Bất Tử
Tác giả: Yasunari Kawabata
Ông cụ và cô bé đi với nhau.
Hai người có nhiều đặc điểm khiến người ta phải tò mò, chú ý. Họ đi sát vào nhau như đôi tình nhân, như thể không bận tâm giữa họ có sự chênh lệch sáu mươi năm tuổi. Ông cụ đã nặng tai. Ông không hiểu được hầu hết những gì cô bé nói. Cô bé mặc hakama (1) màu tím sậm với cái kimono hai màu tím và trắng có nhiều vân nhọn như mũi tên rất nhỏ. Tay áo của cô cũng khá dài. Ông cụ mặc y phục giống như kiểu của mấy cô gái làm ruộng mặc để nhổ cỏ, chỉ khác cái là cụ không mang vớ dài. Tay áo nhỏ và chật mặc cùng với cái quần túm lại ở cổ chân khiến cho ông giống như đang mặc quần áo phụ nữ. Bộ quần áo khá rộng chỗ thắt lưng vì ông khá gầy.
Hai người băng ngang sân cỏ. Có một cái mạng lưới rất cao chắn trước mặt họ. Đôi tình nhân có vẻ không để ý rằng nếu họ cứ tiếp tục bước tới thì họ sẽ lao thẳng vào trong lưới. Hai người không ngừng lại, cứ dấn bước xuyên qua mạng lưới như một ngọn gió xuân nhẹ nhàng thổi qua.
Sau khi họ đi xuyên qua, cô bé mới chú ý đến cái lưới. “Ồ,” cô nhìn ông cụ. “Sintarō, anh cũng đi xuyên qua mạng lưới à?”
Ông cụ không nghe thấy, nhưng ông nắm lấy mạng lưới, “Đồ mất dạy. Đồ mất dạy.” Ông vừa nói vừa xô đẩy mạng lưới. Ông kéo rung lưới thật mạnh, và trong một thoáng ngắn ngủi, mạng lưới bị đẩy xa ra. Ông cụ loạng choạng mất đà ngã chúi, tay vịn vào mạng lưới.
“Cẩn thận, Shintarō! Có chuyện gì thế?” Cô bé quàng tay lên người ông cụ và đỡ ông đứng lên.
“Hãy thả cái lưới ra… Ồ, anh gầy đi rất nhiều,” cô bé nói.
Ông cụ đứng lên. Ông thở nặng nề lúc ông cất tiếng. “Cám ơn em.” Ông lại đưa tay nắm cái lưới, nhưng lần này nhẹ nhàng hơn, chỉ bằng một tay. Rồi với giọng nói rất to của một người bị lảng tai. “Tôi đã từng lượm banh phía sau màn lưới hằng ngày. Suốt mười bảy năm.”
“Mười bảy năm là dài ư?…. Chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn thôi.”
“Chúng nó đánh banh tùy thích. Tiếng banh chạm vào lưới nghe ghê người. Trước khi tôi quen nghe tiếng đánh banh, tôi thường nhăn mặt. Chỉ vì tiếng đánh banh này mà tôi trở nên bị điếc.”
Đó là một mạng lưới bằng kim loại được dựng lên để bảo vệ mấy cậu bé nhặt banh ở khuôn viên dùng máy ném banh cho người tập đánh golf. Những cái lưới này được gắn bánh xe ở phía dưới vì vậy chúng có thể di chuyển tới lui hay trái phải. Khuôn viên tập đánh golf và sân đánh golf chỉ cách nhau bởi một hàng cây. Ban đầu đây là một cái rừng nho nhỏ với đủ thứ loại cây, nhưng dần dần cây bị đốn hạ cho đến khi chỉ còn một hàng cây không đều.
Cả hai tiếp tục đi, mạng lưới ở phía sau họ.
“Nhiều kỷ niệm êm đềm sẽ trở lại nếu chúng ta được nghe âm thanh của đại dương.” Muốn ông cụ có thể nghe tiếng nói của mình, cô bé ghé môi sát vào tai ông. “Em có thể nghe âm thanh của đại dương.”
“Gì thế?” Ông cụ nhắm mắt. “A! Misako. Đó là hơi thở ngọt ngào của em. Như tôi đã từng nghe thấy từ những năm xưa.”
“Anh có thể nghe âm thanh của đại dương không? Nó có thể mang về những kỷ niệm đáng yêu không?”
“Đại dương… Có phải em nói đại dương? Kỷ niệm đáng yêu? Làm sao đại dương, nơi em đã trầm mình, có thể mang về những kỷ niệm êm đẹp chứ?”
“Có đấy chứ. Đây là lần đầu tiên em trở lại làng xưa sau năm mươi lăm năm. Và anh, anh cũng trở lại nơi nầy. Chính sự trở lại của anh đã mang về những kỷ niệm êm đẹp.” Ông cụ không thể nghe nhưng nàng vẫn tiếp tục nói. “Em mừng là em đã tự trầm mình. Bằng cách ấy em có thể nghĩ đến anh mãi mãi, như cái khoảnh khắc em đang nghĩ đến anh và tự trầm mình. Chỉ những kỷ niệm và hồi tưởng em có cho đến lúc em mười tám tuổi. Với em, anh trẻ mãi muôn đời. Và với anh, em cũng thế. Nếu em không tự trầm mình ngày ấy và anh trở về làng lúc này để tìm gặp lại em, em chỉ là một lão bà. Thật là xấu xí đáng tởm. Em không muốn anh nhìn thấy em như thế.”
