Một ngày cuối tuần trong thời bệnh dịch

Chim vẫn hót sau vườn đấy thôi

Tấm ảnh con chim đen cánh có màu đang “ngồi” hát trên đám cỏ cattails bị cắt ngắn khiến tôi nhớ đến hai câu trong bài hát tôi không còn nhớ tên bài hát và tên của nhạc sĩ. “Hoa vẫn nở trước sân nhà tôi. Chim vẫn hót sau vườn đấy thôi.” Tôi chỉ nhớ mang máng, hai câu thơ ấy là của ông Thích Nhất Hạnh. Những câu thơ nói về sự vô tình của trời đất trong khi người ta đang chết chóc khổ đau.

Tôi xin đính chính đoạn trên này. Có bạn cho biết đây là hai câu hát trong bài “Giọt Nắng Bên Thềm” của Thanh Tùng. Còn bài hát có lời thơ của ông Nhất Hạnh là bài khác mà trí nhớ bắt đầu hư hao của tôi đã bắt quàng xiên. Một bạn đọc khác cũng chỉ giúp. 3/22/2020 lúc 7:45 sáng.

Tôi muốn hỏi các bạn, bạn làm gì, nghĩ gì, cuộc sống của bạn ra sao trong những ngày bệnh dịch lan tràn khắp thế giới?

Buổi sáng tôi đọc báo New York Times thấy cái bản đồ nước Mỹ lốm đốm đỏ chóe như da của một người bị bệnh ghẻ. Tôi nhấn vào một đường link để biết số người bị bệnh và bị chết ở những nơi tôi quan tâm. Nơi tôi ở và nơi các con tôi ở. Hai đứa ở hai thành phố khá xa. Nỗi e ngại trong tôi, có từ trước khi bệnh dịch, giờ dần lớn lên. Rủi có gì, lỡ một trong bốn người chúng tôi có gì, phải làm gì đây. Làm sao mình có thể săn sóc một người ở xa. Dĩ nhiên, trong thời bệnh dịch, cần thiết phải cách ly, không ai cho mình thăm nuôi, nhưng mình không thể làm thinh đứng ngó. Ha. Dù con mình đã trưởng thành, đã ở riêng nhiều năm, nhưng cha mẹ thì vẫn cứ xem như con mình còn bé, ăn chưa no lo chưa tới. Cách đây chừng một tuần, nói chuyện với cô út, thấy cô chuẩn bị khá đầy đủ tôi đỡ lo. Đỡ, nhưng vẫn lo, vẫn e ngại. A. Lo thì cũng chẳng làm được gì. Thứ nhất là tụi nó chẳng nghe lời. Sau đó là rồi đến một ngày chính mình cũng sẽ chết đi, thì có còn ai để mà lo. Thì con mình vẫn phải tự lo toan mà thôi. Tôi không muốn hai đứa con của tôi về nhà tôi nếu một trong hai chúng tôi bị bệnh. Vì về cũng không thể thể giúp được gì và có thể còn bị lây bệnh. Tôi đã già, ở tuổi này tôi chấp nhận chuyện tử sinh. Dẫu tôi vẫn còn muốn sống thêm chừng chục năm nữa (để lãnh tiền lương hưu vì đổ mồ hôi nước mắt làm việc mấy chục năm cho công ty và xứ sở này) nhưng nếu có chết vì bệnh dịch này thì chết nhanh, không lê la, quằn quại, què quặt, làm mất phẩm cách của mình và phải nhờ cậy đến độ hành hạ người thân.

