http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa/NguyenThiHaiHaHokusai2021.htm
Bài tiếp theo trong loạt bài “mùa dịch bệnh nằm nhà xem tranh Hokusai.”
Katsushika Hokusai, người Nhật, sinh ngày 31 tháng Mười 1760 và mất ngày 10 tháng Năm 1849. Nổi tiếng trên thế giới với bức tranh The Great Wave of Kanagawa (Lượn Sóng Khổng Lồ ở Kanagawa)[1] thường được viết tắt là The Great Wave, trong bộ tranh khắc trên gỗ ukiyo-e Thirty-six Views of Mt. Fuji (Ba mươi sáu cách nhìn núi Phú Sĩ). Đặc điểm của bức tranh này là lượn sóng màu xanh Prussian blue; to đến độ núi Phú Sĩ ở đằng xa trở nên nhỏ bé như cái nón lá. Bọt sóng màu trắng, như trăm ngàn cái vấu nhọn của con quái vật khổng lồ đang bủa xuống đầu của hai đoàn phu chèo thuyền cố gắng lèo lái hai chiếc thuyền gỗ mong manh vượt qua ngọn sóng. Khi vẽ loạt tranh Ba Mươi Sáu Cách Nhìn Núi Phú Sĩ, Hokusai đã ở tuổi bảy mươi, và màu xanh Prussian blue, mới được nhập vào Nhật cách đó không lâu, khoảng 1830. Tranh khắc trên bảng gỗ ukiyo-e là tranh trên mặt phẳng, chủ yếu dùng mực, ban đầu chỉ dùng hai màu trắng và đen. Vào những năm 1720 -1730 tranh gỗ có thêm màu xanh lá cây và màu đỏ. Màu xanh, Prussian blue, còn gọi là Berlin blue được tìm ra từ phòng thí nghiệm và phát triển từ giữa cho đến cuối thập niên của thế kỷ 18. Trước khi có màu xanh Prussian, họa sĩ dùng các màu xanh khác, như indigo lấy từ thảo mộc. Màu xanh indigo mau phai. Màu xanh Prussian trong bộ tranh của Hokusai sáng ngời chinh phục giới thưởng ngoạn ngay lập tức. Hokusai áp dụng cách vẽ perspective của người Tây phương và dùng độ đậm nhạt khác nhau làm nổi bật không gian ba chiều của bức tranh dù ukiyo-e là tranh mặt phẳng. Màu đỏ được dùng một cách dè xẻn, mờ nhạt, thường dùng để chỉ khoảng trống như bầu trời có vài cụm mây.
Vẻ đẹp của mùa thu, chủ yếu nằm trong sự thay đổi màu sắc của cây lá. Một số họa sĩ nổi tiếng ở phương Tây như Claude Monet, Gustave Courbet, Albert Bierstadt đã thể hiện màu sắc phong phú của mùa thu bằng sơn dầu. Đặc điểm của sơn dầu là họa sĩ có thể pha trộn màu sắc với nhau để tìm ra màu sắc thích hợp. Nhật Bản có loại cây phong màu đỏ rất tươi, đậm, rực rỡ; Hokusai thuộc về thế hệ trước thời các họa sĩ nói trên. Thời của Hokusai sơn dầu chưa thịnh hành ở Nhật và Nhật vẫn còn trong thời kỳ bế quan tỏa cảng. Không biết Hokusai sẽ vẽ cây phong Nhật mùa thu như thế nào? Xin mời độc giả cùng với tôi ngắm một vài bức tranh vẽ mùa thu của danh họa Hokusai. Tranh của Hokusai được trưng bày rất nhiều ở các websites trên mạng. Ở đây tôi chỉ xin giới hạn ở vài bức tranh được nhắc đến trong quyển Hokusai – Beyond The Great Wave do Timothy Clark biên soạn[2].

Bức tranh Lá Thu Trên Sông Tatsuta – ‘Autumn leaves on the Tatsuta river’.