Ông cụ nói. Đó là lời độc thoại của một người điếc. “Anh đến Tokyo và thất bại. Giờ đây, tàn tạ với thời gian, anh trở về làng cũ. Ngày xưa có một cô gái đã đau buồn vì chúng ta bị buộc phải xa cách nhau. Nàng đã tự trầm mình trong đại dương, nên anh xin việc làm ở sân tập đánh golf vì nó nhìn ra biển. Anh van nài quá nên người ta cho anh công việc này… chỉ vì thương hại anh.”
“Chỗ này, chỗ chúng ta đang đi, ngày xưa nó là cánh rừng của gia đình anh.”
“Anh chẳng làm được việc gì, ngoại trừ đi nhặt banh. Lưng của anh trở nên đau đớn vì phải cúi khom suốt ngày… Nhưng có một cô gái đã tự tử vì anh. Những triền đá ấy ở gần quanh anh vì thế anh có thể leo lên những triền đá ấy để nhảy xuống biển, ngay cả khi anh đi đứng xiêu vẹo. Anh đã nghĩ như thế.”
“Không được. Anh phải tiếp tục sống. Nếu anh chết đi sẽ không còn ai nghĩ đến em. Và như thế là em đã hoàn toàn chết.” Cô bé ôm chầm lấy ông cụ. Ông cụ không thể nghe nhưng ông cũng ôm nàng.
“Thế là xong. Chúng ta hãy cùng chết với nhau. Lần này… Em đến đây vì anh phải không?”
“Cùng chết? Nhưng anh phải sống. Sống vì em, Shintarō.”
Cô bé thở gấp khi nàng nhìn qua bờ vai ông cụ. “Ô, mấy cây cổ thụ vẫn còn kia. Cả ba cây… như hồi xửa hồi xưa.” Cô gái đưa tay chỉ, nên ông cụ quay lại nhìn.
“Những người đánh golf rất sợ mấy cái cây ấy. Họ cứ bảo người làng hãy đốn chúng đi. Khi họ đánh quả banh golf, họ nói quả banh đi đường vòng hướng qua bên tay phải như thể chúng bị hút đi bằng phép ma thuật của mấy cái cây.”
“Mấy người đánh golf đến lúc thì cũng sẽ chết thôi – rất lâu trước khi mấy cái cây này sẽ chết. Hàng cây này đã cả hằng trăm tuổi rồi. Mấy người đánh golf nói như thế, nhưng họ không hiểu chiều dài suốt cuộc đời của con người,” cô bé nói.
“Đây là mấy cái cây tổ tiên anh đã chăm sóc hằng mấy trăm năm, vì thế anh bắt người mua đất phải hứa là sẽ không đốn hạ mấy cây này khi anh bán đất cho họ.”
“Thôi đi, anh.” Cô bé nắm lấy tay ông cụ. Hai người chập choạng hướng về hàng cây.
Cô bé đi xuyên qua gốc cây dễ dàng. Ông cụ cũng vậy.
“Ô kìa.” Cô bé nhìn ông cụ chăm chăm rồi khen ngợi. “Ồ, thế anh cũng đã chết rồi à, Shintarō? Phải không anh? Anh chết từ bao giờ?”
Ông cụ không trả lời.
“Anh đã chết… Đúng không? Thật là lạ lùng vì em đã chẳng gặp anh ở cõi âm. Anh hãy thử đi xuyên qua cái cây lần nữa để em xem có thật anh đã chết hay vẫn còn sống. Nếu anh đã chết, chúng ta có thể đi vào và ở lại trong cây.”
Họ biến mất vào trong gốc cây. Cả ông cụ và cô bé không tái xuất hiện.
Màu của hoàng hôn bắt đầu trôi biến vào các cây non phía sau hàng cổ thụ. Bầu trời biến thành màu đỏ nhạt nơi đại dương có tiếng sóng vỗ rì rào.
Nguyễn thị Hải Hà dịch truyện ngắn “Immortality” trích từ tuyển tập “Palm of the Hand” của Yasunari Kawabata. J. Martin Holman dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh.
(1) hakama: y phục cổ truyền của người Nhật. Tương tự như cái váy dài lưng váy rất cao.
“chúng ta có thể đi vào và ở lại trong cây”
Câu này làm cháu liên tưởng đến đoạn thoại trong một bộ phim truyền hình Hàn Quốc ngày xưa.
“- Nếu được sinh ra một lần nữa, em muốn làm gì?
– Em muốn làm cái cây.
– Cái cây?
– Vì cái cây sinh ra đã bám rễ vào lòng đất, sẽ không phải đi đâu, sẽ không bị chia cắt khỏi những người em yêu thương.”
LikeLiked by 1 person
Cô này nói mấy câu này thật là dễ thương.
LikeLiked by 1 person
Câu chuyện thật là dễ thương Hà ơi.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn DT. Chẳng hiểu họ bị điều gì chia cắt tình yêu đến độ cô gái phải tự tử còn chàng trai thì bán cả tài sản của gia đình đi nhặt banh golf chỉ để được nhìn ra biển, nơi người yêu tự tử.
LikeLiked by 1 person
DT cũng định hỏi Hà như vậy đó!
LikeLiked by 1 person
Tác giả có lẽ không muốn khai triển chi tiết đó, vì nó sẽ dài hơn số trang ấn định.
LikeLiked by 1 person
Okay, cứ cho là như vậy đi! DT có nhiều chuyện thật cũng hay lắm, nhưng nó buồn quá nên không dám viết!
LikeLike