Ngày thứ 3, truyện thứ 9

Hôm trước tôi nhắc đến quyển Decameron, với 100 truyện khó mà chọn truyện nào thú vị nhất để giới thiệu với các bạn. Vì đã nhắc đến tên vở kịch “All’s well that ends well” nên hôm nay viết tiếp. “All’s well that ends well” theo nghĩa đen nghĩa là tất cả những gì tốt đẹp thì nó sẽ kết thúc tốt đẹp. Tự điển thành ngữ trên mạng giải thích là, có nhiều vấn đề khi khởi sự thật là khó khăn tưởng chừng không thể thành công, nhưng lúc kết thúc lại thành công rực rỡ đến độ người ta chấp nhận những cách thức hay mưu mẹo đã được dùng để vượt qua trở ngại.

Người ta cho rằng để viết vở kịch “All’s well that ends well” Shakespeare đã dựa vào truyện thứ 9, ngày thứ 3, trong tuyển tập Decameron của Giovanni Baccaccio. Tuyển tập này do một nhóm mười người, ba nam và bảy nữ, kể truyện để giúp vui lẫn nhau trong những ngày lìa bỏ thành phố về thôn quê trốn dịch bệnh. Shakespeare đổi tên nhân vật nữ từ Gilette of Narbonne và Bertrand (nhân vật của Boccacio) thành Helena và Bertram. Ông thêm thắt vài nhân vật. Ở đây tôi chỉ tóm tắt truyện của Boccacio.

Ở vương quốc Pháp, có ông Bá tước của vùng Roussillon tên là Isnard. Bá tước Isnard có duy nhất một con trai tên Bertrand rất đẹp trai. Bá tước vì đau yếu bệnh tật nên phải có bác sĩ túc trực trong nhà. Ông bác sĩ có danh hiệu là Master Gerard of Narbonne. Ông có một con gái đặt tên là Gilette. Narbonne là địa danh, một quận hạt ở gần Roussillon. Vì sống gần Bertrand từ lúc còn nhỏ nên Gilette thầm yêu cậu công tử con chủ, nhưng vì là con của người giúp việc (dù là công việc của bác sĩ) và mẹ lại thuộc hàng bình dân nên không được Bertrand đoái hoài dù nàng rất xinh đẹp.

Bá tước Isnard qua đời, vua triệu tập Bertrand về kinh đô (có lẽ con quan khi cha chết thì được vua nuôi dưỡng). Một thời gian sau, bác sĩ Gerard cũng qua đời. Vua Pháp bị bệnh fistula, một loại nội thương, nhiễm trùng ăn ruồng từ chỗ này sang chỗ khác như một cái ống, bao nhiêu bác sĩ đến chữa mà không khỏi. Khi nghe tin này, vốn được cha truyền nghề, Gilette biết có thể chữa bệnh cho vua nên nàng vào kinh đô xin trị bệnh cho vua. Không được vua tin, Gilette bảo rằng, nếu không chữa khỏi bệnh cho vua, thì sẽ dâng tính mệnh. Vua hứa nếu chữa được bệnh, nàng có thể chọn bất cứ vương tôn công tử nào trong triều đình để làm chồng. Tình yêu của Gilette dành cho Bertrand không hề suy giảm, trái lại ngày càng say mê, nhất là khi vào triều đình nhìn thoáng thấy Bertrand lúc này càng xinh đẹp hơn xưa rất nhiều. Chữa bệnh cho vua xong, Gilette xin được chọn Bertrand làm chồng. Vua ra lệnh Bertrand phải cưới Gilette làm vợ.

Bertrand không dám cãi lệnh vua, nhưng cũng không đồng ý lấy Gilette làm vợ, một là bị ép buộc, hai là chê Gilette thuộc giai cấp thấp, và ba là nghi ngờ vì là con nhà hầu cận có thể đã bị ông bố Bá tước đã hưởng thụ rồi. Sau khi cưới, giả vờ về quê chàng xung phong đi đánh trận ở Florence, lúc ấy Florence đang có chiến tranh với Sienese. Gilette rời kinh đô nước Pháp về quê chồng, giúp dân Roussillon trở nên thịnh vượng, ai cũng kính trọng gọi nàng là nữ Bá tước. Gilette nhắn tin gọi chồng về cai quản đất đai của gia đình, nhưng Bertrand trả lời là bao giờ Gilette lấy được chiếc nhẫn yêu quí trên ngón tay của chàng, và có được hai đứa con cho chàng, thì chàng sẽ trở về nhận nàng làm vợ. Chiếc nhẫn đó là nhẫn mang danh vị Bá tước, của gia đình, không bao giờ Bertrand cởi ra. Và nếu chàng không về nhà, không gần gũi với Gilette thì làm sao có thể có con, chẳng những một đứa mà đòi hai đứa, lại phải là con trai nữa.

