Vườn đền Heian Jingu

Heian Jingu là đền thờ Thần Giáo (Shinto Shrine), được phong tặng danh hiệu “Tài sản Văn hóa Quan trọng” của Nhật Bản. Theo Wikipedia, kiến trúc đền Heian lập lại theo khuôn mẫu của Chodo-in, hoàng cung thời cổ xưa.

Heian torii là cổng đền mới nhất và lớn nhất Kyoto
Outen-mon, cổng ngoài của Heian Jingu. Đây là kiểu kiến trúc nijumon, cổng có hai tầng mái và có lan can ở tầng thứ hai
Gian giữa, cũng là tòa nhà chính của đền Heian, mô phỏng theo Kyoto Imperial Palace (hoàng cung Kyoto)

Heian Jingu được xây cất vào năm 1895 để kỷ niệm 1100 năm thành lập Kyoto, tưởng niệm hoàng đế Kammu, vị hoàng đế đầu tiên của Kyoto (năm 794) và hoàng đế Komei (1831-1867) phụ hoàng của Meiji Emperor (Minh Trị Thiên Hoàng). Dự định sẽ xây cất đền theo kích thước Chyodo-in nhưng vì sơ sót mua không đủ đất để xây cất nên đền Heian chỉ được 5/8 chiều dài kích thước ban đầu. Đây là kiến trúc chịu ảnh hưởng bởi quan niệm thẩm mỹ của Trung quốc, điển hình là mái ngói xanh, rường cột sơn màu đỏ, và tường trắng. Kiến trúc của Thần Giáo thời cổ xưa ảnh hưởng quan niệm thiền màu sắc giản dị hơn. Kiến trúc sư của Heian Jingu là Ito Chuta. Năm 1976, đền và các tòa nhà chung quanh đều bị cháy rụi. Chùa được xây cất lại bằng tiền thập phương cúng dường. Vào xem chùa thì miễn phí nhưng để xem vườn của đền Heian, du khách sẽ trả một lệ phí tượng trưng.

Vườn của đền Heian bao gồm bốn vườn nhỏ bao chung quanh đền ở các hướng Nam, Tây, chính giữa, và Đông. Vườn do Ogawa Jihei (1860-1933) thiết kế. Điểm nổi bật nhất của khu vườn này là hồ Byakko-ike có khoảng hai ngàn cả cây lẫn hoa, gồm hai trăm loại khác nhau.

Hồ Soryu-ike ở vườn chính giữa. Trong hồ có một con đường làm bằng những cây cột/trụ bằng đá lấy từ những trụ cột còn thừa của hai cây cầu nổi tiếng trong Kyoto, đó là cầu Sanjo Ohashi và Gojo Ohashi. Con đường trụ đá này có tên là Garyu-kyo có nghĩa là đuôi rồng.

Ông Tám đang cưỡi đuôi rồng. Phông nền là quán trà. Chúng tôi ghé quán gọi bánh và trà xanh. Quen uống trà khô của Tàu nên trà xanh hơi lạ miệng. Nó không chát như trà Tàu nhưng sau khi nuốt cũng không có cái hậu ngọt.
Món này của tôi, bánh đậu đỏ khá ngon.
Không nhớ vị của món này, hình như là món mặn

Tôi đến nơi này hơi muộn. Trước đó vài ngày có lễ hội Jidai Matsuri rất quan trọng. Đây là đền thờ rất được nhiều người đến xem. Các bậc cha mẹ đến đây để cầu những điều tốt đẹp cho con cháu vào lúc 3, 5, hay 7 tuổi. Đôi lứa hôn nhân đến đây để cầu được hạnh phúc.

Soryuro – Castle in the corner dùng cái tên đăng ở Wikipedia nhưng ảnh là của tôi chụp. Ảnh không được sắc nét, tại chụp dở.

7 thoughts on “Vườn đền Heian Jingu”

  1. Xem những bức ảnh với phong cảnh thoáng đãng, kèm thêm giọng kể nhẩn nha giúp H phần nào thấy mình thoát được những dòng tin âm u về nạn dịch corona. Thiệt là cảm ơn chị Tám.

  2. Ảnh chụp hồ Soryu-ike nhìn bình yên quá cô ơi. Con đó giờ vẫn mê kiểu vườn thế này của Nhật. Hy vọng một ngày không xa sẽ có dịp ghé thăm trực tiếp cho thỏa lòng.

    1. Cám ơn cháu. Người Nhật có nhiều vườn nhiều chùa và đền. Hầu như ngôi chùa nào, hay ngôi đền nào cũng có một khu vườn. Nghệ thuật kiến tạo vườn của họ rất đẹp, tỉ mỉ, công phu, rất đáng đến xem một ngày rảnh rỗi.

  3. trà nhật có một điểm đặc biệt mà con thấy ít trà nào có, đó là thời gian ngâm trà. người nhật chỉ ngâm trà 10 đến 15 giây rồi rót ra uống thôi, không như thời lượng 2 3 phút của trà các nước khác. có thể vì vạy mà cô chú lạ miệng.

    1. Có lẽ cháu nói đúng. Một phần có lẽ loại trà khác, cách ướp và sấy cũng khác, bên cạnh cách pha khác khiến người uống thấy lạ miệng là phải.

  4. Rất thích bánh đậu đỏ của Nhật luôn 🙂
    Kyoto nếu được đi lại, có lẽ muốn ở đó cả tuần để đi hết các nơi mất ^^

Leave a comment