Nghĩ về phim “Ký sinh trùng”

Một trong những điểm lợi nhỏ của thời đại dịch Covid-19 là đường phố vắng xe cộ vì ai cũng buộc phải ở nhà. Sáng đi rừng, đường vắng vì ít người đi làm. Chiều về, không bị kẹt đằng sau xe buýt chở học sinh chạy một block đường lại ngừng, chờ học sinh xuống, vô lề, rồi tình tang cất bước 20 dặm một giờ.

Dùng chữ lợi nghe vô duyên, vì chuyện bệnh tật tai ương bao nhiêu người xấu số mà mình dám dùng chữ lợi, nhưng thú thật tôi bí chữ, không biết dùng chữ gì.

Cái lợi nữa là tôi được giữ sách và phim ảnh ở thư viện lâu hơn, vì thư viện đóng cửa. Chuyện này thì vừa lợi vừa bất lợi, vì có nhiều sách phim tôi muốn đọc theo chủ đề nhưng mãi chưa mượn được. Thư viện chính thức đóng cửa vào 21 tháng 3 theo lệnh Thống đốc, nhưng thật ra đã đóng cửa trước đó một tuần. Tôi có 4 cuộn phim và 17 quyển sách. Một trong 4 cuốn phim này là Parasite, được giải Oscar. Tôi áy náy cho những người đang chờ được xem phim mà không được xem. Trong khi tôi xem đã hai lần, và khi không còn hứng thú để xem lần thứ ba thì tôi xem phần phụ lục có cuộc phỏng vấn đạo diễn của cuốn phim, Bong Joon-ho.

Nếu hỏi tôi rằng phim hay không thì dĩ nhiên là phim hay. Nếu không hay làm sao được giải Oscar, nhất là đó lại là phim của một nước Á châu. Lọt vào thị trường phim Mỹ không phải là chuyện dễ, đừng nói đến Oscar. À, sẵn đây nói chuyện ngoài đề một chút, tôi thấy có một phim Việt Nam chiếu trên Netflix, Thi Mai, có cô diễn viên Á châu đánh võ, không biết có còn chiếu hay không.

Nếu hỏi tôi phim hay chỗ nào, thì với thị hiếu của một người xem phim không chuyên nghiệp, tôi thấy cốt truyện hay, và lạ, có thể nói là độc đáo. Cái ý tưởng một gia đình nghèo, dùng mưu mẹo để dần dần lọt vào gia đình giàu kiếm cuộc sống sung túc hơn dựa trên cái giàu có của chủ nhân, khá lạ, càng lạ hơn là những người này không hỗ thẹn hay che dấu mục đích của họ với nhau. Trái lại, họ khuyến khích, hỗ trợ nhau, ngay cả làm những điều trái với pháp luật là làm bằng cấp giả để dối gạt chủ nhân. Người xem phim ở Mỹ dễ dàng nhìn thấy một khía cạnh của xã hội trong phim, sự chia cách của số người giàu (1%) với người không giàu (99%). Giới phê bình phim có thể dùng lý thuyết của Karl Marx mà phân tích phim chắc là thú vị. Ngay từ đầu người xem đã thấy sự gian dối của gia đình nhà họ Kim, nhưng người xem dễ tha thứ cho họ những chuyện làm không đúng nhưng xem chừng vô hại như dùng ké wifi của nhà hàng xóm, con trai giả mạo bằng cấp để đi dạy kèm, cô con gái dùng mánh khóe của con-artist biến mình thành giáo viên dạy vẽ, dùng nghệ thuật vẽ để chữa bệnh tâm lý. Ngay cả việc cô gái, Jessica, cởi quần lót của cô trên xe, nhét vào kẹt xe khiến cho anh tài xế bị mất việc để cô đưa bố cô vào thế chỗ. Họ làm đủ thứ chuyện không phải, không đạo đức, nhưng người xem vẫn thấy cảm mến những nhân vật này và tha thứ cho họ, vì sự sinh tồn của cuộc sống. Họ đã bị rơi vào thế kẹt cần phải giở mọi thủ đoạn để sống và sau đó là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Với những thắng thế này, họ đâm ra coi thường giới chủ nhân, tuy giàu có nhưng nhẹ dạ, dễ bị lợi dụng, sống phù phiếm xa hoa, si mê hàng hiệu, trường nổi tiếng chứ không thiết gì đến giá trị thật.

Đạo diễn khéo léo trình bày khuynh hướng đối lập của hai giai cấp, giàu nghèo. Giòng họ Kim chê giòng họ Parks là ngu, họ Parks chê ngược lại là hôi. Đây là một chi tiết rất tinh tế của đạo diễn.

Nhà người Mỹ, vùng lạnh, miền Bắc và Đông Bắc có tầng hầm. Trong khi nhà Mỹ vùng nóng như Texas thì không có tầng hầm. Đôi khi ở tầng hầm không khí ít được lưu chuyển thay thế hoàn toàn bằng không khí sạch bên ngoài. Không khí trong tầng hầm bị tù đọng, hơi ẩm và khí nóng của mùa hè sinh ra rêu mốc. Người ở tầng hầm, nhất là những khi mực nước bị triều cường dâng lên cống trào ra rất hôi hám. Cái mùi ấy bám theo quần áo, da, tóc, người quen mùi không nhận ra nhưng người lạ nhận ra.

