Suy nghĩ chuyện viết văn

Đôi khi xem một phim kinh dị đầy bạo động, tưởng chẳng có liên quan gì, nhưng lại khiến mình nghĩ đến chuyện viết văn.

Cách đây hai hôm, tôi xem phim Velvet Buzzsaw, xem không chủ ý, chỉ bấm hết phim này sang phim khác trên Netflix, cuối cùng xem phim này vì thấy có John Malkovich và René Russo. Đây là phim nói về giới mua bán tranh vẽ, có chút chế nhạo các nhà đầu nậu nghệ thuật sáng tạo, và rất nhiều cảnh bạo động đầy máu me. Tôi không ưa phim máu me nhưng không tìm thấy phim nào vừa ý cả nên nghĩ rằng thôi xem phim này để được xem tranh.

Họa sĩ vô danh, Vetril Dease, qua đời để lại số lượng tác phẩm đồ sộ không người thừa kế. Ông ta muốn tiêu hủy toàn bộ tác phẩm nhưng chưa thực hiện được thì đã chết. Một số người kiếm sống bằng nghề phê bình hội họa, đầu nậu mua bán, tổ chức triển lãm, đã lấy được số tranh (một cách bất hợp pháp). Tất cả mọi người có kinh nghiệm về tranh đều công nhận Dease là một thiên tài và chắc chắn sẽ là nguồn tài lợi rất lớn. Tranh của ông có sức thu hút đặc biệt rất kinh dị, có lẽ vì chúng được vẽ bằng máu (theo đúng nghĩa đen, họa sĩ đã dùng máu để vẽ màu đen và màu đỏ trong tranh) và nỗi thống hận của người họa sĩ suốt đời bị ngược đãi, hành hạ. Giới đầu nậu hội họa giành giật với nhau. Và tất cả những người hưởng lợi từ tranh của Dease đều lần lượt chết một cách thảm khốc.

Tôi tóm tắt vài hàng về phim để các bạn chưa xem phim biết nội dung. Thật ra tôi chỉ muốn nhắc đến vài điểm tôi chú ý vì liên tưởng từ việc sáng tác tranh đến việc viết văn.

Morf (diễn viên Jake Gyllenhaal) là chuyên gia phê bình tranh rất nổi tiếng. Rhodora (Rene Russo), chủ nhân phòng triển lãm Haze, tâng bốc rằng phê bình của Morf quan trọng như phán quyết của Thượng Đế vậy. Morf trong lúc xem một tác phẩm được trưng bày trong phòng triển lãm đã bảo rằng, “no originality, no courage,…” Còn một chữ nữa, hình như là boring, nhưng tôi không nhớ chắc chắn. Tôi hiểu đại khái như thế này, nhà phê bình tranh có ý nói là, một tác phẩm nếu không có bản sắc cá nhân (độc đáo) và không dám bộc lộ, thì nhàm chán lắm, không đáng được chú ý.

Piers (John Malkovich), một họa sĩ được Rhodora chưng tranh trong phòng triển lãm của bà suốt 17 năm, nhưng mười năm sau không có tác phẩm nào có giá trị. Rhodora muốn bỏ Piers ra, nhưng tử tế, vì cùng là họa sĩ như nhau (Rhodora có thời làm họa sĩ và theo trình diễn trong ban nhạc Velvet Buzzsaw) giả vờ như Piers bỏ phòng tranh của bà để theo người khác. Bà gọi Piers đến nhà, đưa cho Piers bài thơ của Polly Anna đã qua đời năm 1983, bà giữ lại bài thơ khi thu dọn căn nhà và tranh ảnh của người quá cố. Piers bị bệnh nghiện rượu. Giới sáng tạo đôi khi dùng rượu và chất kích thích để cởi bỏ những xiềng xích vô hình, những thứ người ta nghĩ là giam cầm sức sáng tạo.

