CON ĐƯỜNG TƠ LỤA P. 1

CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

(route de la soie/silk road)

Tác giả: Bernard Ollivier; Đặng đình-Túy  lược thuật

 

bản đồ silk-routeXin nói ngay rằng tôi không có ý định thuật chuyện lịch sử ; câu chuyện bắt nguồn từ một  hứng khởi hẹp hòi nhỏ mọn hơn nhiều, đấy là những suy nghĩ liên quan đến tuổi già. Sau thời gian hoạt động cật lực để tìm cái sống -nhất là đối với những thân phận di cư như chúng ta – để nuôi gia đình con cái, tái lập cuộc sống vật chất cho những kẻ thân yêu, có một ngày chúng ta đối mặt với ngưỡng cửa tuổi tác và tự nhủ rằng, thôi bôn ba vất vả từng ấy đủ rồi, giờ này dừng lại cũng đã vừa. Sau nhiều năm mệt nhọc, nghĩ hưu được xem như thứ phần thưởng, kẻ hưu trí hân hoan đón nhận. Cảm giác ấy tràn đầy ấm áp có thể chỉ ở giai đoạn đầu ; sau đó thì vì thói quen hoạt động nhiều năm, cuộc dưỡng già dần dần trở thành vô vị, nhiều khi còn gây thêm căn bệnh trầm cảm.  Đương sự tự hỏi : ta phải làm gì đây để tiêu cho hết những ngày tháng còn lại trước khi làm cuộc viễn du chót ? Ngoại trừ những kẻ thích hưởng thụ  thích vui chơi thì đấy là lúc nên tận hưởng khi họ còn đầy đủ sức khỏe, nhưng cũng có những người mong làm những việc có ý nghĩa hơn, ít ra là có ý nghĩa với chính họ.

Bernard Ollivier (1) là một người thuộc loại đó. Nguyên là cựu ký giả chính trị của nhiều tờ báo Pháp (Paris Match, Combat…)  cùng một lúc là biên tập viên về các vấn đề kinh tế và xã hội (Le Figaro, Le Matin…) rất được nhiều người đọc, khi đến tuổi hưu trí ông về nhà vẫn còn sung sức. Người đàn bà đầu gối tay ấp của ông, khốn thay, đã bỏ ông ra đi trước ; các con đã lớn, đã biết tự lo liệu cho đời chúng, Bernard tự hỏi mình làm gì đây trong chuỗi ngày hưu trí vô vị so với cuộc sống rày đây mai đó với những giây phút sục sôi của đời ký giả. Ông đã từng tham gia nhiều cuộc chạy việt dã như marathon New York và hai năm trước đó còn làm cuộc bộ hành dài 2 235km gọi là để tập cho đôi chân cứng (và đá mềm!) ròng rã ba tháng với túi hành lý trên vai. Khác với anh chàng Forrest Gump (trong cuốn phim cùng tên) buổi sáng sau đêm ân ái cùng nàng Curran, một mình đối diện với chiếc giường trống chợt nghĩ rằng mình phải chạy (một cách hồn nhiên nhưng thực ra đấy là một thôi thúc tâm lý, bản năng sinh tồn đã đẩy chàng ta làm một cuộc chữa bệnh tâm lý), Ollivier nhận ra mình vẫn còn sức và với viễn tượng viết cuốn sách tường thuật cuộc dong ruỗi (nhà xuất bản tin tưởng nơi ông nên đã đặt cọc trước) ông ngỏ lời bàn bạc với các con và sau khi được sự hoan nghênh của chúng, ông hăng hái ra đi quyết làm cuộc du hành vượt mười hai nghìn cây số trong bốn năm ròng từ Istanbul của Thổ nhĩ kỳ sang đến Tràng an xứ Trung hoa. Vì lý do địa thế và khí hậu Bernard Ollivier không đi suốt mười hai tháng mỗi năm và ròng rã bốn năm. Không , ông chỉ ra đi khoảng tháng năm hay tháng sáu dương lịch khi trời hè và đến khoảng tháng bảy hay cùng lắm đến tháng chín thì ông quay về nhà chờ năm sau tiếp tục. Năm đầu, 1999, ông đi trong hơn hai tháng, từ nửa tháng năm đến tháng bảy xuyên qua Thổ nhĩ kỳ. Năm sau, 2000, từ tháng năm đến tháng chín, từ biên giới Thổ qua Iran đến Samarcande của Oubekistan. Năm 2001, từ tháng sáu cho đến tháng chín từ Samarcande đến Turfan của nước Kirghizistan. Năm cuối cùng  từ tháng tư đến tháng bảy 2002, từ Turfan về Tràng an, Trung hoa. Bắt đầu cuộc du hành ngày 14 tháng 5, năm 1999 ông đến Trung quốc ngày 10 tháng 7 năm 2002.