Hôm qua, trời ấm và có sương mù. Tôi mặc áo ấm, đội mũ mang găng tay nói với ông Tám tôi đi chụp ảnh. Còn ông thì chuẩn bị đi chợ mua thêm thức ăn. Tôi lên đồi, Washington Rock Park, sương dầy đặc, trời bảy tám giờ vẫn còn tối. Mấy tấm ảnh chụp không có chủ đích rõ rệt, đúng là ảnh của chuyện bâng quơ, chỉ thấy một mảng xám với rừng cây. Cái máy PowerShot G1X Mark III có lẽ vì tôi làm rớt hai ba lần, thậm chí ngã cùng cái máy, ảnh chụp không còn nét rõ ràng. Chỉ cần hơi thiếu ánh sáng là chỉ thấy một mảng màu lem nhem màu nâu hoặc xám. Cái máy Rebel T7i EOS 800D tôi gắn lens 75mm-300mm thuộc loại lens chậm, chụp ảnh thiếu ánh sáng cũng không đẹp. Tôi biết cần phải dùng tripod nhưng bản tính lười, chỉ nội mang hai cái máy cũng đủ còng lưng nên thôi. Từ Washington Rock Park tôi lái xe đến hồ Watchung.

Lũ chim, ngỗng đã bay đi đâu mất hết trơn. Hồi tháng Giêng, tháng Hai chúng đậu đầy kín cả mặt hồ chắc cũng phải vài ngàn con. Giờ chỉ còn chừng ít hơn chục con. Trong một góc công viên, người ta xây một nơi để tưởng niệm những người chết vào ngày 11 tháng 9, có trồng hai cây đào hồng đậm. Ở góc của nghĩa địa cổ hoa forsythia nở tràn lan, sáng rực ở góc sân.

Tôi chụp cả hơn trăm tấm ảnh. Thử dùng cái chức năng over và underexposure. Sau đó tôi quên trả lại khẩu độ nên có cả hơn chục tấm ảnh chỉ thấy một màu trắng lóa.

Dọc theo bờ hồ, trên những gốc cây có những tấm bảng cấm tụ họp hơn bảy người. Tuy không đông đảo lắm, nhưng người ta vẫn dắt chó đi quanh hồ. Đa số đi một mình hoặc hai người. Tất cả đều có vẻ tránh chuyện gặp mặt hay trò chuyện với nhau.

Tôi không ngờ tôi đã trải qua hơn ba tiếng đồng hồ để chụp một mớ ảnh bát nháo chỉ có một hay hai tấm ảnh xem hơi được một chút. Người đi chụp ảnh, cần thiết phải đi một mình, hay đi với một người thích chụp ảnh hơn mình. Tôi vì vẫn còn vụng về với máy ảnh nên dù có tất cả thì giờ cần thiết tôi vẫn không chụp được ảnh đẹp như ý muốn.

Hôm nay, trời ấm và nhiều mây. Ông Tám rủ đi rừng dù tôi hơi sợ bị nhiễm bệnh khi ra ngoài. Lâu dài thì cũng phải ra ngoài, chứ nếu ở trong nhà mãi sẽ có cảm giác bị ở tù, bị bao vây, và dễ trở nên bấn loạn vì lo lắng. Ông thuyết phục tôi là mình sẽ cảnh giác hơn, đề phòng không chạm tay vào những thứ bên ngoài, cũng không chạm tay vào mặt, mang theo cồn khử khuẩn, vân vân.

Bạn làm gì những ngày bệnh dịch? Tôi xem nhiều phim quá đến độ không còn thấy có phim nào hay nữa. Bạn nào chưa xem thì thử xem phim tài liệu “The Story of God” do Morgan Freeman hướng dẫn chương trình, giọng nói điềm đạm của ông rất thích hợp. Tôi say mê chương trình nối tiếp này nên giới thiệu với bạn. Lứa tuổi đôi mươi ba mươi, nếu thích phim tình yêu thì xem “After” và “5 to 7.” Phim “After” hơi quá trẻ cho tôi, phim có nhiều (quá) đoạn ái tình, cứ chốc chốc là có màn ân ái. Phim “5 to 7” cô diễn viên vai chính có thân hình đẹp nhưng cặp chân hơi thô và hơi cong. Phim khá thú vị và hôm nào siêng tôi sẽ viết kể bạn nghe vì sao tôi chú ý phim này.