Bức tranh trên, không được in trong quyển sách Hokusai – Beyond The Great Wave; tuy nhiên, nó được Roger S. Keyes nhắc đến bằng giai thoại như sau:
Vào năm 1807, nhà quân phiệt Tokugawa Ienari (cai trị Nhật Bản từ 1787-1837) cho vời Hokusai đến vẽ trước sự chứng kiến của ông. Đây là một vinh hạnh to lớn cho Hokusai. Để kết thúc buổi vẽ biểu diễn, Hokusai đã vẽ một mảng sơn màu xanh dương trải rộng trên một tờ giấy to lớn. Bắt một con gà được nhốt sẵn trong cái giỏ gần đó, ông nhúng chân gà vào sơn đỏ và ịn chân gà vào mảng sơn xanh trên giấy. Sau đó ông đặt tựa đề bức tranh là “Lá Thu Trên Sông Tatsuta.”[3] Suốt đời nghèo khó, nhưng vào năm 1808, Hokusai trở nên khá giả, ông có thể mua nhà và treo tranh để bán cho người đến xem.
Những ngọn cây màu cam, hay đỏ nhạt xuất hiện phía sau rặng đồi và lá phủ đầy mặt nước dưới chân cầu.

Bức tranh Người Hái Sậy ‘The Reed Gatherer’ (Togusa-gari)[4]
Bức tranh này lấy ý từ một vở kịch Noh có tựa đề là Tokusa (Lau sậy). Cụ già gánh mớ sậy cụ đã khổ nhọc cắt hái suốt ngày về nhà. Ánh trăng soi đường cụ đi. Tình cờ, cụ gặp lại người con trai thất lạc nhiều năm trước đây. Vui mừng tưởng chừng hóa điên, cụ nhảy múa trong ánh trăng để giải tỏa nỗi đau buồn những năm dài mất con. Sau đó cả hai cha con rủ nhau vào chùa Phật xa rời thế tục. Trong lúc vẽ tranh này, Hokusai đã tâm niệm bài thơ của Minamoto no Nakamasa viết khoảng cuối những năm 1000 cho đến đầu 1100. Bài thơ như sau:
Through the trees
on Mt Engen
where they gather reeds
appears the polished full moon
of an autumn night[5]
Xuyên qua rừng cây
Trên núi Engen
Nơi họ hái sậy
Xuất hiện vầng trăng bóng loáng
của đêm thu.[6]
Khó mà nhận ra đây là bức tranh vẽ mùa thu nếu không có bài thơ của Minamoto no Nakamasa minh họa cùng với lời ghi chú của các học giả. Dù cây cầu có màu đỏ nhưng lá phong được vẽ bằng màu đen hay xanh đậm rơi đầy trên mặt đất cạnh bờ sông. Người xem nhìn ánh trăng, nghe tiếng nước chảy dưới chân cầu, và hai con ngỗng đang ngủ trên hồ, mơ hồ tưởng tượng được sự mệt mỏi và nỗi cô đơn của người gánh sậy.

Bức tranh minh họa bài thơ của Thi sĩ Kakinomoto no Hitomaro[7]
Khoảng tháng Hai năm 1835, Hokusai viết trong lá thư gửi một người bạn, báo tin ông sẽ là người minh họa loạt tranh vinh danh 100 nhà thơ nổi tiếng của Nhật. Loạt tranh này trước đó đã được ký hợp đồng với Ōi, con gái của Hokusai. Bức tranh bên trên được vẽ minh họa cho bài thơ của thi sĩ Kakinomoto no Hitomaro.
Must I sleep alone
through the long autum nights
long like the dragging tail
of the mountain pheasant
separated from his dove[8]
Nếu tôi phải ngủ một mình
Suốt đêm thu dằng dặc
thì đêm sẽ lê thê như cái đuôi
của con công bị ngăn cách
với chim mái.