Ngoài đềĐường Tơ Lụa : Cũng nên thưa thêm rằng Bernard Ollivier viết bằng ngôi thứ nhất – tôi– nhưng chúng tôi, kẻ thuật lại (chứ không dịch sát) xin phép dùng ngôi thứ ba hầu mong giữ vị trí ngoại cuộc.

Ngày xưa những đoàn thương hồ đi từ Á sang Âu (hay ngược lại) buôn bán thường theo một lối đi có tên là Con Đường Tơ Lụa. Vì sao gọi như vậy ? Vì hồi ấy lụa Tàu có tiếng tinh xảo nên người ta mang lụa sang bán ở các nước khác và mua những món hàng khác từ các nước này mang về bán lại nới xứ mình. Việc buôn bán tơ lụa đáp ứng nhu cầu may mặc cho nữ giới cũng như song song với lụa, là những ngọc ngà châu báu, cũng nhằm nâng cao nhan sắc phái đẹp. Ngoài ra người ta cũng mang theo cả gia vị, đáp ứng cho nhu cầu ẩm thực : hồ tiêu, nghệ, sả… Vì vậy lúc đầu có con đường mà giới lái buôn gia vị sử dụng (từ Tích lan, Ấn độ sang đến vịnh Ba tư) và sau là con đường tơ lụa. Sau thời kỳ phồn thịnh của Byzance thì đây là lúc mà vùng đất Trung Đông kéo dài sang các quốc gia Hồi giáo ở Tây Á (thuộc Liên bang Xô viết cũ) đến tận Mã lai, Ấn độ, Trung hoa trở thành trung tâm thương mại. Các tay buôn bán dựng các thương điếm dọc theo trục giao thông này, và các chính quyền địa phương thì vì quyền lợi kinh tế ra tay bảo đảm mặt an ninh cho những đoàn người ngựa và lạc đà thồ hàng hóa dong ruổi hàng vạn dặm đường dài mà không bị khuấy phá cướp bóc. Người ta đã khoa đại không khí yên lành trên đoạn đường đó khi kể rằng một trinh nữ đầu đội thúng vàng đi từ vùng bể Caspienne sang đến miền Đông Á mà không hề hấn gì (cho bản thân cô cũng như vàng trên đầu). Hành trình mà Bernard Ollivier theo chính là con đường có tên là Con Đường Tơ Lụa ấy.

Thoạt kỳ thủy, Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơdệt lụa sớm nhất trên thế giới vào thế kỷ 3 TCN (trước công nguyên). Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quí tộc, sau này lụa tơ tằm được đưa đi các vùng. Con đường tơ lụa dần dần được hình thành từ đó. Thật ra, con đường thành hình không bới lý do trao đổi về thương mại mà vì lý do khác. Từ thế kỷ 2 TCN, Trương Khiên nhận lệnh của Hán Vũ Đế đi về phía Tây tìm người Nguyệt Chi nhằm kết đồng minh chống lại quân Hung Nô. Trải qua nhiều gian khổ, Trương Khiên đã tìm được người Nguyệt Chi ở nơi là miền Bắc Ấn Độ ngày nay. Trên đường về ông cùng tùy tùng đã mang theo nhiều sản vật mà triều đình rất quan tâm. Nhờ đó những tuyến đường nhỏ trước đây đã được kết nối lại với nhau, nhiều tuyến mới được khai phá và an toàn hơn do được sự bảo vệ của triều đình. Tuyến đường mà Trương Khiên đã khai phá được người đời sau gọi là Con đường tơ lụa (đoạn này chúng tôi chép theo tài liệu của Wikipédia, kể cả bản đồ dưới đây). Suy ra, chúng ta thấy con đường đã được  xây dựng từ lâu nhưng phải đến khoảng thế kỷ XIII thì con đường ấy mới được khai thác qui mô trên phương diện thương mại.