Gilette từ khi yêu chàng Bá tước đẹp trai thầm khóc không biết bao nhiêu nước mắt. Bây giờ lại gạt nước mắt tìm cách thực hiện những điều kiện của ông chồng (tuy cưới rồi nhưng chưa hề động phòng) đặt ra. Nàng giả trang làm người hành hương, đến Florence, nghe ngóng biết là Bertrand đang yêu một cô gái nhà danh giá nhưng thất cơ lỡ vận trở nên rất nghèo. Mẹ cô rất muốn gả con cho người xứng đáng nhưng nghèo quá nên chưa biết phải làm gì. Gilette đến gặp bà mẹ, giải thích tình trạng của mình, muốn chinh phục chồng trở lại với nàng, xin bà giúp đỡ. Bà mẹ thương tình, giúp Gilette thực kiện mưu kế chinh phục chồng. Bà đánh tiếng, nếu Bertrand muốn cưới con gái của bà thì phải dâng lễ cưới bằng chiếc nhẫn quí giá trên tay chàng. Bertrand đồng ý. Chỉ sau đêm động phòng Gilette có thai. Gilette thưởng công bà mẹ và cô con gái đã giúp đỡ nàng rất hậu. Bà mẹ chỉ xin 100 pounds nàng tặng luôn 500 pounds cùng với vòng vàng trang sức cũng đáng giá thêm 500 pounds nữa. Bà mẹ đưa cô con gái về quê xa. Sau đó Gilette sinh đôi hai bé trai. Bertrand nghe tin người vợ vua bắt mình cưới đã bỏ đi nên trở về quê.

Gilette mang con trở về quê chồng gặp lúc Bertrand đang đãi tiệc với giới vương tôn công tử. Nàng đưa chiếc nhẫn, và cho hai đứa con trai giống chồng như đúc được gặp mặt bố. Nàng bảo đã thực hiện thành công hai điều kiện chồng đặt ra, giờ đây xin bá tước phải giữ tròn lời hứa và xem nàng là vợ. Sau khi nghe Gilette kể ra những điều nàng đã sắp đặt với sự giúp đỡ của bà mẹ và cô con gái ở Florence, Bertrand thật sự cảm động vì tình yêu của Gilette dành cho chàng nên nhận nàng làm vợ, yêu quí và kính trọng nàng cho đến cuối đời.

Tôi chọn tóm tắt truyện này nhưng không phải đây là truyện mà tôi thích nhất. Tôi chọn vì thấy Shakespeare đã chọn để viết thành vở kịch. Đây cũng không phải là vở kịch nổi tiếng của Shakespeare. Vở kịch này có nhiều chi tiết quá vô lý nhưng dễ được khán giả chấp nhận hơn khi nó thuộc loại kịch bản lãng mạn và hài hước (romance and comedy). Có lẽ với sở thích của người thời xưa, người ta có thể yêu chuộng được truyện này, nhưng với quan điểm của người đọc, phụ nữ thời bây giờ, tôi không vừa ý một vài điểm. Thứ nhất, tại sao Gilette có thể yêu một người đẹp trai nhưng xem rẻ nàng đến mức như vậy. Thứ hai, Gilettle là một người phụ nữ đẹp, có tài chữa bệnh, thông minh, giàu mưu kế, giỏi thuyết phục, biết quản lý tài sản nhà chồng nên ngày càng giàu có hơn, sao lại chịu nguy hiểm, lãng phí cuộc đời nàng như thế? Và thật là vô lý khi Bertrand ngủ với người đàn bà mà không nhận ra nàng không phải là cô gái chàng yêu. Chỉ gần gũi một đôi lần mà lại được hai con trai sinh đôi, thượng đế quả là ưu đãi Gilette. Còn bà mẹ, sao lại giúp một người đàn bà không quen lừa dối người muốn cưới con gái của bà làm cho con bà bị lỡ duyên?

Hỏi thì hỏi vậy, nhưng truyện mà, nếu hợp lý quá chắc không thành truyện.

3 thoughts on “Ngày thứ 3, truyện thứ 9”

  1. Cháu đọc xong thì cảm thấy tình cảm của nhân vật nam chính thật dễ dãi, nghe xong cảm động liền quên luôn người con gái mình yêu, chuyển sang yêu người khác. Hợp lý quá thì không phải truyện, đúng thật vậy ha cô!

Leave a comment