Mưa mùa hè

Sáng nay tôi ngồi nghe nhạc về mưa cả tiếng đồng hồ. Mấy tuần nay mưa nhiều. Có một đôi ngày nóng nhưng vài cơn mưa tiếp theo làm nhiệt độ dịu xuống. Đêm qua vẫn còn đom đóm bay, trời ẩm hơi mưa, làm tôi thèm nghe về mưa mùa hạ. Thức giấc nửa đêm nghe tiếng mưa vọng, mưa rơi trên mái nhà, mưa lướt từ xa rồi rào rạt bay đến gần, tạt vào cửa sổ nghe như ai rải cát. Mưa đêm thường gợi bâng khuâng. Hơi lạnh làm mình muốn quấn mền nằm nghe nhạc, và làm thơ.

mưa triền miên

Bound Brook vùng lân cận giáp ranh với chỗ tôi ở, vốn là vùng trũng bên cạnh Raritan River, con sông lớn của NJ, có con đường chính tên là Main Street đã bị chìm dưới 4 feet (1.2m) nước. Hơn mấy trăm gia đình phải bị đi di tản. Nghe nói là mưa kéo dài đến thứ Ba và sau đó thời tiết sẽ ấm đến gần 60 độ. Nhưng bây giờ thì mưa vẫn còn giọt vắn giọt dài. Hạt mưa vẫn triền miên.

Mưa

Mưa liên tiếp từ hồi thứ Năm. Suốt ngày suốt đêm mưa trút xuống như cơn lũ.  Tối qua gió bay vùn vụt bên ngoài. Nước từ trên đồi và nhà bên cạnh cao hơn nhà tôi tràn sang sân ngập nước.  Nước chảy ào ào qua những lỗ thoát nước gắn trong bức tường chắn giữ cho đất không sụp phía sau nhà.  Nước chảy trên đường như những con suối.  Sáng nay vẫn mưa nhưng nhẹ đi.   Cây lá bị nước cuốn trôi tràn ngập trên đường đầy vẻ xơ xác và bẩn thỉu.  

Hôm qua tôi đi thư viện trong cơn mưa mù trời.  Mang về quyển sách War is a Force that Gives us Meaning, Chiến tranh là một sức mạnh làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa.  Quyển sách này là của Chris Hedge.  Nghe nói đây là quyển sách người ta đã dùng để phát triển ý để làm nên cuốn phim mới vừa được giải Oscar.  The Hurt Locker.

Trong cơn mưa tôi cũng tạt ngang Borders mua cuốn phim này.  Định bụng đọc xong quyển sách rồi mới xem phim để viết một bài điểm phim.  Làm điều này là đi ngược với bản chất của tôi.  Tôi không thích xem phim chiến tranh, nó tàn bạo quá, ghê gớm quá, đau đớn quá, ảnh hưởng đến tâm hồn tôi, làm tôi bức rức xót xa mà không làm gì được.  Những chuyện buồn phiền đau đớn như thế này biết làm gì.  Biết thế nhưng vẫn làm.  Có lẽ từng bước một tôi dẫn tôi quay về với chiến tranh Việt Nam.  Quay về để hiểu để đau đớn để bức rức mà chẳng làm gì được.  Tôi lảng tránh điều này đã mấy chục năm vì biết sự bất lực của mình.

Suốt đêm qua tôi chỉ nằm co trên ghế sô pha xem chương trình du lịch xứ Ireland.  Liên tiếp từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối chỉ toàn chiếu phim về Ireland trên chương trình tv công cộng, có lẽ vì đến ngày Saint Patrick’s Day.  Tôi xem và tôi mơ một chuyến viễn du đến những nơi xa lạ.

Mưa nên hôm nay ngồi nhà dịch tiếp vài trang trong quyển Ngàn Cánh Hạc.  Dù quyển Xứ Tuyết được người ta xem là quyển hay nhất của Kawabata, tôi lại thích Ngàn Cánh Hạc hơn.  Cả hai quyển này ông đều bắt đầu bằng sự chú ý đến một vẻ đẹp tinh khiết của một người con gái trẻ nhưng cả hai nhân vật đều bị cuốn vào cơn lũ của cái tăm tối tội lỗi của con người, của chính nhân vật và hoàn cảnh.  Tình yêu dường như không đặt đúng chỗ.  Người ta dường như không cưỡng lại được những ràng buộc và những diễn tiến tình cờ.  Trong Ngàn Cánh Hạc nhân vật chính có tình cảm hơn, ấm áp hơn nhân vật chính trong Xứ Tuyết.  Cả hai truyện đều nói về số phận của người đàn bà trong một xã hội mà họ chỉ là đồ chơi.  Những nhân vật nữ đều yêu người đàn ông quá mức, họ yêu đến độ họ quên chính bản thân của họ.  Một điều đáng đau buồn là người đàn ông không muốn nhìn thấy cũng không muốn nhận tình yêu này.  Cả hai nhân vật trong Xứ Tuyết và Ngàn Cánh Hạc đều hưởng thụ tình yêu và sự phục vụ xác thịt các nhân vật nữ dâng tặng họ.  Họ đắm chìm trong xác thịt, hưởng thụ nhưng lòng họ mơ hồ hướng về một bóng dáng khác, cao thượng hơn, ngoài tầm tay của họ.  Có lẽ bóng dáng đó cao thượng hơn chỉ vì họ vẫn chưa với tới.