Bắt đầu từ đoạn này, chúng tôi thuật lại một cách sơ lược chuyến đi của người bộ hành khác thường đó. Ông già gân Bernard Ollivier (viết tắt kể từ đoạn này là OB hay Bernard) bắt đầu chuyến đi của mình từ thành phố Venise (Venice) nước Ý. Ông để chút thì giờ đầu dạo chơi Venise và tìm theo dấu vết Marco Polo, tay phiêu lưu người Ý khi chỉ mới lên mười sáu  tuổi đã bỏ hai mươi bốn năm trời tìm sang xứ Tàu (ở lại đấy nhiều năm rồi quay về) vì chính nhóm người của Marco gồm hai ông chú và chàng cũng đã theo con đường tơ lụa mà đi. (Theo những tìm tòi mới thì ngay những loại pâtes, mì sợi làm bằng bột mì của Ý, cũng do Marco học được của người Trung hoa và truyền bá ra). Ở Venise có chuyến phà nối nơi này với cảng Izmir thuộc đất Thổ nhĩ kỳ. Trên chuyến phà này OB gặp những người bạn đầu bạc cũng có tinh thần phiêu lưu, có điều hai người nọ đi cùng nhau và bằng xe đạp, năm ấy họ dự định đi từ Gaillac thuộc hạt Aveyron  miền nam Pháp đến Jerusalem ; một người khác thì phiêu lưu đường thủy từ Địa trung hải qua Đại tây dương để về miền Bretagne, phía bắc Pháp, quê ông. Họ kháo nhau về những chuyến đi và đánh giá “thành tích” bằng những nguy hiểm mà họ phải đương đầu để đi đến kết luận : “Chuyến đi hết sẩy, chứng cớ  là  tớ chết hụt đến ba lần”. Chẳng nhằm nhò gì ! So với những người này, dự định của OB  vĩ đại hơn nhiều và cũng nguy hiểm hơn nhiều. Vừa đặt chân lên  địa phận Thổ, ông già gân liền lấy xe buýt đi ngay trong đêm để sáng hôm sau  đến Istanbul thành phố lớn nằm ngay trên địa giới phân chia Thổ nhĩ kỳ(2)thành hai phần, phần thuộc Á và phần thuộc Âu ; Istanbul nằm về phía tây, từ đó muốn qua phần đất thuộc châu Á thì phải đến Bosphore để, hoặc qua cầu xa lộ hoặc lấy phà vượt eo biển chỗ nối liền biển Marmara với Hắc hải.

 

Điểm khởi hành : Bosphore, Thổ nhĩ kỳ:

