Blog và Tôi – Nguyễn thị Hải Hà
Bài đã đăng ở Thư Quán Bản Thảo số 57. Bạn đọc có thể đọc toàn tạp chí TQBT 57 pdf ở blog Phay Văn và Gió O.
@ @ @
Năm 2004, Ách Cơ con gái đầu lòng của tôi đang học lớp 9. Trường của Ách Cơ khuyến khích học sinh luyện cách viết bằng cách mở một blog và viết bất cứ cái gì học sinh muốn. Ách Cơ bị xung đột gay gắt giữa cách nuôi dạy của bố mẹ Việt, nghiêm khắc và gò bó, và môi trường văn hóa Hoa Kỳ nghiêng về sự phát triển cá nhân đòi hỏi nhiều tự do đã có chiều hướng nổi loạn. Cô nàng muốn được như bạn bè muốn có “boyfriend,” được đi “mall,” được “go out” và những chuyện tương tự.
Với người Mỹ, ở tuổi ấy các cô các cậu tổ chức “group date” gặp nhau đi xem phim rồi đi ăn pizza hay hamburger là chuyện bình thường. Một vài cô cậu đặc biệt hơn thì đi chơi riêng gọi nhau là boyfriend girlfriend. Tôi thấy Ách Cơ thường hay “chat” trên mạng và sau khi tìm hiểu gạ gẫm tôi khám phá ra blog của Ách Cơ. Blog, ban đầu là một thứ nhật ký mở trên mạng, nhưng Ách Cơ và một số bạn dùng blog để viết Fan Fiction. Lúc ấy truyện Harry Potter rất nổi tiếng và học sinh dựa vào truyện này để khai triển thêm. Một hôm sau khi bị phạt nặng Ách Cơ viết trên blog mấy chục chữ FUCK in đậm, màu đỏ để bày tỏ cơn giận dữ. Tôi lo ngại nên theo dõi cô nàng, xem đám bạn của Ách Cơ là ai, viết gì. Tôi khám phá nhiều điều về những “bi kịch thời đại” trong cái xã hội Trung học Hoa Kỳ. Tôi tập tễnh hiểu tâm trạng của con tôi, vì sao nó luôn giận dữ, phản kháng. Tôi hiểu nhưng vì tư tưởng tôi đóng cứng trong nền văn hóa Việt Nam, chính tôi cũng phải tự đương đầu với những xung đột văn hóa trong tôi nên quan hệ mẹ con có nhiều cắng đắng. Dần dần tôi nhận ra blog là nơi con tôi “xả hơi trong nồi áp suất.” Tôi cũng nhận ra ai cũng cần có một khoảng cách cá nhân, một cái phòng riêng của tư tưởng, để nổi loạn hay để tự xoa dịu những nỗi đau riêng tư.
Ách Cơ thường cãi nhau Jimmy Ho, cha mẹ Jimmy gốc Đài Loan. Cậu bé này rất mê truyện anime và cậu thiết kế blog của cậu bằng những tranh ảnh, nền anime rất đẹp. Có một blog của một cô bé rất mực tôn sùng Jimmy. Với cô, Jimmy là thần tượng cô ca tụng “chàng” bằng những lời nồng cháy. Ách Cơ và đám bạn học thường thắc mắc con bé này là ai, tại sao nó có thể mê một thằng đáng ghét đến thế.
Ách Cơ quen trên mạng với một nhóm thiếu niên người Việt ở Boston. Một trong các cậu này có một cậu bé thích chơi game Fantasy và rất yêu bài hát “Suteki da ne.” Tôi bị bài hát thu hút nên để ý đến cậu bé Fantasy này. Tôi đoán cậu hiền lành, lãng mạn và ủy mị. Một hôm cậu kể rằng cậu bị bạn chọc phá trêu ghẹo, xô cậu xuống hồ tắm. Fantasy bị ướt, lạnh, lại mắc mưa trên đường về, và những trêu ghẹo hất hủi của các bạn làm cậu buồn bã, tự ghét mình. Cậu muốn tự tử. Tôi hết hồn khuyên can cậu (trên blog) và tự hỏi làm cách nào để có thể báo cho gia đình cậu biết để ngăn ngừa. Tôi mở blog để có thể can ngăn cậu bé. Tôi bảo với cậu bé tôi là người Việt và tôi quan tâm đến cậu. Tôi xin cậu đừng làm liều. Tôi bị hút vào cái bi kịch ấy nên theo dõi blog của cậu hằng ngày. Cậu chẳng đáp lời tôi. Cùng an ủi cậu có một cô bé người Việt, lớn hơn cậu hai tuổi. Cái bài sau đó cho thấy cậu ngưng ý định tự tử.
Một hôm tôi thức giấc nửa khuya không ngủ lại được. Trăng sáng quá và mùi hương kim ngân nồng nàn làm tôi nhớ bài thơ Trăng Thiếu Phụ của Quách Thoại. Đã mấy đêm trường tôi không ngủ. Nằm thao thức nhớ mảnh trăng thu. Đã biết bao lần tôi tự nhủ. Rằng cho tôi chết giữa âm u. Tôi bỗng thèm viết nhật ký. Một thứ nhật ký không cho người quen biết của mình đọc nhưng lại muốn những người không biết mình là ai biết những suy nghĩ của mình. Tôi bắt đầu viết blog.