Dependency murders creativity
Creativity plays with the unknown.
No strategies exist
that can enclose the endless realm
of the new
only trust in yourself
can carry you past your fears
and the already known
Polly Anna, 1983

Nghiện ngập giết chết sáng tạo
Sáng tạo chơi đùa với sự không biết (vô thức)
Không kế hoạch hiện hữu nào
có thể bao trùm toàn thể sự bao la
của những điều mới (chưa biết)
chỉ nên tin vào chính bản thân
có thể đưa bạn ra khỏi nỗi sợ hãi của bạn
và những điều (ý thức) đã biết

Sau khi Piers đọc xong bài thơ, Rhodora nói thêm:

Bạn sợ gì? Chúng ta biết nhau từ lâu. Tôi không còn vẽ nữa, nhưng tôi biết như thế này. Hãy bỏ hết đi, cả cái thế giới hội họa này. Hãy tìm một nơi vắng vẻ, đến căn nhà cạnh bờ biển của tôi, ở đó và vẽ cho đến khi nào bạn chỉ vẽ riêng cho bạn thôi.

Piers nghe lời. Sau đó thì mọi người có liên quan trong việc hưởng lợi bằng tranh của Dease đều chết. Chỉ có Piers và Coco, cô bé 22 tuổi làm thư ký kiêm mua cà phê cho các đấng quyền lực đầu nậu tranh, là còn sống.

Qua phim này, tôi nhìn thấy vài quan niệm về sự sáng tạo (của người làm phim), tuy nói về hội họa nhưng có thể áp dụng cho người viết văn. Điều khiến một tác phẩm được chú ý là sự độc đáo của tác giả. Viết văn đòi hỏi sự can đảm, dám bộc lộ tư tưởng. Bộc lộ có nghĩa là phơi ra điểm yếu, những vết thương chưa lành, nỗi đau, sự xấu hổ, nhục nhã nào đó đã gặm nhắm tâm hồn người viết. Sáng tác có kết quả tốt khi nào tác phẩm đó chỉ để thỏa mãn tâm hồn người sáng tạo.

Tóm lại, người viết nên đóng cửa, xuống mạng, và chăm chỉ viết cho đến khi nào chết rồi thì (may ra) tác phẩm sẽ được chú ý, sách bán đắt, và người viết trở thành nhà văn. Chưa làm được điều đó thì viết để cho mình vui là dễ thực hiện nhất.

Ảnh chẳng liên quan đến bài viết. Chụp được ảnh con hawk có cặp mắt to tròn ngộ nghĩnh quá nên đăng chơi.

26 thoughts on “Suy nghĩ chuyện viết văn”

    1. Ông này không đẹp trai, nhưng những vai ông chọn hay được chọn diễn để lại ấn tượng khó quên. Cô thường sợ những nhân vật ông ta đóng vai, thí dụ như nhân vật Giáo sư trong Disgrace, trong Dangerous Liaisons, Of Mice and Men và vài phim nữa.

  1. Trông nó không đáng sợ như người ta hay dùng từ “mắt diều hâu” để miêu tả mắt người nào đó hung ác, nham hiểm

  2. con nghe nói ông haruki murakami là người viết có kỉ luật nhất, mỗi ngày ổng viết không dưới 8g mà ngày nào cũng vậy. viết như vậy thì thiệt không có thời gian lên mạng chơi, còn ông umberto eco thì thôi khỏi, ổng đọc là chủ yếu, viết chỉ để thư giãn – kiểu tóm tắt mấy cuốn mình đọc, thả xíu liên tưởng là nó ra tác phẩm không dưới 500 trang. nhưng con thấy mấy nhà văn việt nam hay đa số họ chọn viết một chút, đi dạo chơi một chút để quan sát, chiêm nghiệm cái ý mình đang bỏ dở rồi về viết tiếp 🙂 nên quan sát và phân tích thì nhiều. còn như ông murakami thì nghiêng về diễn giải thế giới.

    1. ông murakami có nói trong một tiểu luận, là ổng viết bền như vậy là do ổng dùng chất liệu trong đầu ổng, nói chung là nội lực là chính. còn những nhà văn như hemmingway, cần chất liệu từ những trải nghiệm bên ngoài mới viết được thì khó bền (vì đâu phải ai cũng xông vào chiến tranh, đi săn thú dữ, đấu bò mãi được). nhưng mà dù gì thì gì, “xuống mạng” như cô Tám nói vẫn hiệu quả nhất.

      1. mấy bữa nay ông nguyễn huy thiệp nổi trên mạng trong nước dẫn đến bài viết gần 20 năm trước của ổng trên talawas- bài là hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn, chú đọc thử :).