Vừa bắt đầu chuyến đi OB đã gặp khó khăn : ông tưởng tượng, khi còn ở nhà, rằng ông sẽ di chuyển theo những đạo lộ xưa và, thơ mộng hơn, ông sẽ băng qua các làng mạc thôn xóm chứ không phải là những phố xá ồn ào tấp nập. Ông đã lầm ! Chỉ mới rời chân khỏi con phà ông đã phải đối mặt với quay cuồng thị tứ ; thêm nữa, con đường dọc theo Bosphore dù không có tầm vóc của một xa lộ nó đã phải gánh vác trách nhiệm của một xa lộ. Giao thông cuồn cuộn. Các bác tài người Thổ thì chạy bạt mạng và bóp còi inh ỏi (giống Việt nam!). Lề đường chật hẹp, OB sau phút kinh hoàng đã phải chọn lề trái mà đi, theo ông nghĩ, như vậy ông có hy vọng thấy trước nguy hiểm để kịp tháo thân. Đó là một trong những điều mà người ta đã khuyến cáo khi nghe ông trình bày dự định làm cuộc phiêu lưu, ngoài bọn trộm cắp, bọn lường gạt thạo ngoại ngữ hễ thấy có khách lạ là chúng sấn đến làm quen, chuyện trò, đãi nước uống trộn độc dược ; nhóm phản loạn PKK (cách mạng Kurde khuynh hướng Mác-Lê) và cuối cùng là giống chó dữ Kangal dùng để canh giữ súc vật ở miền đông Thổ. Tất nhiên về phần ông, OB cũng chẳng phải kẻ ngây ngô dại dột gì. Ngay từ hôm đầu ở Istanbul ông đã thực hiện hai việc quan trọng : đến trình diện sứ quán Pháp ở đấy và thông báo cho họ rõ dự định của ông phòng khi có rắc rối may ra sứ quán có thể can thiệp cho ; sau đó ông đến ngân hàng mở một ngân khoản và rút thẻ tín dụng dấu kỹ dưới đáy bị hành lý hầu trong khi di chuyển nếu cần tiền thì ông có thể rút tại bất cứ máy phân phối tự động nào. Vào lúc này trí óc ông đang bị chi phối bởi không khí rộn ràng bởi những toán lính Thổ giữ an ninh dọc theo bờ nước vì họ sợ nhóm phiến quân PKK phá chiếc cầu tối tân tượng trưng cho công trình hiện đại hóa của nước họ. Kế bên bờ nước đôi khi cũng có nhà dân nhưng nhà nào cũng treo bảng khuyến cáo coi chừng chó dữ. Bao nhiêu sự kiện có tính chất đe dọa như vậy khiến OB không còn tâm trí ung dung để ý đến cảnh vật. Song song với ngoại cảnh ông nghe như hai quai của chiếc bị mang sau lưng nặng dần, nghiến cứa lên đôi vai. Điều này ông đã tiên kiến nhưng không có cách nào khác để bỏ bớt những vật dụng cần thiết cho cuộc dong ruỗi. Ngoài bộ quần áo mặc trên mình ông chỉ mang trong bị hai chiếc áo thun, một quần ngắn, một quần dài, một đôi bít tất ; một túi ngủ, một trại bỏ túi phòng che mưa nắng, một tấm chăn, đèn bấm, bàn chải đánh răng, máy ảnh bên cạnh các bản đồ, số tài liệu hướng dẫn đường đi và sách để đọc. Với chút ít thực phẩm gồm bánh mì, phó mách và trái cây cùng  một bình đông đựng 2 lít nước. Tất cả nặng 15kg.  Như tất cả những tay thể thao thường làm, ông già gân nghe ngóng phản ứng của thân thể mình : hơi đau bên sườn và ở đầu gối, đôi chân bị vọp bẻ và ông hơi hãi. Thật ra đấy là những chỉ dấu bình thường không đáng lo ngại. Định nghĩ lại ở ngôi làng mang tên là  Gumussouyou tức là chỉ cần đi sáu hay bảy cây số  trong nửa ngày còn lại sau khi ghé quán bên đường uống bát trà khỏi trả tiền, ông  thấy sức còn khỏe và ngày còn dài nên quyết định tiếp tục đến ngôi làng kế cận tên Polonez cách đấy mười cây số nữa. Sau đây là bảng thành tích của ngày đầu chuyến đi. OB đã  vượt một quãng đường dài 32 cây số, quá hơn dự định 10 cây số. Sự kiện làm OB ngạc nhiên khi đến làng Polonez là ông nhận ra nghĩa trang làng có dựng cây thánh giá lớn ; ông tự hỏi sao lại có làng thiên chúa giáo giữa xứ đạo Hồi ? Nhà ngủ chật khách, ông được một người đàn bà tên Krisha đón về nhà riêng. Ở đây dân làng có lệ cho khách thuê phòng như vậy ; với mười triệu quan tiền livres (tiền Thổ. Trời, sao mà giống tiền Việt quá, tiêu bạc triệu như chơi !) Krisha cho ông ăn tối, cung cấp giường ngủ qua đêm và buổi điểm tâm sáng hôm sau. Nhận thấy Krisha không ăn mặc như dân địa phương (đàn bà mà không quấn khăn che tóc và áo thì hở hang) ông đã chuyện trò và được giải thích rằng  vào thế kỷ 19, trong cuộc chiến tranh với Nga, một vị trùm hồi giáo của vùng đã cho phép một nhóm người Ba lan dựng ngôi làng di cư của họ tại khu rừng kế cận Istanbul. Và như vậy, từ bấy đến nay, nhóm người di cư Ba lan này sinh con đẻ cái, duy trì truyền thống Ba lan trên đất mới, họ nói tiếng Ba lan, đặt tên Ba lan cho quán ăn, phòng ngủ, tiệm buôn… và giữ đạo Thiên Chúa. Có điều khi con cái họ đến trường học thì phải học ngôn ngữ Thổ, cũng chỉ là điều đương nhiên. Nên nhớ rằng Thổ nhĩ kỳ là quốc gia hồi giáo duy nhất Âu châu (một nửa) và điểm son nơi họ là họ không để tôn giáo dự vào việc chính trị (laïcité). Họ vẫn lấy đó làm điều kiêu hãnh.