Thành phố mưa bay

Bảy giờ sáng trời vẫn còn tối mịt mờ.  Đêm qua mưa suốt đêm.  Nước trên đồi chảy xuống nghe ào ạt như những con suối nhỏ.  Mưa từ chiều hôm qua lúc tôi đi làm về.  Mưa thu lạnh lẽo ẩm ướt đầy vẻ ảm đạm.  Về nhà mở nhạc lại tình cờ nhằm một bài hát cũ: Thành phố mưa bay.  Tôi không biết bài hát này là bài hát trước năm 75, có lần nghe một ca sĩ trẻ sau này hát tôi cứ ngỡ là bài này mới được viết ra.  Rồi tối qua nghe Elvis Phương hát mới biết.  Bàng hoàng vì giọng của Elvis Phương rất hay, hay hơn là cái giọng hát trong trí nhớ bắt đầu mụ mẫm của tôi.  Bài hát thật ngọt ngào có lẽ vì hợp với không gian.  Có những chiều thành phố mưa bay.  Công viên buồn tượng đá cũng buồn  Rồi lại thêm cuộc tình đó đã thoát xa tầm tay.  Tiếng hát em còn đây tơ vương lệ thấm đầy.  Tình còn say men ái ân chiều ấy.  Bóng dáng em từ nay đã khuất sau trời mây.

Có nhiều bài hát ngày xưa bị chê là “cải” hay “sến,” tuy nhiên xa nhà, xa quê hương tôi bỗng thấy nó ngọt ngào, bình dị, nói lên được cái tình tự của quê hương và dân tộc.  Hay có lẽ vì thời gian trôi qua, tôi già đi nên hiểu đời hơn và hiểu mình hơn, và vì thế tôi không còn e ngại những phán đoán người khác đặt lên mình, không còn bị ý kiến của người khác lung lạc, nên tôi dám công nhận sự thưởng thức của cá nhân tôi?

Mưa

Mưa từ khuya.  Thức giấc lúc 4 giờ sáng đã nghe mưa to tầm tã ầm ĩ.  Và mưa suốt ngày hôm nay.  Trời không mấy lạnh, chừng 17 độ C nhưng trong văn phòng máy lạnh chạy, xe lửa máy lạnh, và tôi vì điệu hạnh mặc váy trắng đi làm (có mặc áo dài tay đàng hoàng) nên lạnh.  Buổi sáng buổi chiều băng qua đường, từ building này qua building kia bị mưa đủ ướt chân.  Về đến nhà thấy nhiệt độ trong nhà 24 độ C vậy mà thấy lạnh.  Ngâm nước nóng, mặc quần dài áo dài tay, bây giờ thấy dễ chịu. 

Có nhiều đêm thức khuya ngó ra sân sau là cánh rừng tối đen.  Tôi thấy bóng tối bao giờ cũng có vẻ huyền hoặc, đôi khi quyến rũ vì những điều mình tò mò muốn biết. Chợt nhận ra mình như người suốt ngày ở trong ánh sáng nắng gắt chói chang, bóng tối luôn cho chút gì yên tĩnh, vắng lặng cần thiết đễ suy ngẫm.

Nghe mấy bài hát.  “Nói cho nhiều cũng vậy thôi.” Và “nói cho vơi đi những tội tình.”

Mưa suốt đêm qua

Mưa suốt đêm qua.  Bắt đầu lúc 1:30, khoảng đó, không chắc lắm; và rơi xuống với tất cả cuồng nộ dự trữ bằng độ ẩm và cơn nóng hơn 90 độ F liên tiếp mấy ngày nay.  Mưa như sấm dội lên cửa sổ và mái nhà.  Tự hỏi nếu mưa này rơi lên mái tôn thì tiếng động lớn hơn bao nhiêu lần.  Còn nếu như rơi lên mái ngói đầy rêu phong? 

Hai giờ khuya đói ngấu.  Đi ngủ lúc 8 giờ rưỡi.  Bò dậy ra khỏi giường nướng hai miếng bánh mì uống ly sữa nóng.  Đánh răng vào ngủ tiếp sau khi trằn trọc.

Thức giấc lúc năm giờ nằm nghe mưa, vẫn còn mưa nhưng cơn cuồng nộ đã qua.  Giờ, mưa như là những giọt nước mắt của cơn hờn tủi nhưng không còn thịnh nộ.  Lại đói nhưng lười không dậy.  Nằm cho đến hơn sáu giờ.

Bây giờ, khoảng sân, tuần trước đầy nắng, tối om ướt đẫm có những sợi ivy đã nhuốm màu vàng làm tôi sợ hãi mùa hè cháy bỏng của tôi sắp bỏ tôi mà đi.

