Duyên ba đời

Chồng già vợ trẻ là tiên.
Vợ già chồng trẻ là duyên ba đời.

Tôi sẽ nâng niu trái tim của người nhẹ nhàng hơn cầm giữ trái tim của mình. Ảnh lấy từ trong phim “5 to 7” chụp cái bảng đính trên lưng của một trong 5000 băng ghế trong Central Park.

Tác giả của phim truyện khi chọn số tuổi 24 của Brian, nhân vật chính, có dụng ý rất khéo. Ở cái tuổi 24 tuổi chàng trai có thể có việc làm nhưng không mấy vững vàng, thỉnh thoảng vẫn cần được bố mẹ giúp đỡ. Khi con trai đã trưởng thành, không còn cần tiền bố mẹ để sống, thì bố mẹ khó có tiếng nói trong việc lựa chọn hôn nhân của con. Ở tuổi này cậu vẫn còn lối suy nghĩ theo phong tục tập quán của xã hội. Yêu thì phải cưới người ta để hai bên có thể sống trọn đời bên nhau, happily ever after. Ở tuổi 34, từng trải hơn, có thể cậu sẽ không đòi cưới người phụ nữ ấy và tránh được chuyện tan rã.

Xã hội nào cũng vậy, Đông cũng như Tây, đàn ông lấy vợ trẻ hơn mình 10 hay 15 tuổi là chuyện tốt đẹp, mối quan hệ của tiên trên đời. Ngược lại, đàn bà lấy chồng trẻ hơn mình chừng 5 hay 10 tuổi thì đó là chuyện thiên hạ bàn tán. Tôi biết chuyện ông Tổng Thống Pháp. Ngoài ra còn chuyện, có thật, của Demi Moore; tiểu thuyết Anna Karenina (cũng dựa vào chuyện có thật). Duyên ba đời.

Tôi không muốn phê phán, đúng hay sai, tốt hay xấu, mối quan hệ này. Tôi chỉ thử đặt mình vào trường hợp bà mẹ của Brian, nhân vật chính trong phim “5 to 7.” Có lẽ tôi sẽ như bà mẹ của Brian, thấy mặt đất dưới chân mình biến mất. Glenn Close đóng vai bà mẹ của cậu bé. Bà bị đau lưng, cần phải có loại ghế đặc biệt. Nếu không có loại ghế này bà thà đứng, ngay cả đứng trong nhà hàng. Khi nghe cậu con trai tỏ ý muốn cưới người đàn bà lớn hơn 9 tuổi, có hai con, hiện vẫn đang kết hôn với chồng, bà mẹ vội vàng ngồi xuống ghế, quên cả bệnh đau lưng. Chắc nhiều bạn cũng biết, tôi không có con trai, nên dễ đặt giả thuyết, và thử tưởng tượng. Nếu có con trai sẽ không dám nói, sợ mắc huông. Mắc huông là một từ cổ, mấy chục năm về trước, trước năm 75, có nghĩa là xui, jinx, lời nói ám vào vận mệnh.

Về sau, bố của Brian vẫn còn rên rỉ than thở chuyện thằng con của mình hành cha mẹ phải lái xe vào Manhattan, tốn tiền gửi xe 60 đô la (hay 40 tôi không nhớ chắc) để bảo cho bố mẹ biết mình sẽ cưới người đàn bà ấy. Bố mẹ Brian là người Do Thái, bị chế nhạo là rất hà tiện, không thích trả tiền đậu xe trong bãi rất đắt. Chắc ông sẽ nghĩ thằng con mình điên khi biết nó dùng hết món tiền 6000 đô la nhờ bán được một truyện ngắn đầu tiên để mua chiếc nhẫn đính hôn cho nàng. Bà mẹ của Brian thì chấp nhận chuyện hôn nhân trái khoáy của cậu con trai độc nhất dễ dàng hơn ông bố. Bà nói, “dẫu sao con mình cũng có người yêu thương nó.” Đó là tâm lý của người mẹ, tôi cho rằng ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Sau cơn chấn động, giận dữ cũng sẽ đến chỗ chấp nhận và mong rằng con mình sẽ được yêu thương.

Bà mẹ Việt Nam gặp phải trường hợp này có lẽ mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau, lúc ban đầu. Tùy theo hoàn cảnh, nếu là con trai trưởng, con trai út, con trai độc nhất, con trai giỏi có bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ, đẹp trai, hiền lành, dễ thương, bà mẹ càng yêu quí cậu con trai càng thấy khó khăn và dễ giận dữ. Có bà sẽ bắt cậu con trai ngồi xuống mắng cho một trận, và cúp tiền trợ cấp. Cúp gia tài. Có bà sẽ tìm đến gặp người đàn bà kia năn nỉ làm ơn tha cho con tôi để nó có thể sống cuộc đời yên ấm hạnh phúc. Có bà nếu năn nỉ không được sẽ hăm dọa đánh tạt acid hay dám thuê người làm thiệt 🙂 nếu như gặp người có tiền và có quyền. Và đa số, có thể chỉ thở dài, kệ nó, nó khổ thì nó ráng chịu.