Ngày hôm sau dậy trễ nhưng vì OB đã vượt đến 10 cây số phụ trội hôm trước đó nên ông nhẩn nha, vả lại, phải từ biệt một người đàn bà đã săn sóc mình chu đáo ông cảm thấy một cú nhói nhè nhẹ trong châu thân. Vừa ra khỏi làng không xa ông đã nhận ra một quán ăn có bày bàn dưới gốc những cây sên. Tuy quán lá đơn sơ nhưng thực khách lại ăn mặc chững chạc, gần như đồng phục : sơ mi trắng, quần sẫm màu và đa số có mang cà vạt. Người Thổ lưu tâm nhiều trong phục sức. Ngược lại với bề ngoài tươm tất của họ, OB mặc quần ngắn, cả áo lẫn quần đều nhầu nhò bẩn thỉu lại đội chiếc mũ rộng vành, chiếc bị đỏ trên lưng thêm cây gậy trên tay đề phòng bọn chó dữ, đã khiến chủ quán hồ nghi. Đến ngồi vào một bàn gần các thực khách tươm tất kia, ông liền bị chủ nhân lôi ra xa, ấn ngồi xuồng ghế một bàn riêng. Phần nhiều khách đều đi xe, trong khi đã có bộ dạng khả nghi, OB lại đi bộ khiến họ quan sát ông và thì thào bàn tán. Mặc họ, ông cứ chén cái đùi trừu nướng của ông đã. Cuối cùng thì thái độ đám đông cũng dịu đi, chủ nhân mon men lại đặt vài câu hỏi. Được thể ông trả thù, giả vờ không hiểu những câu hỏi thông thường của họ mà ông đã học thuộc lòng rồi, đại khái là anh ở đâu đến và định đi đâu. Ông lợi dụng đặt câu hỏi xem có khách sạn nào quanh đây không thì chủ nhân gật đầu: “ Có, ở Keumurluk ” Vậy là ông hăng hái ra đi. Khi ông vừa đến quãng đường có con đồi đi xuống, bên cạnh có bãi biển thỉ một chiếc jeep nhà binh chạy ngang qua. Thấy ông đi bộ một mình, chiếc jeep đã vượt quá bỗng thụt lui, những khuôn mặt trong xe quay về phía ông. Tài xế xuống xe đứng bên phải mũi xe, ý chừng anh ta hờm súng và sẵn sàng nhả đạn. Bernard lấy thái độ bình thản nhất đi đến phía họ. Một kẻ trong bọn ra dấu đòi xem giấy tờ, sau nhận ra đấy là một người ngoại quốc bèn đòi xem thông hành. Ông khai ông từ đâu đến và sẽ đi đâu trong ngày : về Keumurluk ! Những người lính lập tức sắp xếp để ông có chỗ ngồi trên xe vì họ cũng về đấy. Bernard lắc đầu : tôi đi bộ. Suốt chiều hôm ấy ông gặp lại họ nhiều lần, những người lính vẫy tay ra dấu chào. Đến 5g chiều thì làng Keumurluk hiện ra, ông vào hỏi xem phòng ngủ nơi nào, mọi người lắc đầu. Ông hiểu rằng ông bị trả thù vì không chịu trả lời các câu hỏi tò mò khi sáng lúc dùng cơm trong quán. Làm thế nào bây giờ ? Một làng khác gần nhất có chỗ trọ ? Có, không xa đây. Nhưng khi nhờ người ta chỉ vào bản đồ và nhẩm tính thì  ông biết rằng phải đến 30km. Khi hỏi đường mọi người đều đáp không xa đâu chỉ chừng 15 phút nhưng phải hiểu rằng 15 phút xe tương đương bao nhiêu giờ đi bộ. Ông lấy làm lạ là ở một xứ mà người dân không có lắm xe, họ lại cứ luôn luôn tính theo tốc độ xe. Đang