        1. trời ơi đang tìm quá trời nè, cảm ơn cô nhà thơ, hoạt động trong văn đàn có khác. tui nghe nói ổng gây thù chuốc oán với ai đó rồi, mà gg “nguyen huy thiep scandale” sáng giờ hoài k ga 😉

          1. tiếc là trang talawas bị sập bởi dịch giả chứ không phải nhà văn, ông thiệp viết trong bài đó cũng không có khắc nghiệt như ông phan khôi đâu 🙂 ông khôi lôi lê đạt, phùng quán với trần dần ra nói mát mà đổ hết mồ hôi.

            1. Nhỏ này biết nhiều quá mà trốn trong lối nhỏ kỹ quá. Cháu viết thêm suy nghĩ của cháu về nhà văn NHT đi. Cô có đọc vài cuốn của ông. Tướng Về Hưu. Thật tình mà nói vì môi trường lớn lên và sống của cô rất khác biệt với hệ tư tưởng của ông nên cô không cảm thấy có sự đồng cảm.

              1. con thấy mấy ổng giỏi, sống ở việt nam muốn nói thật suy nghĩ của mình không dễ dàng gì, mấy nhà văn sau ổng như nguyễn việt hà cũng bị lên bờ xuống ruộng bởi viết không cẩn thận. thành ra đọc nhiều khi không trơn mạch suy nghĩ là vậy đó cô. bị kiểm duyệt.

  3. Con hawk này cái mặt dễ thương quá chừng, nhìn giống y như em bé. Chị Hà canh me hay thiệt.
    Sẵn đây mạn phép chủ blog em hỏi nhờ 1 câu nhe. Bạn lối nhỏ à, mình muốn đọc bài mới của bạn thì làm sao. Hình như không có phần đăng ký followers. Hay có mà mình không thấy?

  4. Nhìn mắt con chim nó có chút nỗi niềm sao đó, mà thấy thương thương hiền hiền nữa. Cháu đã đọc trọn bài vì cháu cũng quan tâm đến nghệ thuật, nhất là âm nhạc và hội họa cô ạ! Cháu cảm ơn cô đã ghi vài hàng cho phim thật ý nghĩa.

    1. Hà không rành giới họa sĩ, chỉ biết tên vài ông. Thấy ông họa sĩ Gauguin bạn với ông Van Gogh nổi tiếng lúc còn sống. Ở Mỹ thì có nhiều hơn, Andrew Wyeth, O’Keeffe, Pollock, Winslow Homer,…

  5. Em thấy viết văn với hội hoạ đúng là có nhiều nét tương đồng, nhất là cả hai đều là quá trình sáng tạo khá cô độc

  6. nếu cô tám tính xuất bản trên amazon con thấy mấy hôm bà phạm thị hoài cũng xuất bản tiếng việt nghe nói kindle họ không hỗ trợ tiếng việt làm phải dỡ tác phẩm của bả xuống.

      1. cô đọc ông mika waltari đi cô, con thấy cô có ưu điểm về tìm hiểu thông tin lịch sử mà ông nhà văn đó ổng cũng có thói quen giống cô, sau đó ổng tìm ra lỗ đen của lịch sử xong ổng chêm ý tưởng ổng vô:)

        1. Cám ơn cháu. Thư viện vùng cô ở có hai cuốn của ông này. The Egyptian và một tuyển tập truyện ngắn. Mới đọc cái tên tưởng ổng người Nhật, té ra ổng Finnish. Chắc cháu lầm cô với ai đó, cô ít đọc về lịch sử lắm.

    1. Cô xem rồi. Thấy có mấy câu quote này.

      “Billy: Human emotions are like works of art. They can be forged. They seem just like the original, but they’re a forgery.
      Virgil Oldman: Forgery?
      Billy: Everything can be faked, Virgil. Joy, pain, hate, illness, recovery, even love.”

      Cháu nghĩ sao? Viết một bài về phim này đi. Phải công nhận, truyện phim rất hay. Cháu có thấy tội nghiệp Virgil Oldman không? Chọn cái họ là Oldman cũng đầy ý nghĩa.

Leave a comment