Đa số, có lẽ, người mẹ phản đối vì nghĩ là cuộc tình duyên sẽ không bền. Nhưng với thời đại bây giờ, có nhiều cặp cưới nhau chỉ sáu tháng là ly dị và đây là những cặp bình thường xứng đôi vừa lứa chứ không có những trường hợp khó xử như trường hợp của Brian trong phim “5 to 7.”

Bà mẹ ở nước ngoài thì biết thân lắm. Con mình nó nói cho mình biết, cho phép mình tham dự vào đời sống tình yêu hôn nhân của nó, thì coi như quan hệ của cha mẹ với con cái có phần nào tốt đẹp. Và con mình vẫn còn cần mình. Chuyện của nó thì để nó lo. Nó muốn mình biết gì thì mình chỉ biết thế. Như vậy thì về sau còn có dịp thăm cháu nội 🙂

Ông Tám có kể, trong xóm nhà ông, thời trước 75 có một cặp chênh lệch tuổi như thế. Người đàn bà lớn hơn cậu trai 15 tuổi, gọi bằng cô. Nhà hai ở bên cạnh nhau, lan can gần nhau. Cậu yêu người ấy, trèo lan can sang hò hẹn. Về sau hai người lấy nhau, có con, ở với nhau mấy chục năm mới thôi. Cũng như hôn nhân của Demi Moore với người chồng trẻ, nó tan vỡ vì những điều kiện khác xảy đến, nhưng cuộc hôn nhân chênh lệch tuổi của họ không phải là ngắn hạn nhất thời.

Để đây, bữa khác siêng sẽ viết tiếp.

5 thoughts on “Duyên ba đời”

  1. Cháu thích xem và đọc Ana Karanena từ hồi Đại học. Đọc entry xong chấu vẫn chưa biết nếu cô có con trai, cô có chấp nhận cho con trai cưới cô gái ấy không? Nếu là cháu (cháu cũng không có con trai) nhưng cháu nghĩ cháu sẽ đồng ý cô ạ. Vì cháu đang yêu người kém tuổi! :)))

    Liked by 1 person

    1. Có lẽ ban đầu cô cũng sẽ hỏi “Con đã suy nghĩ kỹ chưa?” “Con có thấy khó chịu khi người ta nói này nói nọ.” Nhưng ngăn cản thì không. Cô nghĩ cha mẹ không nên quyết định hay xen vào chuyện tình cảm của các con. Cô sẽ rất lo ngại nếu chàng con thuộc loại không biết lo xa, không có nghề nghiệp, và tính tình bốc đồng chỉ ham vui trong chốc lát. Vì cô ngại nhất là lỡ khi cuộc tình không bền, hai bên có con cái với nhau, không ai có điều kiện nuôi con thì đứa nhỏ phải khổ, và cô sẽ phải nuôi. Dùng chữ phải nhưng cô nghĩ cô nuôi đứa nhỏ vì yêu thương chứ không phải vì bắt buộc. Chữ phải dùng ở đây là vì (nếu) người con quí của mình đặt mình vào chuyện đã rồi. Cháu đừng để chuyện người ấy nhỏ tuổi hơn mình trở thành điều đáng lo ngại hay có thể gây bất hòa về sau. Cô vẫn nghĩ người ta sống với nhau lâu năm chưa chắc đã là hạnh phúc. Và người ta chia tay nhau vì nhiều yếu tố khác chứ không chỉ vì người này lớn tuổi hơn người kia. Chúc cháu hạnh phúc lâu dài.

      Liked by 2 people

      1. Dạ, cháu cảm ơn cô. Cháu cũng đi qua một lần dở dang, dù trong mối quan hệ đó cháu chủ động bước ra, nhưng cháu hiểu đổ vỡ nào cũng có hệ lụy. Trong mqh này, cháu không quá kỳ vọng, nhưng cháu thật tâm thật tình nghiêm túc để xây dựng. Cháu tận hưởng cuộc sống với nỗ lực cao nhất. Cô là người mẹ ‘chuẩn’ tư duy thời đại. Cháu nghĩ làm mẹ, chúng ta sẽ hỗ trợ con cái tối đa để chúng sống với điều chúng muốn, đôi khi điều đó sẽ mang đến cho chúng trải nghiệm đau đớn.

        Liked by 1 person

  2. Ôi con chưa coi film này, đọc bài cô xong con phải đi kiếm coi mới được. Cách biệt 15 tuổi thì cũng nhiều cô nhỉ, liệu 15 hay 10 hay 5 có là tạo ra sự khác biệt trong quyết định của các phụ huynh không cô nhỉ? Đọc comment của cô ở dưới thì con biết cô sẽ tiếp nhận nó ntn, hihi, và con cũng rất đồng tình với cách của cô :D.

    Liked by 1 person

    1. Thật ra phim cũng được thôi, chỉ có một vài điểm ngược hướng với dư luận và phong tục. Trước cô xem ở Netflix nhưng nó đã lấy xuống rồi.

      Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s