Hokusai chuyên chở cái cảm giác dài vô tận của một đêm cô đơn bằng hình ảnh đám ngư phủ mỏi mệt kéo lưới hai bên bờ suối đi ngược dòng từ chân núi lên đỉnh núi trong lúc chiều đang dần buông. Gió thổi khói bay dạt từ bên trái sang bên phải có thể được dùng để gợi sự tưởng tượng cái đuôi dài của con công. Giữa thung lũng là ngôi nhà có người ngồi ở cửa sổ. Phải chăng một thiếu phụ chờ chồng đi xa về, hay một nhà thơ chờ nàng thơ đến thăm.[9]
Bức tranh này tuy có nhiều màu đỏ, màu có thể dùng để vẽ lá thu, tuy nhiên người xem chỉ có thể biết đây là bức tranh nhắc đến mùa thu qua câu thơ của thi sĩ Kakinomoto no Hitomaro.

Bức tranh minh họa bài thơ của thi sĩ Kan Ke (Sugawara no Michzane)[10]
This time around
I couln’t even bring sacred streamers
Offering Hill
but if this brocade of autumn leaves
is to the God’s liking[11]
Lần này
Tôi không thể mang lá phướng linh thiên
Lên đồi Hiến Dâng Lễ Vật
Nhưng biết đâu chừng
tấm áo bào kết bằng lá thu này
là món quà Thượng Đế yêu thích[12]
Trong bức tranh này, lá thu rơi và bay tản mác trong bầu trời. Bức tranh diễn tả một bài thơ cổ. Cổ xe của hoàng gia đang đậu ngoài đền thờ, các quan quân hầu cận đứng ngồi lố nhố cạnh con bò kéo xe. Tác giả bài thơ là Kan Ke, (Sugawara no Michizane, 845-903) Bài thơ được viết vào năm 898. Kan Ke ở trong đoàn tùy tùng đưa Hoàng Đế Uda (887-897) làm chuyến hành hương mùa thu đến đồi Hiến Dâng Lễ Vật ở Nara. Vẻ đẹp của mùa thu với lá thu rơi khiến thi sĩ liên tưởng đến tấm áo bào kết bằng lá thu.[13]

Bức tranh minh họa bài thơ của thi sĩ Harumichi no Tsuraki[14]
Ah, the weir
that the wind has flung
across the mountain stream
is the autum foliage that
cannot flow on, even though it would.
trans. Joshua Mostow
A, cái đập nhỏ
gió thổi lá thu qua bên kia bờ suối
cái đập ngăn lá thu
khiến chúng không thể trôi, mặc dù
chúng rất muốn.
Bức tranh vẽ một toán thợ mộc đang xẻ gỗ. Trên cây cầu bằng gỗ bắc tạm băng qua con suối có người phụ nữ đầu đội thùng gỗ (có lẽ đựng thức ăn cho thợ) tay dẫn con. Đứa bé kéo con rùa nhỏ như món đồ chơi. Người phụ nữ này có lẽ là người mẫu được Hokusai mến chuộng, vì ông đã dùng người mẫu này trong một bức tranh khác. Lá thu rơi đầy trên dòng suối. Bên trái cây cầu gỗ, một người đàn ông đang cào lá bị mắc kẹt không trôi được, vẽ để diễn tả lời thơ.

Bức tranh này được dùng để minh họa bài thơ của thi sĩ Bunya no Asayasu[15]
Shira-tsuyu ni
kaze no fuki-shiku
aki no ta wa
tsuranuki tomenu
tama zo chirikeru
In the autumn fields
where the wind blows repeatedly
on the white dewdrops
the gems, not strung together,
do scatter about indeed[16]
Khi cánh đồng mùa thu
nơi ngọn gió thổi mãi không ngừng
trên những giọt sương trắng
những hạt ngọc chưa được kết thành chuỗi
bay tan tác
Bài thơ nói trên xuất hiện ở một tập thơ, được Kenneth Rexroth dịch từ Một Trăm Bài Thơ Nhật Nổi Tiếng. Cỏ mùa thu trong bài thơ được Hokusai đổi thành lá sen.