Nghĩ về những chi tiết của một truyện ngắn muốn viết nhưng chưa có thể viết.  Nghĩ về bài tạp ghi về cái đẹp.  Nghĩ về hơn một trăm truyện ngắn tôi đã đọc và đang đọc lại lần thứ nhì mà tôi vẫn chưa tìm được một chủ đề tôi có thể viết ít mà vẫn giới thiệu được với độc giả một phần của cuộc đời văn học miền nam từ năm 55 cho đến 75 một cách hiệu quả.

Nhận lời mời của một cuộc họp mặt.  Thế là sẽ mất toi ngày Chủ Nhật không được đọc và viết.

Sáng Chủ Nhật Trời Mưa

Mấy hôm nay, tôi nhớ mẹ tôi quá.  Đêm trăn trở mãi nên sáng nay thức dậy sớm.  Bây giờ thì ngồi đây nghe mưa.

Thời tiết năm nay khá dễ chịu.  Số ngày nóng đến 90 độ F (32 độ C) chỉ có một hay hai ngày.  Còn thường thì 24 hay 25 độ C.  Buổi trưa ra đường thường có gió nhẹ.  Thật ra mà nói 24 hay 25 cũng là khá nóng nếu đi bộ chừng một giờ đồng hồ.

Hôm qua đến Borders hiệu sách gần nhà chủ yếu là mua hai quyển Cosmopolitanism và Outliers.  Nhưng bao giờ cũng vậy, tôi luôn mua rất nhiều sách mà không chủ tâm mua.  Mua một phần là vì đó là sách tham khảo.  Và đôi khi sách bán hạ giá bất thình lình.  Tôi mua một lô sách trong đó có quyển A Thousand Splendid Suns của Khaled Hosseini.

Tôi đọc quyển The Kite Runner đã lâu.  Đi cùng chuyến xe lửa với tôi có một người phụ nữ Mỹ.  Cô có chiều cao trung bình, hơi giống Camryn Manheim nữ diễn viên trong chương trình TV The Practice.  Vì không biết tên cô, có lẽ cô có nói nhưng tôi không nhớ, cũng như cô không nhớ tên tôi, vì thế tôi gọi cô là Camryn.  Camryn thường đọc sách.  Và cũng như bao nhiêu phụ nữ khác nếu người ngồi gần cô nói nhiều nói to thì cô không ngần ngại gì mà trách phiền chứ không như tôi im lặng mà tức tối.  Thấy tôi hay đọc sách cô hỏi tôi đã đọc The Kite Runner chưa.  Khi tôi trả lời là chưa và hỏi nó có hay không cô nói đọc đi tôi nghĩ là bà sẽ thích.  Lúc ấy cô đang đọc Da Vinci Code cũng là quyển sách mà tôi thấy rất hay.  Tôi đọc The Kite Runner và điều mà quyển sách thu hút tôi ngay tức khắc là niềm kiêu hãnh về dân tộc của tác giả thể hiện thật rõ ràng trong trò chơi thả diều.  Rằng người Afghanistan (A Phú Hãn) vốn không dễ tuân theo luật lệ hay chịu bị khuất phục dễ dàng.  Nhào vô, đánh, chịu đau, lì, và chiến thắng.  Họ đã trị cho Nga và Anh biết tay của họ.  Tôi nghĩ tác giả còn muốn nói nhiều nhưng vì muốn bán sách nên anh dừng ở đó.  Quyển The Kite Runner là quyển sách rất hay tuy nhiên nửa phần sau có vẻ thương mại hóa vì thế tôi ngần ngại không muốn đọc quyển thứ nhì A Thousand Splendid Suns.  Tôi sợ tác giả đuối hơi, tôi sợ phải đọc lại một quyển na ná giống The Kite Runner nhưng không hay bằng The Kite Runner.  Tôi sợ mình mất thì giờ chỉ để thất vọng.  Thế mà hôm qua vào tiệm sách thấy trên quầy sách hạ giá có quyển A Thousand Splendid Suns giá chỉ có 4 đô la.  Dẫu biết tôi có thể mượn ở thư viện nhưng nếu đọc sách thư viện thì không thể ghi chú nhận xét của mình mà ghi giấy rời thì mất thì giờ đi tìm, còn không phải lúc nào tôi cũng mang computer theo.  Để đây bao giờ có dịp sẽ tặng bạn nào thích đọc tiếng Anh.

Sau khi đọc quyển Tuyết của Orhan Pamuk, tôi có ý muốn đọc thêm về các tác giả của các xứ Hồi Giáo bởi vì tôi có cảm tưởng các cuộc chiến tranh với các quốc gia này giống với chiến tranh Việt Nam.  Do đó có quyển sách này sẵn chắc là sẽ đọc.

Mấy hôm rày đã đọc hết quyển tuyển tập văn miền Nam I và đang đọc quyển II.  Hy vọng sẽ viết được một bài điểm sách. Viết về sách Việt Nam rất khó!