Home sweet home

Tôi ngồi lẩm cẩm nghĩ, “home sweet home” thành ngữ của người Mỹ để nói lên cái sung sướng được về nhà mình. Nghĩ đến câu hát “mênh mông không bằng nhà mình” thấy khoái chí bởi vì mấy tuần qua tôi thường xuyên ở trong mấy khách sạn nhỏ, phòng chật hẹp, chỉ có đôi ba lần ở khách sạn loại tốt rộng rãi, nhưng dẫu tốt thì một cái phòng khách sạn vẫn nhỏ hơn căn nhà có sân trước sân sau, và sân sau thì lại là cánh rừng nho nhỏ. Nghĩ đến câu hát “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” lại suy tư bởi vì nhà mình thì lại không nằm trong trong xứ mình, quê mình. Có mỉa mai không khi nhà mình lại nằm trong đất khách quê người.

Chuyến đi (hay về) Việt Nam lần này tôi không ở Sài Gòn nhiều. Chỗ ở trọ gần nhà ba người dì của ông Tám. Từ chỗ trọ đi thẳng ra kênh Nhiêu Lộc chỉ cách vài đoạn đường. Có buổi tối đi bộ vòng quanh hai bờ kênh. Sài Gòn nóng quá, ồn ào quá, lúc mát mẻ nhất là sáng sớm. Năm giờ rưỡi là trời đã ửng sáng. Năm giờ vẫn còn đèn đường, vắng xe. Đến sáu giờ là xe cộ tấp nập, nhịp sống tuôn chảy cuồn cuộn trên phố.

Tôi thấy nhiều người ngủ trên hai bờ kênh. Có người ngủ dưới chân cầu quấn mền kín mít. Có khi nhìn thấy đống mền, tôi tự hỏi có người nào nằm trong đó không, nhỏ bé quá gầy xơ xác quá nên không nhìn thấy dáng người trong mền. Có hai người có vẻ là mẹ con, bà mẹ không già mấy, đứa con mang triệu chứng Down, ôm nhau ngủ dọc theo bờ kênh. Nghe bà mẹ có lần nói với người láng giềng (cũng ngủ trên bờ kênh) cậu bé là “cục vàng của tôi đó.” Ba mẹ con khác, hai đứa con chừng bảy tám tuổi, bị đánh thức lúc trời chưa sáng, cô chị cố dỗ dành đứa em còn say ngủ mắt nhắm nghiền. Có nhiều cậu con trai có cái xe gắn máy thật đẹp, ngủ trên mấy chiếc ghế dọc theo kênh, ôm cứng (hay khóa cứng) mình vào xe để tránh bị trộm. Tôi không khỏi cám cảnh, vì sao mà nên nỗi “thấu tình cô lữ đêm đen không nhà.”

Tôi đi dưới nhiều chiếc cầu bắc ngang kênh. Cầu Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ, Công Lý, cầu Kiệu. Ông Tám bắt tôi đi phải một giờ đồng hồ, rồi mới được quay trở về, như vậy là được hai giờ đồng hồ. Ông đi thoăn thoắt, tôi bị bỏ lại phía sau vì cứ mê mải chụp ảnh.  Đi ngang cầu Trương Minh Giảng (hay Lê Văn Sỹ) nhìn thấy ngôi chùa Miên, nhớ ngày xưa đi với Hoàng Anh vào xin bùa với ông thầy Miên.  Xin bùa vì đang lúc thất tình.

Nếu nói kênh Nhiêu Lộc là thắng cảnh của Sài Gòn thì hơi quá. Có nhiều công viên khác trong Sài Gòn rộng hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên ai cũng biết kênh Nhiêu Lộc là công trình tái tạo môi sinh, môi trường, biến một con kênh ô nhiễm thành một con kênh có nước chảy có cá bơi lội, cố gắng giữ cho rác thải không tràn ngập dòng kênh là một niềm tự hào của thành phố.