p.[13]
In a gust of wind the white dew
On the Autumn grass
Scatters like a broken necklace
Gió thổi trên cỏ thu
làm những hạt sương đọng tan tác
như chuỗi hạt trai bị đứt
Bức tranh vẽ năm cậu bé hầu cận đi giúp hái hoa sen. Hai cậu đang sắp xếp hoa sen. Một cậu đang cố gắng vói một chiếc lá sen cuối cùng trước khi gió thổi giạt chiếc thuyền sang hướng khác. Hai cậu đang cố chèo chống một cách thảm hại khiến các cậu có vẻ như chống cự nhau hơn là kháng cự cơn gió. Bài thơ của Asayasu vẽ lên một hình ảnh rất đẹp nhưng không bền, ví sương thu như những hạt ngọc chưa được kết thành chuỗi, bị gió thu thổi bay tan tác. Bức tranh này ông Hokusai vẽ cảnh cuối hè. Đầu mùa thu, lá sen chưa tàn héo. Dựa theo lời thơ ông vẽ những hạt sương trắng li ti trên những chiếc lá sen màu xanh đậm và xanh lá cây. Chúng ta có thể tưởng tượng ra gió thu đang miên man thổi làm lật bề trái của những tàu lá sen và đám cỏ bên kia bờ uốn rạp theo chiều gió thổi.
Hokusai dùng màu đỏ không dành riêng cho màu lá thu. Mùa thu được Hokusai diễn tả bằng thư pháp, ông vẽ bài thơ tả sự chia cách của đôi tình nhân trong đêm dài, vẽ những giọt sương trong trên lá sen bị gió thổi bay tan tác, hay trăng soi đìu hiu trên hồ vào mùa hái sậy. Tranh thu của Hokusai không chỉ vẽ cảnh thu; qua nét vẽ của ông người thưởng ngoạn luôn được nhìn thấy rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp của xã hội luôn luôn hoạt động mang lại sinh khí cho bức tranh. Trong bức tranh “Lượn sóng khổng lồ” chúng ta thấy đoàn phu chèo thuyền chiến đấu với ngọn sóng. Trong “Lá thu trên sông Tatsuta” có đoàn người trẩy hội, anh hề, các vị samurai. Và thêm vào những bức tranh sau nữa có giai cấp hoàng gia, học giả, thợ mộc, ngư dân, nông dân, phụ nữ, người già, em bé, một xã hội thu nhỏ lại trong nét vẽ của ông.
Nguyễn thị Hải Hà viết xong ngày 9 tháng Mười Một 2021.
[1] Wikipedia tiếng Việt dịch là Sóng Lừng ở Kaganawa.
[2] Cộng tác với Timothy Clark trong quyển Hokusai – Beyond the Great Wave có Angus Lockyer, Matsuba Ryōkō, Asano Shūgō, và Alfred Haft.
[3] Bức tranh này khá phổ biến trên mạng, tôi không nhớ đã dùng ở mạng nào.
[4] Timothy Clark, Hokusai Beyond the Great Wave, Cat. 130, tr. 220. From Japanese Ukiyo-e Woodblock Print Hokusai the Gatherer | Etsy
[5] Bản dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh của Alfred Haft.
[6] Nguyễn thị Hải Hà dịch sang tiếng Việt
[7] Cat. 132 p. 224 (Clark, 224)
[8] Bản dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh của Joshua Mostow
[9] Alfred Haft diễn dịch bức tranh.
[10] Cat. 134, (Clark, p. 226)
[11] Joshua Mostow dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh.
[12] Nguyễn thị Hải Hà dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt
[13] Alfred Haft diễn giải bức tranh
[14] default.jpg (843×570) (artic.edu) Tranh copy từ link này
[15] Timothy Clark, Hokusai – Beyond the Great Wave. Cat. 140, p. 232
[16] Joshua Mostow dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh
Bài viết công phu quá ạ, có cả tranh, cả thơ, cả bình, cả lịch sử.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu.
LikeLike
❤ ❤ ❤ Cám ơn cô về bài viết rất hay và giàu thông tin ạ!
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu đã đọc.
LikeLiked by 1 person