Tôi thậm chí đến bây giờ vẫn e ngại người ta ngửi thấy mùi nước canh, có hành ngò, hay cá kho, cá chiên bám vào người lúc mùa đông không mở cửa cho nhà thoáng hơi. Bị chê là nghèo và hôi, đủ để gây sự bất hòa tiềm ẩn trong lòng ông bố nhà họ Kim, và trở thành yếu tố thúc đẩy ông ta giết ông chủ nhà họ Parks.

Một điểm ấn tượng khác là cách dùng biểu tượng, nhà lầu, tầng hầm, cầu thang để nói lên giai cấp của xã hội. Chi tiết ông chồng của bà quản gia sống dưới tầng hầm bí mật mà chính chủ nhân nhà họ Parks cũng không biết sự hiện diện của tầng hầm này càng làm phim hào hứng hơn.

Có người bảo rằng không hiểu tại sao ông chồng của bà quản gia lại đi giết người. Tôi cho rằng vì bị khám phá, mất chỗ sống, vợ chết vào tay gia đình nhà họ Kim, quẫn trí đủ để ông ta biến thành kẻ sát nhân. Ông bố họ Kim trở thành tù nhân suốt đời sống dưới hầm, thay chỗ ông chồng của bà quản gia, cũng là một cách giải quyết rất hay. Phim khởi đầu ở chỗ những người trẻ nhà họ Kim đi tìm wifi ở dưới hầm và kết thúc ông bố nhà họ Kim dùng tín hiệu Morse để gửi thư cho con trai cho thấy người ta đi ngược lại với sự tiến bộ kỹ thuật của xã hội để tìm lại sự kết nối tình thân.

Người xem dễ dàng nhìn thấy gia đình họ Kim là một thứ ký sinh trùng, sống bám vào những người giàu có trong xã hội. Đạo diễn Bong Joon-ho cho biết, đối với ông, những người chủ nhân giàu có cũng chính là ký sinh trùng sống bám vào những người làm việc lao động, phục vụ ngày đêm cho giới chủ nhân.

Nghĩ trên một quan điểm khác, hai giới giàu nghèo đều nhờ cậy vào nhau để sinh tồn. Đứng trên quan điểm của người này để phán đoán người khác là ký sinh trùng thì có thể gây ra những phản ứng nhạy cảm. Nhưng có hề gì, trên giới truyền thông, người này chửi người kia có thể làm cho người ta nổi tiếng, dù chỉ là nổi tiếng xấu.

Đi rừng, giữa đường gặp cái này, trông giống trái nho xanh. Không biết nó là gì, cũng chẳng biết tên. Nhìn chung quanh chỉ có mỗi nó thôi, chứng tỏ không phải từ trên cây rụng xuống.

12 thoughts on “Nghĩ về phim “Ký sinh trùng””

  1. Cháu đi xem phim này ở rạp, phim hết cả rạp đứng dậy vỗ tay luôn. Tình tiết phim thì độc và lạ, nhưng cái kết phim hơi ám ảnh đáng sợ cô ạ 😦

    1. Đúng là phần cuối phim rất là máu me rùng rợn. Cái viễn ảnh sống dưới hầm nhà người ta một cách cô độc, không biết bao giờ thì bị chết đói hay bị khám phá cũng đáng sợ.

  2. Mình không thường xem phim, nhưng đọc bài này của Hà thấy lạ, cách viết của Hà lâm mình tưởng tượng đủ thứ. Phải nói là Hà viết rất hay và quyến rũ nữa. Đọc một hơi cho đến hết.
    Cảm ơn Hà.
    Love DTQT.

  3. phim hay nhất mà con từng xem đó cô. xem một lần mà ám ảnh hoài luôn.

    còn trái kia, con nghĩ là lai giữa nho và kiwi :))

  4. Cháu đã xem phim này ở rạp, hôm đó không tính chọn film này vĩ nghĩ nó là phim liên quan đến thể loại kinh dị, nhưng lựa chán lựa chê thôi thì chọn đại để coi cho qua 1 tuần làm việc stress. Lúc đầu vào film cũng thấy tình tiết chậm rãi, bình thường, một lúc sau cũng có hài hước xíu, và rồi tầm 1/3 film về sau, tim cháu đập nhanh, dường như mình hòa vào tình tiết và mạch cảm xúc của film luôn đó cô. Cháu nghĩ đó là 1 trong những thế mạnh của film. Làm cho người xem cuốn hút và hồi hộp theo từng thước film luôn 😀
    Furthermore, cô viết văn hay quá cô ơi, cháu chắc phải cố gắng viết nhiều để cải thiện kỹ năng viết của cháu mất thôi :p

  5. Cháu xem phim này 2 lần rồi mà vẫn thấy hấp dẫn 🙂 Phim đoạt giải Oscar nhưng không khó hiểu tí nào. Nhưng vẫn mang ý nghĩa sâu xa.
    Nếu cô mà không nói cái màu xanh xanh là quả. Thì cháu sẽ nghĩ là nấm độc 🙂 Nhìn từ trên xuống thì giống mũ nấm. Có vẻ như nó đã bị kí sinh trùng ăn.

    1. Năm nay cô đi rừng lại gặp loại trái này rụng ở nhiều nơi khác nhau, tuy vậy mỗi lần nhìn cũng chỉ thấy vỏn vẹn một trái mà thôi.

  6. Cháu thì lại không thích Ký Sinh Trùng lắm cô Tám ạ. Chắc bởi vì cháu lỡ xem nhiều phim của đạo diễn này rồi 😀

    1. Cô hiểu điều này. Nhiều khi cô cũng gặp phim người ta khen dữ lắm nhưng cô thấy nó cũng hay nhưng không hay lắm. Như La-la-land chẳng hạn.

Leave a comment