Tôi bắt đầu làm quen với những blogger khác và tìm ra một blogring người Việt nhưng viết bằng tiếng Anh. Tôi chưa biết là trên net có những phần mềm giúp người ta viết tiếng Việt. Tôi không biết có báo, tạp chí mạng viết bằng tiếng Việt. Chỉ một năm sau tôi đã rất thông thạo về blog, biết một ít HTML codes để thiết kế blog, biết theo dấu chân những người vào blog, biết IP của họ phát xuất từ đâu. Tôi khám phá ra cô bé tôn thờ Jimmy Ho chẳng ai khác hơn là chính cậu bé. Chàng ta làm ra cái blog mang tên con gái để có thể tự tôn sùng mình. Cứ nhìn cách thiết kế là có thể đoán là cùng một chủ nhân.
Năm 2007 tôi theo dõi cuộc biểu tình phản đối chính quyền của người Miến Điện trên blog của một cô gái Miến Điện. Nhà cô ở gần nơi người ta biểu tình và qua khe cửa sổ cô nhìn thấy và viết trên blog. Lúc ấy tất cả tivi truyền thông chính thức đều bị cấm, nhà báo ngoại quốc bị bắn chết trên đường phố.
Tôi quen với blog ông Mỹ. Ông là người Mỹ, từng đi lính ở Việt Nam, có học và biết chút ít tiếng Việt. Ông thường viết blog bằng tiếng Việt trong khi tôi là người Việt nhưng blog bằng tiếng Anh. Ông trở lại Việt Nam và sau chuyến đi ông Mỹ bày tỏ cảm tình với nước Việt người Việt rồi gửi lên báo Lao Động. Báo sửa chữa và đăng bài của ông. Từ đó ông chỉ thích viết tiếng Việt. Ông bảo rằng tiếng Việt nghe hay hơn chim hót, tiếng Việt nghe hay hơn bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Ông Mỹ có hai cô con gái Amanda và Betty (tên giả) sống ở tiểu bang khác với tiểu bang ông ở. Họ biết tin tức của nhau qua blog. Tôi không đọc Amanda nhiều. Betty là một họa sĩ. Cô thích hình xâm và trên người cô xâm rất nhiều hình ảnh. Qua blog của Betty và ông Mỹ tôi biết một chuyện rất đau buồn.
Amanda có chồng và hai con. Họ sống gần bờ sông. Mùa hè, hai vợ chồng và hai đứa con được mời đi câu cá. Nước lớn, chiếc thuyền câu có thể cập bến đón bốn người đi câu. Khi về nước ròng, xuồng câu không cập bến được nên thả bốn người ở trên cồn ở giữa sông. Chồng của Amanda rất cao lớn khỏe mạnh. Amanda cũng thế. Đứa con gái lớn biết bơi nên từ cồn bơi vào mé sông bên kia không hề hấn gì. Amanda cũng tự bơi vào. Người chồng cõng cậu con trai 11 tuổi trên vai “đi” vào vì cậu bé không biết bơi. Nước ngập đầu, người bố nín thở đi vào đuối sức, kịp đẩy cậu bé vào bờ nhưng ông ta đuối sức, chìm xuống. Amanda thấy chồng chìm trở ra tìm chồng. Cô con gái lớn kéo em lên bờ, gọi cấp cứu. Amanda cũng chìm. Hai vợ chồng chết đuối trước cặp mắt của hai đứa con.
Mình biết từ lâu là đứng trước “Núi” nhưng vẫn cả gan mà “soi bóng mình “….
Chúc một tuần mới nhiều sức khỏe nhé !!
LikeLike
Cám ơn Kim Ánh ghé thăm. Chúc K. A. nhiều sức khỏe.
LikeLike
Cháu vẽ đẹp đấy. Không chịu vào artclub chắc là có lý do nào khác. Chị sống với phong tục Hoa Kỳ đã lâu, và có cô con gái rất bướng bỉnh nên chị thường chịu thua, nên nếu ở trong trường hợp Hà Linh chị sẽ để cháu tự quyết định. Vẽ công việc sáng tạo, đòi hỏi sự yên tĩnh. Bản thân chị cũng không thích gia nhập nhóm tham gia đoàn thể nên nếu cháu dùng thì giờ vào việc khác mà cháu thấy thú vị hơn thì cứ chìu ý cháu. Để dành sức mà chiến đấu những chuyện khác của tuổi teenage.
LikeLike
Em làm như thế là đúng lắm.
LikeLike
Mỗi người mỗi tính em ạ. Cô bé nhà em đổi nhà đổi trường đổi bạn phải trải qua nhiều thay đổi có khi gây chấn động trong tâm hồn mà mình không biết. Trẻ em nhiều khi đối xử với bạn mới đến cũng khác biệt. Với chị gia nhập vào một xã hội mới, một cộng đồng mới không dễ dàng. Xem chừng cô bé nhà em tiếp xúc với cuộc sống mới khá dễ dàng. Cô lớn nhà chị đổi trường một lần chỉ từ quận này sang quận khác mà chấn động mạnh vô cùng.
LikeLike
Từ hồi chị blog bằng chữ Việt chị bỏ luôn blog bằng chữ Anh không quay lại nên không biết họ sống thế nào.
LikeLike