới nhất này.

      1. Another writer, chắc không đâu. Mình mừng vì thấy con đọc sách trớ lại. Từ khi vào trung học ham chơi video games quá không đọc sách như hồi trước.

  4. vote đọc tiếp, nhưng 2 ngày thì có vẻ hơi gấp cô nhỉ. để đến cuối tuần nằm đắp chăn đọc chắc thú vị hơn.

  5. Hình như cũng gần 2 năm cháu “nghỉ chơi” với Haruki rồi, nghe cô kể về cuốn này cũng thấy ham ham.

  6. Cô không có nhiều sách của Murakami. Tuy nhiên đây không phải là quyển sách đắt tiền nhất trong tủ sách của cô. Cô từng mua một quyển sách loại kindle với giá 45 USD vì sách in trên giấy đắt gấp ba lần. Có một vài quyển biên khảo cô cần đọc nên mua rất đắt tiền dù sách cũ đã dùng rồi. Cô không chủ trương sưu tập sách, chỉ mua khi nào không thể không mua.

  7. 🙂 HM đang đến giai đoạn lặp rồi mà cô. Nếu bước qua được hình tượng nhân vật nam điển hình thì cháu tin ông ấy sẽ dành được thành công với giải Nobel Văn Học lắm :3

  8. Sức đọc của Ba Tám thật kinh hoàng. Bần tăng xin bái phục. Với Haruki Muriami QNH cũng chỉ mới đọc Rừng Na uy nhưng rất thích những nhận định của BT khi đọc 1/3 tác phẩm này. Đồng chí vợ, mỗi lần đọc được cái gì của Haiha Nguyen là giới thiệu và “khen lấy khen để”. Thiệt vui.

  9. Em mới chỉ lướt lướt bài viết này của chị. Mỗi lần đọc cuốn nào đó của Haruki em thường phải cố gắng lắm mới đọc hết, sau đó thì quên luôn. Hẹn hôm nào thật bình tĩnh sẽ đọc hết một cuốn của tác giả. Dù sao đọc nhận xét của chị về bất cứ tác phẩm nào cũng nhận ra khía cạnh đáng giá của tác phẩm đó, theo chiều hướng nhân văn. Chị không giận khi em đọc lướt mà lại gõ còm chị nhé, bởi rất nhiều bài trước đó của chị đã nói lên tất cả.

  10. Cháu đã đọc được bốn cuốn của Haruki: rừng Na uy, Kafka bên bờ biển, Phía nam biên giới phía tây mặt trời, và Tsukuru Tazaki không màu và những năm tháng hành hương. Quyển cháu thích nhất của Haruki có lẽ là Phía nam biên giới phía tây mặt trời. Quyển sách đó với cháu khá ám ảnh, và đó cũng là quyển duy nhất của Haruki mà cháu thật sự tận hưởng khi đọc vì mọi chi tiết đều vừa đủ.

    Cháu cũng giống như cô, cũng cho rằng giá mà ông ấy có thể bỏ bớt những miêu tả tiểu tiết thừa thãi thì tốt hơn. Cháu cũng không cảm thấy vẻ đẹp của yếu tố tình dục trong truyện của Haruki. Như trong rừng Na uy, cháu không tài nào hiểu nổi tại sao Reiko và Toru lại ngủ với nhau. Trong Tazaki không màu, cháu cũng thấy cảnh làm tình với hai người bạn thân cùng một lúc sao mà thừa thãi…

    Cháu đang không biết có nên đọc Biên niên ký chim vặn dây cót không vì cháu không mặn mà lắm với Haruki. Cháu sợ đọc rồi lại bỏ dở giữa chừng (vì trừ phía nam biên giới ra quyển nào cháu cũng bỏ giữa chừng rồi qua một thời gian mới đọc tiếp).

    1. Cô không đọc hết quyển Biên niên ký. Có một hai mạch truyện hay, còn đa số là những chi tiết vớ vẩn nhưng nó vẫn khiến mình tò mò không biết đoạn sắp tới sẽ ra sao.

      1. Dạ vâng. Vậy nên trước khi đọc Haruki cháu phải cân nhắc dữ lắm tại vì cháu chỉ theo được cốt truyện một đoạn thôi. Cháu lúc nào cũng bỏ truyện một thời gian rồi đợi khi nào có hứng thú mới quay lại đọc tiếp.

Leave a comment