băn khoăn chưa biết xử sao thì một kẻ đến kéo tay ông, vậy là ông ngoan ngoãn đi theo thôi. Đến một ngôi giáo đường được ông Imam (tương đương với chức cha xứ đạo Thiên chúa) tên là Ibrahim đón tiếp bằng anh ngữ welcome nhưng khi Bernard trả lời bằng tiếng Anh thì ông ta tịt. Chắc vốn liếng chỉ có chừng ấy. Tại chân cầu thang, mọi kẻ tò mò dừng lại, trầm trồ, nhường chỗ cho khách cùng Ibrahim bước lên căn phòng rộng. Mọi người cởi dép trong nháy mắt còn OB thì lúng túng với những sợi dây giày. Căn phòng, theo lời Ibrahim giải thích bằng tiếng Thổ pha vài từ Anh ngữ, dành dạy giáo lý cho trẻ em, có chiếc ghế sô-pha có thể kéo ra để làm thành chiếc giường cho khách trọ. OB ngỏ lời muốn thăm nhà thờ. Một cái vẫy tay của giáo chủ, lập tức có người mang đến chiếc áo dài vì OB mặc quần cộc như vậy không hợp cách. Sau khi thăm viếng và ăn uống, mặc cho những vết thương gây ra vì chiếc bị nặng sau lưng và những cọ xát của đôi chân đi suốt ngày dài, OB ngã ra ngủ ngon lành. Sáng hôm sau, quá năm rưỡi sáng, ông đã từ giã lên đường. Ngang qua nhà thờ gặp người già vừa ra sau khi tan lễ sáng mời ông ghé nhà uống trà, họ nói chuyện bằng ngôn ngữ của hai cánh tay nhưng OB cũng nắm được ý nghĩa câu chuyện đại loại : “Tao(3) không hiểu sao mày phải khổ sở như vậy. Nếu muốn du lịch xa thì mua một chiếc xế như tao đây (trỏ chiếc xe xập xệ ngoài rào) chứ tuổi tác như thế mà còn đi bộ… Này vào đây làm bát trà đã” OB lắc đầu từ chối bát trà và cả lời khuyên. Ngôi làng mang tên Karvansarai hãy còn ngái ngủ khi ông băng qua. Mặc dù mang tên như vậy(4) người ta không tìm thấy trạm xá hoặc chốn trú đình nào cả. Vừa ra khỏi làng Bernard trông thấy nhóm trại lụp xụp ven đường, trên khu đất trống. Khoảng mươi người tụm nhau trong ba chiếc lều mà hai chiếc chỉ được che bằng những tấm nhựa trong. Giữa trại một người đàn bà trộng tuổi ngồi nhúm lửa. Một trong những người đàn ông trông thấy Bernard, vẫy tay gọi : “Vào đây uống trà”. Ông đi đến. Người đàn ông trưởng nhóm cười toe toét, ông ta tìm cái nệm lót cho khách ngồi, trong khi con trai ông giúp khách tháo bị mang vai. Xa xa chỗ họ ngồi là một  đống chổi đang được bó cho thấy nghề nghiệp của họ. Bọn họ gồm ba người đàn ông, bốn người đàn bà và một đứa bé. Ngoài người mẹ già, ba người thiếu phụ sống ngay tại đấy. Họ trẻ, đẹp chỉ quàng sơ một chiếc khăn bao tóc(5) , ăn mặc khá sạch sẽ dù cuộc sống vật chất bấp bênh. Tục lệ của dân du mục là hiếu khách vì vậy họ xem việc tiếp đãi OB như một vinh dự. Ông ngồi với họ nửa giờ đồng hồ để uống trà. Ông chụp một số ảnh cho họ, rủi thay, họ không có địa chỉ nhất định để ông gửi biếu sau này (vì họ là dân du mục).