Cũng nên trách người dân sống dọc theo bờ kênh có thói quen xả rác bừa bãi. Chỉ nhà cầm quyền, giới chức trách giữ sạch sẽ con kênh thật là không đủ sức. Nói gì đi nữa, đây vẫn là một con kênh đẹp (nếu mình đừng nhìn rác rến chung quanh và trên kênh trong nước). Không thể so sánh với con kênh giữa thành phố Ottawa về nhan sắc và lịch sử nhưng ở mức độ tẩy trừ ô nhiễm thì tôi không thể không nghĩ đến nỗ lực làm sạch dòng sông Hudson ở thành phố New York. Nhưng mà tôi một bà già khó tính, cớ gì phải so sánh như thế chứ. Tôi chỉ nên chấp nhận kênh Nhiêu Lộc trong sự bất toàn hảo của nó, vui và vinh hạnh với người thành phố.

Bạn sống ở đó lâu ngày, không chú ý đến vẻ đẹp của sức sống cuồn cuộn hai bên bờ kênh, dù chắc hẳn có để ý đến sự ăn chơi hào nhoáng gần như thâu đêm suốt sáng. Không hề gì, có tôi, có một kẻ lạ đến chơi, thấy gì cũng muốn thu vào hình ảnh.

Dù có bảng cấm câu cá, người ta vẫn câu. Chẳng những câu mà còn mổ xẻ ra mang phơi dọc theo thành cầu
Năm giờ sáng trên đường Trần Nhật Duật
Hàng tượng Phật bên trong chùa Pháp Hoa

14 thoughts on “Home sweet home”

  1. Hà ơi về nhà rồi đó phải không?. Có được khỏe mạnh như thường lệ chứ Hà? Thảo vui khi biết Hà về lại Mỹ. Không dám nói ra nhưng cứ thấy lo lo. Bây giờ mừng rồi. ❤🌹😁DTQT

  2. Tôi bây giờ cũng thấm thía câu: “ Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà”. Bây giờ còn đi đi về về..một mai không có cơ hội về..Tất cả chỉ còn lại trong ký ức, trong thương nhớ mịt mờ.

      1. Nói về ý thức và giáo dục thì với một người ở và hoàn thành chương trình học ở VN thì thực sự ở VN không hề có giáo dục và cũng chẳng có nặng tay về rác thải,… hồi tiểu học, được học 1-2 lần về việc xả rác, nhưng sau mỗi buổi học thì giấy rác vẫn tràn lan lớp học. Lên cấp 2-3 thì lại học về mác lê… mà không hề học về đạo đức ( có môn giáo dục công dân nhưng lại khác và ko thực tế như giáo trình trước 1975 ở VNCH). Lên đh thì càng ko cần nói.

        1. Cô thấy người dân đùn rác vào chỗ miệng cống dọc theo hai bên đường. Thảo nào chẳng đi đến chỗ mùa mưa nước dâng ngập lụt vì cống rãnh tắc nghẹn. Cô thấy người dân bây giờ đi xe máy đều có đội mũ cứng, bảo hiểm. Đội mũ bây giờ trở thành thói quen, không cần nhắc nhở (vì sợ bị phạt). Do đó chuyện cấm xả rác nếu thực hiện qui mô toàn quốc, tổ chức những buổi tham gia công tác thiện nguyện cộng đồng tất sẽ thành công. Dĩ nhiên ban đầu sẽ rất khó khăn vì va chạm với đủ mọi tầng lớp công dân, nhưng nếu trở thành thói quen thì lợi ích rất to, giảm nạn nghẹn tắc cống rảnh, tránh ngập lụt, giảm bớt những chi phí thiệt hại và bệnh tật do nạn ngập lụt. Cô là người bàng quan thấy như thế, biết là không dễ thực hành. Nhiều khi thấy xấu hổ khi mình phải dạy dân cách sống đừng xả rác. Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung không thể được xem là quốc gia tân tiến nếu tình trạng xả rác bừa bãi không được chấn chỉnh. Mặt khác, nhà nước cũng phải có tổ chức thu nhận và tiêu hủy rác có hiệu quả thì mới có thể giải quyết nạn xả rác bừa bãi.