Tôi chuẩn bị đi rừng hôm nay. Mấy chục năm về trước thế hệ chúng tôi sống trong bom đạn triền miên. Ai cũng lo sợ, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Hoa vẫn nở. Chim vẫn hót. Nắng vẫn hồng. Dẫu sao, dù có sợ chết thì chúng ta không nên không dám sống. Phải không?

“Trước sau nào thấy bóng người. Hoa đào năm trước nay cười gió đông.”

17 thoughts on “Một ngày cuối tuần trong thời bệnh dịch”

  1. Sáng nay vừa thức dậy, nghe tin em gục ngã nơi chiến trường, nhưng vô tình trong vườn tôi khóm tường vi vẫn nở thêm, vẫn nở thêm một đóa . Tôi, tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở, nhưng biết bao giờ, biết bao giờ tôi nói được những gì tôi ước mơ. 🌹 Gởi chị Tám bản nhạc của Thích Nhất Hạnh mà em thích nhất

    Liked by 2 people

    1. Cám ơn Tienlongtong đã nhắc tôi nhớ lại bài hát có lời thơ của Thích Nhất Hạnh. Bộ óc già nua của tôi hay nhớ quàng xiên.

      Like

      1. Ừ chị Tám ạ, đúng ra là bài thơ của Thầy Thích nhất Hạnh được phổ nhạc nhưng thời kỳ lúc còn trẻ nhỏ ,lúc còn sống trong bom đạn chiến tranh cứ nghe và cứ kêu là bản nhạc của Thích nhất Hạnh lâu dần thì cứ nhớ như vậy cho tới khi già như thế này vẫn là bài hát của một người kính nể. Chúc bình an cho chị Tám và gia đình.

        Liked by 1 person

  2. con cũng đi vòng vòng phố xá chụp hình. đúng là quá trình tạo ra một tấm ảnh, từ lúc chụp đến lúc ra được ảnh để chia sẻ, làm cho lòng mình nhẹ nhàng thiệc.

    còn về bài hát dùng hai câu thơ của thích nhất hạnh, là bài “giọt nắng bên thềm” của thanh tùng đó cô.

    Liked by 1 person

      1. người ta kêu gọi tự nguyên nghỉ không lương, nên không ai chịu nghỉ cả 🙂 nhưng thật ra tụi con được trả theo chuyến bay, nên ít đi bay cũng đồng nghĩa với ít thu nhập.

        Liked by 2 people

        1. Thôi thì tiện tặn một chút nhưng có thì giờ để nghỉ ngơi, chăm sóc tinh thần của mình với người thân và thực hiện những ước muốn khác.

          Liked by 2 people

  3. Mong cô và gia đình bình an trong đợt dịch này ạ. Cô ở bang nào vậy cô vì bạn cháu ở Cali nghe bảo bên đó vừa ra luật cấm ra ngoài và cả thành phố bị phong tỏa, chỉ được ra mua đồ dùng cần thiết. Nghe nó kể mà tội nghiệp ghê.

    Liked by 1 person

    1. Cô ở New Jersey, giáp ranh với New York, hiện cũng đang cùng tình trạng cấm ra ngoài đường như ở California. Tiểu bang cô ở hiện đã có khoảng 2000 trường hợp nhiễm bệnh và chừng 20 người chết. Coi như giặc bệnh ở sát bên hiên nhà.

      Liked by 1 person

  4. Đề phòng dịch bệnh thì vẫn phải đề phòng cẩn thận. Nhưng như nhiều người hay nói, sống chết có số. Có người ngồi ở nhà mà tường sập, máy bay rớt đè trúng vẫn tiêu như thường. Chị Tám thử nghĩ vậy đi cho khỏe hén chị Tám. Chừng nào “ổng” gọi tên mình thì tính sau. Vậy đi hén. Chúc mọi người Bình An!

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s