Rất nhiều khi, tôi tự hỏi. Thơ là gì? Làm thế nào để biết đó là một bài thơ? Làm thế nào để biết đó là một bài thơ hay? Hỏi rồi cũng tự trả lời. Thơ hay – khi nào mình đọc thấy nó hay thì đó là một bài thơ hay.
Làm sao để nhận ra đó là một bài thơ. Tưởng dễ mà lại khó trả lời. Thật thà, vụng về, hay đơn giản đến không còn có thể đơn giản được nữa, thì có thể đáp liều rằng, cái gì mà không thuộc về văn, tiểu luận, phóng sự, luận đề, báo cáo, và vân vân thì mình gọi đó là thơ.
Tôi hỏi lẩn thẩn như thế là vì hôm nọ xem phim Paterson, nhân vật trong phim, có cùng tên với địa danh Paterson, đã làm thơ. Bài thơ đầu tiên trong cuốn phim nói về những que diêm:
We have plenty of matches in our house.
We keep them on hand always
Currently our favorite brand is Ohio Blue Tip.
Though we used to prefer Diamond brand.
That was before we discovered Ohio Blue Tip matches.
Chúng tôi có rất nhiều que diêm trong nhà
Chúng tôi giữ nó để tiện dùng
Ngay bây giờ chúng tôi thích dùng Ohio Blue Tip.
Dù trước kia chúng tôi thích hiệu Diamond hơn.
Đó là trước khi chúng tôi khám phá ra diêm quẹt hiệu Ohio Blue Tip.
Ngay lúc ấy tôi đã kêu lên thơ là như vậy sao. Sau đó tôi đọc Wikipedia thấy mấy bài thơ trong cuốn phim là của nhà thơ Ron Padgett, giáo sư văn chương, học giả, dịch giả, được giải thưởng thơ. Mấy bài thơ này còn có vẻ phức tạp hơn mấy bài thơ của William Carlos Williams về cái xe cút kít màu đỏ và quả mận chín trong thùng nước đá. Thơ như vậy là thơ hay, hay sao? Tự hỏi như vậy nhưng chữ hay thì quả thật, mỗi người mỗi khác.
*Thơ là gì? William Wordsworth, nhà thơ của thế kỷ 19, định nghĩa thơ là “sự tuôn trào của cảm xúc mạnh.” Adrienne Rich, bảo rằng “bài thơ cũng như giấc mơ, bạn cho vào trong giấc mơ tất cả những thứ mà bạn không biết là bạn biết.” Javier Heraud, bảo rằng thơ là “bài ca của những người bị áp bức, bài ca mới của những người được giải phóng.”
Thi sĩ làm thơ viết thơ vì nhiều lý do nhưng nói chung họ cùng có một sức tưởng tượng được thể hiện qua ngôn ngữ và họ tin vào sức thuyết phục của chữ nghĩa. Emily Dickinson nghĩ về từ ngữ như sau:
A word is dead
When it is said,
Some say.
I say it just
Begin to live
That day.
(Tôi thử sắp xếp lại bài thơ như sau: “A word is dead, when it is said, some say. I say it just begin to live that day.” Bỗng dưng bài thơ chỉ còn là hai câu văn đơn giản. Một chữ sau khi nó được thốt ra là đã chết. Tôi cho rằng, chữ này thật ra bắt đầu cuộc sống của nó vào ngày hôm ấy.)
Nhà thơ Anne Sexton, khoảng một trăm năm sau cũng viết một bài thơ từ ngữ như sau:
Words and eggs must be handled with care,
Once broken they are impossible
things to repair.
Chữ cũng như trứng, phải được nâng niu cẩn thận
Khi rạn vỡ chúng là những thứ
không thể hàn gắn được.
Mặc dù hầu như mỗi người có một định nghĩa về thơ và những định nghĩa này có khi trái ngược với nhau, một cách tổng quát, nhiều người đồng ý rằng, thơ bao gồm những thể hiện về tình cảm, ý nghĩa, và kinh nghiệm về cuộc đời và sự sống qua vần điệu (và không vần điệu), hình ảnh, cấu trúc, và trên tất cả là kết hợp của từ và ngữ.
*Từ phần này cho đến cuối bài tôi chép lại những định nghĩa trên trong quyển sách giáo khoa “Literature Across Cultures” trích đoạn “An Introduction to the Elements of Fiction, Poetry, and Drama.” do Sheena Gillespie, Terezinha Fonceca, và Carol Sanger biên soạn. Simon & Schuster Inc., @1994, p. 988.
“Có những phút ngã lòng.
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy…”
LikeLiked by 3 people
Reblogged this on Giai01's Blog and commented:
xem
LikeLike
Cám ơn rất nhiều cho bài viết này. Bà Tám ơi, tôi rất mến mộ văn phong của bạn, gần gũi và thực tế nhưng rất thâm thúy trong chiều sâu tâm hồn.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn nàng, quá khen.
LikeLiked by 1 person
Em thích cách chị đặt câu hỏi “Là gì?” Câu trả lời tưởng khó giải thích, thật ra THƠ chính nó đã có câu giải nghĩa rồi chị nhỉ, em cũng thích câu này nữa: “…thơ bao gồm những thể hiện về tình cảm, ý nghĩa, và kinh nghiệm về cuộc đời và sự sống qua vần điệu”
LikeLiked by 3 people
Có người lại không thích thơ có vần điệu 🙂
LikeLike
Thơ không vần điệu? Nó thành văn xuôi chị à. Mà hiện nay người ta thích ngắt câu, xuống dòng rồi gọi đó là “thơ”. Đọc thấy trúc trắc thế nào đó, đọc xong rồi quên nhanh… hì hì… em lâu lâu cũng thấy thích, nhưng vẫn lui về thơ có tính nhạc, điệu, vần hơn.
LikeLiked by 2 people
Mình thỉnh thoảng cũng đọc thơ. Có bài không vần điệu cũng thích, nhưng trong lòng vẫn thích thơ có vần điệu hơn.
LikeLiked by 1 person
Thật bổ ích cho cháu. Cảm ơn cô ạ!
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu.
LikeLike