Sách

Lúc người ta có thể hưởng thụ thú vui học hỏi nhất, là khi về già, như tôi lúc này. Tôi thích học văn, nhưng cũng như bao nhiêu học sinh khác của tất cả những ngành học khác không phải môn nào trong văn học tôi cũng thích. Nếu bạn là học sinh, bạn bị bắt học những môn mà bạn rất chán, những môn này chính là những môn có thể làm bạn bị điểm thấp, thi rớt, bị mắng, bị phạt đủ thứ. Có nhiều khi tôi chỉ muốn học một lớp nào đó thôi và trốn tất cả các lớp khác. Học như tôi bây giờ, chỉ để cho thỏa mãn sự hiếu kỳ hay để cho đầu óc có cơ hội suy nghĩ tự vấn. Không còn sợ điểm hạng hay bị rầy mắng nữa. Lại càng không sợ phải đóng tiền học.

Tôi đang tìm hiểu hai nhánh cùng một lúc. Văn học với bối cảnh chiến tranh, và những vấn đề có liên quan đến mẹ con. Tôi chưa biết tôi muốn biết gì về chiến tranh hay mẹ con vì hai chủ đề này rộng lớn bao la quá. Mù mờ, tôi muốn biết truyện viết về chiến tranh như thế nào là truyện hay. Tôi đang nghe All Quiet on the Western Front (Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh) và bị thu hút bởi giọng đọc của Frank Muller, như một người kể chuyện xưa, vừa đủ nghe, đầy suy nghĩ, đôi khi như nói chuyện một mình. Tuy sách rất hay, hấp dẫn, nhưng ngồi trên xe lửa tôi cứ ngủ quên khi tỉnh giấc lại quay trở lại đoạn đã nghe, nên nghe hoài vẫn chưa hết. Tôi bị ốm mấy tuần nay, già cả bệnh dây dưa lâu khỏi, cảm ho thôi, nhưng thuốc ho làm tôi ngủ triền miên. Về tình mẹ con, tôi muốn đi ra ngoài giới hạn chữ hiếu, tôi muốn biết về những tình mẹ con bị đứt đoạn, hủy hoại, tình ghét nhiều hơn tình thương. Tôi cũng muốn thử tìm hiểu nếu xã hội hay quốc gia này được điều khiển (govern) bởi những bà mẹ thay vì là những nhà chính trị thì nó sẽ ra làm sao. Với chủ đề này, tôi đã đọc một số sách.

Mothers Who Think, Camille Peri và Kate Moses, biên tập.

Women Leaders of Nations của Don Nardo

Of Women Born của Adrienne Rich

Female Advantage của Sally Helgesen

Ghi lại mấy cái tựa này vì hôm qua cô út nhà tôi hỏi mẹ lúc này đọc gì. Khựng một hồi lâu vì tôi chẳng nhớ tôi đã đọc gì, mọi thứ tôi đọc như nước đổ lên đầu vịt, không thấm, không đủ cho mình suy nghĩ hay rút ra một bài học. Dẫu sao, nó để lại vài dấu vết lờ mờ, giả tỉ về sau có một chủ đề nào đó tôi quan tâm có thể những chi tiết mơ hồ này có thể trở lại và tôi sẽ tìm hiểu thêm.

Đôi khi tôi nghĩ mình không nên viết cái gì để đăng lên mạng hay in thành sách báo. Vì nghĩ đến chuyện ấy dường như mình đóng khung ý nghĩ, khó viết vì sợ bị chê hay không đăng, hoặc là trong vô thức mình cố gắng viết gò mình cho phù hợp với chủ trương của chủ biên, hay phải viết cho đàng hoàng người lớn. Tôi chỉ nên viết cho vui bản thân mình, đơn giản, kể những mẩu chuyện thời thơ ấu về một vùng đất mình đã sống, nhớ gì kể nấy, đụng đâu nói đó, không quan tâm đến hay dở, không sợ người đọc nhướng mày hỏi, nhà văn gì mà chỉ viết được có thế thôi.

