Rồi tôi cũng đọc xong quyển “A Single Man” của Christopher Isherwood. Khám phá thêm một điều Isherwood là người giúp làm cho Ray Bradbury trở nên nổi tiếng. Hôm trước tôi viết mấy dòng về cuốn phim “A Single Man” thấy phim đẹp, hay, khiến tôi muốn đọc truyện. Có lẽ vì xem phim trước đọc truyện sau nên tôi không có cảm giác “Wow!” như khi xem phim. Có lẽ lý do khiến tôi đọc truyện là trong phim có nhắc đến một quyển sách của Aldous Huxley mà tôi chưa đọc. Té ra quyển sách cũng không nói rõ hơn.
Một người bạn bảo rằng tôi “cấp tiến” lắm mới khen phim này. Nhiều người không dám khen phim nói về đồng tính luyến ái của đàn ông. Hồi lúc mới xem, cảm giác còn mạnh tôi nghĩ là tôi có thể viết rất nhiều về phim này. Tuy nhiên bây giờ nguội lại tôi không còn nhớ là mình muốn viết về cái gì.
Thật ra tôi không phải là người có tư tưởng cấp tiến. Tôi thuộc nhóm người già, khá bảo thủ. Tuy nhiên tôi phải công nhận là tôi không có ác cảm với những người đồng tính luyến ái. Thậm chí, tôi có phần nhiều thiện cảm với một số người đồng tính luyến ái. Cả nam lẫn nữ. Tôi còn nhớ có đọc một thống kê. Có khoảng sáu phần trăm người sống gần chúng ta là người đồng tính luyến ái. Kết luận là, rất có thể, có một người thân trong gia đình của chúng ta là người đồng tính luyến ái chưa công khai.
Xa xưa lắm rồi, vào đầu thập niên tám mươi, tôi và phu quân tôi đi New York chơi. Chúng tôi đi lạc vào một nơi cạnh bờ sông Hudson, nơi mà những người đồng tính luyến ái hẹn hò nhau. Lúc ấy tôi nghĩ là chúng tôi đi lạc. Nhưng bây giờ tôi nghĩ là ông nhà tôi cố ý. Ông hay tò mò nên muốn xem cho biết. Tôi nhớ là tôi có cảm giác khó chịu sượng sùng khi thấy người ta âu yếm nhau lộ liễu. Mà thú thật, tôi thuộc loại cổ lỗ sĩ đến độ trai gái âu yếm nhau công khai tôi cũng thấy mắc cỡ không muốn nhìn. (Trong phim thì không sao, kỳ thế).
Trong gia đình tôi, có một người thân đã qua đời, là người đồng tính luyến ái. Anh chàng ấy rất đẹp trai, cao ráo mảnh khảnh, bạn gái rất nhiều, và rất mến anh chàng. Anh chàng rất tài hoa, biết vẽ, biết nấu ăn, làm bánh. Học khá giỏi, tốt nghiệp kỹ sư điện. Ngay từ nhỏ, anh chàng đã có những điểm đặc biệt, nhiều nữ tính dù không có dáng dấp yểu điệu. Có nhiều điểm ở anh chàng này khiến tôi nghĩ đồng tính luyến ái là do bẩm sinh. Làm sao bạn có thể ghét khuynh hướng ái tình của một người khi người ta do bẩm sinh là như thế. Nếu người ta ghét tôi vì tôi lùn, tôi xấu xí, thì cũng là một điều bất công. Tôi nghĩ thế.
Xin các bạn tha lối, tôi “nói” ra ngoài đề tài truyện và phim “A Single Man” một chút chỉ để giải thích tôi không phải là người cấp tiến. Tôi khen phim “Đàn Ông Độc Thân” là phim đẹp, chỉ vì nó là phim đẹp.