          1. Con không biết phải nói sao về vấn đề này. Nhưng theo con thì giải quyết vấn đề này phải từ 2 hướng, 1 là người dân và 2 là nhà nước. Người dân phải có ý thức về rác thải và ý thức này phải được giáo dục trong gia đình và nhà trường. Vậy ở đây sẽ quay lại với vấn đề của nhà nước, sau năm 1975 thì vì nhiều lý do mà giáo dục bị đứt đoạn, dân Sài Gòn cũng không còn dân Sài Gòn trước 1975 nữa. Sau đó tiến tới gần đây, con tạm lấy mốc năm 2012 khi con bắt đầu học đại học Nhân Văn ở Sài Gòn. Thì con thấy ở SG dân nhập cư quá nhiều, bản thân SG vốn dĩ là vậy, nhưng luồng nhập cư vào SG này có một phần lớn là tầng lớp lao động thấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến rác thải gia tăng nhanh chóng. Mặt khác, khi di chuyển ngoài đường, có khi đi mỏi chân cũng không kiếm được một thùng rác, dĩ nhiên có người cố gắng kiếm tiếp, có người vất đại đâu đó,… mặt khác, những hoạt động công ích thì phải xin phép, mà thủ tục “hành chính” thì lại “hành là chính” muốn dọn rác phải làm đơn, làm hồ sơ, nộp rồi đợi,… vậy nên có rất nhiều vụ bị mời lên phường vì dọn rác, học sinh dọn rác bị viết bản kiểm điểm vì theo nhà trường việc tổ chức là của đoàn thanh niên chứ khôg tổ chức tự do (bản thân con cũng từng bị lên phường vì việc này) mà ở đây vấn đề lại nảy sinh. Ở ngoài xin phép thì chưa chắc được, đợi đoàn thanh niên thì mấy người đó hứng lên sẽ có kế hoạch. Không thì thôi. Dạng có phong trào thì làm cho có thành tích. Từ đó mọi thứ cứ vào vòng luẩn quẩn.

            Nên về góc độ cá nhân con, thì việc xả rác này phải được bắt đầu từ việc lan truyền ý thức tự nhắc nhở nhau. Còn nhà nước thì còn lâu lắm, mạnh tay mà phạt như nón bảo hiểm thì nhiều khi phạt phải bigname thì lại …

  3. Reblogged this on dathaoqutrn and commented:
    Hà về rồi bình yên khỏe mạnh, Dã-Thảo vui nhiều. Đọc bài viết của Hà thấy xót xa thấm thía làm sao! Home Sweet Home! Thảo copy một đoạn của Hà và mời Bạn đọc nhé, thử có buồn không!
    Tôi thấy nhiều người ngủ trên hai bờ kênh. Có người ngủ dưới chân cầu quấn mền kín mít. Có khi nhìn thấy đống mền, tôi tự hỏi có người nào nằm trong đó không, nhỏ bé quá gầy xơ xác quá nên không nhìn thấy dáng người trong mền. Có hai người có vẻ là mẹ con, bà mẹ không già mấy, đứa con mang triệu chứng Down, ôm nhau ngủ dọc theo bờ kênh. Nghe bà mẹ có lần nói với người láng giềng (cũng ngủ trên bờ kênh) cậu bé là “cục vàng của tôi đó.” Ba mẹ con khác, hai đứa con chừng bảy tám tuổi, bị đánh thức lúc trời chưa sáng, cô chị cố dỗ dành đứa em còn say ngủ mắt nhắm nghiền. Có nhiều cậu con trai có cái xe gắn máy thật đẹp, ngủ trên mấy chiếc ghế dọc theo kênh, ôm cứng (hay khóa cứng) mình vào xe để tránh bị trộm. Tôi không khỏi cám cảnh, vì sao mà nên nỗi “thấu tình cô lữ đêm đen không nhà.”
    Quê hương ta đó… Còn nữa…ba tấm hình… Dã-Thảo mời Bạn đọc “Home Sweet Home” của Hải Hà vừa mới “Đi” Việt Nam “Về”. Hai chữ đi và về nghe như…xót dạ!!!

Leave a comment