(1)  Tác giả “Longue Marche (Chuyến đi dài)  Editions Phébus, 2000 mà tôi sẽ dựa vào đấy để thuật chuyện ởđây. Bộ sách gồm ba cuốn tổng cộng hơn nghìn trang kể lại cuộc bộ hành dài 12 000km từ  ngày 14/5/1999 khởi điểm là Istanbul, Thổ nhĩ kỳ đến ngày 10/7/2002 vào Tràng an thuộc Trung quốc. Đây chỉ là một loại du hành ký không nặng chất văn chương nên chúng tôi không dịch mà chỉ lược thuật.

(2) Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích gần 780 000km2 tức hơn hai lần diện tích nước ta với 74,8 triệu dân ; tổng sản lượng : 592 tỷ đô la ; bình quân đầu người : 8 020 đô la với tỷ số lạm phát 10,3 . Nguồn : Bilan du monde 2009,Le Monde

(3)  Nhiều ngôn ngữ không chỉ định rõ ràng ngôi thứ ; chúng tôi tạm dịch như vậy theo nghĩa thân tình giữa hai người ; hơn nữa, theo tinh thần Hồi giáo người ta coi nhau như anh em nên « mày/tao » không có nghĩa xấu

(4)  Caravansérail trong Pháp ngữ có nghĩa là trạm nghỉ chân dành cho những đoàn lữ hành

(5)  Theo tục lệ của người theo đạo Hồi thì phụ nữ phải mang mạng che mặt, có khi che kín cả người, chỉ chừa hai mắt

9 thoughts on “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA P. 1”

    1. – “Thanh niên gì đâu”…nè bác Lai Bình!
      hihi…

      – “Không một xu dính túi, anh ta đã băng qua bốn châu lục, trải dài từ Châu Âu đến Nam Mỹ và cuối cùng là đặt chân lên Nam Cực. Đây là câu chuyện về sự nỗ lực tuyệt vời của một chàng trai trẻ đã vượt qua 40.000km, trong một chuyến du lịch mà chi phí tổng thể là: 0 đồng.”

      http://vn.news.yahoo.com/blogs/dulichsnoopblogs/kh%C3%B4ng-xu-d%C3%ADnh-t%C3%BAi-v-n-v%C3%B2ng-quanh-230041507.html

  1. Bài lược thuật, đọc thú vị quá Bác Túy ơi! Còn tiếp…phải không bác, vì những dòng kết thúc entry này làm người đọc hơi hơi bị…hụt hẫng?

    – “Ngoại trừ những kẻ thích hưởng thụ thích vui chơi thì đấy là lúc nên tận hưởng khi họ còn đầy đủ sức khỏe, nhưng cũng có những người mong làm những việc có ý nghĩa hơn, ít ra là có ý nghĩa với chính họ.”

    Đọc đoạn trên, Bảo Vân cháu sực nhớ tới một thông tin cũng vừa mới đọc sáng nay…
    “Khi bác sĩ thông báo không còn sống được bao lâu, ông Derek quyết tâm thực hiện mơ ước của mình.”

    – Người đàn ông ung thư đạp xe 30.000 km
    http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/nguoi-dan-ong-ung-thu-dap-xe-30-000-km-2958872.html

  2. Em thì thích đọc đoạn đầu tiên có nét chữ nghiêng nghiêng hơn, giống như lời tâm sự chân tình của người đi trước.

Leave a comment