Phim đẹp vì hình ảnh đẹp. Colin Firth mặc com lê thật hào hoa phong nhã. Những diễn viên nam khác trong phim đều đẹp. Tôi không nhớ truyện có anh chàng người mẫu làm điếm, không biết tôi có đọc nhảy trang và sót hay không. Trong truyện cậu học sinh dáng dấp cao lớn hơn là nhân vật chính, nhưng trong phim cậu học sinh dáng dấp nhỏ hơn Colin Firth. Tôi cũng không thấy trong truyện chi tiết ông giáo sư muốn tự tử, loay hoay trùm mền với cây súng, đi mua đạn, v. v…
Đoạn phim Colin Firth gặp anh chàng người mẫu làm điếm là đoạn phim đẹp. Hai người đàn ông “flirt” với nhau. Cái nhìn đắm đuối, nhìn mắt, nhìn môi, nhìn răng, nhìn nhân dáng. Cái dùng dằng rồi kiên quyết không tiến xa hơn. Tôi thở phào khi thấy ông giáo sư giữ lòng chung thủy với Jim, người tình đã chết.
Đoạn phim ông giáo sư và anh sinh viên skinny dip cũng gợi cảm. Đẹp. Nó có chút đắng cay vì đó là hai người đàn ông. Nếu đó là một người đàn ông và một người đàn bà thì người xem sẽ thấy ồ lãng mạn quá.
Cái dùng dằng giữa ông giáo sư và anh sinh viên cũng là đoạn phim hay. Người xem không biết diễn tiến sẽ như thế nào, nó tạo được cái tension. Anh sinh viên cũng là người đồng tính nhưng chưa muốn thổ lộ? Họ dùng dằng nửa muốn tiến tới, nửa không.
Tôi cũng thích câu nói của ông Giáo sư về người tình đã chết. Ông không dùng mối tình với Jim để thay thế mối tình với Charlotte (nàng tưởng lầm). Không có ai có thể thay thế Jim.
Tới giờ đi làm. Xin bạn đọc tha cho cái tật viết nhảm. Free writing mà.
Mai thấy được cái mẫn cảm và nhân bản trong bài viết này. Đồng tính là một thế giới mình không hiểu được, giống như một hành tinh khác, nhưng thông cảm với họ vì nghĩ đó là trời sinh chứ không phải người muốn. Mình có vài người bạn cùng sở đồng tính và họ là những nguòi bạn dễ thương tốt bụng nhất. Vì thế mình cũng như Hải Hà, live and let live.
Nói về phim ảnh về đồng tính, có một phim mình xem đến 2 lần ở rạp vì cinematography và diễn xuất đẹp quá. The Danish Girl do Eddie Redmayne đóng nói về một người đàn bà bị nhốt trong cơ thể của một người đàn ông và cuối cùng chỉ có thể giải thoát được để trở thành một người đàn bà qua transgender. Redmayne diễn xuất tuyệt vời trong phim này. Có lẽ con sâu ciné Hải Hà thế nào cũng đã xem rồi.
Mai
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Mai giới thiệu. Mình đã xem phim Cô Gái Đan Mạch và rất nhiều phim Eddie Redmayne đóng. Chàng diễn viên này rất có hy vọng sẽ ẵm một cái Oscar 🙂
LikeLike
Cháu nghĩ kể từ khi Tổng Thống Obama hợp thức hóa hôn nhân đồng giới ở Hoa Kỳ , đã có rất nhiều ảnh hưởng tích cực lên đời sống của công chúng khắp nơi nói chung và nền điện ảnh nói riêng. Người ta đã bắt đầu cởi mở hơn, cảm thông hơn với các bộ phim nói về giới LGBT như Carol, The Handmaiden, The Danish Girl và mới đây nhất là Moonlight… Cháu cũng tin rằng trong một tương lai không xa, khi thưởng thức một bộ phim có đề tài đồng tính, chúng ta sẽ xem mối tình của họ đẹp đẽ và bình thường như bao cặp đôi trai gái khác, không còn ranh giới về giới tính, màu da, không còn nhìn họ bằng con mắt tò mò và thương hại nữa.
LikeLiked by 1 person
Cô đồng ý với cháu. Tuy nhiên có một chi tiết cô nghĩ hơi khác. Rất có thể truyền thông với những bộ phim có cảm tình với giới LGBT đã ảnh hưởng đến việc hợp thức hóa hôn nhân cho họ rất lâu, trước khi TT Obama nhậm chức.
LikeLiked by 1 person
cảm ơn khi đã đồng cảm!
LikeLiked by 1 person