Nói chuyện sách mới nhớ. Trong sở tôi có một kệ sách gọi là book swap. Ai có sách muốn tặng cứ đem cho lên kệ. Tôi thấy một bộ 50 shades of grey mới tinh, dấu dưới đáy kệ. Dường như có người nào đó không muốn người ta thấy mình đem bộ sách này để cho. Ngay cả tôi muốn lấy, dù không muốn đọc, cũng sợ người ta nhìn thấy mình với bộ sách “hư đốn” này.

Tôi lượm được một quyển sách mới keng của Oliver Sacks, Musicophilia nói về những mẩu chuyện liên quan giữa âm nhạc và não bộ. Tôi đã đọc trên mạng một vài đoạn rất thú vị trước đây nên thật là vui. Bây giờ thì phải coi lúc nào có thì giờ để đọc.

19 thoughts on “Sách”

      1. N. cũng muốn làm học trò như chị Tám, mà không được. Nhiều khi đọc được cuốn sách nào hay hay, muốn viết 1 bài nhận xét mà viết hoài không ra, hic!…

  1. Về tình mẹ con, một sách nổi tiếng (mà cháu chưa có dịp đọc) là Beloved của Toni Morrison. Xoay quanh các chủ đề gia đình/di cư/ thế hệ/ identity cháu có đọc sách của mấy tác giả gốc Á viết khá độc đáo: Maxime Hong Kingston, Lê Thị Diễm Thuý, Amy Tan.

    1. Tôi đã đọc một số truyện của Maxime Hong Kingston và Amy Tan. Tôi có sẵn vài cuốn của bà Morrison kể cả Beloved, nhưng không hiểu tại sao không muốn đọc, chắc bụt nhà không thiêng.

  2. Mình rất thích đọc những posts nghĩ gì viết nấy, nhưng khi chính mình viết vậy thì nghĩ chắc người đọc sẽ thấy tầm thường và vô duyên 🙂

    1. Nếu mình cứ đoán những gì người ta nghĩ về những điều mình viết thì sẽ rất khó viết. Thắng những ý nghĩ tiêu cực về mình cũng là một trong những điều mà người viết phải thực hiện. Mình có một câu để tự động viên là mình có quyền viết dở. Thật tình mình đọc blog, thay vì đọc sách in, là vì rất nhiều người viết có duyên, thu hút.

  3. Bà Tám khỏe lại nhiều chưa nè? Có lẽ thời tiết thay đổi nên dễ bị cảm chút thôi, phải hông ạ?

    DQ cũng chỉ thích viết vớ vẳn, linh tinh những gì loanh quanh đây thôi. Chứ giờ bảo viết đăng báo như ngày xưa thì DQ lại không đủ hứng thú để viết nữa nè Bà Tám ơi. Bởi vậy, nên cứ loanh quanh trong blog hoài là dzậy đó. Giờ thì “chữ nghĩa mớm dần con trẻ hết” ….. nên toàn đi đọc ké là nhiều. 🙂 🙂

    1. Cảm lạnh tại đi hiking và có lẽ bị allergy nữa, nhưng đỡ nhiều rồi DQ. Mấy bữa trước ho sù sụ thở phì phò như bị suyễn.
      Ừ, viết chơi thôi, viết đăng báo chỉ làm giàu cho chủ báo 🙂

      1. Bà Tám mau khỏe để mùa xuân mát mẻ này còn đi hiking tiếp nhen. 😉

        Ngày trước thì DQ cũng thỉnh thoảng gửi bài này, bài kia cho báo chí. Nhưng giờ thì không. Chỉ viết chơi cho vui và coi như ôn thêm tiếng Việt vậy thôi ờ 😉

        1. Cám ơn DQ. Nếu có khả năng và cảm hứng thì viết chứ. Nếu có báo nào đăng và trả tiền thì càng tốt hơn 🙂

    1. Cám ơn MK. Mỗi ngày đọc chừng một giờ chừng một hai tuần là xong một cuốn sách. Nhớ được gì trong cuốn sách là chuyện khác nữa.

Leave a comment